Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.641 công trình có tầng hầm và bán hầm, trong đó có nhiều công trình ngầm quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: tòa nhà Vincom Center (Quận 1) có 06 tầng hầm, tòa nhà Sài Gòn Centre (Quận 1) với 05 tầng hầm, đường hầm vượt sông Sài Gòn, khu Trung tâm thương mại dưới lòng đất Sensi market (Quận 1)…
Bên cạnh đó, tuyến Metro Số 1 đang thi công với nhiều hạng mục nhà ga và trung tâm thương mại dịch vụ ngầm nối dài từ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố. Ngoài ra, Thành phố cũng đã có chủ trương xây dựng nhiều dự án lớn khác có khai thác, sử dụng không gian ngầm.
Với tốc độ phát triển đô thị nhanh, kinh tế phát triển và mật độ tập trung dân cư khá cao, diện tích xây dựng ngày càng bị thu hẹp, giá đất ngày càng cao dẫn đến việc xây dựng các công trình có phần ngầm ngày càng phát triển. Số tầng và diện tích công trình ngầm càng tăng thì tính chất, mức độ, nguy cơ xảy ra cháy, nổ càng cao. Khi xảy ra sự cố cháy các công trình ngầm, khói khí độc sẽ nhanh chóng lan truyền với mật độ dày đặc, cùng với đó điều kiện thoát khói ra bên ngoài rất hạn chế và nhiệt độ đám cháy tăng lên rất nhanh, nếu hệ thống tăng áp, hút khói chống tụ khói và hệ thống thoát nạn của công trình hoạt động không hiệu quả thì mức độ thiệt hại do cháy gây ra đối với con người và tài sản rất lớn.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã xảy một số vụ cháy công trình ngầm lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Có thể kể đến đó là vụ cháy ở chung cư Carina Plaza (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh), chung cư Hapulico (quận Thanh Xuân, Hà Nội),chung cư Vinaconex 9(TP Vinh, Nghệ An) …
Vậy các công trình ngầm, hầm ngầm có tính chất nguy hiểm về cháy nổ ?
Trong các tầng hầm sử dụng làm trung tâm thương mại là nơi tồn tại nhiều loại hàng hóa khác nhau như: quần áo, giầy dép, túi da, mỹ phẩm, thiết bị gia đình, nhà sách, đồ thể thao….đặc điểm về tốc độ lan truyền của đám cháy phụ thuộc vào loại chất cháy tồn tại nơi xảy ra sự cố. Song, khả năng trao đổi khi khi cháy rất thuận lợi, sản phẩm sinh ra từ đám cháy nhanh chóng lan truyền và khuếch tán lên các tầng phía trên do các tầng thông nhau. Nguy hiểm hơn nữa khi đám cháy xảy ra trong thời điểm có đông khách hàng đang mua sắm sẽ tạo ra hiện tượng hỗn loạn, chen lấn xô đẩy… Những hiện tượng này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển kai dập tắt đám cháy của lực lượng chuyên trách.
Trong tầng hầm, nơi làm gara ôtô, xe máy luôn tồn tại một khối lượng lớn các chất dễ cháy như: Xăng dầu, cao su, nhựa…. Khi cháy xảy ra thì trong khoảng 10 phút tính từ thời điểm phát sinh cháy, sự phát triển của đám cháy không bị cản trở vì trong thể tích tầng hầm khá lớn, đã có sẵn không khí để cung cấp cho quá trình cháy. Sau khoảng 30 phút, không khí cung cấp cho vùng cháy bị hạn chế nên đám cháy sẽ phát triển chậm hơn. Cháy chỉ tiếp tục diễn ra mạnh ở những nơi được cung cấp đủ không khí. Do khả năng trao đổi khí trong tầng hầm bị hạn chế nên nhiệt độ của đám cháy và nồng độ khói ở trong đó sẽ tăng nhanh.
Nếu trong tầng hầm các lối đi, cửa thông với các tầng trên của ngôi bị hở thì sản phẩm cháy thoát ra sẽ lan lên các tầng trên thông qua những khoảng hở khi xây lắp tại các vị trí có các loại đường ống chạy qua; ống dẫn rác; hộp kỹ thuật; buồng hoặc giếng thang máy; hệ thống thông gió…
Sau một khoảng thời gian cháy, đám cháy có thể lan lên các tầng trên thông qua các hệ thống kỹ thuật hoặc do trần của tầng hầm dẫn nhiệt (sản phẩm cháy mang nhiệt độ cao, tàn lửa qua hệ thống thông gió, hệ thống xả rác, giếng thang….)
Vụ cháy Carina Plaza (Quận 8, TP HCM)
Khi xảy ra cháy trong tầng hầm tại khu vực để xe, có thể xuất hiện nguy cơ nổ các bình chứa nhiên liệu tại thành đám cháy lớn, phức tạp.
Nếu hệ thống thông gió, thoát khói cho tầng hầm bị tê liệt, sau một khoảng thời gian rất ngắn toàn bộ khu vực tầng hầm sẽ bị nhiễm khói, sản phẩm cháy. Nhiệt độ trong tầng hầm tăng nhanh và có thể dẫn đến xuất hiện những điểm chấy mới trong cùng tầng. Trong trường hợp này nếu không có biện pháp thoát khói kịp thời thì công tác triển khai chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Khói lan theo buồng thang khi cháy xảy ra trong tầng hầm
Khi tình huống cháy xảy ra ở vị trí tầng hầm làm trung tâm thương mại, do đặc điểm của giữa các tầng hầm làm trung tâm thương mại không có sự ngăn cách với nhau. Chính vậy, sau một thời gian cháy khói, sản phẩm cháy sẽ nhanh chóng bao trùm các tầng tà trung tâm thương mại gây khó khăn cho công tác thoát nạn và triển khai chữa cháy. Đặc biệt khi xảy ra cháy ở các tầng hầm làm trung tâm thương mại trong thời điểm hoạt động, tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra. Sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát nạn và triển khai chữa cháy.
Chúng ta cần có những biện pháp PCCC cần lưu ý?
Trong công tác phòng cháy chữa cháy, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở rất quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho phát triển bền vững của cơ sở, sự bình yên cuộc sống cho mọi người, giữ vững an ninh trật tự (ANTT) chung. Chính vì vậy, mỗi người chủ cơ sở phải thực sự thấy được trách nhiệm của mình, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Pháp luật, chắc chắn cháy nổ không xảy ra. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các qui định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, người đứng đầu cơ sở phải chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy; quản lý và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; thường xuyên kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Người đứng đầu cơ sở cần quan tâm thật sự đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC); tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC đến toàn thể người dân nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức trong công tác PCCC để người dân có đủ khả năng xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại nơi sinh sống, nơi làm việc. Đặc biệt, cần tập trung thực hiện tốt các qui định sau:
- a) Lối thoát nạn
– Phải đảm bảo các yêu cầu thoát nạn nhanh chóng khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại các tầng hầm. Các tầng hầm phải có đủ lối thoát nạn, bố trí phân tán theo quy định PCCC. Các buồng thang bộ phải đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi khói, khí độc, lửa, nhiệt độ cao do đám cháy gây ra, được thông gió. Lối thoát nạn lên mặt đất của các cầu thang bộ thoát nạn từ tầng hầm phải trực tiếp ra bên ngoài; không để các đồ vật cản trở lối thoát nạn; không tự ý rào chắn, chặn cửa thoát nạn.
– Tại các cơ sở có người tàn tật, người không tự thoát nạn được phải có phòng lánh nạn tạm thời để chờ lực lượng ứng cứu. Phòng này phải đảm bảo ngăn cháy, chống khói, được thông gió và chiếu sang sự cố.
- b) Giải pháp ngăn cháy và chống cháy lan
– Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy;
– Các công trình xây dựng có phần ngầm phải thực hiện các biện pháp đặc thù về PCCC phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy nổ của từng loại cơ sở.
– Bên trong khu vực công trình xây dựng có phần ngầm phải có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ; kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.
– Tại khu vực tầng hầm không được lưu trữ quá nhiều hàng hoá trong kho, hàng hóa phải được sắp xếp theo từng dãy để tạo khoảng trống chống cháy lan.
– Phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị máy móc, hệ thống điện, lắp đặt thiết bị bảo vệ như cầu dao tự động, cầu chì cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, tách riêng biệt các nguồn điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt.
– Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
– Thành lập đội PCCC cơ sở và phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn, có phân công thường trực canh gác.
– Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.
- c) Hệ thống PCCC
– Khi xảy ra sự cố cháy nổ tại tầng hầm thì lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận xuống tầng hầm rất khó khan. Do đó, các công trình xây dựng có phần ngầm phải được thiết kế các hệ thống PCCC như: Hệ thống chữa cháy vách tường; hệ thống chữa cháy tự động; hệ thống báo cháy tự động; hệ thống camera…
– Phải có 01 thang máy chữa cháy chuyên dụng phục vụ cho công tác chữa cháy, thang chữa cháy phải được thiết kế đi đến được tất cả các tầng hầm.
– Nguồn điện cấp cho hệ thống chữa cháy, thang máy chuyên dụng phục vụ cho công tác chữa cháy của công trình phải được thiết kế có hai nguồn cung cấp riêng biệt hoặc từ nguồn máy phát điện dự phòng.
Khói lan theo buồng thang khi cháy xảy ra trong tầng hầm.
- d) Tăng cường công tác quản lý về PCCC
– Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.
– Thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật an toàn PCCC theo quy định nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót; tăng cường biện pháp xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC.
– Các hệ thống, trang thiết bị phải được lắp đặt bổ sung đầy đủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn. Có chế độ bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, thường xuyên để đảm bảo cho các hệ thống này sẵn sang hoạt động khi cháy xảy ra với hiệu quả cao nhất.
– Phải đảm bảo các điều kiện về giao thông để các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tiếp cận thuận lợi và nguồn nước phục vụ chữa cháy phải đầy đủ.
– Khi xảy ra sự cố cháy phải nhanh chóng tìm cách báo ngay cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc báo cho Chính quyền, Công an nơi gần nhất đồng thời tìm mọi cách dập cháy, tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án chữa cháy đã đề ra.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh