Thế giới đang trải qua thời kỳ nhiều biến động, nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Xu thế đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét và trở thành xu thế chủ đạo, vai trò của các tổ chức khu vực trên các châu lục ngày càng gia tăng, tạo ra mối quan hệ đan xen, tăng cường hợp tác. Dưới tác động của toàn cầu hóa, các nước đẩy mạnh tiến trình liên kết kinh tế, với những hình thức ngày càng đa dạng, sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực, là động lực phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội và là động lực hình thành xã hội số; nền sản xuất thông minh, kinh tế tri thức, thúc đẩy quá trình cải cách, đổi mới, sáng tạo và tái cấu trúc ở mọi quốc gia, khu vực và thế giới.
Mặt khác, nước ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia tích cực, hiệu quả vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, như: gìn giữ hòa bình, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, những vấn đề an ninh phi truyền thống, qua đó, tạo niềm tin, thế và lực mới cho đất nước, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Sau gần 35 năm đổi mới Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng trong Cộng đồng ASEAN và trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 đã nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam đang phải đối phó với nhiều vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh tài chính, an ninh lương thực, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, đói nghèo, hậu quả của đại dịch Covid-19…
Chính vì vậy, việc hợp tác là tất yếu giữa các quốc gia trong việc chung tay đẩy lùi các vấn đề chung toàn cầu trong đó có lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, từ năm 2009 đến nay Việt Nam đã ký kết và tham gia các thỏa thuận, hiệp định song phương và đa phương về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn với các nước như: Nga, Trung Quốc, Hoa kỳ, Nhật Bản và các nước ASEAN trong khu vực. Trong đó công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNCH được chú trọng, lực lượng PCCC đã có quan hệ hợp tác với lực lượng chức năng cùng cấp, các ban ngành, cục, vụ, viện các nước như: Nga, Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Áo, Ba Lan,… Đã xúc tiến ký kết Thư Thỏa thuận hợp tác với Lực lượng Phòng vệ dân sự – Bộ Nội vụ Singapore về đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH; ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn UL Hoa Kỳ về hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, đào tạo nguồn lực, chuyển giao công nghệ, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và an toàn cháy cho công trình. Đặc biệt, lần đầu đảm nhiệm vai trò đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Hiệp hội kiểm định phương tiện PCCC khu vực Châu Á lần thứ 9 (AFIC9) tại Việt Nam. Đây là một sự kiện lớn về PCCC trong khu vực, Hội nghị đã thu hút 07 quốc gia tham dự. Trên cơ sở các hiệp định và các quy định của pháp luật hiện hành, công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và đạt được kết quả nhất định trong thực tế, góp phần khắc phục các sự cố xảy ra, giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người, tài sản. Ngoài ra, tính từ năm 2006 đến nay nước ta đã phối hợp với các nước trên thế giới và khu vực cứu được 1.036 người, 107 phương tiện nước ngoài. Đặc biệt là tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cấp phép kịp thời cho 12 máy bay, 19 tàu của các nước (Singapore; Malaysia; Hoa Kỳ; Trung Quốc) phối hợp kiểm tra, kiểm soát và tham gia tìm kiếm vụ máy bay MH370 của Hàng không Malaysia mất tích năm 2014 theo đúng thông lệ quốc tế, được các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, khả năng hoạt động tìm kiếm cứu nạn nói chung, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển, biên giới, sự cố, tai nạn mang tính chất thảm họa hiện nay là hoạt động mang tính toàn cầu, một vụ việc có thể liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực, nỗ lực của riêng Việt Nam hay một quốc gia nào đó cũng không đủ để ứng phó với những tác động của thiên tai, sự cố, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên phạm vi rộng. Điều đó đòi hỏi các nước phải có sự phối hợp, hợp tác với các quốc gia láng giềng trong việc thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai mang tính chất thảm họa. Xu hướng hội nhập mạnh mẽ hơn trong thời gian tới càng đặt ra yêu cầu cấp bách về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ. Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập trong quan hệ hợp tác do: Chưa có quy định về nguyên tắc, quyền hạn, trách nhiệm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; chưa quy định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương khi triển khai thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, việc bảo đảm các điều kiện cho thực hiện các hoạt động hợp tác chưa được tiến hành thường xuyên nên hiệu quả còn chưa cao, kết quả của việc thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.
Trước bối cảnh tình hình quốc tế đặt ra yêu cầu phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế đóng góp thiết thực, hiệu quả thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển đất nước bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn xã hội của đất nước. Để hợp tác quốc tế về lĩnh vực CNCH ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân giao phó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, thay đổi tư duy về hợp tác quốc tế, theo đó chuyển từ quan niệm thụ động tiếp nhận viện trợ sang chủ động hội nhập, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi; thay đổi quan điểm hợp tác quốc tế chỉ đơn thuần là giao dịch, lễ tân sang vai trò là đầu mối xây dựng và phát triển các quan hệ hợp tác có chiều sâu chuyên môn về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Hai là, tăng cường đầu tư tài lực và nhân lực cho hợp tác quốc tế về CNCH: Đảm bảo kinh phí để tham gia đầy đủ, có hiệu quả các hội nghị, hội thảo quốc tế về các công ước về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, các khuôn khổ hợp tác trong khu vực; bố trí kinh phí để thực hiện các sáng kiến, các sự kiện do Việt Nam chủ trì; tăng cường đào tạo cho cán bộ hợp tác quốc tế; tiến tới cử đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Ba là, xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế của ngành, trong đó xác định các định hướng hợp tác chiến lược, tập trung vào những vấn đề vừa giải quyết nhu cầu trong nước vừa đóng góp giải quyết các vấn đề về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ toàn cầu và khu vực, chú trọng những vấn đề mới mà Việt Nam có lợi thế tham gia, hợp tác.
Bốn là, mặc dù có những thuận lợi về chủ trương, thành tựu của giai đoạn trước cũng như quan tâm của các đối tác phát triển, hợp tác quốc tế về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2020-2025 đòi hỏi những nỗ lực đặc biệt nhằm vượt qua các thách thức, đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong giai đoạn mới, cần thay đổi quan điểm về hợp tác quốc tế, tăng cường đầu tư kinh phí và đào tạo cho hoạt động hợp tác quốc tế cũng như xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với lộ trình thực hiện hợp lý.
Năm là, tập trung nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ Trung ương đến địa phương, trong đó chú trọng đến công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng tham gia xử lý có hiệu quả các sự cố, tai nạn lớn, nghiêm trọng. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng một số đơn vị đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ xử lý các tình huống sự cố, tai nạn phức tạp xảy ra ở trong nước và tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế khi có yêu cầu./.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh
Cục trưởng, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH