Sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một sự cố thiên tai đặc biệt nghiêm trọng ở nước ta. Cho đến nay, đó vẫn là một nỗi niềm đau đáu được đồng bào nhân dân cả nước hướng đến. Trong công tác cứu nạn, cứu hộ năm 2020 của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Việt Nam, có lẽ sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến công tác cứu nạn, cứu hộ ở Rào Trăng 3 bởi đây chính là những nhiệm vụ phức tạp, gian nan và khó khăn nhất của những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Việt Nam nói chung trong năm qua. Những tâm tư, những nỗi niềm trong quá trình làm nhiệm vụ, những bữa ăn đơn sơ chỉ có mì tôm, lương khô và nước lọc, những đêm trăn trở đến mất ngủ và quyết tâm tìm được đồng đội cũng như tìm kiếm thi thể của các công nhân mất tích tại Rào Trăng 3 của những người lính Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là những điều đã thôi thúc chúng tôi thực hiện bài viết này.
“Ý chí thép” và những đôi tay trần bới đất đá tìm đồng đội
Khoảng 0 giờ ngày 12/10/2020, mưa lớn khiến cả nửa quả đồi sạt xuống khu nhà điều hành và các lán trại ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp nhiều công nhân tại đây. Nhận được thông tin cầu cứu, Đoàn Cứu nạn cứu hộ đầu tiên do đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phụ trách gồm 21 người đã lên đường. Đêm ngày 13/10/2020, khi đoàn đang dừng chân nghỉ tại tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ thì một tiếng nổ lớn xảy ra, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà mà đoàn đang nghỉ khiến 13 người mất tích, 8 người thoát ra ngoài. Có thể nói, mất mát chồng lên mất mát khiến Rào Trăng 3 là nỗi buồn xé lòng của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của cả nước nói chung mà không ai ngờ tới. “Trước tai nạn và sự mất mát, đau thương tại Rào Trăng 3, ngay sau khi nhận thông tin về việc sạt lở đất, đá tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 khiến 13 cán bộ, chiến sỹ và 17 công nhân mất tích, tập thể chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh đã xung phong trong việc trinh sát, nắm tình hình, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng và hy vọng giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.” Thượng tá Trần Văn Lâu – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – người chỉ huy trực tiếp trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 cho biết.
Chặng hành trình trinh sát và tìm kiếm những cán bộ, chiến sỹ và công nhân bị mất tích đầy gian nan. Để tiếp cận Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đoàn cứu hộ đã di chuyển ngay trong đêm bằng đường thủy, mang theo lương thực và nhu yếu phẩm để tiếp tế cho công nhân. Từ ngày 13/10 đến ngày 15/10/2020, mưa to, gió lớn, các đập thủy điện thực hiện việc xả lũ theo kế hoạch khiến mực nước tại hồ thủy điện thay đổi liên tục, nhiều dải đồi, đá ngầm, rác, củi tại lòng hồ như giăng ra để thử thách các cán bộ, chiến sỹ và cản trở phương tiện khi tham gia tìm kiếm. Khối lượng đất đá bị sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 lên tới khoảng 3 triệu mét khối, do đó việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ vô cùng khó khăn. Có lúc, các chiến sỹ phải di chuyển bằng cano, xuồng máy hàng giờ trong đêm tối với tầm nhìn hạn chế, vượt qua quãng đường hàng chục kilomet đường sông, có nơi chảy xiết, đe dọa tính mạng.
“Khi tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở núi, khung cảnh đổ nát kinh hoàng hiện ra. Hiện trường vụ sạt lở quả là khổng lồ, rộng hàng nghìn mét vuông, khắp nơi ngổn ngang bùn, đất đá, xác cây rừng đan chéo vào nhau. Khu nhà điều hành không còn dấu tích gì vì bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp.” Đại úy Trần Trọng Bằng – Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH kể. Sau khi tiếp cận hiện trường sạt lở, các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao đổi với các công nhân còn ở lại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, xác định vị trí của nhà điều hành và các lán trại của công nhân trước khi bị vùi lấp cũng như số lượng người bị mất tích đồng thời làm công tác tư tưởng để ổn định tâm lý, động viên tinh thần cho số công nhân trên. Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, thực hiện việc tìm kiếm ban đầu; sử dụng thiết bị bay không người lái để tiến hành trinh sát, nắm tình hình, chụp ảnh, ghi hình hiện trường sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Nhà máy Thủy điện Alin B2 và tuyến đường Tỉnh lộ 71 nối từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đến Nhà máy Thủy điện Alin B2 để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành và tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Song song với việc trinh sát, thực hiện tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ban đầu tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, các lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với lực lượng quân đội tiến hành tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sỹ mất tích tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67. Các phương tiện cứu hộ được huy động tổng lực. Đến ngày 15/10/2020, những dấu vết đầu tiên của đoàn cán bộ mất tích 13 người đã hiện ra. Những cán bộ làm công tác cứu nạn, cứu hộ tiếp tục tìm kiếm trong âm thầm lặng lẽ. Rồi những thi thể của đoàn cán bộ mất tích cũng được tìm thấy cùng với niềm tiếc thương khi không có ai may mắn sống sót. Khi những thi thể được đưa lên để về với gia đình, nhiều cán bộ, chiến sỹ PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự đã không cầm được nước mắt trong quá trình làm nhiệm vụ.
Sau khi tìm thấy thi thể Đoàn cán bộ mất tích 13 người, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các lực lượng khác tiếp tục tìm kiếm 17 công nhân bị mất tích. Song song với việc sử dụng phương tiện tiến hành đào bới đất đá theo từng phần, từng đoạn để tránh bỏ sót, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tập trung quan sát, tìm kiếm các nạn nhân dưới đất đá. Hiện trường xảy ra vụ việc được bao bọc bởi một khối bùn đất đá khổng lồ. “Có những vị trí bùn ngập tới quá đầu gối, vì vậy chúng tôi phải di chuyển hết sức thận trọng.” – Đại úy Trần Trọng Bằng cho biết. Từng centimet đất được các cán bộ, chiến sỹ thận trọng thăm dò và phán đoán để dò tìm tung tích. Hàng ngàn khối đất đá đã được sức máy hợp sức người di chuyển để tìm kiếm. Có những vị trí các cán bộ, chiến sỹ phải đào bới và vận chuyển hoàn toàn bằng tay để không làm ảnh hưởng đến những dấu tích của các nạn nhân và với mong muốn không làm xây xước, làm bị thương nạn nhân nếu được phát hiện ra. 5 thi thể công nhân bị vùi lấp đã được tìm thấy. Việc vận chuyển các thi thể về nơi tập kết cũng không hề đơn giản. Lực lượng CNCH của tỉnh trong đó có các chiến sỹ PCCC phải vận chuyển nạn nhân theo con đường bộ từ Rào Trăng 3 về Rào Trăng 4 vừa mới thông tuyến nhưng vẫn còn nguy cơ sạt lở rất lớn. Rồi sau đó, đi theo tuyến đường thủy về lòng hồ thủy điện Hương Điền, thị xã Hương Trà. Sau khi tìm được 5 thi thể công nhân, các lực lượng tìm kiếm nhận định 12 công nhân vẫn đang mất tích có thể bị vùi lấp dưới lòng sông Rào Trăng. Quyết tâm không khuất phục trước thiên nhiên, bằng ý chí thép và quyết tâm nung nấu, các lực lượng cứu hộ đã triển khai phương án ngăn đập, làm chuyển hướng dòng chảy ban đầu (nắn dòng) để tạo mặt bằng khô, tập trung tìm kiếm dưới lòng sông. Bất chấp mưa to, gió lớn, một dòng chảy mới đã được tạo nên với chiều sâu hơn 3m, rộng 5m và dài hơn 150m, đập ngăn suối dài 15m, cao hơn 3,5m và rộng 5m đã được tạo ra. Từng đoạn sông đều được lực lượng cứu hộ dò tìm không bỏ sót. Không phụ lòng người, thi thể công nhân thứ 6 đã được tìm thấy và được đưa về giám định. “Trong quá trình tìm kiếm các công nhân bị vùi lấp, lực lượng cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục gặp bất lợi về thời tiết như có mưa to, gió lớn, từ ngày 4/11 – 17/11 gặp bão số 11, 12, 13. Nhưng khi cơn bão đi qua, thời tiết thuận lợi, các lực lượng lại tiếp tục tranh thủ thời gian, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để khẩn trương tìm kiếm những công nhân bị vùi lấp.” – Thượng tá Trần Văn Lâu cho biết.
