web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

NHỮNG TRÒ CHƠI DÂN GIAN HẤP DẪN TRONG DỊP TẾT CỔ TRUYỀN

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ và ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của người dân. So với những dịp khác, trò chơi dân gian trong những ngày Tết cổ truyền có phần đặc biệt hơn với bầu không khí sôi động, rạo rực tinh thần đua tranh và đầy ắp tiếng cười.

Trò chơi dân gian không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc. Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích nhiều lứa tuổi, mang bản sắc riêng của từng địa phương. Theo đó mỗi trò chơi đều có luật riêng và mang những sắc thái khác nhau vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, vừa thể hiện tinh thần thượng võ và cũng là chất keo gắn kết cộng đồng.

Chơi cờ người

Cờ người là một trong những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội, đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán. Trò chơi này không chỉ đơn thuần là để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu đầy trí tuệ, mang đậm bản sắc dân tộc.

Cờ người thực chất là môn cờ tướng do người đóng thành các quân cờ. Bàn cờ là sân đất rộng hoặc sân đình, chùa; mỗi ván cờ là 32 quân, gồm 16 nam, 16 nữ đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Hai tướng (tướng ông, tướng bà) mặc trang phục giống như quân cờ trong cờ tướng, có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng 1 bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ. Cờ người còn mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian thông qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng.

Chơi kéo co

Trò chơi kéo co được biết đến như trò chơi dân gian truyền thống, môn thể thao mang tính đồng đội, thường có mặt trong các dịp lễ hội, sự kiện sinh hoạt cộng đồng thu hút nhiều người với các độ tuổi khác nhau cùng tham gia. Nghi lễ và trò chơi này thường được thực hành ở vùng trung du, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội. Đây là những vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt và là cái nôi của nền văn minh lúa nước.

Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông Nam Á, với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy. Tùy vào mỗi quốc gia thành viên, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định. Năm 2015, UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với một số quốc gia khác là Campuchia, Hàn Quốc, Philippines. Đây là cũng hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên Việt Nam tham gia đệ trình và được chấp thuận.

Chơi đấu vật

Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào dịp Tết, lễ hội và thu hút đông đảo thanh niên trai tráng tham gia.Hàng năm, để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, ở nhiều địa phương đã treo giải vật rất cao trong 3 ngày Tết.

Trên sới vật, từng cặp đô vật thân hình cường tráng, mình trần, chít khăn xanh, khăn đỏ khua chân, múa tay tìm cơ hội khi đối phương sơ hở thì lao vào để vật ngửa đối phương. Theo quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Về kỹ thuật vật cũng có những “miếng” riêng như: đệm, bốc, ghì… mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ quật ngã hay bê bổng đối phương. Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn cũng đóng góp phần đáng kể. Các trận đấu vật luôn tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã.

Trò chơi đánh đu

Đánh đu là trò chơi mang tính phổ biến và dân dã ở nhiều vùng nông thôn, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, lứa tuổi…ai cũng có thể tham dự. Trò chơi đánh đu thu hút từ trẻ nhỏ đến nam thanh nữ tú và cả người lớn tuổi tham gia vì trò chơi này không khó và không có quy định cụ thể nào.

Để tổ chức được trò chơi này, từ trong Tết, người ta thường chuẩn bị các cây đu bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo. Cây đu thường được làm từ khoảng 4 – 6 cây tre to, dài cấu tạo thành 2 trụ đu, bàn đu và thượng đu. Thượng đu làm bằng thanh tre ngang nối 2 phần trụ đu với nhau, tay đu là 2 cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt rất chắc chắc để người đu cầm được khi đu, còn bàn đu là chỗ để người chơi đặt chân đứng lên đó. Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi; đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người. Khi người lên đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà, sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Tuy nhiên, đánh đu cũng là trò chơi đòi hỏi người chơi cần phải bình tĩnh, có sức khỏe và một chút dũng cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu hưng phấn lên thì có thể điều chỉnh đu bay lên cao vút.

Đập niêu đất

Đập niêu đất là trò chơi đã có từ lâu đời và phổ biến khắp cả nước, thường được tổ chức vào các lễ hội đặc biệt là trong những ngày Tết cổ truyền. Để chuẩn bị chơi đập niêu đất người ta dựng giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, người chơi bị bịt mắt và cầm chiếc gậy đứng vào vạch mốc rồi tìm đập những chiếc niêu treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ.

Trò chơi đập niêu này không quá khó và thu hút đông người tham gia, vì vậy trong ngày Xuânngười ta thường tổ chức chơi để những ngày Tết thêm hứng khởi và vui vẻ.

Chơi chọi gà

Chơi chọi gà (theo cách gọi ở miền Bắc) hay chơi đá gà (theo cách gọi của miền Nam) là một thú chơi dân gian từ rất lâu đời nay, vừa có tính tiêu khiển lại vừa có ý nghĩa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Vì vậy, chọi gà không chỉ là một trò chơi trong những dịp lễ hội, mà còn là một thú vui thông thường của nhiều người dân. Trên cả nước, có rất nhiều địa phương nổi tiếng bởi các sới chọi gà và có nhiều giống gà chọi tốt như: ở miền Bắc có làng Ðình Bảng, Yên Phụ (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Tây Phương (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Nghĩa Đô, Nghi Tàm (Hà Nội); ở phía Nam có gà Bình Định, Cao Lãnh (Ðồng Tháp), Bà Ðiểm (TP. Hồ Chí Minh), Bà Rịa, Bến Tre…

Các trận chọi gà luôn thu hút đông đảo sự chú ý và cổ vũ của người xem mặc dù nhiều khi việc thắng thua trong các trận chọi gà cũng không quá quan trọng mà chủ yếu để những người nuôi gà chọi chia sẻ kinh nghiệm và khán giả được thưởng thức những pha biểu diễn kịch tính của các chú gà, tạo niềm vui trong dịp Tết đến Xuân về.

Đua thuyền

Từ xa xưa,đua thuyền đã xuất hiện trong nền văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam với vai trò là một nghi lễ với thuỷ thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp – tín ngưỡng phồn thực. Trước đây, trong những cuộc đua thuyền chỉ có hai thuyền, một chải “đực” mang hình chim ở mũi thuyền, chải kia là “cái” mang hình cá. Hai biểu tượng đối ứng giao hoà âm – dương (chim trên cao là biểu tượng của dương khí – cá dưới nước là biểu tượng của âm khí); khô – ướt (thuyền và nước); thuyền trôi, mái chèo khuấy nước nhằm “đánh thức thuỷ thần” và phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá. Có địa phương lại tổ chức đua thuyền để tưởng niệm các anh hùng giỏi về thủy chiến…

Ngày nay, đua thuyền trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các chương trình lễ hội truyền thống của rất nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, nhất là ở những nơi có sông hồ hoặc gần biển. Những cuộc đua thuyền hiện nay không đơn thuần là một hoạt động tín ngưỡng như thuở ban đầu mà đã trở thành sự kiện thể thao thi tài hấp dẫn có quy mô lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia, góp phần biểu dương sức mạnh tập thể, giúp gắn kết cộng đồng.■

Minh Anh