Bọn trẻ lóc chóc nhảy chân sáo đến cửa kiôt bỏ không lọt thỏm trong ngách chợ. Chiều ngang chưa đầy một mét, chiều dài chắc cỡ mét tư. Cửa kéo lúc nào cũng mở to, đủ để bất kỳ ai cũng có thể vào ra dễ dàng. Mấy chiếc bình chữa cháy dựng trong góc phòng, bên cạnh là xô và xẻng.
– Đây là thứ làm nên điểm khác biệt giữa chợ này và các chợ khác. Nếu chẳng may có hỏa hoạn, đây sẽ là vũ khí của mọi người để chiến đấu với thần lửa.
– Chị ơi. Chị đã bao giờ thấy ông thần lửa chưa?
– Sai. Thần lửa là một bà già!
– Thôi thôi, nam hay nữ thì hắn đều nguy hiểm.
Tôi nhanh chóng can ngăn cuộc cãi vã giữa hai đứa trẻ, không để chúng biến thành vụ đánh nhau. Nhớ ngày trước, mấy đứa con nhà bác Dung bán đồ khô đùa nghịch, dám lấy giấy ra hàng thịt nướng để đốt. Hậu quả, một đứa bỏng tay, một đứa cháy áo.
Chợ Đông Thắng. Cái tên cũng chẳng có gì đặc biệt, giờ trở thành một điểm cần lưu tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy của huyện. Vốn dĩ, đây cũng không được gọi là chợ huyện, vì quy mô không lớn bằng. Cũng chỉ bởi có đặc sản thịt nướng thơm lừng nức tiếng gần xa. Tôi là con nhà bố Hồng thịt quay đây. Ông ấy bây giờ chỉ ở nhà nghỉ ngơi, để lại tiệm cho đứa con gái vừa tốt nghiệp cao đẳng quản lý.
– Cháu có thể đi dạy học, sao lại bán hàng trong chợ?
– Cháu mà nghỉ thì chợ này mất đi 50% sự nổi tiếng đấy, ông không biết à?
Tôi nhanh chóng trả lời ông Tây nói tiếng Việt khá thạo, rồi với tay lấy mấy xiên thịt cho lên bếp. Than hoa nướng thịt thì chỉ có chuẩn. Tôi cũng đã thử nướng bằng chảo điện hiện đại, nhưng chất lượng chẳng ra sao. Khách hàng bây giờ sành mồm lắm, ăn đồ không chuẩn là họ nói lời “bai bai” luôn. Ông Tây gật gù thích thú, miệng vẫn nhai miếng thịt heo nướng, tay kia cầm rịt con điện thoại được gắn trên cây gậy, giơ xung quanh thích thú.
– Có vẻ ông sống ở Việt Nam đã lâu?
– Thỉnh thoảng ông qua chơi. Ông học tiếng Việt vì ấn tượng với văn hóa Việt Nam thôi.
– Ra vậy, thế ông làm nghề gì?
– Như cháu thấy, ông là người làm vlog.
– Cháu không cần nổi tiếng. Cháu chỉ cần nơi này bình yên thôi.
– Thế bao nhiêu người ở đây biết cách mở bình chữa cháy?
– Cháu chắc là ít lắm.
– Họ có được tập huấn không?
– Có ạ. Nhưng chắc họ quên rồi.
Mặt ông John trầm ngâm giây lát, rồi nhanh chóng lấy lại vẻ tươi cười của một khách du lịch đã đi qua nhiều nước. Có vẻ ông ta nghĩ tôi lạ lắm khi vẫn giữ thái độ bàng quan trước người đến từ phương Tây xa xôi. Thông thường, ai cũng niềm nở cơ mà?
Tìm hiểu cách mấy cũng không thể hiểu được đâu ông ạ. Dù ông có biết nơi đây đã từng xảy ra hỏa hoạn. Dù ông biết hơn nửa số bà con không gượng dậy được. Dù ông biết người quý giá với tôi đã ra đi. Đấy. Quá khứ chỉ thế thôi. Biết được bề mặt mà không biết được trái tim. Chẳng biết từ lúc nào, nơi đây biến thành như thế. Ở đây có một nỗi sợ. Nó len lỏi trong từng viên gạch lát nên cái chợ mới này. Trong rãnh thoát nước là một màu xám đen, không ai dám nhìn xuống đó, vì không ai biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Trong ký ức màu đen ấy, tôi cũng chỉ là con người nhỏ bé trong cuộc chiến không cân sức.