Hy sinh tất cả vì nhiệm vụ
Vụ sạt lở tại Rào Trăng 3 đã khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh tang thương: cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Từng người dân cả nước đều nín thở dõi theo từng diễn biến của quá trình cứu nạn, cứu hộ. Đó chính là động lực thôi thúc đã khiến cho lực lượng cán bộ, chiến sỹ CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các lực lượng tìm kiếm nói chung luôn quyết tâm cao, cố gắng tìm thấy thi thể các nạn nhân để bàn giao và an ủi những người thân của họ. Băng rừng, vượt sông trong đêm tối, dù điều kiện ăn ở đơn sơ và cường độ công việc cao, nhưng những người lính đều sẵn sàng hết mình vì nhiệm vụ. Đại úy Lê Văn Kỳ – cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Lương thực mang theo trong ba lô của chúng tôi chỉ có lương khô, mì tôm và nước. Nhưng có ý chí và tình đoàn kết, sự mong ngóng các gia đình của nạn nhân đã khiến chúng tôi có sức mạnh phi thường để làm nhiệm vụ”.
Lực lượng Cứu nạn, cứu hộ đã không ngại hiểm nguy, vất vả, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, nhân dân và với đồng đội mình. Kể về hành trình trinh sát và tìm kiếm các nạn nhân mất tích, người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm Trần Văn Lâu chia sẻ: “Quãng đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở vô cùng hiểm trở với hàng chục điểm sạt lở. Nhiều điểm sạt lở nặng kéo dài cả trăm mét, khối lượng đất đá đổ xuống lớn. Các tuyến đường thì bị chia cắt hoàn toàn. Có nơi nước ngập sâu và chảy xiết, chúng tôi phải di chuyển cả bằng đường bộ, đường thủy và đường rừng gần 30km mới có thể tiếp cận Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Hệ thống thông tin liên lạc lúc đó cũng bị tê liệt hoàn toàn. Chúng tôi không những không liên lạc được với những công nhân thoát chết mà các bộ đàm, trạm thông tin liên lạc của Công an tỉnh cũng không thể sử dụng. Nhưng chúng tôi chỉ cố gắng sao cho có thể đến hiện trường nhanh nhất để kết nối liên lạc với nhóm 14 công nhân may mắn thoát chết đang mất liên lạc tại Thủy điện Alin B2 và thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn ban đầu tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.”
“Là đơn vị đầu tiên tiếp cận với các công nhân còn sống sót, đoàn cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với anh Thành (quản lý các công nhân tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 còn lại) để tìm hiểu về tình hình, diễn biến của vụ sạt lở, đồng thời được nghe những tâm tư, nguyện vọng của anh và nhóm công nhân còn ở lại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Những tâm tư trong nước mắt của anh Thành: “Anh em ở đây bây giờ tinh thần hoảng loạn quá, xuống sức quá rồi, mong sao các anh, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh có thể nhanh chóng hỗ trợ Nhà máy trong việc tìm kiếm các anh em mất tích” và lá thư tay do chính anh Thành viết nhắn gửi đến Giám đốc Nhà máy và lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của tỉnh trao cho chúng tôi đã khiến anh em trong đoàn tìm kiếm vô cùng xúc động và quyết tâm bằng mọi cách sẽ đưa lực lượng, phương tiện đến hiện trường nhanh nhất để tìm kiếm.” – Thượng tá Trần Văn Lâu chia sẻ.
Những người lính đã nỗ lực tìm kiếm cứu hộ trong áp lực cả về không gian (địa hình vô cùng hiểm trở), về thời gian (phải càng nhanh càng tốt vì càng để lâu, việc tìm kiếm càng mất dấu và khó khăn trong mưa bão), về thời tiết (mưa to, bão đổ bộ). Đại úy Trần Trọng Bằng cho biết: “Vừa làm nhiệm vụ nhưng chúng tôi cũng phải nhanh chóng rút quân trước 4 giờ chiều vì đây là thời điểm thủy điện xả lũ do mưa lớn. Tuyến đường ở Rào Trăng vẫn rất nguy hiểm, hai bên đường phần taluy âm có vực rất sâu, taluy dương lại cao hàng trăm mét. Mưa lũ đã qua nhiều ngày, những khối đá từ trên cao có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào đe dọa tính mạng của những người tham gia tìm kiếm…”
Trong cái nguy hiểm và áp lực bủa vây để thử thách con người, những người lính Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và lực lượng tìm kiếm tại Rào Trăng vẫn không hề sờn lòng, nản chí. Có đồng chí đã sẵn sàng gác lại hạnh phúc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ như Đại úy Trần Trọng Bằng – Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH. Đồng chí Bằng dự kiến tổ chức đám cưới vào ngày 24/10/2020 nhưng do tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 nên không thể về để cùng gia đình chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ cưới. Hệ thống thông tin liên lạc trong những ngày đầu rất khó khăn, gần như tê liệt hoàn toàn, chỉ có những lúc về nghỉ ngơi buổi tối tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 mới có thể liên lạc với gia đình, việc chuẩn bị cho lễ cưới đồng chí Bằng đành nhờ ba, mẹ và chị chuẩn bị để mình ở lại làm nhiệm vụ. Đến chiều tối ngày 23/10/2020, sau khi tham gia đưa 01 thi thể nạn nhân thứ 4/17 về khu vực tập kết tại Bến đò Ba Trại – Thủy điện Hương Điền thành công, đồng chí Bằng mới trở về với gia đình để chuẩn bị cho lễ cưới vào sáng hôm sau. Cũng giống như đồng chí Bằng, rất nhiều đồng chí khác sẵn sàng “ăn ở rừng, ngủ bên suối”, vượt khó, vượt khổ, đánh cược mạng sống của mình, chung sức đồng lòng để thực hiện nhiệm vụ ở Rào Trăng.
Những tâm tư gửi vào màn đêm
Những ngày làm nhiệm vụ ở Rào Trăng là những ngày đau đáu, trở trăn đến mất ngủ của các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại Rào Trăng nói chung. Những người lính chữa cháy và CNCH tỉnh Thừa Thiên Huế đi xuyên màn đêm, vượt qua hàng trăm km đường rừng, đường sông, băng thác ghềnh, lội bùn để đi tìm đồng đội và thực hiện cứu nạn, cứu hộ. Họ cùng với các lực lượng khác đã nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích không biết mệt mỏi. “Chúng tôi chạy đua với thời gian, với thời tiết, với tính mạng của chính mình để mong nhận được những phép màu, hy vọng những người mất tích có cơ hội còn sống sót. Nhưng thật đau lòng, không có phép màu nào cả.” – Thượng tá Trần Văn Lâu tâm sự về cảm xúc khi tìm thấy thi thể đoàn cán bộ 13 người mất tích. Những đau xót vì mất mát của đồng đội khiến họ càng thêm quyết tâm. Những người lính nhiều đêm thức trắng để băng rừng, vượt suối nỗ lực lần tìm dấu vết cứu nạn, cứu hộ. Nhiều đêm mất ngủ bàn phương án tác chiến, tìm kiếm nạn nhân.
Nhìn lại quá trình tìm kiếm, cứu nạn ở Rào Trăng, Thượng tá Trần Văn Lâu cho biết: Mặc dù quá trình tìm kiếm kéo dài và gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khối lượng đất đá quá nhiều nhưng tập thể chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước. Những thành tích trong công cuộc tìm kiếm tại Rào Trăng là kết quả của sự đồng sức, đồng lòng của lực lượng CNCH, trong đó, đóng góp không nhỏ là sự nỗ lực của tập thể chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sỹ tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã luôn nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm, xử lý linh hoạt, hiệu quả trong việc triển khai các phương pháp, biện pháp tổ chức tìm kiếm.
Những quyết tâm và kết quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tại Rào Trăng 3 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng bào cả nước đánh giá cao. Trong thời gian tới, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục làm việc với tinh trần trách nhiệm cao nhất, huy động nhiều phương tiện kỹ thuật vào hiện trường nhằm tìm kiếm các nạn nhân còn lại một cách nhanh nhất có thể, để làm yên lòng các nạn nhân tử nạn và an ủi gia đình người đã khuất.
Việt Hương