Kiến trúc không chỉ là tạo nên vẻ đẹp và đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng một công trình mà còn đòi hỏi phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật trong đó có các yếu tố về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ ở Việt Nam dưới góc độ công tác đảm bảo an toàn PCCC cho thấy, từ xa xưa cha ông ta đã thực hiện nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực này.
Các loại nhà sàn của người Việt cổ.
Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho biết, sau khi dời khỏi hang động, người Việt dựng nhà sàn để ở, ban đầu sử dụng những vật liệu sẵn có trong tự nhiên chủ yếu là tre, nứa. Trải qua một thời gian phát triển, gỗ trở thành vật liệu chủ đạo trong các công trình. Đây đều là những vật liệu có tính dễ bắt cháy, bởi vậy, yêu cầu về PCCC, đảm bảo an toàn cho công trình và cuộc sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu, song song với các yếu tố về kết cấu và mỹ thuật.
Khả năng PCCC trong các công trình kiến trúc cổ của người Việt được thể hiện qua 4 yếu tố chủ đạo: vật liệu xây dựng, hướng nhà, vị trí xây dựng và việc bố trí giếng nước.
Từ bỏ cuộc sống quần cư trong hang động mái đá, người Việt đã sớm chuyển đổi sang cuộc sống nhóm tộc nhỏ, canh tác lúa nước đồng thời lợi dụng vật liệu sẵn có trong tự nhiên dựng nhà sàn để ở. Sách “Lĩnh Nam trích quái” có ghi: “Đất nhiều gạo nếp, lấy ống tre để nấu cơm (cơm lam), gác gỗ làm nhà (nhà sàn) để tránh khỏi hổ lang làm hại…”. Những hiểm họa từ tự nhiên như: núi lửa, cháy rừng hay những bất cẩn trong cuộc sống hàng ngày dẫn đến cháy nhà thường xuyên xảy ra buộc cư dân phải tìm ra những biện pháp đề phòng và khống chế. Các ngôi nhà sàn chủ yếu được dựng gần nguồn nước, gắn liền với khu vực sông, suối, ao, hồ, không những thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày mà còn sẵn sàng cung cấp nguồn nước khi có cháy xảy ra. Từ đó hình thành nên một nét độc đáo trong lối dựng nhà của người Việt. Thuyết âm dương ngũ hành hay thuật phong thủy cho rằng: trong nhà phải có nước thì cuộc sống mới điều hòa, làm ăn mới phát đạt. Quần thể công trình điện, miếu, phủ của vua chúa cũng bám lấy sông nước mà tạo thành thế “Vương đảo”.
Thành Thăng Long được bao bọc mặt ngoài bởi sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu; Thành Huế nằm trong phạm vi được tạo ra nởi dòng chảy của sông Hương, sông Bạch Yến và sông Kim Long. Bên trong kinh thành còn đào thêm vô số sông nhỏ, hồ ao ngoài nhiệm vụ phòng thủ về quân sự còn là đường giao thông thủy tiện lợi, là hệ thống cấp thoát nước cho sinh hoạt, điều tiết môi trường, bảo vệ sinh thái và cấp nước chữa cháy.
Các ngôi nhà ở dân gian qua một quá trình chuyển biến từ nhà sàn chuyển sang nền đất. Nhà nền đất vùng xuôi có kết cấu khung tre hay gỗ, thường làm vách và lợp bằng tranh, rạ hay lá dừa nước. Tại di chỉ Đông Sơn, đã phát hiện thành phần tre, gỗ của kiến trúc nhà ở như: cột, rui, mè… Cột gỗ được đẽo vạc thô sơ, có tỉ lệ khác nhau với kỹ thuật liên kết chủ yếu là lạt buộc, con sỏ, mộng xuyên lỗ, mộng ngoãm, gồm ngoãm tự nhiên (chạc cây) và ngoãm nhân tạo (vết cản ở thân cột để thắt thêm một đoạn gỗ). Về sau nhà và bếp có tường bao quanh bằng tre, gỗ hoặc bằng nền đất nện được xây dựng bằng cách đắp nền đất cao dần lên theo khuôn. Mái có kết cấu phía dưới là rui, mè, phía trên đổ một lớp đất sét rồi mới lợp rơm, rạ, lá cọ, lá dừa nước, hay cỏ tranh, nứa đan thành phên, tấm… Sau này khi mái nhà được thay bằng ngói vẫn được trát một lớp đất sét vừa có tác dụng cách nhiệt (chống nóng) và chống cháy rất tốt. Ngói lợp là loại ngói ống, ngói vũm lòng máng, ngói mũi hài, vảy cá, vảy rồng có kích thước và hình dáng tùy theo từng thời kỳ. Đối với các kết cấu phía trong nhà chủ yếu được làm từ vật liệu gỗ sẽ được sơn, bả, không những để trang trí mà còn tăng độ bền cũng như khả năng bảo tồn và khả năng chống cháy cho căn nhà.
Bên cạnh việc xử lý vật liệu, việc định hướng nhà cũng là một yếu tố quan trọng chi phối trong kiến trúc nhà của người Việt. Các ngôi nhà thường được xây nhìn về hướng Nam để đón gió từ biển thổi vào, mùa Hè thì mát, mùa Đông thì ấm. Bếp được đặt bên trái (phía Đông), vuông góc với nhà chính, nhìn về hướng Tây, bởi vậy mà có câu: “Bếp hướng Đông, Thổ công hướng Bắc”. Tại sao bếp lại nhìn về hướng Tây? Người Việt thường cho rằng bếp không nhìn về hướng Tây thì gia đình sẽ lục đục và hay sinh hỏa hoạn. Thực tế do chức năng đặc biệt của bếp là nấu nướng nên bếp nhìn về hướng Tây sẽ tránh được ngọn gió thường xuyên thổi vào từ phía biển (hướng Nam và Đông), ngọn lửa sẽ không bị gió thổi tạt về phía vách gây cháy.
Các công trình đình, chùa, miếu mạo hay bàn thờ trong các gia điình Việt thường được đặt nhìn ra hướng Bắc. Bên cạnh tâm lý tín ngưỡng cho rằng hướng Bắc là hướng tôn nghiêm, hướng về tiên tổ thì thực tế các công trình này thường xây dựng ở những khoảng đất rộng, độc lập, không được trông coi như ở giữa làng, ngoài cánh đồng, do vậy khi thắp hương hoặc quá trình sử dụng lửa nếu dẫn đến cháy thì khó bề phát hiện và dập tắt. Hướng Bắc là hướng có rất ít gió thổi vào, gió hướng Bắc thường chỉ thổi khi có mưa phùn, mùa Đông, do vậy nguy cơ cháy giảm đáng kể. Các cột, kèo gỗ trong đình, chùa, miếu mạo cũng được xử lý bằng cách quét lớp những lớp sơn được tạo từ hỗn hợp nhiều loại vật liệu, sơn son thiếp vàng hoặc xung quanh các trụ gỗ dùng hỗn hợp bùn và cỏ tạo thành một lớp bảo vệ vừa tăng tính uy nghiêm, vừa gia tăng tính chống cháy. Phân cách và khoảng cách phòng cháy cũng được chú trọng như việc kê tượng theo thứ bậc, khoảng cách giữa các bức tượng, hậu cung phía sau thường là cung cấm nhằm hạn chế các hoạt động có thể phát sinh nguy hiểm cháy, nổ. Những linh vật trên mái đình chùa thường có kết cấu lưỡi là đoạn kim loại ngoằn ngoèo vừa mang tính gợi hình, đồng thời được nối xuống đất ngoài việc tăng cường sự bền chắc công trình còn có chức năng như cột chống sét ngày nay.
Không những lợi dụng nguồn nước từ sông, suối, người Việt vốn dĩ đã viết đào giếng và sử dụng nước giếng từ rất sớm. Các nhà khoa học cho rằng hệ thống giếng cổ nhất phát hiện tại Gio An (Quảng Trị) được tạo ra vào thời kỳ cuối của thời đại đồ đá mới, nghĩa là đa 5.000 năm tuổi. Những hệ thống giếng này rất hoàn hảo về kỹ thuật, rất phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang ở xã Gio An. Đến thời Nguyễn, khi vào Đàng Trong, được kế thừa kinh nghiệm ngàn năm để lại, lại thêm kỹ thuật đào giếng tuyệt vời của người Chăm nên làng nào cũng thấy có giếng đào, giếng khơi. Giếng nằm lần trong khu dân cư, ngay trên đường đi sâu vào các con hẻm nhỏ…Chỉ tính riêng trong khu vực di tích Cố đô Huế hiện còn 28 giếng cổ được xây dựng công phu, gồm 24 giếng vuông và 4 giếng tròn. Sử sách chép lại, ngoài việc cung cấp nước cho thợ xây dựng cung điênh, hoặc cho Hoàng gia trong việc sinh hoạt cúng kỵ, các giếng nước còn có nhiệm vụ cung cấp nước khi có cháy xảy ra.
Kiến trúc không thể chỉ gạn lọc lấy cái ưu đãi của thiên nhiên và tước bỏ đi cái tai ương của trời đất. Bất cứ công trình nào cũng được dựng lên ngay giữa nắng, mưa, gió, bão…đòi hỏi con người phải biết cách vận dụng những điều kiện sẵn có để có thể khắc phục những bất lợi, nhằm tạo ra được không gian cư trú đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu phong phú của mình. Những yếu tố như: vật liệu xây dựng, hướng nhà, vị trí, giếng nước được kết hợp trong một tổng thể hoàn chỉnh, nếu nhìn từ bên ngoài vào ta có cảm giác như yếu tố mỹ thuật và thuật phong thủy được đặt lên hàng đầu nhưng kỳ thực bên trong đó hàm chứa rất nhiều những yếu tố hữu dụng nhằm mang đến sự thoải mái trong sinh hoạt, đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu phong phú của cuộc sống hàng ngày mà công tác đảm bảo an toàn PCCC là một khía cạnh./.
Phạm Thị Nết