Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BXD. Ban hành kèm Thông tư này là QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Thông tư số 01/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2021 và thay thế Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 ban hành QCVN 01:2019 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
Quy chuẩn này quy định về các mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (sau đây gọi tắt là quy hoạch đô thị – nông thôn) bao gồm quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương trong lĩnh vực quy hoạch đô thị – nông thôn. Đối với công tác quy hoạch xây dựng các khu chức năng ngoài việc tuân thủ các quy định trong quy chuẩn này còn phải tuân thủ theo các quy chuẩn có liên quan.
Nội dung của QCVN 01:2021/BXD bao gồm các quy định chung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tài liệu viện dẫn, giải thích từ ngữ, yêu cầu chung; các quy định kỹ thuật, bao gồm: yêu cầu về đất dân dụng, yêu cầu về đơn vị ở, yêu cầu về các công trình dịch vụ – công cộng, yêu cầu về đất cây xanh, yêu cầu về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, yêu cầu về kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị và bố cục các công trình đối với các khu vực phát triển mới, yêu cầu về không gian và sử dụng đất các khu vực hiện hữu trong đô thị, yêu cầu về cao độ nền và thoát nước mặt, yêu cầu về giao thông, yêu cầu về cấp nước, yêu cầu về thoát nước và xử lý nước thải (XLNT), yêu cầu về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR), yêu cầu về nhà tang lễ, nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, yêu cầu về cấp điện, yêu cầu về bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, yêu cầu về quy hoạch xây dựng nông thôn; các quy định về quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và tổ chức thực hiện.
Trong quy chuẩn này, một số thuật ngữ cần lưu ý, trong đó như: Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và các khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh; Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị. Quy hoạch đô thị được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị; Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn; Đất xây dựng đô thị là đất dành để xây dựng các chức năng đô thị (gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị) bao gồm đất dân dụng và đất ngoài dân dụng… Ngoài ra là các thuật ngữ cần hiểu rõ như: Đất dân dụng; Khu vực phát triển đô thị; Đơn vị ở; Nhóm nhà ở; Lô đất; Nhà ở riêng lẻ; Nhà chung cư; Đất sử dụng hỗn hợp; Công trình hỗn hợp; Đất cây xanh đô thị; Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở; Điểm dân cư nông thôn; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT); Hệ thống hạ tầng xã hội; Mật độ xây dựng; Hệ số sử dụng đất; Chỉ giới đường đỏ; Chỉ giới xây dựng; Khoảng lùi; Chiều cao công trình xây dựng; Khoảng cách an toàn về môi trường (ATMT); Hành lang bảo vệ an toàn; Không gian xây dựng ngầm đô thị; Tuy-nen kỹ thuật và hào kỹ thuật.
Quy chuẩn này quy định về các mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong công tác quy hoạch xây dựng, là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng kiểm tra, giám sát việc lựa chọn các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật và yêu cầu thiết kế trong đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc. Việc lựa chọn các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật và yêu cầu thiết kế trong đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc dựa trên tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng hoặc các phương pháp luận khoa học khác nhưng phải đảm bảo sự phù hợp với quy định trong quy chuẩn này. Công tác quản lý đô thị phải căn cứ vào đồ án quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết), đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc được duyệt.
Mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng bao gồm lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt và công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn này. Các cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, hoạt động xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ quy chuẩn này trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn./.
Hoàng Ngọc Hải (Khoa Nghiệp vụ cơ bản)