Nhiều báo cáo từ Cơ quan chữa cháy Hoa Kỳ kết luận thuốc lá điện tử gây cháy, nổ dẫn đến thương tích cho người dân và khu vực xung quanh. Cấu trúc của thuốc lá điện tử là nguyên nhân gây ra điều này, bởi lẽ hộp dùng chứa hỗn hợp chất lỏng cũng như đầu đốt nóng của thuốc nằm gần khu vực chứa pin.
Thuốc lá điện tử là thiết bị hoạt động nhờ bộ pin Lithium và khi sử dụng, bộ pin sẽ cấp điện cho thiết bị để đun nóng chất lỏng, chất lỏng sẽ biến thành hơi và được hít vào. Một số loại thuốc lá điện tử còn có đèn Led ở đầu phát ánh sáng màu đỏ (hoặc các màu khác) giống như đầu điếu thuốc lá thật. Chất lỏng chứa trong điếu thuốc lá điện tử thường là hỗn hợp của nicotin, các chất tạo mùi (như mùi kẹo cao su, các hương vị hoa quả), propylene glycol (dung môi) và những phụ gia khác. Kể từ khi gia nhập thị trường Hoa Kỳ vào năm 2007, thuốc lá điện tử đã thu hút nguồn cung ngày càng tăng của người tiêu dùng với doanh số tăng từ 20 triệu đô la trong năm 2008 lên khoảng 1,5 tỷ đô la vào năm 2014 và theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ phát hiện ra rằng 12,6% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã từng thử thuốc lá điện tử vào năm 2014.
Hình 1. Cấu tạo của một số loại thuốc lá điện tử
Năm 2020, một người phụ nữ đang mua sắm tại một cửa hàng ở bang California (Mỹ) sử dụng một thiết bị hút thuốc lá điện tử khá phổ biến đặt trong ba lô nhỏ mang sau lưng. Bất ngờ, thuốc lá điện tử phát nổ làm cháy quần áo, các nhân viên cửa hàng đã lập tức lao đến dập lửa nhưng bất thành. Hậu quả khiến người phụ nữ này bị bỏng cấp độ 1 và độ 2 ở 20% cơ thể. Cảnh sát được báo cáo vụ việc đã lập tức đến hiện trường: “Khi đến nơi xảy ra sự việc, chúng tôi thấy lưng của cô ấy bị bỏng khoảng 20% diện tích bề mặt da. Mức độ bỏng là cấp độ 1 và độ 2”, người phát ngôn cảnh sát cho biết. Bức ảnh chụp lại vết bỏng cho thấy mũ trùm đầu cô bị cháy đen, mảng da lớn ở lưng bị đỏ, bong ra do bỏng và thuốc lá điện tử bị phá hủy hoàn toàn. Người phụ nữ được sơ cứu tại hiện trường rồi chuyển ngay đến bệnh việp cấp cứu. Các nhà chức trách vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao thiết bị hút thuốc lá điện tử đó lại phát nổ ( theo New York Post).
Trước đó, vào tháng 7.2019, một người đàn ông tên Nader Harb ở thành phố Cleveland, bang Ohio (Mỹ) cũng đã bị bỏng nặng do thuốc lá điện tử phát nổ. Vụ việc xảy ra khi anh đang làm việc. Nguyên nhân là do pin dự phòng của thiết bị phát nổ. Vết bỏng ở đùi của nạn nhân lớn bằng trái bóng chuyền, theo Daily Mail.
Thông qua dịch vụ báo chí, bộ phận nghiên cứu và phân tích vụ cháy của Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia (NFPA) duy trì một cơ sở dữ liệu về các vụ cháy được báo cáo trong các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ. Các sự cố trong cơ sở dữ liệu bao gồm cháy, nổ do thuốc lá điện tử và những hồ sơ này chỉ ra rằng số vụ cháy, nổ thuốc lá điện tử được đưa tin trên các phương tiện truyền thông đã tăng lên kể từ khi công bố báo cáo của Cục PCCC Hoa Kỳ (USFA), với 15 vụ cháy, nổ thuốc lá điện tử được ghi nhận trong năm 2015. Trong đó, 13 vụ được mô tả là phát nổ và 02 vụ là bắt lửa. Có nhiều trường hợp xảy ra cháy, nổ khi đang sạc thiết bị và khi người dùng đang hút thuốc. 12/15 số vụ cháy, nổ nêu trên có người bị thương tích cần điều trị y tế.
Bảng dưới đây cung cấp thông tin tóm tắt về các sự cố thuốc lá điện tử năm 2015 dẫn đến thương tích. Như bảng chỉ ra, tất cả nạn nhân đều là nam giới và 06 trong số 08 nạn nhân có thông tin về độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi, với một trong hai nạn nhân còn lại trong độ tuổi thiếu niên và một người 35 tuổi. 08/12 người bị thương ở vùng mặt hoặc gần mặt.
Hình 2. Thống kê sự cố thuốc lá điện tử dẫn đến thương tích năm 2015
Nhiều vết thương khá nghiêm trọng, bao gồm gãy cổ, bỏng nặng, gãy hoặc răng bị hư hại, và chấn thương cần phải khâu và thậm chí phải cắt cụt chân tay. Chỉ một chấn thương là được mô tả là nhẹ và hầu hết các vụ việc đều gây ra nhiều hơn một thương tích cho nạn nhân. Chưa kể một số vụ cháy, nổ người dùng may mắn không bị thương tích nhưng vẫn cần sự trợ giúp của lực lượng chữa cháy được thống kê trong bảng dưới đây:
Hình 3. Thống kê sự cố thuốc lá điện tử dẫn đến hỏa hoạn mà không bị thương năm 2015.
Theo tổng hợp trên, thuốc lá điện tử gây cháy nổ phần lớn lỗi xảy ra với pin Lithium trong thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin, người dùng có thể sạc pin hoặc thay pin để có thể sử dụng lại nhiều lần. Chất lỏng trong ống khi hết cũng có thể lắp ống mới. Để giảm giá thành, người dùng có thể mua sỉ chất lỏng và tự đổ vào ống. Khi đó các bộ phận thay thế không chính hãng, đó có thể là nguyên nhân gây cháy, nổ.
Những vật kim loại trong túi cũng có thể cọ xát với điếu thuốc, gây đoản mạch pin Lithium-ion, khiến chúng phát nổ. Vì vậy, người tiêu dùng cũng không nên để thuốc lá điện tử trong túi quần vì chúng sẽ va chạm với chìa khóa hoặc đồng hồ… Đồng thời với sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử như hiện nay, có thể dự đoán rằng tỷ lệ cháy, nổ cũng sẽ tăng lên./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH