web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Một số vấn đề lưu ý trong quá trình kiểm định, kiểm tra bình chữa cháy

Hiện nay, trên thị trường còn tồn tại nhiều loại bình chữa cháy không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về bình chữa cháy như TCVN 7026:2013 Chữa cháy – Bình chữa cháy xách tay – Tính năng và cấu tạo; TCVN 7027:2013 Chữa cháy – Bình chữa cháy có bánh xe – Tính năng và cấu tạo.. do vậy khi có cháy xảy ra việc chữa cháy ban đầu sẽ không đạt hiệu quả; không bảo đảm tính khách quan cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bình chữa cháy đảm bảo chất lượng. Để nâng cao công tác kiểm định bình chữa cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn về các bước trong công tác kiểm định bình chữa cháy cụ thể như sau:

 

 

1. Kiểm tra thành phần hồ sơ đề nghị kiểm định

Thực hiện theo các quy trình thực hiện thủ tục hành chính áp dụng đối với các đơn vị tổ chức phù hợp với Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đối với các trường hợp sản xuất/lắp ráp bình chữa cháy tại Việt Nam cần kiểm tra kỹ hồ sơ quy trình sản xuất, làm rõ các sản phẩm nào sản xuất trong nước (kèm theo giấy chứng nhận xuất xưởng của phương tiện), các sản phẩm nào nhập khẩu từ nước ngoài (giấy chứng nhận xuất xứ đối với phương tiện nhập khẩu).

2. Kiểm tra dây chuyền sản xuất và lấy mẫu kiểm định

– Đối với các loại bình chữa cháy sản xuất/lắp ráp trong nước, đơn vị kiểm định kiểm tra dây chuyền sản xuất xem có đúng sản phẩm đó được sản xuất trong nước hay không, tránh hiện tượng đặt hàng ở nước ngoài nhưng lại khai báo là sản xuất trong nước.

– Thực hiện nghiêm việc lấy mẫu xác suất bình chữa cháy để thử nghiệm với số lượng theo tài liệu hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Khi lấy mẫu, cơ quan kiểm định phải lập biên bản lấy mẫu, niêm phong số lượng bình chữa cháy đã lấy mẫu và niêm phong số lượng phương tiện còn lại sau khi lấy mẫu. Trong trường hợp một lô phương tiện được chứa ở nhiều kho hàng khác nhau, cần phải lấy xác suất ở từng kho hàng khác nhau.

3. Kiểm tra nội dung ghi nhãn bình chữa cháy

Thực hiện nghiêm việc kiểm tra nội dung ghi nhãn của bình chữa cháy theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật, các tài liệu hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa đối với nhãn hiệu hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu (hàng sản xuất tại Việt Nam thì phải thể hiện bằng tiếng Việt, đối với hàng nhập khẩu thì phải ghi rõ về nguồn gốc xuất xứ theo quy định). Trường hợp bình chữa cháy không bảo đảm yêu cầu ghi nhãn thì không cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Ví dụ yêu cầu ghi nhãn của một số bình chữa cháy như sau:

– Bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy có bánh xe: Các hướng dẫn cách sử dụng, kiểm tra và bảo dưỡng; loại chất chữa cháy; tên đơn vị sản xuất; số của mẫu (model); công suất và sự phân loại bình chữa cháy; số thứ tự theo loạt sản xuất; năm sản xuất hoặc hai chữ số cuối cùng của năm dương lịch; áp suất thử tại nhà máy (phải được ghi bền vững trên thân bình chữa cháy hoặc biển nhãn gắn cố định); phạm vi nhiệt độ sử dụng của bình chữa cháy. Chai khí đẩy của bình chữa cháy (nếu có) phải được ghi nhãn (bền vững) với các nội dung: khối lượng vỏ bình; khối lượng nạp đầy danh nghĩa; năm sản xuất; tên hoặc mã của nhà sản xuất.

– Bình chữa cháy tự động kích hoạt – bình bột loại treo: Chủng loại và ký mã hiệu của sản phẩm, tên nhà sản xuất và thương hiệu; thành phần chính của bột chữa cháy và khối lượng nạp; nhiệt độ tác động (nhiệt độ làm việc); diện tích bảo vệ danh nghĩa (LxL) (tại chiều cao lắp đặt tối đa không nhỏ hơn 2,5m); tổng khối lượng; thời gian phun; hạn sử dụng; điều khoản liên quan đến bảo hành chất lượng.

4. Tổ chức hoạt động thử nghiệm

Cán bộ kiểm định phải nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn kiểm định kỹ thuật và các tiêu chuẩn kỹ thuật về bình chữa cháy để thực hiện kiểm định đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật của bình chữa cháy theo quy trình hướng dẫn. Sau khi kết thúc thử nghiệm phải lập báo cáo chi tiết kết quả thử nghiệm làm căn cứ lập biên bản kiểm định. Ngoài ra, cần lưu ý một số nội dung trong quá trình thử nghiệm, cụ thể như sau:

– Phải thực hiện nghiêm túc thử nghiệm hiệu quả chữa cháy đối với đám cháy A, B. Sử dụng nhiên liệu thử nghiệm (gỗ, heptan) theo đúng thành phần, lượng quy định cho từng loại bình chữa cháy. Ví dụ: Đối với bình chữa cháy xách tay loại 4kg bột ABC, nếu thử nghiệm đám cháy loại A phải sử dụng cũi gỗ công suất 2A gồm 112 thanh gỗ thông hoặc tương đương kích thước 635x(39±1)x(39±1)mm, thử nghiệm đám cháy loại B phải sử dụng 36,67 lít heptan; bình chữa cháy xách tay loại 8kg bột ABC nếu thử nghiệm đám cháy A phải sử dụng cũi gỗ công suất 4A gồm 180 thanh gỗ thông hoặc tương đương kích thước 800x(39±1)x(39±1)mm, thử nghiệm đám cháy B phải sử dụng 96 lít heptan.

– Cán bộ thử nghiệm phải lấy đúng số lượng nhiên liệu phục vụ thử nghiệm, phải trung thực, khách quan, ghi chép đúng số liệu, ghi lại một số hình ảnh thử nghiệm.

5. Đối với việc cấp giấy chứng nhận kiểm định cho các hồ sơ kiểm định theo đề nghị của đơn vị được Bộ Công an cho phép thực hiện hoạt động kiểm định kỹ thuật bình chữa cháy, cần lưu ý:

– Đối chiếu năng lực kiểm định của đơn vị kiểm định, trường hợp phát hiện đơn vị không đủ năng lực kiểm định phương tiện PCCC theo nội dung Biên bản kiểm định thì không tiến hành cấp giấy chứng nhận kiểm định;

– Biên bản kiểm định phương tiện PCCC phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trường hợp kiểm định không đầy đủ yêu cầu kỹ thuật thì không tiến hành cấp giấy chứng nhận kiểm định;

– Kiểm tra lại quy trình thực hiện lấy mẫu (xem xét biên bản lấy mẫu) và quy trình kiểm định kỹ thuật (xem xét phiếu kết quả thử nghiệm) của đơn vị đề nghị cấp giấy nếu có nghi vấn; có thể yêu cầu cung cấp hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện PCCC để kiểm tra, đối chiếu;

– Trực tiếp lấy mẫu xác suất và thử nghiệm lại khi có thông tin nghi vấn.

6. Sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm định, đơn vị kiểm định phải phối hợp với cơ quan cấp giấy chứng nhận kiểm định để tiến hành dán tem kiểm định phương tiện PCCC; sau khi hoàn thành việc dán tem thì lập biên bản theo quy định. Sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu và hoàn thành việc dán tem kiểm định thì phương tiện PCCC mới được lưu thông và đưa vào sử dụng./.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH