Năm 2021, địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 48 vụ cháy rừng; trong đó: 21 vụ cháy thiệt hại đến rừng và 50 vụ cháy thảm thực vật, cây cỏ, lau lách…, tổng diện tích rừng bị cháy là 122,38 ha, diện tích rừng bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi là 44,75 ha, trong đó rừng tự nhiên 1,39 ha, rừng trồng 43,36 ha.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Nghệ An đã điều động 6.855 lượt người, phối hợp với lực lượng Quân đội, Bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ cùng quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy, khống chế các vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp suốt nhiều ngày đêm tại các xã trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thái Hòa…
Thời tiết khô hanh, nắng nóng với nền nhiệt cao kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn; tại một số huyện vùng cao ở Nghệ An, có những ngày đỉnh điểm hơn 40 độ C. Gần đây nhất xảy ra 2 vụ cháy rừng liên tiếp vào ngày 30/5/2021 tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu và xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh đã huy động 5 đội chữa cháy khu vực với gần 40 cán bộ chiến sĩ, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an địa phương cùng quần chúng nhân dân trực tiếp chữa cháy và chống cháy lan suốt nhiều giờ đồng hồ.
Với 2/3 diện tích là trung du và miền núi, Nghệ An có diện rích rừng khoảng hơn 965 nghìn ha. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 153 khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy, trong đó có 14 khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao (08 khu rừng gắn liền với các khu Di tích lịch sử cấp quốc gia; 95 khu rừng do các tổ chức (Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, lâm trường, Tổng đội TNXP và các công ty) làm chủ rừng, 58 khu rừng do UBND cấp xã hoặc cá nhân, hộ gia đình làm chủ rừng. Các khu vực rừng có nguy cơ cháy có diện tích khoảng 27 nghìn ha rừng trồng và hơn 42 nghìn ha rừng tre nứa tại các huyện miền núi.
Thời gian qua, công tác PCCC rừng đã được sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc chữa cháy rừng quyết liệt của các lực lượng: chủ rừng, kiểm lâm, công an, quân sự, dân quân tự vệ và người dân địa phương.
Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương và chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về PCCC; phối hợp thực hiện tốt công tác PCCC rừng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống cháy rừng tại địa phương.
Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan Kiểm lâm chỉ đạo kiểm tra, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC rừng chuyên ngành cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương; kiểm tra an toàn PCCC rừng định kỳ trước mùa nắng nóng đối với các khu rừng trọng điểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn PCCC rừng và khi có yêu cầu đặc biệt. Phối hợp rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới các phương án chữa cháy; duy trì chế độ thường trực 24/24h hàng ngày tại văn phòng Ban chỉ huy các cấp đảm bảo các biện pháp phòng ngừa và chủ động ứng cứu các tình huống cháy rừng xảy ra.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa phương
kiểm tra công tác an toàn PCCC các khu rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lí bảo vệ và PCCC rừng năm 2021 tại tỉnh Nghệ An đã được chủ động triển khai thực hiện sớm, đồng bộ, đặc biệt là ở các xã có diện tích rừng nhiều, và nguy cơ cháy rừng cao. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; trong đó, biện pháp quan trọng phòng cháy là chính. Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của ngành chức năng trong việc thực hiện các phương án PCCC rừng rừng trong mùa nắng nóng, tỉnh đang rất nỗ lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra.
Theo Cục cảnh sát PCCC&CNCH