Vắt ngang dòng sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng, cầu Hàm Rồng – điểm nút giao thông quan trọng trên con đường huyết mạch Bắc – Nam là chứng nhân về một thời kỳ lịch sử kiêu hùng của người dân xứ Thanh. Giữa đôi bờ xanh mướt màu xanh thanh bình và thơ mộng, ít ai biết rằng, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là “tọa độ lửa”, là “huyết mạch” giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nơi tôi luyện ý chí, bản lĩnh của con người, khẳng định sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân ngời sáng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và nơi đây, cùng với nhân dân cả nước, những chiến sỹ Cảnh sát PCCC xứ Thanh đã góp phần không nhỏ làm nên một Hàm Rồng huyền thoại.
Sức mạnh đoàn kết của quân và dân Việt Nam trong trận chiến Hàm Rồng lịch sử.
Lật giở từng trang sử vàng của lực lượng Cảnh sát PCCC xứ Thanh, lắng nghe những câu chuyện kể của người lính chữa cháy năm xưa trong chiến thắng Hàm Rồng, chúng tôi như được sống lại trong thời khắc oanh liệt của những ngày lịch sử.
Ngày đó, liên tiếp chịu thất bại tại chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom đánh phá miền Bắc. Nhận thức rõ âm mưu và hành động của Mỹ, Trung ương Đảng, Quân khu 3 và Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định: “Trọng điểm địch đánh phá quân khu vào lúc này là Thanh Hóa. Trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng. Bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần bảo vệ giao thông thông suốt”. Theo các tài liệu lịch sử, trong 2 lần leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân và hải quân (1965 – 1972), đế quốc Mỹ đã huy động tới 78.959 lần máy bay các loại, 6.229 tàu chiến bắn phá ác liệt vào Thanh Hoá. Trung bình cứ 1km² phải chịu 19,7 tấn bom đạn, mỗi người dân phải chịu 220kg bom đạn của Mỹ. Riêng trong hai ngày 3 và 4/4/1965, đế quốc Mỹ đã sử dụng tới 174 lần tốp, 454 lần chiếc máy bay, ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (các loại bom từ 500kg đến 1.000kg). Riêng ở khu vực Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, chúng bổ nhào 85 lần, cắt bom phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả rốckét…vào những mục tiêu quan trọng với mật độ dày đặc. Cả thị xã Thanh Hoá lúc bấy giờ mịt mù trong lửa đạn. Trực tiếp đi dưới mưa bom, lửa đạn, chiến đấu ngoan cường với giặc lửa để cứu người, cứu tài sản, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng là lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an Thanh Hoá.
Đội PCCC – Ty Công an Thanh Hoá lúc đó do đồng chí Trịnh Đình Thử làm Đội trưởng. Cả đội có 18 người, 3 xe chữa cháy, chia làm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội gồm 1 đội trưởng, 1 lái xe, 4 chiến sỹ nhanh chóng xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, tập luyện công tác nghiệp vụ, kịp thời thích nghi với diễn biến trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Bom đạn rầm rầm bốn bề nhưng chiếc xe chữa cháy GAZ 63 màu đỏ rực của Liên Xô cứ thấy hướng nào khói lửa là đi. Màu sơn của xe đỏ rực nên trở thành mục tiêu di động cho địch bắn phá. Vừa đi vừa tránh đạn, rồi vừa chữa cháy vừa tránh đạn, nhiều lúc, các chiến sỹ Cảnh sát PCCC phải nằm rạp xuống đất kéo vòi ôm lăng mà phun nước, chữa cháy, đào đất cứu người, cứu thương….
Đồng chí Vũ Xuân Thu – Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, lúc đó là một chiến sỹ Cảnh sát PCCC bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, cả thị xã chìm trong khói lửa, những phuy xăng dầu trúng bom đạn nổ tung, bắn cao vào không trung rồi rơi xuống, cháy dữ dội; các cơ quan, nhà dân cháy nghi ngút. Anh em chúng tôi vừa nằm, vừa bò, cuốn lăng quanh người để tiến lại những đám cháy, cứ 10 – 15 phút từng tốp máy bay địch lại nhào xuống ném bom. Đôi lúc từ dưới nhìn lên lại bất chợt thấy bom đang treo lơ lửng trên đầu. Nhiều đồng chí bị xăng làm bỏng nặng, có đồng chí bị áp lực của bom làm cho ngất xỉu, có đồng chí bị thương nặng, thậm chí hy sinh, nhưng tất cả không rời vị chí chiến đấu”.
