Nhà tôi thuộc diện khá giả, ngay từ bé, bất cứ thứ đồ chơi gì tôi thích và đòi mua, bố mẹ sẽ mua ngay cho tôi mà không hề đắn đo tiếc tiền. Được nuông chiều như vậy một phần cũng bởi vì tôi là đứa con hiếm muộn duy nhất trong nhà. Cuộc sống của tôi như cuộc sống của một công tử thứ thiệt. Quần áo tôi bóng lộn, thơm phức mùi nước hoa dù chỉ là học sinh cấp ba. Trong khi lũ bạn đang bận bịu ôn thi cuối cấp thì tôi chọn bù khú bên những bữa tiệc thâu đêm cùng mấy đứa bạn nhà giàu khác. Kỳ thi tốt nghiệp may mắn tôi đủ điểm đậu, thế nhưng vận may đã chẳng mỉm cười cho một người không hề nỗ lực như tôi lần thứ hai, trong kì thi đại học, tôi đã thi trượt. Điểm của tôi thấp đến mức chẳng đủ điểm sàn của cao đẳng. Học trung cấp nghề thì không thể được với một đứa tính cách thiếu gia như tôi. Bố mẹ đành định hướng cho tôi đi nghĩa vụ Công an với mong muốn tôi có thể đậu biên chế, có một công việc không cần giàu có nhưng được rèn luyện, kỷ luật cao, cuộc sống ổn định và giúp ích cho đời. Tôi vui vẻ đồng ý ngay khi bố mẹ đề nghị, bởi tôi nghĩ được mặc sắc phục áo xanh, được làm Công an sẽ rất oai. Nhưng tôi đã nhầm, những năm tháng nghĩa vụ Công an trong đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy là những năm tháng gian lao và vất vả. Dù vậy tôi sẽ không đánh đổi bất cử điểu gì để đổi lại khoảng thời gian quý giá được mang trong mình bộ quần áo mạ non ấy.
Ngày nhập ngũ, chưa kịp vui niềm vui được “oai” khi trở thành Công an thì tôi được chuyển đến đơn vị huấn luyện trong sáu tháng. Ở đây, chúng tôi được tập những lễ tiết, tác phong, những bài võ và điều lệnh đội ngũ của lực lượng Công an nhân dân. Đường đường là một thiếu gia mỗi sáng dậy đi học mẹ phải gọi năm lần bảy lượt để ăn sáng còn kịp giờ bố chở đến trường. Ở đây, 5 giờ 30 phút sáng khi trời còn nhá nhem tối, những hạt sương chưa tan còn bay bay trong không khí lành lạnh buổi sớm, tiếng kẻng báo thức vang lên là đồng loạt tất cả mọi người phải dậy để tập thể dục. Tập thể dục xong, quay trở lại phòng nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân để còn kịp xuống bếp ăn ăn sáng. Ai không chấp hành những quy định về giờ giấc sẽ bị những hình phạt như chạy vài chục vòng quanh sân tập luyện, hay lao động trong một tháng. Những hình phạt khiến một công tử như tôi thà chọn chấp hành còn hơn chống đối. Ở nhà mẹ phải hỏi hôm nay con muốn ăn gì để mẹ nấu, mẹ mua, vào khu tập luyện rồi dù là cơm cứng, dù là bánh mì khô cũng phải ăn. Không ăn sẽ bị đói đến giờ tập luyện mà đói sẽ không thể chịu được mà lả người đi, lúc đó chỉ có thiệt mỗi mình. Thầy giáo huấn luyện luôn nhắc nhở “ăn cũng là rèn luyện” nên chúng tôi không dám ho he nửa lời, mỗi giờ ăn là chăm chỉ “rèn luyện” dù có thể nào. Qua thời gian đầu gian khó, mọi thứ đi vào khuôn khổ và tôi cũng quen dần với việc rèn luyện. Lạ một nỗi ở nhà ăn ngon, mặc đẹp mẹ chăm bao nhiêu nhưng người tôi vẫn hom hem gầy nhòm vậy mà đi nghĩa vụ mấy tháng người lại béo lên. Bố mẹ tôi xót con lên thăm nhìn tôi tuy có đen đi một chút nhưng người có da có thịt hơn thì rơm rớm nước mắt, làm tôi cứ phải động viên mẹ mãi. Thời gian sáu tháng trôi qua, cứ nghĩ rằng những gì khó khăn nhất của đời lính nghĩa vụ đã qua, thế nhưng tôi đâu biết những gian khó và vinh quang nó nằm hết ở chặng được phía sau.
