Từ lâu, làng Tứ Liên, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đã nổi tiếng trên khắp cả nước với nghề trồng quất cảnh. Tết Nguyên đán đang tới gần, những hộ dân trồng quất cảnh ở Tứ Liên đang hối hả bước vào vụ thu hoạch. Tới làng Tứ Liên những ngày cuối năm này, nhìn những chiếc xe lớn nhỏ chở quất từ làng đi ra, những người khách khắp nơi tới xem và chọn mua quất, mới cảm nhận rõ ràng cái nhộn nhịp, rộn ràng của phong vị Tết đã gõ cửa.
Đối với người Việt Nam, thú chơi cây cảnh là một trong nhiều thú vui dân gian truyền thống rất được yêu thích. Nó không chỉ là nhu cầu thưởng thức cái đẹp mà còn phản ánh nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa của dân tộc Việt. Trong đó, việc lựa chọn, tìm mua và chăm chút, trang trí cho một cây quất trong dịp Tết đã trở thành một nét văn hóa cổ truyền. Theo quan niệm của người xưa, sở dĩ cây quất được lựa chọn để bày nhiều trong ngày Tết vì theo âm Hán, phát âm từ “quất” gần giống với của từ “cát” trong “cát tường” nghĩa là gặp nhiều may mắn và phước lành. Các chuyên gia phong thủy cho rằng, quất cảnh chưng Tết là một trong số ít loài cây hội tụ đầy đủ yếu tố ngũ hành. Vì mỗi cây đều có một mệnh khác nhau, mà cây quất lại “đạt” được yếu tố ngũ hành: kim (hoa màu trắng) sinh thủy (lá xanh đậm), thủy sinh mộc (thân cây), mộc sinh hỏa (quả chín màu cam), hỏa sinh thổ (đất trong chậu) và thổ sinh kim (hoa màu trắng). Chính bởi vậy mà khi chưng loại cây cảnh này, những điều tốt đẹp sẽ kéo đến cho gia đình gia chủ suốt quanh năm. Cũng theo phong thủy, những cây quất trĩu quả chính là hiện thân của tài lộc. Quả càng sai và to thì tài lộc càng nhiều. Thời điểm quất ra hoa cũng chính là lúc thủy sinh mộc, trong khi chính mộc lại là hiện thân của sinh khí. Suy cho cùng, tất cả chúng đều mang ý nghĩa của tài lộc cũng như sự thành đạt trong công danh sự nghiệp. Ngoài ra, cành quất trĩu quả trong quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình. Những cây quất lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Với nhiều ý nghĩa tốt lành đó, nên cây quất rất được các gia đình yêu thích để trang hoàng cho ngày Tết. Theo các chủ vườn quất Tứ Liên, người đi mua “sành” là người thường chọn một cây quất hội tụ đủ 5 yếu tố ngũ hành. Bên cạnh đó, cây quất được chọn cũng phải có thế đẹp, gốc to, thân ngắn chẻ làm nhiều nhánh nhỏ, thể hiện sự sum vầy của gia đình nhiều thế hệ.
Tham quan làng quất Tứ Liên những ngày cận Tết, chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng ngàn những cây quất xanh non mơn mởn với muôn hình vạn thế đang vươn lên trong gió Xuân tại các vườn. Khi được hỏi về lịch sử của làng, những người dân Tứ Liên cho hay: nghề trồng quất ở Tứ Liên đã có từ cả trăm năm nay. Có những hộ gia đình đã có truyền thống ba, bốn đời trồng quất. Ông Lê Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Hiện nay, trong làng Tứ Liên, diện tích đất nông nghiệp vào khoảng hơn 100ha. Trong đó, hơn 30ha là diện tích trồng quất cảnh với số hộ dân tham gia trồng quất tính đến năm 2019 khoảng hơn 500 hộ thu hút gần 1.000 lao động địa phương”. Tại Tứ Liên hiện nay, thu nhập từ cây quất đang là thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Theo thống kê, bình quân thu nhập chung của các hộ gia đình làm nghề trồng cây quất cảnh tại đây đạt tương đối cao (từ 80 đến 150 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với thu nhập chung của người trồng rau màu hoa các loại chỉ đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/năm), doanh thu bình quân của làng nghề ước tính đạt 60 tỷ/năm.
Những năm gần đây, thú vui chơi cây cảnh của người dân Việt ngày một phát triển phong phú, tinh tế và cầu kỳ hơn trước. Đón bắt xu thế đó, người dân làng Tứ Liên đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức sản xuất sang trồng quất bonsai. Quất được chuyển từ trồng trong chậu sang trồng trong bình, lọ và cách tạo hình quất cũng được chuyển từ tán thông sang nhiều dáng, thế khác nhau. Chủ vườn quất Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Đối với quất bonsai, người nông dân phải kỳ công chăm sóc hơn bởi thay vì tưới phân vi sinh mỗi tháng hai lần như quất cảnh truyền thống, quất bonsai phải được tưới đều đặn mỗi tuần một lần. Việc uốn cành cho quất bonsai cũng đòi hỏi sự tư duy chính xác của người thợ mới có thể cho cây phát triển theo ý muốn. Kỹ thuật vít, uốn cành cũng phải được hết sức chú ý. Với mỗi cành quất, người nông dân phải sử dụng sự khéo léo của đôi bàn tay, dùng lực không quá mạnh để không bị gãy. Sau đó, phải tiếp tục buộc dây thép để cố định dáng cho cây. Chị Nguyễn Thị Liên – một chủ vườn quất khác cho biết: Trung bình, để tạo nên một cây quất bonsai đẹp, người chăm sóc phải mất khoảng từ 3 – 4 năm, tùy vào sự cầu kì của kiểu dáng mà thời gian có thể nhiều hơn thế. Quất bonsai hiện nay rất được ưa chuộng vì chúng dễ chưng trong các không gian nhà nhỏ, hẹp như ở thành phố hoặc các loại nhà chung cư. Chi phí mua một chậu quất này cũng không quá cao. Đối với người trồng quất, quất bonsai cũng có nhiều ưu điểm. Vì được trồng sẵn trong chậu, không mất công đánh từ vườn như quất truyền thống nên quất bonsai di chuyển gọn nhẹ, thuận lợi, dễ dàng hơn. Quất bonsai cũng tốn ít diện tích đất hơn nên cùng một diện tích đất, chủ vườn có thể trồng được nhiều cây hơn, thu được lợi nhuận cao hơn.
Với những bí quyết “gia truyền” từ khâu chọn giống, đến cách chăm sóc tỉ mỉ, kì công, con mắt nghệ thuật và nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng thị trường, chính vì thế, nhiều năm nay, quất Tứ Liên luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người chơi cây cảnh. Những người dân trồng quất Tứ Liên luôn tự hào với sản phẩm quất của địa phương nổi tiếng trong cả nước bởi sự “mãn nhãn” với quả to, lá xanh, thế đẹp ít nơi có được. Dưới cái gió lạnh se se của mùa Đông miền Bắc và ánh nắng chan hòa, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của người dân Tứ Liên. Bằng bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú, những cây quất bonsai mang trong mình nhiều thông điệp đẹp đẽ như: dáng thác Xuân, lưỡng long chầu nguyệt, cá chép hóa rồng, tình mẫu tử, song phượng phu thê… Tiếp chúng tôi, những người dân trồng quất Tứ Liên cho biết: Bây giờ đang là thời điểm quan trọng để chăm sóc cho cây phát triển tốt và cho ra hoa, quả đúng vụ Tết. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi ủng hộ cho những người trồng quất. Mùa đông không quá lạnh và có nhiều ngày nắng hanh nên cây được phát triển, nảy nở mỡ màng: lá xanh thẫm, quả to đẹp. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã đặt mua cây quất tháp, quất thế cỡ lớn để trang trí nơi công sở. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid, nên nếu so sánh với các năm trước thì sức mua cũng có phần giảm hơn.
Là một trong những thế mạnh của địa phương, nên đi ngược lại với dòng chảy bị mai một của các làng nghề truyền thống hiện nay thì quất Tứ Liên được chính quyền địa phương rất coi trọng và phát triển. UBND quận Tây Hồ đã có nhiều kế hoạch và chủ trương xây dựng phát triển làng nghề. Ngày 12/01/2019, người dân làng trồng quất cảnh Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống quất cảnh”. UBND quận Tây Hồ cũng đã có các chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng hợp tác với nông dân, người trồng quất để gây dựng lại một làng nghề văn hóa danh tiếng xưa nay, bên cạnh đó, đề nghị các Sở, Ngành thành phố tiếp tục tạo điều kiện để tổ chức các lớp tập huấn về xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, quảng bá du lịch, công tác đào tạo, dạy nghề để cho các xã viên trên địa bàn quận Tây Hồ được nâng cao kiến thức. Cùng với đó, hỗ trợ để quận Tây Hồ xây dựng điểm làng nghề quất cảnh Tứ Liên gắn với du lịch cấp thành phố. Song song với các chủ trương xây dựng làng nghề văn hóa, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương trong vụ Tết cũng được quận Tây Hồ coi trọng. Trước thực tế những ngày giáp Tết, lượng khách và doanh nghiệp nhiều nơi về làng mua sắm, chụp ảnh và chiêm ngưỡng cây cảnh, lực lượng Công an phường sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời nhắc nhở các hộ dân chấp hành các quy định địa phương đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, phân luồng giao thông để đảm bảo không xảy ra ùn tắc các ngả đường đi vào làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, lực lượng chính quyền phường Tứ Liên cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao cảnh giác khi tới tham quan và mua sắm tại làng nghề, đề phòng việc mất trộm xe, điện thoại do kẻ gian lợi dụng.
Một mùa Tết đã cận kề. Những người dân trồng quất Tứ Liên đã nâng niu, vun trồng cho sản phẩm của mình suốt một năm tròn để khi vụ Tết tới, họ có thể thu hoạch được những cây quất không chỉ xanh tốt, tươi đẹp mà còn mang cả nhiều ý nghĩa nhân văn. Đó là niềm tin, là ước vọng của cả người trồng quất lẫn người chơi quất gửi gắm trong cây về một năm mới may mắn, đủ đầy. Và trong phút đón Xuân sang, khi được gác lại mọi lo toan, nhọc nhằn của năm cũ, để có những phút giây sum vầy đông đủ, thư thái tận hưởng kỳ nghỉ lễ bên gia đình, người thân, cùng ngắm quất đào khoe sắc – đó là một thú vui tao nhã truyền thống không gì so sáng được của người Việt.
Hoàng Việt