Với đại đa số khách du lịch, Bảo tàng không gian văn hóa Mường trên con đường Tây Tiến, TP Hòa Bình là điểm ghé chân quen thuộc trong cung du ngoạn Tây Bắc hoặc đi thăm lòng hồ thủy điện. Nhưng rất ít người còn nhớ tới vụ cháy nhà Lang diễn ra vào cuối năm 2013, bởi dù sao cũng đã 7 năm trôi qua, trong thời đại mọi sự kiện chỉ hôm trước hôm sau đã có thể bị lãng quên thì điều này là dễ hiểu. Nhưng với cộng đồng nghệ sỹ miền Bắc, nhất là với những ai đã từng gặp gỡ và trò chuyện, đã từng chia nhau chén rượu với họa sỹ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc, người khai sinh ra Bảo tàng thì câu chuyện nhà Lang sẽ mãi mãi không bao giờ đi vào quên lãng. Ngôi nhà cổ tuyệt đẹp có hơn 100 năm tuổi là điểm nhấn, là không gian sinh hoạt đầy thú vị trong khuôn viên Bảo tàng xanh mướt bóng cây. Trong cộng đồng Mường cổ xưa, các thứ bậc xã hội được phân định thành Lang – Ậu – Noóc – Noóc trọi, trong đó Lang là tầng lớp cai trị cao nhất, tương tự như quan tri huyện ở miền xuôi và tất nhiên, Noóc trọi là những người cùng khổ nhất, bị tách biệt khỏi cộng đồng với những căn nhà lụp xụp dựng quanh quất đâu đó ngoài xa. Cơ duyên đã đến với Vũ Đức Hiếu vào năm 2007 khi anh tìm mua được căn nhà Lang nguyên vẹn, bề thế từ một gia đình quan Lang trên Mường Chậm, nay là xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Có một tình tiết khá thú vị là lúc mua nhà thì bà vợ của quan Lang vẫn còn sống ở tuổi 108 và chỉ mất sau đó 2 năm. Căn nhà sàn 120m² có 36 cột làm bằng gỗ nghiến và táu, ván bằng gỗ trai, mái lợp lá cọ là một báu vật còn lại của một nền văn hóa cổ. Trải qua bao biến động xã hội, tắm nắng gội mưa, giờ đây ngôi nhà được chuyển về dựng trong Bảo tàng để hóa thân thành không gian sinh hoạt cộng đồng với biết bao đoàn khách tới thăm quan, cùng thưởng thức bữa cơm Mường đầy thi vị, cùng chia sẻ với anh em những câu chuyện đường đời. Cũng cần kể thêm một chút về cơm Mường, đó là cả một bản hòa tấu sắc màu và hương vị. Những món thịt lợn nướng lá bưởi, gà nấu canh măng chua, rau đồ (hấp cách thủy), gỏi da trâu… đã làm say lòng biết bao nhiêu thực khách, cộng thêm những ly rượu ngâm quả mai đỏ và những chén trà lão mai (trà đun với vỏ cây mai, theo truyền thuyết là món đồ uống được các thiền sư đời Trần rất ưa chuộng) đã mang tới cho không gian Bảo tàng sức hút kỳ lạ, đặc biệt với anh em văn nghệ sĩ. Cánh văn nghệ cả nước đều ghé đây mỗi khi có dịp, và từ đây những mối tương tác anh em, đồng nghiệp cứ thế mà được nhân lên.
Nhưng đúng như người ta vẫn nói, cuộc đời không như là mơ. Một đêm tháng 10 năm 2013, biến cố kính hoàng đã xảy ra với căn nhà gỗ nổi tiếng này, đó là việc 4 du khách lên chơi và tự ý đốt lửa nướng ngô. Giữ đúng phong cách cổ xưa, trong nhà Lang ngoài các góc trưng bày hiện vật cổ như: súng kíp, cồng chiêng, nồi đồng… thì chiếc bếp lửa truyền thống vẫn giữ nguyên vị trí, bên trên có giá để hong ngô. Chỉ một giây bất cẩn, chỉ một hành động vui đùa quá trớn, ngọn lửa đã bùng lên, trong vài chục giây đồng hồ đã bén lên mái lá và từ đó, lan ra với tốc độ kinh hoàng. Những vị khách bỏ chạy, lấy xe lao ra cửa, húc thẳng vào các nhân viên đang cố cản đường rồi trốn thoát khỏi tai họa chính mình gây ra. Đám nhân viên đã cố gắng trèo lên rút mái lá, dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng mọi việc đều bất lực trong thời tiết hanh khô và nguồn tạo lửa là gỗ khô (sau hơn 100 năm, thân gỗ làm nhà đã được rút kiệt nước, điều này cũng lý giải vì sao người ta rất thích dùng gỗ nhà sàn cũ để đóng đồ nội thất vì nó nhẹ đi nhiều, bền chắc hơn gỗ mới khai thác). Đêm hôm đó, giới nghệ sỹ Hà Nội và các vùng lân cận rung động, không ai tin nổi một ngôi nhà cổ tuyệt đẹp như vậy lại hóa thành tro bởi đám khách vô tâm.
Cũng còn một chút hy vọng khi bộ khung của nhà vẫn còn dù đã xám đen. Sức thiêu đốt của ngọn lửa đủ để nung chảy hàng chục khẩu súng kíp, những bộ cồng chiêng đồng… nhưng do hành động kịp thời của anh em nhân viên nên hệ cột, khung còn giữ được. Không bàn tới vấn đề pháp lý, bởi sau đó đã diễn ra biết bao nhiêu quy trình khởi kiện, đòi bồi hoàn… nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, anh Vũ Đức Hiếu đã quyết định phục dựng lại ngôi nhà bằng thế mạnh của mình, đó là văn hóa. Lời kêu gọi ủng hộ phục dựng nhà Lang đã lan tỏa rất nhanh, chủ yếu trong cộng đồng văn nghệ sỹ Việt Nam. Rải rác trong các năm về sau, đã có những sự kiện văn hóa được tổ chức nhằm gây quỹ, đáng kể nhất là cuộc trình diễn thời trang tại Modul 7, Hội chợ nhiếp ảnh tại Hang Da Plaza và Triển lãm tranh với sự đóng góp tranh của 58 nghệ sỹ khắp 3 miền, toàn bộ số tiền bán tác phẩm đều được thu về nhằm tạo quỹ phục dựng. Bản thân nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng rất ủng hộ các hoạt động này bằng ảnh hưởng, những bài nói và bằng tiền cá nhân. Trải qua 2 năm, ngôi nhà Lang đã được phục dựng nguyên vẹn, giống hệt nhà cũ. Những phần nào bị hủy hoại thì thay bằng gỗ mới, đặt trên bộ khung cũ vẫn còn chịu lực. Với tay nghề của người thợ địa phương thì việc này không khó, quan trọng nhất vẫn là kinh phí và quyết tâm của con người.
Điều đáng nói ở đây là vụ cháy nhà Lang và quá trình kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ đã tạo ra một sự kiện lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, đó là có sự kêu gọi ủng hộ cho văn hóa và đạt được thành công. Không phải là hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo, không phải là đi phát quà hỗ trợ bà con vùng thiên tai, đây thuần túy là sự đóng góp giúp Bảo tàng nói riêng và đất nước nói chung phục dựng lại những hiện vật quý của đời sống văn hóa cổ xưa. Nói tới cháy thì diễn ra nhiều nơi, nhiều lúc, nhưng đáng tiếc nhất là lúc ngọn lửa làm tổn hại con người và các giá trị cổ xưa mà tiền nhân đã tạo ra. Sau này, thế giới còn bàng hoàng với những sự kiện còn lớn hơn như vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, động đất hủy diệt các ngôi đền thiêng ở Nepal… Không thể nói cái gì giá trị hơn cái khác. Xét về quy mô, giá trị lịch sử… thì tất nhiên một ngôi nhà Lang ở Hòa Bình không thể so sánh được với nhà thờ ở Paris, nhưng về bản chất đều giống nhau, bởi đó là một phần của di sản văn hóa nhân loại, nếu bị mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. May mắn thay, cả hai nơi đều đã và đang được phục dựng bằng những trái tim, những tấm lòng nhân ái. Xét cho cùng, trên hành tinh này, quê hương chung của nhân loại, nơi đâu cũng có những bàn tay sẵn sàng chìa ra nâng đỡ và có những tấm lòng hướng về điều thiện.
Câu chuyện nhà Lang đã xảy ra từ lâu, nhưng cho tới nay chưa bao giờ là cũ trong lòng giới văn nghệ sỹ Việt Nam. Sau đám cháy, từ đống tro tàn, một ngôi nhà khác đã mọc lên, để lại trở thành điểm đến cho những người yêu văn hóa, ham thích nghệ thuật. Bảo tàng không gian văn hóa Mường ngày nay đã khác xưa nhiều lắm, chủ nhân của nó bây giờ không chỉ tiếp khách và nói về xứ Mường mà còn miệt mài vẽ tranh, nặn gốm để hàng ngày, anh em bạn bè tới chơi lại bắt gặp những điều mới mẻ được thành hình dưới bóng nhà Lang.■
Thái A