Trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông đường bộ nói riêng trên phạm vi cả nước đã được kiềm chế về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2020), toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%), số người chết giảm 924 người (giảm 12,1%), số người bị thương giảm 2.820 người (giảm 20,7%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 8.177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.575 người, bị thương 4.354 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 844 vụ, giảm 883 người chết, giảm 700 người bị thương. Đường sắt xảy ra 91 vụ, làm chết 71 người, bị thương 23 người.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (tính từ ngày 15/12/2019 – 14/10/2020), toàn tỉnh xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông, làm chết 72 người, bị thương 104 người; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 69 vụ (giảm 38%); giảm 09 người chết (giảm 11%); giảm 33 người bị thương (giảm 24%).
Theo thông kê từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 12 năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp tham gia CNCH 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, cứu 18 người bị thương, đưa 06 thi thể nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài, trong đó có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào hồi 10 giờ 45 phút, ngày 26 tháng 7 năm 2020. Xe khách mang biển kiểm soát 73B-00925 trong quá trình lưu thông đã xảy ra tai nạn tại Km21+735, đường Hồ Chí Minh Nhánh Tây, thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm chết 15 người; bị thương 21 người.
Hiện trường CNCH vụ tai nạn giao thông ngày 26 tháng 7 năm 2020
Lực lượng Cảnh sát PCCC&NCH đã tổ chức cứu được nhiều nạn nhân bị thương và đưa nhiều thi thể nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài. Công tác phối hợp CNCH các vụ tai nạn giao thông đường bộ giữa lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH với các lực lượng khác đã được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Mạng lưới giao thông đường bộ liên quan đến công tác CNCH
Đường bộ là nơi tai nạn giao thông thường xảy ra do mật độ giao thông lớn, ý thức của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông trong việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ còn kém. Vì vậy, các vụ tai nạn giao thông đường bộ dễ xảy ra.
Mạng lưới giao thông đường bộ tại Quảng Bình khá đa dạng bao gồm hệ thống đường Quốc lộ(Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15…) đường tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và nhánh Tây)…..Mạng lưới giao thông đường bộ trong những năm qua đã được tỉnh Quảng Bình và Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp khá hoàn thiện.Tuy nhiên kết cấu hạ tầng đường giao thông chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường bị xuống cấp, nhiều đoạn đường đồi núi dốc, nhiều khúc cua qua địa bàn các huyện miền núi của tỉnh rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Khi xảy ra tai nạn giao thông tại các tuyến đường xa đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH thì việc tiếp cận hiện trường mất nhiều thời gian, công tác CNCH gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, các vụ tai nạn giao thông mà đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia CNCH xảy ra chủ yếu ở tuyến đường Quốc lộ 1A, đường Quốc lộ 12A và tuyến đường Hồ Chí Minh.
Khi xảy ra tai nạn giao thông bên cạnh va chạm với phương tiện khác, phương tiện gây tai nạn cũng có thể va chạm với các kết cấu xây dựng hạ tầng giao thông, cây cối và người đi bộ… va chạm như vậy có thể dẫn đến tai nạn, người bị nạn bị mắc kẹt trong đống đổ nát của phương tiện hoặc các đối tượng va chạm. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẽ phải làm việc trong không gian hạn chế của đống đổ nát để giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt ra khu vực an toàn.
Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn CNCH các vụ tai nạn giao thông đường bộ
– Thực hiện tốt chế độ thông tin liên lạc khi tai nạn giao thông đường bộ xảy ra
Thông tin về sự cố, tai nạn giao thông đường bộ phải được báo kịp thời cho các các cơ quan chức năng hoặc đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH hoặc chính quyền địa phương, Công an nơi gần nhất. Khi tiếp nhận tin báo sự cố, tai nạn giao thông đường bộ cần cứu nạn, cứu hộ. Cán bộ, chiến sỹ trực thông tin phải xử lý thông tin nhanh chóng chính xác và đầy đủ.
Thực tế cho thấy việc tiếp nhận và thu thập thông tin về vụ tại nạn giao thông cần cứu nạn, cứu hộ càng kịp thời, chính xác, đầy đủ thì công tác tổ chức các hoạt động CNCH tại hiện trường được thuận lợi và hiệu quả.
– Tổ chức các hoạt động CNCH
+ Hoạt động nhận tin cứu nạn cứu hộ: khi nhận tin báo có vụ tại nạn giao thông đường bộ cần cứu nạn, cứu hộ thì cán bộ, chiến sỹ tiếp nhận thông tin cần nắm rõ các nội dung: Họ tên và số điện thoại của người báo tin; thời gian xảy ra vụ tai nạn, địa điểm xảy ra vụ tai nạn, trên đường nào, thuộc địa phận, địa chỉ nào hay km số bao nhiêu và loại đường (một chiều, hai chiều, cỡ, khổ đường, …), lượng xe đang lưu thông trên đường; mô tả sơ bộ về nơi xảy ra tai nạn; xác nhận số lượng, tình trạng nạn nhân bị tai nạn.
Sau khi nhận tin báo về tai nạn, phải nhanh chóng kiểm tra, xác minh lại một cách kỹ lưỡng để báo cáo chỉ huy đơn vị tổ chức công tác CNCH.
+ Trên đường đến hiện trường
Nhanh chóng xác định để chọn tuyến đường từ đơn vị đến hiện trường là tuyến ngắn nhất và thuận tiện nhất, lực lượng và phương tiện tham gia CNCH lưu thông với thời gian ngắn nhất. Trong quá trình đến hiện trường phải nghiên cứu các thông tin có liên quan đến vụ tai nạn mà trực thông tin đã thu thập được.Trên đường đến hiện trường, chỉ huy và các chiến sĩ cần phải nghiên cứu tài liệu, dự kiến tình huống và đề xuất phương án, cách thức xử lý đối với vụ tai nạn giao thông xảy ra. Thường xuyên giữ vững và duy trì thông tin liên lạc với đơn vị để nắm thêm diễn biến của sự cố, cũng như những chỉ đạo của cấp trên.
+ Công tác trinh sát hiện trường
Khi đến hiện trường, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ cần nhanh chóng nắm rõ thông tin cũng như nắm được các nhiệm vụ cần phải triển khai cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Cần nắm rõ thông tin cơ bản về người bị nạn và vụ tai nạn, số lượng người bị nạn có trong vụ tai nạn, số lượng phương tiện bị tai nạn và số người bị nạn đang ở trong phương tiện; các mối nguy hiểm từ phương tiện.
+ Tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường
Đây là hoạt động có tính chất quyết định của vụ CNCH nói chung cũng như vụ CNCH tai nạn giao thông, vì vậy chỉ huy CNCH phải tổ chức kiểm tra, trinh sát và lấy thông tin vụ tai nạn, hiện trường vụ tai nạn và quyết định phương án CNCH, tổ chức phân công nhiệm vụ cho các chiến sĩ trực tiếp cứu nạn, cứu hộ và nhiệm vụ cho các lực lượng khác có tham gia. Báo cáo với cấp trên cũng như liên hệ với các lực lượng có liên quan yêu cầu hỗ trợ.
+ Đảm bảo an toàn chung cho hiện trường cứu nạn, cứu hộ
Việc đảm bảo an toàn cho hiện trường cần đặc biệt quan tâm vì nó quyết định đến hiệu quả công tác CNCH tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc khác. Chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải xác định khu vực (vùng) làm việc theo đặc điểm hiện trường và của các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ, chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác lưu thông trên đường bộ qua khu vực xảy ra tai nạn.
Thực tế cho thấy các vụ tai nạn kép xảy ra do không đảm bảo an toàn của khu vực hiện trường CNCH.
– Triển khai chiến thuật cứu nạn, cứu hộ
Mỗi vụ tai nạn phương tiện giao thông đường bộ có tính chất đặc thù riêng, chỉ huy cứu nạn cứu hộ phải xem xét đánh giá kỹ tình hình thực tế tại hiện trường để đưa ra các phương án xử lý cho phù hợp trong thời gian ngắn nhất có thể để cứu được người bị nạn bị mắc kẹt trong các chi tiết của phương tiện ra ngoài khu vực an toàn. Khi đến hiện trường vụ tai nạn giao thông, chỉ huy cứu nạn cứu hộ nhanh chóng nắm bắt tình trạng bị mắc kẹt của các nạn nhân và vị trí các bộ phận của cơ thể nạn nhân bị vướng để quyết định việc sử dụng các thao tác kỹ thuật và cụ thể các chiến thuật cứu nạn phù hợp.
– Công tác phối hợp trong quá trình CNCH
Trong tổ chức công tác CNCH các vụ tai nạn giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần phối hợp đồng bộ với các lực lượng tại chổ, các lực lượng hỗ trợ và tham gia CNCH, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông, cấp cứu y tế. Đây là hai lực lượng tiếp cận hiện trường sớm và có các thiết bị y tế để sơ cấp cứu ban đầu. Công tác thông tin liên lạc giữa lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH với hai lực lượng này phải được tổ chức thực hiện ngay khi nhận tin báo CNCH về vụ tai nạn giao thông để nắm tình hình và đưa ra phương án giải quyết sớm nhất nhằm kịp thời cứu người bị mắc kẹt.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH