Hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy đã trở thành một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, có thể nói là yếu tố được ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân. Ngoài việc trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, mỗi người dân cũng phải tự mình chuẩn bị những kiến thức cơ bản về cách chữa cháy, từ đó có thể chủ động kịp thời xử lý khi có đám cháy, hỏa hoạn xảy ra.
Sự cháy cần được hội tụ đầy đủ những yếu tố bao gồm: nhiên liệu, nhiệt độ, oxy. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố trên, đám cháy chắc chắn sẽ không hình thành. Từ khái niệm này, có thể dựa vào để tìm ra các phương pháp chữa cháy thích hợp.
Theo Luật Phòng cháy chữa cháy, chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người và tài sản, ngăn ngừa đám cháy lây lan, dập tắt đám cháy cũng như các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. Ngoài ra, cũng có thể định nghĩa dễ hiểu hơn về chữa cháy: là một hoạt động tập hợp các lực lượng và các vật liệu chữa cháy cùng người chỉ huy chữa cháy để vận hành và tổ chức các hoạt động cần thiết nhằm dập tắt đám cháy, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản.
Có 4 phương pháp chữa cháy cơ bản cần nắm vững để có thể kịp thời xử lý khi có đám cháy bất ngờ xảy ra. Đó là:
Chữa cháy bằng phương pháp làm lạnh
Chữa cháy bằng phương pháp làm lạnh là cách làm hạ nhiệt độ của chất cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy của nó. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu để dập những đám cháy chất rắn.
Trong thực tế, nước thường dùng để dập tắt nhiều chất cháy khác nhau. Tuy nhiên, nước lại có tác dụng mạnh với các kim loại kiềm, kiềm thổ và một số chất khác. Chính vì vậy, đối với những đám cháy có các loại chất này, chúng ta nên chú ý sử dụng nước khi áp dụng vào các cách chữa cháy cơ bản.
Chữa cháy bằng ngăn cách oxy với chất cháy (cách ly)
Đây là phương pháp cách ly ôxy với chất cháy, tách rời chất cháy ra khỏi đám cháy. Người ta sẽ dùng các thiết bị, chất chữa cháy đậy phủ lên bề mặt của chất cháy, sau đó loại bỏ oxy trong không khí với vật cháy và nhanh chóng di chuyển vật cháy ra khỏi vùng cháy.
Phương pháp này có ý nghĩa chống cháy lan và tạo ra sự ngăn cách giữa những khu vực đang cháy với những khu vực xung quanh chỗ bị cháy. Trong chữa cháy, người ta có thể sử dụng các phương pháp cách ly bằng lớp bột chữa cháy, bộ phận ngăn cháy bằng cách tạo khoảng cách.
Phương pháp này sẽ được áp dụng để dập tắt hầu hết các dạng đám cháy, bên cạnh đó người ta cũng sẽ phải kết hợp phun nước để loại trừ đám cháy quay trở lại.
Chữa cháy bằng phương pháp kìm hãm phản ứng cháy
Đây là phương pháp nhằm loại bỏ khả năng hoạt động của phản ứng cháy chuỗi bằng cách đưa các chất chữa cháy vào gốc lửa làm phản ứng cháy chậm lại hoặc ngăn không cho nó lây lan.
Chữa cháy bằng phương pháp giảm nồng độ các chất phản ứng
Phương pháp này có tác dụng làm cho nồng độ của các chất tham gia phản ứng cháy giảm xuống thấp hơn giới hạn nồng độ bốc cháy thấp của đám cháy.
Phương pháp này thực chất được sử dụng là để tạo nên một màng ngăn hạn chế sự tiếp xúc của oxy với chất cháy bằng cách phun nước, phun sương hơi nước, khí trơ, bột chữa cháy và các sản phẩm cháy (khói, khí không cháy).
Có 3 biện pháp chữa cháy cơ bản là:
Biện pháp chữa cháy theo mặt lửa
Biện pháp chữa cháy theo mặt lửa được áp dụng trong trong những trường hợp khi đám cháy có dấu hiệu cháy lan. Với những đám cháy này, người chỉ huy phải bố trí lực lượng và các phương tiện chữa cháy ở những phần mặt ngoài đám cháy đang diễn ra quá trình cháy lan. Bên cạnh đó, người ta sẽ tiến hành dập tắt từ phía ngoài diện tích đám cháy, rồi dần dần tiến tới dập tắt toàn bộ đám cháy.
Biện pháp chữa cháy theo chu vi
Phương pháp chữa cháy này được áp dụng khi có đủ nguồn lực dập tắt đám cháy trên toàn bộ diện tích của nó, hoặc trong trường hợp đám cháy đang phát triển theo nhiều hướng mà mức độ đe dọa của đám cháy tới các hướng đó là ngang nhau. Điều đó có nghĩa nếu không dập tắt kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển và lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, chúng ta đòi hỏi phải huy động số lượng lực lượng và phương tiện đủ lớn để có thể chữa cháy theo chu vi của nó.
Biện pháp chữa cháy theo thể tích
Biện pháp này được áp dụng khi dập tắt các đám cháy bằng khí trơ hoặc bằng bọt hòa không khí. Phương pháp này áp dụng đối với các đám cháy trong hầm cáp điện hoặc trong hầm kín, hầm ngầm có khối tích không quá lớn./.
PV (Tổng hợp)