web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Một số biện pháp PCCC cho nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân tăng cao, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (NƠKHSXKD) xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến trong tất cả các khu dân cư, nhất là tại các khu đô thị, thành phố. Đã có nhiều vụ cháy xảy ra tại các NƠKHSXKD làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây dư luận hoang mang…

 

 

Tại các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường sử dụng nhiều thiết bị điện cũng như các loại nhiên liệu nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong quá trình sản xuất, kinh doanh là không tránh khỏi. Nhiều vụ cháy đã xảy ra tại NƠKHSXKD nằm trong khu dân cư. Điển hình như:

– Ngày 5/6/2021, xảy ra vụ cháy lớn tại căn nhà là cửa hàng mua bán đồ điện trên đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi, Quảng Ngãi làm chết 4 người.

– Ngày 10/7/2021, căn nhà bán phụ tùng xe ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, đám cháy đã thiêu hủy hoàn toàn căn nhà.

– Ngày 12/4/2019, tại phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra vụ cháy công trình xây dựng trái phép với 4 nhà xưởng mái tôn, khung sắt, có tường gạch bao xung quanh cao khoảng 1,5m, phía trên được quây tôn với tổng diện tích khoảng trên 800m2. Vụ cháy khiến 8 người thiệt mạng.

Điểm chung từ những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản là công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở do người dân tự xây dựng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… gần như chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức.

Sự nguy hiểm cháy, nổ của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Theo khảo sát, phần lớn các khu dân cư, nhà dân được xây dựng, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, cửa hàng tiện ích… xây dựng không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, không đảm bảo an toàn về PCCC, diện tích nhỏ từ 20m2-100m2. Nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống, liền kề nhau, không dảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói dẫn đến khi có cháy xảy ra, ngoài gây thiệt hại lớn về tài sản, còn gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Nguy hiểm cháy, nổ tại các NƠKHSXKD đặc trưng bởi khối lượng lớn các chất cháy có tính nguy hiểm cháy, nổ cao tồn tại trong mặt bằng sản xuất:

– Vật tư, nguyên liệu dễ cháy, nổ như: Sơn, khí dầu mỏ hoá lỏng, khí metan, khí axetylen, xăng dầu, mỡ bôi trơn, các sản phẩm gỗ… được các cơ sở sử dụng, bảo quản phục vụ cho sản xuất với số lượng lớn. Nhiều nơi còn bảo quản, sắp xếp vật tư, nguyên liệu dễ cháy, nổ chưa tuân thủ qui định an toàn về PCCC. Mặt khác, do mặt bằng còn chật chội, có nhiều loại vật tư, nguyên liệu, thiết bị, trong đó có loại vật tư, nguyên liệu dễ bắt cháy phải để ngoài bãi hàng ngoài trời, gần các công trình, nhà xưởng, cản trở giao thông phục vụ chữa cháy.

– Sản xuất, gia công các mặt hàng gia dụng, các thiết bị nội thất thường tập trung nhiều nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm là những chất dễ cháy như gỗ, nhựa, da, cao su, sơn và các loại bao bì làm bằng cát tông… Do đó, nếu xảy ra cháy rất dễ dẫn đến cháy lớn, cháy lan, sản phẩm quá trình cháy có nhiều khói và khí độc gây nguy hiểm cho con người.

– Mặt khác trong quá trình chế tạo các chi tiết nội thất thường tạo ra nguồn chất cháy lớn, do có các phế thải như: phoi bào, mùn cưa, bụi sơn. Khi phun sơn trang trí chi tiết nội thất (nhưng hầu hết tại các cơ sở này không có hệ thống thông gió tự nhiên và cưỡng bức) có thể tạo thành môi trường nguy hiểm nổ do nồng độ bụi sơn đạt giới hạn nguy hiểm nổ, đặc biệt là quá trình phun sơn khô nhanh, nếu có nguồn nhiệt tác động có thể gây nổ.

– Có phân xưởng mộc là nơi tiến hành gia công các chi tiết nội thất bằng gỗ. Ở đây thường tập trung lượng nguyên liệu và sản phẩm gỗ rất lớn. Do đó, tại các phân xưởng mộc, nguồn chất cháy luôn tồn tại với khối lượng lớn. Nếu cháy xảy ra cũng dễ dẫn đến cháy lớn, cháy lan, sản phẩm quá trình cháy có nhiều khói và khí, đặc biệt là khí CO gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người.

– Nhiều nơi còn sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy khác như các loại vỏ bọc của dây dẫn điện, cáp điện, giấy, các loại bao bì làm bằng bìa cáttông, gỗ…

– Rò rỉ nhiên liệu như xăng, dầu điêzel, dầu FO, khí dầu mỏ hoá lỏng ra môi trường, có thể tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, do hơi xăng dầu, khí dễ cháy khuếch tán hỗn hợp với không khí đạt nồng độ trong giới hạn nguy hiểm cháy, nổ. Mặt khác, hơi xăng dầu, khí dễ cháy nặng hơn không khí từ 2-5 lần, dễ tích tụ tại những chỗ trũng, chỗ kín, rất dễ gây nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt.

Đối với nhà dân vừa kết hợp kinh doanh vừa để ở thì điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp; nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy. Ý thức chấp hành các quy định an toàn về PCCC của người dân còn thấp dẫn đến tình trạng vi phạm, gây mất an toàn về PCCC. Cùng với đó, hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã lão hóa, mất khả năng cách điện. Thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém, không bố trí lắp đặt các thiết bị bảo vệ. Thiết bị tiêu thụ điện, đường dây dẫn điện, hệ thống chiếu sáng để gần vật liệu dễ cháy…

Ngoài ra, trong công tác PCCC, vẫn còn tình trạng dụng cụ, phương tiện chữa cháy thiếu về số lượng, không đảm bảo chất lượng do không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; người sử dụng phương tiện không biết hoặc chưa thành thạo trong vận hành phương tiện chữa cháy. Chủ hộ gia đình, chủ cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn, không nghiên cứu giả định các tình huống cháy, nổ và có phương án thoát nạn cho gia đình trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Để đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà, khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra không thể thoát nạn nhanh chóng, kịp thời và gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Một số biện pháp phòng cháy cho nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Để đảm bảo an toàn cháy cho các NƠKHSXKD trong khu dân cư, cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

– Tại các phân xưởng sản xuất của các loại hình cơ sở này cần có các nội quy, quy định an toàn về PCCC, có biển cấm lửa, cấm hút thuốc, quy định việc sử dụng điện… Cần nghiêm cấm hút thuốc lá, thuốc lào trong các kho hàng để vật tư, thiết bị và trong các phân xưởng sản xuất.

– Tại các nhà ở sử dụng làm kho, cần chú ý sắp xếp các loại vật tư thiết bị trong kho theo lô, theo chủng loại và căn cứ tính chất cháy, nổ của từng loại vật tư để bảo quản chúng thích hợp.

– Vật tư, nguyên liệu dễ bắt cháy để ngoài bãi hàng ngoài trời phải để xa các công trình, nhà xưởng, đồng thời không gây cản trở giao thông phục vụ chữa cháy.

– Thực hiện chế độ kiểm tra an toàn trong thời gian làm việc, không để rò rỉ nhiên liệu xăng, dầu diêzen, dầu F.O, khí hoá lỏng ra môi trường.

– Đảm bảo các điều kiện thông gió tự nhiên (nếu có thể lắp thêm các hệ thống quạt cơ khí) không để tạo thành môi trường cháy, nổ do nồng độ bụi, sơn đạt giới hạn nguy hiểm nổ khi phun sơn trang trí các chi tiết hoặc trong trường hợp rò rỉ hơi xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, các khí dùng trong quá trình hàn cắt như C2H2

– Hệ thống điện chiếu sáng tại khu vực kho, bãi, các xưởng sản xuất phải thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo an toàn về PCCC.

– Thực hiện đúng quy trình vận hành bình gas hoá lỏng, bình ôxy, bình axetylen, thiết bị hàn, cắt hơi. Trước khi sử dụng cần kiểm tra chất lượng kỹ thuật và độ kín của hệ thống ống dẫn khí gas hoá lỏng, axetylen, ôxy…

– Kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ các loại giẻ lau khô, giẻ lau thấm xăng, dầu và thấm mỡ bôi trơn xung quanh khu vực sản xuất. Thường xuyên tiến hành vệ sinh công nghiệp tại các xưởng. Thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh công nghiệp sau mỗi ca làm việc.

– Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra các nắp két chứa nhiên liệu, hệ thống van xả, van an toàn, hệ thống ống dẫn nhiên liệu luôn đảm bảo trong trạng thái kín không để rò rỉ nhiên liệu ra môi trường bên ngoài.

– Đảm bảo nhiệt độ làm việc của các thiết bị luôn nằm trong giới hạn nhiệt độ cho phép.

– Cần thiết kế và lắp đặt hệ thống chữa cháy và phương tiện, chất chữa cháy phù hợp với đặc điểm của từng loại chất cháy, sự phân bố của chất cháy trong các nhà xưởng, đảm bảo hiệu quả chữa cháy trong giai đoạn đầu, làm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Muốn vậy, trước hết phải xác định không gian cần được bảo vệ trong công tác chữa cháy như kích thước nhà xưởng sản xuất, mặt bằng làm việc… Xác định số lượng thiết bị và số vị trí cần bố trí phù hợp với điều kiện sử dụng để đạt hiệu quả nhất cho công tác chữa cháy. Từ các yêu cầu trên, ta xem xét phương pháp lựa chọn chất chữa cháy và phương tiện chữa cháy di động cụ thể ở phân xưởng sản xuất.

Phương Nhung (P4)