Theo sự điều động của tổ chức tôi được phân công về đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Ngày nhận quyết định phân công tôi có phần hơi hụt hẫng vì cảm giác Cảnh sát Phòng cháy nó không oai như mấy đứa bạn được phân công về những đơn vị khác. Ngày tôi cùng với mấy người bạn cùng khóa lên đơn vị, anh chỉ huy Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực tiếp đến gặp và thăm hỏi từng người. Anh dẫn chúng tôi nhận phòng ngủ và tham quan một vòng đơn vị, giới thiệu xong xuôi anh chốt lại với chúng tôi một câu, một câu nói mà cả đời này tôi chẳng thể nào quên “Từ ngày hôm nay, các em chính thức đã trở thành những người lính Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, có thể hiện giờ các em chưa hiểu và chưa thích về phòng cháy, nhưng qua thời gian anh tin rằng dù có gắn bó lâu dài hay rẽ hướng cuộc đời theo con đường khác các em sẽ luôn nhớ rằng mình đã từng làm một nghề vô cùng trân quý và đáng tự hào”. Câu nói của anh theo tôi suốt cả những năm tháng nghĩa vụ của mình đến tận bây giờ và cả mãi về sau, khi đã trải qua những kinh nghiệm thực tế tôi lại càng thêm thấm, thêm ngấm.
Sau một thời gian tiếp tục được huấn luyện những nghiệp vụ chuyên môn về phòng cháy chữa cháy, nhóm lính mới vào ngành chúng tôi đã trang bị cho mình những kiến thức đủ cần thiết để chiến đấu với giặc lửa. Tôi vẫn nhớ như in lần tham gia chữa cháy đầu tiên của mình, nhiệm vụ đầu tiên dạy tôi biết yêu người, yêu mình và yêu cuộc đời.
Một buổi trưa mùa hạ, nắng như thiêu đốt, bầu trời không một gơn mây, những con gió rủ nhau đi trốn nắng để hàng cây im lìm chịu trận dưới cái nhiệt độ hơn bốn mười độ ngoài trời. Anh em chúng tôi đang bật quạt, thở phì phò bởi cái nắng đến kinh người, thì tiếng kẻng báo cháy vang lên. Từng hồi kẻng dồn dập, khẩn trương là lệnh triều hồi khẩn cấp. Mọi người bật dậy như một phản xạ tự nhiên vơ mặc lấy quần áo, mang theo mũ ủng chạy lên xe để đến hiện trường vụ cháy. Chỉ huy thông báo đây là một đám cháy lớn, có người đang bị mắc kẹt trong đám cháy. Ngồi trên xe mà ai cũng thấp thỏm lo âu, mong xe nhanh thật nhanh đến nơi xảy ra vụ việc, để có thể cứu nạn nhân xấu số kia, thời gian là vàng là bạc là mạng sống trong giây phút này. Tôi cũng lo lắng, cứ thấp thỏm mãi không dừng, phần vì lo lắng cho người bị nạn, phần vì sợ nhiệm vụ đầu tiên, không biết mình có giống như lúc huấn luyện hay không? không biết sự lóng ngóng của mình có làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng trước mắt dân không?. Đủ các loại câu hỏi và cung bậc cảm xúc cho đến tận khi đến hiện trường.
Chỉ huy giao nhiệm vụ cho nhóm tôi gồm ba chiến sĩ tiếp cận đám cháy để cứu người. Mặc quần áo amiang bảo hộ, đeo bình khí, mặt nạ phòng độc, găng tay, mũ, ủng, đèn pin đủ cả. Nhóm chúng tôi tiến hành tiếp cận nạn nhân bị mắc kẹt ở tầng hai của một căn nhà năm tầng theo tin báo của trinh sát. Hiện trường vụ cháy thực tế khác xa so với lý thuyết tôi được học. Dù ngoài trời là trưa nắng, nhưng trong căn nhà tối thui vì khói đen mù mịt, vì đeo mặt nạ chùm kín mặt âm thanh phát ra sẽ rất bé, nên mọi tín hiệu đều phải thực hiện bằng việc giật dây. Càng tiếp cận dần nạn nhân, nhiệt độ môi trường càng tăng cao, bình thường mới ba mươi độ mồ hôi đã mướt mát lắm rồi, nay mang theo quần áo cách nhiệt và trong đám cháy mồ hôi lại càng túa ra như mưa. Cùng với nhiệt độ tăng cao là nỗi sợ trong tôi càng lớn dần, xung quanh khói càng ngày càng thêm đặc quánh, ngột ngạt. Dù sợ là vậy nhưng tôi không dám ngập ngừng trong từng thao tác bởi tôi biết chỉ một hành động sai lầm của tôi vào lúc này sẽ trả một cái giá rất đắt. Đó là tính mạng của nạn nhân, thậm chí của chính tôi và động đội mình. Từng bước, từng bước đội hình mem theo tường đi lên đến tầng hai, nhóm trưởng ra kí hiệu để triển khai đội hình tìm kiếm. Chúng tôi dàn ngang đội tình tiếp tục tìm kiếm khắp căn phòng tầng hai để tìm người. Nạn nhân lúc này chắc đã bất tỉnh, bên trong nhà lại tối đen, đèn pin cũng chẳng thể rọi sáng được. Việc tìm người trong điều kiện như vậy rất khó khăn nên mãi mà nhóm tôi vẫn chưa tìm được nạn nhân. Càng để lâu sẽ càng nguy hiểm cho người bị nạn, cũng như thời hạn của bình khí có giới hạn. Bên ngoài chỉ huy chỉ đạo các mũi tấn công khác nhau nhằm dập lửa và ngăn chặn cháy lan. Lúc này anh cũng đang rất xót ruột chốc chốc lại nhìn đồng hồ, thời gian chúng tôi có thể trụ lại trong đám cháy không còn nhiều.
Điều tôi sợ nhất cuối cùng cũng xảy ra, còi báo hiệu bình khí sắp hết nhiên liệu vang lên, đồng nghĩa với việc phải quay trở ra để đảm bảo tính mạng cho chính mình. Đây là nguyên tắc bắt buộc trong chiến đấu mà chúng tôi phải tuân theo, thế nhưng cả nhóm ai cũng nấn ná vì đã tìm kiếm được một diện tích rất rộng rồi, chỉ một ít nữa thôi, một ít nữa thôi là có thể tìm thấy nạn nhân, bây giờ nếu chúng tôi rút ra nạn nhân chắc chắn sẽ hết cơ hội sống. Chỉ huy bên ngoài cũng đã ra lệnh trong bộ đàm yêu cầu cả nhóm rút ngay. Không còn sự lựa chọn cả nhóm quyết định quay lại, nhưng mỗi người đều tranh thủ tìm kiếm xung quanh, dọc tuyến đường rút ra ngoài với hi vọng mong manh nạn nhân biết đâu nằm đâu đấy trên đường mà chúng tôi tìm kiếm sót. Trong giây phút tưởng chừng như hết hy vọng, bỗng tay tôi chạm vào thứ gì đó, là nạn nhân, là nạn nhân, tôi sờ người hỏi han nạn nhân, anh ta vẫn còn thở, nhưng hơi thở rất yếu. Giây phút ấy tôi muốn nhảy cẫng lên để hét thật lớn vì vui mừng, nhưng điều kiện thực tế đâu cho phép tôi làm vậy. Tôi phải nén lại niềm vui ở trong lòng, cả nhóm nhanh chóng đưa nạn nhân theo đội hình cứu người ra ngoài vì thời gian không còn nhiều. Giây phút đưa nạn nhân thoát ra ngoài đám cháy, tôi có cảm giác tôi trở thành người hùng, chúng tôi là những siêu anh hùng diệt giặc lửa. Người dân vỗ những chàng pháo tay giòn giã, chỉ huy nhìn chúng tôi nở một cười đầy tự hào. Người thân nạn nhân đang ngã quỵ khóc lóc thảm thiết khi thấy chúng tôi thông báo người nhà vẫn còn sống, trong tiếng khóc ấy là lời cảm ơn đầy nghẹn ngào, lời cảm ơn khiến tôi không cầm được nước mắt. Hóa ra cảm giác cứu được người khác nó thiêng liêng và cao cả đến thế, hóa ra là người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy là như vậy. Chẳng cần oai, chẳng cần những lời khen, chúng tôi chỉ thầm lặng làm đẹp cho cuộc đời, cho cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân thôi.
Sau này, trong suốt ba năm nghĩa vụ của mình tôi tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nữa, mỗi nhiệm vụ đều có những khó khăn và vất vả, nhưng lần nào tôi cũng lâng lâng trong cái niềm vui được cứu người, cứu giúp tài sản cho người dân dù mệt nhọc đến đâu. Tôi nhận ra rằng bấy lâu nay mình đã sống hoài, sống phí sa đà vào những thứ vui vô bổ đến nhường nào.
Hết thời gian nghĩa vụ không có duyên được tiếp tục ở lại với nghiệp lăng vòi, tôi ra quân. Bố mẹ tôi hơi buồn, nhưng có lẽ họ không biết thứ mà con trai họ có được sau ba năm đó không phải là việc biên chế. Mà là bài học về tình người, về sự cố gắng, về những điều hay lẽ phải trong cuộc đời. Để rồi bước chân từ đây đi trong suốt chặng đường đời về sau tôi có thể tự tin, tự hào ngẩng cao đầu, sống thẳng và hiên ngang vì tôi đã từng là chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy. Bố mẹ ơi! đứa con công tử của bố mẹ giờ đây đã rắn rỏi và trưởng thành lắm rồi vì trong biển lửa là tình người bố mẹ ạ.
Đình Trung (Liên thông 10)