Thuật ngữ lính chữa cháy xuất hiện từ năm 1903. Tại một số quốc gia: Australia, Canada, Chad, Trung Quốc, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Thụy Điển và Hoa Kỳ, lực lượng chữa cháy gồm có 2 thành phần: lực lượng chính quy (được nhà nước trả lương, được huấn luyện chính quy) và các nhân viên chữa cháy tình nguyện.
Sự phức tạp và gia tăng quy mô của các hiểm họa trong cuộc sống hàng ngày đã khiến lực lượng chữa cháy trên toàn thế giới phải bổ sung thêm rất nhiều kỹ năng cần thiết trong công nghệ chữa cháy và mở rộng chức năng thành lực lượng chữa cháy kiêm cứu hộ, cứu nạn. Những người lính chữa cháy không chỉ có nhiệm vụ cứu người và các tài sản khỏi các vụ hỏa hoạn mà còn tham gia giải cứu người bị nạn trong các tai nạn xe hơi, sập nhà và các tình huống rủi ro khác.
Tại một số quốc gia, lực lượng này cũng có thể cung cấp cả dịch vụ y tế khẩn cấp, do đó, dịch vụ chữa cháy tương đương với dịch vụ khẩn cấp. Trong khi đó, đa số các quốc gia khác chỉ có lực lượng chữa cháy chính quy. Lực lượng chữa cháy tình nguyện khi cần triển khai thì rất bị động, lúng túng, thiếu chuyên nghiệp.
Ở Đức, lực lượng chữa cháy chính quy chỉ có tại 103 thành phố và thị xã, trong khi tại mọi thành phố, thị xã, huyện và làng quê đều có lực lượng chữa cháy tình nguyện. Họ làm việc không có thù lao và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy chính quy trong mọi tình huống.
Tại Venezuela, bên cạnh hai lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp còn có thêm lực lượng chữa cháy Đại học. Họ tham gia giải quyết mọi tình huống khẩn cấp xảy ra trong khuôn viên của các trường Đại học và còn có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hơn nữa là phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ tai nạn, thảm họa thiên nhiên.
Trên đất nước Singapore, lực lượng dân phòng kiêm trách nhiệm chữa cháy và ứng phó khẩn cấp. Ngoài ra cũng có các nhân viên chữa cháy chính quy, là những người ở độ tuổi tuổi từ 18-25, được huấn luyện theo chương trình huấn luyện chuẩn quốc gia.
Đối với đất nước Nhật Bản, các dịch vụ chữa cháy có mặt tại mọi thành phố, thị xã, huyện, thôn. Nhật Bản có tất cả 894 Sở Cứu hỏa với hơn 150.000 nhân viên chữa cháy chính quy, hơn 20.000 xe chữa cháy, hơn 900.000 nhân viên chữa cháy tình nguyện viên với 51.000 xe tải.
Ở Ấn Độ, mỗi thành phố đều có Sở Cứu hỏa riêng. Chức năng chính của họ là thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và các dịch vụ khẩn cấp chẳng hạn cứu hộ khi xảy ra sập nhà, các ca đuối nước, rò rỉ khí đốt, rò rỉ dầu, tai nạn đường bộ và đường sắt, cứu hộ động vật, xử lý cây đổ, ứng cứu thiên tai…Mỗi sân bay và cảng biển, nhà máy đều có các đơn vị chữa cháy của riêng mình…
Tiêu chí chính khi làm nhiệm vụ của các nhân viên chữa cháy trên thế giới là: an toàn cá nhân, hạn chế số lượng nạn nhân tử vong, thu hồi tài sản, bảo vệ môi trường. Các tiêu chí này chi phối trực tiếp tới quá trình huấn luyện lính chữa cháy. Hiệp hội bảo vệ quốc gia (NFPA) của Mỹ là nơi đào tạo ra những lính chữa cháy ưu tú và đạt tiêu chuẩn nhất thế giới.
Khi tham gia chữa cháy, các nhân viên chữa cháy cũng chú ý tới một số kỹ năng cơ bản như: phòng ngừa, tự bảo quản, cứu nạn, bảo quản tài sản và kiểm soát cháy. Ngoài ra, họ cũng kết hợp chặt chẽ với các dịch vụ khẩn cấp khác và lực lượng cảnh sát địa phương giải quyết các tình huống khẩn cấp.
Lính chữa cháy ở Nam Wales trong một buổi huấn luyện nghiệp vụ.
Lính chữa cháy Franktown tham gia một đợt huấn luyện chữa cháy.
Hải Anh (Sưu tầm và biên soạn)