Trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra tại các khu vực dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân thiếu nước chữa cháy.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh, năm 2020, Thành phố xảy ra 269 vụ cháy, làm chết 11 người, bị thương 22 người. Trong đó, số vụ cháy, nổ nhà ở đơn lẻ là 103 trong số 269 vụ, chiếm hơn 38%; ba tháng đầu năm 2021, dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng số người chết do các vụ cháy đã là 09 người; một con số rất đáng buồn và báo động về tình trạng cháy, nổ trên địa bàn Thành phố. Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 450 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có khoảng 41.500 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; hơn 12.400 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Thống kê của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, giai đoạn 2015 – 2020, toàn Thành phố đã xảy ra hơn 4.800 vụ cháy, làm 75 người chết, 209 người bị thương, thiệt hại hơn 453 tỷ đồng tài sản các loại.
Một nghịch lý đang xảy ra với TP Hồ Chí Minh là mặc dù là một đô thị năng động, phát triển bậc nhất cả nước với nhiều loại hình cơ sở kinh tế, xã hội đa dạng, trong đó bao gồm nhiều cơ sở có nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao nhưng công tác cung cấp nước chữa cháy còn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê trên địa bàn Thành phố có khoảng gần 11.000 trụ nước chữa cháy, trong đó gần 1.200 trụ hư hỏng, nhưng hiện nay Thành phố chưa có kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, đến nay công tác này vẫn chữa được triển khai. So với yêu cầu thực tế hiện nay và theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 07:2010/BXD-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị – lắp đặt trụ nước chữa cháy không quá 300m/01 trụ trên tất cả các tuyến ống cấp 3 thuộc mạng lưới cấp nước Thành phố thì Thành phố còn thiếu hơn 10.000 trụ nước chữa cháy. Nguyên nhân, số trụ nước chữa cháy ở Thành phố còn thiếu nhiều là do tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều tòa nhà, cụm – khu công nghiêọ, trong khi công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới cấp nước, đầu tư – xây dựng trụ nước chữa cháy không theo kịp. Công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị liên quan (Công an Thành phố, Công ty cấp nước, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn…) trong việc phát triển, đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước chữa cháy, trụ nước chữa cháy chưa đồng bộ, chưa thật sự quan tâm. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025, thành phố lắp đặt hơn 11.000 trụ nước chữa cháy. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020 sẽ lắp bổ sung 4.353 trụ, nhưng đến nay chỉ lắp mới được khoảng 800 trụ, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Ngoài việc thiếu trụ nước, nhiều khu vực cũng không có nước chữa cháy trong giờ cao điểm. Nhiều chung cư cũ không có hồ tích trữ nước chữa cháy. Đã có một số vụ cháy xảy ra ở các chung cư cũ nhưng lực lượng chữa cháy tại chỗ tìm không ra nguồn nước tích trữ.
Nước được xem như “vũ khí” quan trọng của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khi tác chiến với giặc lửa, “Nhiều vụ cháy trong bán kính hơn 500m không tìm thấy trụ nược chữa cháy hay nguồn nước nào làm cho thời cháy tự do kéo dài dẫn đến cháy lan sang các khu vực lân cận gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và việc làm của người lao động”.
Việc thiếu nước, thiếu trụ nước chữa cháy gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp bởi đám cháy sẽ phát triển nhanh gây cháy lớn cháy lan sang khu vực lân cận, thiếu nước làm thời gian chữa cháy kéo dài dẫn đến hiệu quả chữa cháy không cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ cháy lan, cháy lớn xảy ra trong thời gian vừa qua.
Hiện nay tình trạng lưu lượng và áp lực nước chưa đảm bảo, nếu sử dụng nhiều trụ nước cùng một lúc trên cùng một tuyến đường ống thì không đảm bảo cấp nước. (yêu cầu áp lực nước tại miệng trụ phải đạt H = 10M cột nước và lưu lượng phải đạt Q ≥ 28 l/s).
Lưu lượng nước không đủ nên không thể áp dụng các chiến thuật chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất của đám cháy mà phải áp dụng chiến thuật chữa cháy trong điều kiện thiếu nước dẫn đến hiệu quả chữa cháy không cao so với yêu cầu.
Lưu lượng nước không đủ nên không thể áp dụng các chiến thuật chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất của đám cháy mà phải áp dụng chiến thuật chữa cháy trong điều kiện thiếu nước dẫn đến hiệu quả chữa cháy không cao so với yêu cầu.
Nguồn nước chữa cháy ít nên không đủ để tập trung phun tổng lực để dập tắt đám cháy mà chủ yếu phun nước nhằm duy trì ngăn chặn cháy lan cháy lớn.
Nguồn nước dự trữ chữa cháy trong các khu dân cư tập trung có nguy cơ cháy nổ cao, hẻm sâu hiện nay vẫn là một vấn đề nan giải, tuy thiếu nước chữa cháy nhưng lại chưa có giải pháp hữu hiệu. Trên thực tế, khi xảy ra cháy lan, cháy lớn tại những khu vực này đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH do phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện chữa cháy, thời gian chữa cháy kéo dài do không đủ lượng nước cần thiết để dập tắt đám cháy trong thời gian nhanh nhất. Ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn bảo vệ trụ nước chữa cháy chưa cao, còn khá phổ biến tình trạng lấy cắp thiết bị trụ nước chữa cháy và sử dụng nguồn nước chữa cháy không đúng mục đích.
Không chỉ thiếu, hệ thống trụ nước chữa cháy hiện có trên địa bàn Thành phố còn đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, hiện nay khoảng gần 1.200 trụ nước chữa cháy bị hư hỏng. Nhiều trụ bị nghiêng, có trụ bị mất nắp, mất ti; không ít trụ bị những người thiếu ý thức mang đá, rác bỏ vào miệng trụ. Đáng nói hơn, các trụ nước đã hư hỏng nhiều năm nhưng vẫn chưa được duy tu, sửa chữa, thay thế.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh