Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân sang, trên khắp phố phường, nhiều ông đồ lại bày nghiên bút, giấy bản, niềm nở đón người đi xin chữ. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân.
Cùng với tục khai bút đầu năm, xin chữ vào ngày Tết thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người xưa, cũng là ước vọng mong cả năm may mắn, tốt lành. Không rõ tục xin chữ bắt nguồn từ khi nào, nhưng khi việc học được nhiều người quan tâm, mong muốn con cái có thêm cái chữ để mở mày mở mặt, từ đó tục xin chữ lại càng được chú trọng. Chỉ khi coi trọng đạo học, coi trọng người thầy, mới có được những bước tiến lớn hơn trên con đường học hành như ông cha ta đã kết tinh trong câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Con chữ, đặc biệt là chữ Nho rất được trọng vọng trong thời đại trước. Con chữ không chỉ là phương tiện thể hiện thông tin, nó còn thể hiện được cốt cách, phẩm giá của một con người. Chẳng thế mà Nguyễn Tuân đã miêu tả nét chữ của người tử tù bằng những lời lẽ đầy trân trọng. Người quản ngục khi xin chữ của ông Huấn Cao cũng khúm núm, hai tay bưng chậu mực, khuôn mặt đầy cung kính, bởi đó là nét chữ của một bậc kỳ tài. Con chữ ngày Tết đến với dân Việt từ lâu, nhưng ghi chép của sử sách không đầy đủ, cách quãng, phải cách đây gần một thế kỷ, hình ảnh của những ông đồ ngày xưa với “mực tàu giấy đỏ” đã được ghi lại thật đẹp trong thơ văn qua bài thơ của Vũ Đình Liên:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Ngày xưa, xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người xin chữ thường chọn ngày, chọn hướng, tìm đến ông đồ tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng để noi theo học tập. Ông đồ cho chữ phải là những nho sĩ, thầy giáo có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp hay là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Chữ Nho có thể viết theo nhiều cách nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt. Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ. Từ nhiều năm nay, người lớn thích xin các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường” nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài” mong cho cộng việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người thành đạt xin chữ “Nhẫn Nại” để cầu tỉnh táo. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”. Thanh niên nam nữ xin chữ: “Danh”, “Duyên”, “Hiếu”, “Trung”. Có người đầu năm xin chữ “Thọ” để mừng các cụ cao tuổi. Các bạn trẻ thường xin chữ “Trí tuệ”, “Minh”, “Thành”, “Đạt”, “Đăng Khoa” để cầu học hành tấn tới, ngoài ra, còn có những lời cầu chúc phổ biến như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hoàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”… là sự gửi gắm mơ ước, mục tiêu phấn đấu cho năm tới. Chữ xin thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất, là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ như: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi…
Sau năm 1954, do quan niệm xin chữ đầu Xuân và viết chữ Nho bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên người biết chữ Nho không ai dám viết và người dân cũng không dám xin chữ. Một tục văn hóa đẹp gần như bị lãng quên. Nhưng rất may nó đã được hồi sinh nhờ các ông đồ già. Vào đầu thế kỷ XXI, một vài người tự phát ngồi viết chữ và bán câu đối ở dốc phố Bà Triệu, Hà Nội. Sau đó, đoạn phố này đông dần và chuyển hẳn về Hồ Văn trước cửa Văn Miếu tạo thành “Phố ông Đồ”. Hơn ¼ thế kỷ đã qua, đến nay, sự trở lại một cách mãnh liệt của tục xin chữ, cho chữ, làm dấy lên một trào lưu mới. Mấy năm trở lại đây, vào ngày mùng 2 Tết, ở các tuyến phố Hà Nội như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Văn Miếu,… thường bắt đầu diễn ra hoạt động cho chữ đầu năm và mọi người rủ nhau đi xin chữ. Từ người lớn tuổi cho đến thanh niên, học sinh. Việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu của người trẻ tuổi, tạo thành một văn hóa chơi chữ mới. Những con chữ như “rồng bay phượng múa” hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho việc xin chữ, ngoài ý nghĩa xin được chữ, còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của những người cho chữ. Bên vẻ trầm mặc, u hoài của văn miếu Quốc Tử Giám đang lắng đọng rêu phong, thì “Hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét thư pháp tài hoa của những “ông đồ” trẻ tuổi, 7X và 8X. Bên cạnh các ông đồ già áo the khăn xếp là các ông đồ trẻ bụi bặm với quần jeans áo thun hay lịch lãm trong các bộ vest đã tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ cùng múa bút phục vụ nhu cầu của khách xin chữ. Những ông đồ trẻ này không chỉ thỏa sức với chữ Nho, mà còn sáng tạo thêm chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp, vừa thấu đạt những chuẩn tắc trong thư pháp, vừa định hình được phong cách riêng của mình, thể hiện sự phóng túng trong ý tưởng, cẩn trọng trong việc bồi giấy, chọn bút. Hiện nay, không chỉ có ở văn miếu Quốc Tử Giám, mà những “Phố ông Đồ” còn lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ở các tụ điểm lễ hội vui Xuân hay các đình, đền, chùa, miếu… Đặc biệt, cứ vào dịp từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng hằng năm, Hội chữ Xuân thường được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đến xin chữ lấy may đầu năm. Hội chữ Xuân được tổ chức định kỳ còn nhằm mục đích tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các Thư pháp gia (chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ) có điều kiện trổ tài, sáng tác và người dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành. Hội chữ Xuân là một sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc, hội chữ cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Những câu đối, câu chúc bằng mực tàu trên giấy đỏ là những món quà tinh thần để đón chào năm mới, biểu thị cho những ước vọng đầu Xuân.
Tết đang về, một năm mới lại đến. Người người lại rủ nhau đi xin chữ cầu may đầu năm. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, mọi người vẫn nhớ tới nét đẹp văn hóa này là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc xin chữ và cho chữ cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này.■
Phương Anh