Dưới làn mưa bom bão đạn, nhiều đồng chí đã dũng cảm lập chiến công xuất sắc, góp phần không nhỏ vào chiến thắng giặc Mỹ trong trận chiến Hàm Rồng. Đồng chí Cao Xuân Minh – cán bộ kiểm tra của Đội PCCC đã dũng cảm vượt qua cầu Hàm Rồng giữa làn bom đạn huy động lực lượng dân phòng xã Hoàng Long phối hợp dập lửa, cứu người… Nhiều chiến sỹ thương tích đầy mình, bỏng nặng do bom đạn, nhưng tất cả đều vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí đã dũng cảm, tập trung cứu chữa những kho lúa gạo của Nhà máy Xay Hàm Rồng bị bom đạn gây cháy, cứu chữa cả một bãi than của Nhà máy Điện Hàm Rồng đang cháy âm ỉ, để rồi sau mỗi lần oanh tạc của giặc Mỹ, Nhà máy Điện Hàm Rồng vẫn sáng bừng phát đi những dòng điện duy trì sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, các cơ quan trong thị xã.
Với kinh nghiệm và sức chiến đấu bền bỉ, kiên cường, ngày 30/5/1965, lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục phối hợp với lực lượng tại chỗ dập lửa, bốc vác hàng trăm tấn lương thực của Nhà máy Xay Yên Thái đến nơi an toàn, cùng các lực lượng tự vệ của nhà máy dùng súng trường bắn trả máy bay Mỹ, chiến đấu dập lửa, cứu người, cứu tài sản, cứu chữa hàng trăm nóc nhà của nhân dân khỏi bị cháy, đào bới cứu được hàng chục người bị bom đạn vùi lấp…Từ năm 1966 – 1968, diễn biến của cuộc chiến tranh ngày càng phức tạp và ác liệt nên đơn vị PCCC phải phân tán để bảo toàn lực lượng, đồng thời chốt ở những khu vực trọng điểm như: Thị xã, Dân Lực, Triệu Sơn, Bắc Cầu và các kho lương thực, nhà ga để kịp thời ứng cứu khi cần. Với lòng kiên định, dũng cảm và đoàn kết chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC đã cứu sống hàng trăm người, hàng ngàn tấn quân trang, quân dụng, lương thực phục vụ cho chiến đấu, cứu được hàng nghìn ngôi nhà của Nhà nước và nhân dân cùng nhiều tài sản có giá trị, điển hình như: vụ chữa cháy kho của binh trạm K2 vào quý 2 năm 1966 và vụ chữa cháy Nhà máy Điện Hàm Rồng vào quý 2 năm 1967.
Trong những năm 1966 – 1968, Đoàn chuyên gia PCCC của CHDC Đức đến thăm và đánh giá cao những thành tích, kết quả, kinh nghiệm chiến đấu của Đội PCCC Thanh Hóa và trao tặng 1 Huy chương Bạc cho Đội, 1 Huy chương Vàng cho đồng chí Lê Đình Thinh. Năm 1965, Cục trưởng Cục PCCC cùng các chuyên viên của Cục đã vào thăm và đánh giá cao kết quả đạt được của lực lượng Cảnh sát PCCC, coi đây là nhiệm vụ có tính chiến lược góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đội Cảnh sát PCCC, nay là Phòng Cảnh sát PCCC – Công an tỉnh Thanh Hoá, được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều cá nhân đã được tôn vinh. Năm 1973, đơn vị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Chiến tranh đã lùi xa và chiến thắng lịch sử trong trận chiến Hàm Rồng đã trở thành bản anh hùng ca của dân tộc. Những cánh đồng dày đặc bom, đạn năm xưa nay đã biếc xanh một màu xanh trù phú. Những ngôi nhà cháy đen, đổ sập được dựng lại, những nhà máy, công trường được dựng xây, cuộc sống đã hồi sinh từ bàn tay lao động cần cù của người dân nơi đây. Và cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã như một minh chứng hùng hồn cho ý chí quật cường của người dân Hàm Rồng – Nam Ngạn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung. Tiếp nối những chiến công đó, lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an Thanh Hoá hôm nay vẫn đang viết tiếp bản anh hùng ca ngày nào, góp phần cùng với nhân dân vững bước trên con đường đổi mới, giữ vững những giá trị văn hóa được tích tụ từ ngàn đời với nét văn hóa Đông Sơn rực rỡ./.
Hồ Mạo