Qua phân tích đánh giá về số liệu thống kê cho thấy, tình hình cháy xảy ra tại nhà dân đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong vài năm trở lại đây, trung bình chiếm tỷ lệ khoảng từ 50-70% trên tổng số vụ cháy tại các địa phương. Về thiệt hại, mặc dù thiệt hại về tài sản không lớn nhưng thiệt hại về người đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ tính trong vòng 07 ngày gần đây, đã xảy ra 02 vụ cháy nhà dân làm chết tổng số 9 người tại Tp Hồ Chí Minh. Đó là vào ngày 25/3/2021, tại phường 4, quận 8, một vụ cháy nhà dân đã xảy ra làm chết cả gia đình 03 người gồm: anh Lê Nguyễn Hoàng Huy (31 tuổi), chị Nguyễn Thị Thanh Thương (32 tuổi) cùng con gái là cháu Lê Nguyễn Tuệ Mẫn (3 tuổi); và đến ngày 30/3/2021 cũng xảy cháy nhà dân tại thành phố Thủ Đức làm 06 người trong một gia đình thiệt mạng, làm 01 người bị thương nặng.
Chưa đầy một tuần đã xảy ra 02 vụ cháy nhà dân làm chết 09 người, để lại sự ám ảnh, đau xót cho người thân, hàng xóm, láng giềng của nạn nhân và sự lo lắng trong nhân dân cả nước.
Đi sâu phân tích đặc điểm cơ bản, cốt lõi của các vụ cháy nhà dân có thiệt hại về người, chúng ta nhận thấy một số mối nguy hiểm chính đang tồn tại ở tất cả các nhà ở trong đô thị, cụ thể:
Thứ nhất là về lối thoát nạn trong trường hợp bị cháy, thông thường nhà chỉ có 01 lối thoát duy nhất đó là cửa đi hàng ngày của gia đình. Trong trường hợp cháy xảy ra, khói độc và lửa bỏng bịt kín lối đi, làm cho các thành viên trong gia đình (với đủ lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ) không thể tự thoát ra ngoài được.
Thứ hai là thời điểm đám cháy xuất hiện, thường vào ban đêm dễ gây thiệt hại về người. Các phân tích, lý giải cho thấy trong khi ngủ, người dân đóng kín cửa phòng ngủ, dẫn đến khi cháy xảy ra không phát hiện kịp thời, nên đám cháy phát triển lớn, người trong nhà không thể tự dập tắt được bằng phương tiện tại chỗ.
Thứ ba là những người lớn, người chủ gia đình chưa thật sự quan tâm đến sự an toàn cháy nổ đối với chính ngôi nhà mà mình đang sinh sống. Vì vậy, việc sắp xếp đồ đạc dễ cháy trong gia đình không thực hiện tốt; không thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình thu dọn vật liệu dễ cháy và quản lý thiết bị điện, các thiết bị có thể phát sinh cháy; không trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm và bình chữa cháy xách tay trong gia đình.
Từ những vấn đề cơ bản trên, đề nghị chủ các gia đình cần có nhận thức đúng đắn và biện pháp phòng ngừa cháy nổ trong ngôi nhà của mình, cụ thể như:
- Luôn nhắc nhở người thân trong gia đình kiểm tra, quản lý tốt chất dễ cháy, thiết bị điện, hoạt động nấu ăn, hoạt động phát sinh ra nguồn nhiệt gây cháy (hàn cắt, ninh – nấu thuốc uống, thức ăn qua đêm…).
- Có phương án và hướng dẫn các thành viên gia đình thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy, đặc biệt trường hợp khi ngọn lửa bao trùm lối đi duy nhất của gia đình.
- Nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm cục bộ (sử dụng pin, lắp đặt tại các phòng ngủ, tầng 1, bếp, nơi để xe máy – ô tô, nơi để vật liệu dễ cháy…) để kịp thời cảnh báo khi cháy xảy ra (đặc biệt cần thiết trong lúc đang ngủ).
- Mỗi hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy xách tay để ở trong nhà, để nơi thuận tiện, dễ thấy dễ lấy; hướng dẫn cho tất cả các thành viên gia đình sử dụng thành thạo (phải hướng dẫn thường xuyên). Việc trang bị bình chữa cháy xách tay cho gia đình nên dùng loại bình khí chữa cháy để khi sử dụng không bị hạn chế tầm nhìn, cản trở đường, lối thoát nạn.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH