Viên Minh Viên nằm ở Tây Bắc ngoại ô Bắc Kinh. Công trình này được xây dựng vào thời kỳ nhà Minh. Năm 1709, vua Khang Hy triều đình nhà Thanh đã cho con trai thứ tư là Dận Trinh (vua Ung Chính sau này) công viên này và ban cho tên là “Viên Minh Viên”. Trải qua hơn 150 năm, các vị Hoàng đế là Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Hàm Phong đã tập trung biết bao tiền của, công sức, tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, lại thấm quá nhiều mồ hôi, xương máu của hàng chục triệu nhân dân lao động. Họ đã khéo léo xây nên một tòa Ly Cung nguy nga, cảnh sắc tuyệt vời. Cứ đến mùa Hè hàng năm, các hoàng đế nhà Thanh lại đến đây hưởng mát, lâm triều, phán xử mọi việc trong triều, do đó Viên Minh Viên còn được gọi là Hạ Cung hay Cung Mùa Hè.
Chu vi của Viên Minh viên lối dài 10km, gồm có Viên Minh Viên, Vạn Minh Viên, Trường Xuân Viên và Viên Minh Viên. Viên Minh Viên lớn nhất nên gọi chung cho quần thể này là Viên Minh Viên hay Viên Minh Tam Viên. Ngoài ra quần thể này còn có rất nhiều thuộc viên (công viên phụ) nằm ở ba phía Đông, Tây, Nam. Di Hòa Viên sau này được xây dựng trên cơ sở các công viên này. Diện tích của tất cả các công viên là 5000 mẫu.
Viên Minh Viên không những đã tụ hội được danh thắng của rất nhiều công viên nổi tiếng ở Giang Nam mà còn lấy mẫu kiến trúc các lâm viên của Phương Tây để xây dựng nên một cách sáng tạo. Đó là sự toàn bích của nghệ thuật xây dựng công viên cổ, kim, Đông, Tây lúc bấy giờ.
Trong khuôn viên có cung điện hùng vĩ, có gác lầu các đình đài tinh xảo, lung linh. Lại có “phố chợ” tượng trưng cho cảnh sầm uất của chốn thị thành. Lại có “Sơn Trung” tượng trưng cho cảnh sắc của nông thôn. Lại có bình hồ thu nguyệt (trăng thu trên mặt hồ)… Làm theo cảnh Tây Hồ, Hàng Châu. Lại có danh lam thắng cảnh làm theo cảnh rừng sư tử Tô Châu. Và có những phong cảnh làm theo thơ họa ý của các thi nhân, danh họa thời cổ như: Bồng Lai Dao Đài, Vũ Lăng Xuân Sắc…
Có thể nói rằng, Viên Minh Viên là kết tinh trí tuệ, mồ hôi, xương máu của nhân dân lao động Trung Quốc, cũng là mẫu mực về nghệ thuật kiến trúc và văn hóa của nhân dân đất nước này. Không chỉ vậy, trong công viên còn lưu giữ nhiều báu vật vô giá, các điển tịch (sách cổ) rất hiếm, các văn vật lịch sử phong phú, quý báu như: thư họa lịch đại (bức họa của nhiều thời đại), kim ngân châu báu, đồ sứ đời Tống, Nguyên… Có thể gọi đó là kho báu vật của nhân lọa và là tòa bác cổ học lớn nhất thế giới.
Ngày mùng 6 tháng 10 năm 1860, liên quân Anh, Pháp tấn công Viên Minh Viên, cướp phá điên cuồng. Bọn chúng thấy của là cướp, vật báu đựng trong túi của mỗi tên lính Anh, Pháp trị giá lên tới ba, bốn vạn Francs. Chúng xông vào tay không nhưng trở ra thì đầy ắp của cải. Trong trại lính Pháp chất đầy những đồng hồ quý, lạ, gấm vóc, lụa là màu sắc rực rỡ cùng các tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Quân xâm lược Anh, Pháp sau khi cướp nhẵn trụi Viên Minh Viên, để xóa hết tang tích và che giấu tội ác, Đại thần toàn quyền nước Anh là Enkin được Thủ tướng Anh (Pơmeton) đồng tình, đã hạ lệnh thiêu hủy Viên Minh Viên. Viên Minh Viên bị thiêu hủy hai lần lớn. Lần thứ nhất từ ngày mồng 7 đến ngày mồng 9 tháng 10 năm 1860 do liên quân Anh thiêu đốt, lửa cháy dữ dội ba ngày, ba đêm liền làm cho công viên nổi tiếng này hóa thành đống tro tàn. Trận hỏa hoạn này sau này được nhà văn Pháp nổi tiếng – Victor Huygo châm biếm: “Có một ngày, hai tên cướp xông vào Hạ Cung, một đứa cướp phá còn một đứa phóng hỏa thiêu hủy. Té ra thắng lợi cũng có thể trở thành những ông tướng cướp.”
Ngày 18 và 19 tháng 10 năm 1860, liên quân Anh, Pháp lại cướp đi các báu vật thuộc viên ở Vạn Thọ Sơn, Ngọc Tuyên Sơn và Hưng Sơn thuộc quần thể Viên Minh Viên và tiến hành thiêu hủy lần thứ 2 quần thể Viên Minh Viên, đốt cháy tất cả các kiến trúc, cung điện, lâu đài những thuộc viên này.
Lúc bấy giờ, Hoàng đế Hàm Phong chạy trốn đến Nhiệt Hà lại chiêu dụ “đành phải chịu nhục một chút để mong bảo toàn đại cục”. Dịch Hân dựa vào ý chỉ này tiếp nhận tất cả các điều kiện của liên quân Anh, Pháp. Một loạt những hiệp ước bất bình đẳng được ký kết giữa Trung Quốc với liên quân. Những thỏa ước bất bình đẳng đó đã khiến Trung Quốc ngày càng lấn sâu thêm vào con đường trở thành một nước nửa thuộc địa, làm cho nhân dân Trung Quốc phải gánh chịu thêm nhiều thảm họa thảm thương sau này.
Lửa thiêu Viên Minh Viên là cột mốc đánh dấu quá trình Trung Quốc trở thành một nước nửa thuộc địa phong kiến, đồng thời thiêu rụi một công trình kiến trúc kỳ vĩ, một di sản văn hóa, một bác cổ học lớn nhất thế giới cận đại lúc bấy giờ./.
Hà An