* *
*
Chợ có bốn dãy to và hai dãy nhỏ. Còn một loạt hàng ăn ở rìa ngoài khu nhà nữa. Vậy là đủ cho một chợ truyền thống điển hình. Mỗi sáng, tôi cố sức ních căng bụng ở dãy hàng thiên đường ấy. Cũng chỉ còn vài ngày nữa là một năm từ khi tôi kết thúc quãng đời sinh viên. Tự hào lắm đúng không? Cha cả ngày nướng thịt. Khói than càng ám đen trên người, trên mắt cha, tôi có thêm một chiếc lông vũ đắp nên đôi cánh vào đời. Cũng tự hào. Cũng sung sướng. Tôi yêu cái cảm giác thích thù của khách khi được ăn miếng ngon. Tôi ghét sự lộn xộn và mùi lửa. Đúng, mùi lửa, thứ tiễn người mẹ tôi yêu ra đi quá sớm.
Vạt mưa từ đâu trút xuống, biến khu chợ thành một tòa thành đúng nghĩa. Có nhà cửa, có hào nước xung quanh. Bên trong chợ, vài tiểu thương cũng có thú thưởng ngoạn đặt mấy chậu cây cảnh. Được cái lương thực trong đây nhiều, cũng trụ được cả tháng nếu có “biến”.
– Đúng là suy nghĩ ngây thơ đấy cô bé ạ.
– Thế nào mới là đúng hả ông John Trắng?
– Ông là John White, và cái bụng ông thì rỗng như tờ giấy trắng. Khi giấy gặp lửa, nó sẽ biến mất. À không, nó sẽ chỉ thành tro thôi.
– Ông làm cháu sợ.
– Sự thật còn đáng sợ hơn nhiều và ông tin cháu hiểu điều đó.
Tôi quay lại nhìn xung quanh chợ. Một tòa nhà khép kín, bên trong là mấy chục sạp hàng. Dãy kiôt đằng kia san sát. Nếu lửa đến, không gì có thể đuổi kịp. Nước xa không cứu được lửa gần. Lửa đầy trước mắt. Thời gian không khiến con người quên đi hoàn toàn mọi thứ. Ký ức đêm kinh hoàng. Ký ức chôn chặt trong tim. Chợ khá sầm uất, người tứ phương buôn bán vào ra. Lúc đó, tôi vẫn là con bé chưa lớn. Tôi không phải đối tượng bị đổ tội, nhưng nhìn những cặp mắt buồn tủi, rồi những đôi tay nắm chặt kia mà xem. Chỉ một đêm, khu chợ tan tành. Thứ xám tro nguội lạnh. Chợ khép kín như lâu đài, nơi bà con vẫn đùa với nhau, có cướp đến cũng chả làm gì được. Bốn bờ tường bao kín xung quanh, dãy kiôt tựa nhau san sát. Trong cái không khí ám u và nóng nực ấy, tôi đã trôi qua thời con trẻ. Tiểu thương đến rồi đi, mang theo những người bạn ấu thơ. Lũ trẻ hồn nhiên, tinh nghịch, không gian chợ là đủ với chúng tôi rồi. Đâu phải nhà nào cũng có người trông trẻ ở nhà, đâu phải đứa trẻ nào cũng nhút nhát nằm trong chiếc võng ở kiôt mà ngủ suốt ngày? Chúng chơi, chúng nghịch, chúng chạy nhảy xung quanh với đôi chân háo hức.
Lũ trẻ là những sinh linh chưa có đủ nhận thức. Nhưng làm sao khác được trong cái cuộc sống bám vào chợ mưu sinh? Ông quản lý chợ cũng một hai lần đọc thông báo trên huyện gửi xuống. Rồi cũng có anh công an đến huấn luyện cho bà con cách dùng bình chữa cháy. Buôn bán suốt ngày nhanh chóng xóa đi thứ kiến thức chẳng ai nghĩ sẽ phải dùng đến. Pháo đài tưởng bình yên lắm, bỗng chốc biến thành tro bụi. Chỉ còn vài viên gạch cháy đen được lũ trẻ dùng làm đồ chơi lúc trước. Con thú bông màu xanh lá, nó là con mèo máy có phép màu, mơ ước của cả lũ trẻ con, chỉ còn cái bụng to và chiếc túi thần kỳ đen nhẻm. Chỉ một người chết. Bà ấy cố thoát ra khỏi cái khe hẹp.
– Đúng ra, cái kiôt nhỏ này không nên có mạng nhện.
– Cháu còn biết làm gì đây? Cháu có thể dọn dẹp, nhưng chẳng ai dùng nó. Rồi ai biết đến một ngày nào đó nó sẽ có một chút tác dụng, nhưng chẳng ăn thua gì với lửa?
Lần đầu tiên tôi to tiếng với một người già. Trong lúc lý trí bay theo ký ức đớn đau, tôi không còn giữ được bình tĩnh. Trong lúc nhìn từng người chạy tán loạn ra khỏi khu chợ, tôi đã ước cái chợ kia to hơn một chút, thoáng hơn một chút. Mà ông John đã kể những gì vậy? Ông ấy muốn an ủi, hay bảo tôi phải rút ra một bài hịch nào đó?
Con trai ông ấy là một nông dân. Bên nước họ, làm nông dân cũng có nghĩa là có một trang trại. Đó là giấc mơ lớn nhất tôi từng có. Tôi muốn một ngày nào đó, tôi sẽ không còn đứng bán thịt nướng ở đây. Thứ đặc sản này cũng chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra vụ cháy ngày trước. Không phải tôi, nhưng là một người nào đó. Không phải người lớn thì cũng là đứa trẻ nào đó. Lửa đã bao trùm thì tất cả đều vô nghĩa. Chẳng phải vì thế mà con người nghĩ ra trăm phương ngàn kế để chống chọi với thần lửa đó sao? Hắn có thể không độc ác mà chính con người đã dâng tính mạng và của cải cho hắn.
Giống con trai ông John. Bên đó, nông dân đem sản phẩm của mình ra chợ bán. Chợ phiên, tổ chức vài lần một tháng, còn mua nhu yếu phẩm thì ở siêu thị. Thật khác với Việt Nam. Ông chỉ kể, rồi cho tôi xem clip, vậy mà tôi đã mường tượng được sự náo nhiệt và không khí ở đó nữa. Hàng chục người bán hàng quây quần xung quanh khu nhà lớn. Với danh tiếng của thị trấn, hàng vạn người tỏa ra hơi nóng. Chà, cũng náo nhiệt khác gì bên mình? Kiôt, quầy hàng của họ cũng san sát thế, cũng đâu có chừa một lối đủ xe máy đi? Không, nhìn kìa, trên tường, rồi bên ngách thấp thoáng bình cứu hỏa. Chưa hết, hộp cứu hỏa cũng xuất hiện trong những bức ảnh. Vậy tại sao vẫn xảy ra cháy?
– Là do con người, cháu ạ.
– Chẳng lẽ một hội chợ ở đó lại dễ dàng xảy ra cháy vậy sao ông?
– Đúng vậy. Cho dù chúng ta không cố ý thì cũng không tránh khỏi một sự việc ngẫu nhiên. Trong cái ngày đáng quên đó, ông thấy một đứa bé. Hình ảnh đó ông không bao giờ xóa đi khỏi tâm trí. Đến khi đám cháy được dập tắt, khu chợ của thị trấn chỉ còn lại màu đen và xám.
Người đàn ông già lặng im, mở cho tôi xem những bức ảnh cuối cùng. Khi cơn hoảng loạn qua đi, hai người chết và năm người bị bỏng nặng. Khu chợ khá hiện đại, có vô số bình chữa cháy, có hệ thống báo cháy tự động. Và điều gì đã xảy ra thế kia? Kết cục cũng giống như chợ Đông Thắng của mình. Tôi mở một thư mục có tên “love”. Hai người đàn ông đang cầm bình chữa cháy hướng dẫn người trong chợ sử dụng. Rồi clip huấn luyện chữa cháy lóng ngóng của người dân. Ở đâu cũng thế thôi, khi con người chỉ biết sống cho bản thân mình, khi nỗi đau quá khứ dần phai nhạt nhưng người ta không cố gắng để tránh thảm cảnh lặp lại, thần lửa sẽ ghé thăm một ngày nào đó.
Ông già ngoại quốc và cô gái bán hàng cùng lặng lẽ treo lên một tấm biển ở kiôt bỏ không. Bên dưới dòng chữ “Kiôt tình yêu” là bảng thông báo các buổi tập luyện kỹ năng phòng cháy và chữa cháy. Tại đó, chính người trong cuộc sẽ kể lại nỗi đau từ thảm cảnh trong quá khứ để cảnh báo cho người hiện tại và tương lai.■
Truyện ngắn của ĐINH THÀNH TRUNG