Đó là sứ mệnh nghề nghiệp của những người lính làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Trong loạt phóng sự này, chúng tôi muốn chuyển tải một số lát cắt về chuyện đời, chuyện nghề, tâm tư đằng sau ánh lửa của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh An Giang. Mỗi câu chuyện đong đầy sự hy sinh, gian khó, nhưng trên hết là tình yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng.
… Mùng 7 Tết Nguyên đán Bính Thân (ngày 14/2/2016) trôi qua không trọn vẹn đối với người dân khóm Mỹ Thọ, đường Hùng Vương nối dài, phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên, An Giang. Khu vực trên có điểm tập kết vỏ xe đã qua sử dụng của 2 hộ dân. Nhìn thấy nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn của loại vật dụng này, UBND địa phương nhiều lần yêu cầu chủ hộ di dời đến nơi khác an toàn hơn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian “lừng chừng” của chủ hộ, sự cố đã xảy ra.
Khoảng 16 giờ 40 phút hôm ấy, đám cháy bùng lên. Đơn vị xuất 4 xe chữa cháy chuyên dụng, với sự tham gia của hơn 60 cán bộ, chiến sĩ, nhanh chóng đến hiện trường, hơn 1 giờ sau ngọn lửa mới được dập tắt. “Bà hỏa” chỉ làm cháy xém băng chuyền vận chuyển của một công ty gần đó, không có thiệt hại gì khác, nhưng đủ tạo hốt hoảng cho người dân ngày hạ nêu.
Đó là một sự kiện được ghi lại trong “Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH An Giang”. Như nhiều đơn vị ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang biên soạn cuốn Biên niên sự kiện lịch sử, nhưng chỉ mới bước đầu về giai đoạn 2016 – 2021, tạm khái quát những nét chính trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị 5 năm gần đây. Các sự kiện được ghi chú nối tiếp nhau theo tuần tự ngày, tháng. Ngắn gọn thôi, nhưng đủ để hình dung được hàng loạt nhiệm vụ, dấu mốc đơn vị đã hoàn thành. Đội ngũ làm báo chúng tôi có dịp đồng hành cùng họ trong quá trình tác nghiệp, ghi nhận lại bằng hình ảnh, ghép nối hoàn hảo thành những mảng màu rực lửa.
Trong cuốn biên niên ấy, ghi lại những tháng ngày họ tham gia diễn tập khu vực phòng thủ ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, về “Chuyển lực lượng vũ trang vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương từ trạng thái tình huống sang tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến bảo vệ biên giới”, phối hợp giữ gìn trật tự trị an, thực hành thiết quân luật một số khu vực trên địa bàn, chữa cháy, giải cứu con tin…
Có những “điểm nóng” cần sự tham gia phối hợp đảm bảo an ninh trật tự của đơn vị, như vụ việc xảy ra năm 2017 tại xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Từ cuối tháng 1 đến tháng 3/2017, Vương Văn Thả (54 tuổi) sử dụng các thiết bị khuếch đại âm thanh để tuyên truyền lời lẽ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo. Đồng thời, chỉ đạo Vương Thanh Thuận (con ruột) dùng điện thoại ghi hình việc làm của mình để phát tán lên mạng xã hội, nhằm đả kích, bôi nhọ lãnh tụ, lợi dụng vấn đề nhạy cảm về tôn giáo để tranh thủ sự đồng thuận của một bộ phận người dân cả tin và sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch kêu gọi ly khai khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động người dân xuống đường biểu tình,…
Để đối phó với lực lượng chức năng, Vương Văn Thả lôi kéo, ép buộc bà Võ Thị Hai (82 tuổi, mẹ vợ), Lê Thị Lệ Hà (vợ), Vương Ngọc Thảo (con), cùng 2 cháu ngoại (12 tuổi và 4 tháng tuổi) không được ra khỏi nhà, còn Vương Văn Thả chuẩn bị can xăng, đe dọa nếu bị bắt giữ sẽ tự thiêu cả gia đình. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, ngày 22/4/2017, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp các đơn vị có liên quan khảo sát tình hình, nắm địa bàn, bố trí lực lượng, phương tiện gồm 18 cán bộ, chiến sĩ, 1 xe thang 32m, 3 máy bơm chữa cháy tham gia đảm bảo an ninh, trật tự 24/24 giờ tại khu vực xung quanh nhà đối tượng Vương Văn Thả. Đến ngày 18/5/2017, các lực lượng đánh bắt đối tượng Thả cùng đồng bọn nhanh, gọn, đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, chiến sĩ và cứu được người nhà của Thả. Với những thành tích trên, đơn vị được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 1 tập thể, 1 cá nhân.
Có sự kiện được tóm tắt chừng 200 từ, nhưng đằng sau đó là những giờ phút căng thẳng chiến đấu ngoan cường với “giặc lửa” của cán bộ, chiến sĩ. Điển hình như vụ cháy lớn nhất tại TP Cần Thơ ngày 23/3/2017. Tầng 5 của nhà xưởng Công ty Kwong Lung – Meko (diện tích trên 1.800m2) chứa vải sợi, lông vũ, bông ép, mút xốp… Vì vậy, khi phát sinh cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan ra dữ dội, kèm theo bức xạ nhiệt tỏa ra rất lớn với khói đen dày đặc và rất nhiều khí độc. Nhiều tiếng nổ nhỏ phát ra, những mảng tường gạch bắt đầu đổ sập. Lực lượng chữa cháy đã thức trắng đêm khống chế ngọn lửa.
Thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 2 xe chữa cháy, 1 xe thang chữa cháy, 30 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường, tiếp cận đám cháy vào lúc 15 giờ cùng ngày, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an các tỉnh: Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh. Sau gần 24 giờ tham gia chữa cháy, đến khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 24-3, đám cháy được khống chế, dập tắt, bảo vệ được số lượng lớn tài sản, được Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đánh giá cao. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen cho tập thể Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh An Giang; Bộ Công an trao tặng bằng khen cho 1 cá nhân; Cục Cảnh sát PCCC&CNCH – Bộ Công an, Cảnh sát PCCC Cần Thơ tặng 4 giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia cứu chữa vụ cháy.
Biên niên sự kiện cũng nhắc đến những giờ phút nỗ lực cứu nạn, cứu hộ người dân. Trưa 26/3/2018, một xe bồn lưu thông trên Tỉnh lộ 943, hướng Thoại Sơn – Long Xuyên. Khi đến khu vực cầu Kênh Ông Cò, ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, xe bồn đâm vào phía sau một xe ôtô tải đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả, anh Nh. (tài xế xe ôtô tải) bị kẹt 2 chân trong xe, không thể thoát ra được. Nhận được tin báo, đơn vị lập tức cử lực lượng đi ứng cứu. Hiện trường ngổn ngang hàng hóa bị hư vỡ, anh Nh. đau đớn chịu trận trong buồng lái dúm dó. Phải tháo dỡ từng bộ phận xung quanh vị trí anh Nh. ngồi, 2 giờ sau cán bộ, chiến sĩ mới có thể đưa anh ra khỏi xe đi cấp cứu.
Còn có rất nhiều sự kiện đáng nhớ của riêng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, như: ngày 20/1/2017, tiếp nhận trụ sở Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Châu Phú, góp phần rút ngắn bán kính bảo vệ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, nâng cao khả năng chiến đấu, xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Năm 2018, nhiều lãnh đạo phòng được bổ nhiệm. Năm 2019, tổ chức bộ máy của phòng được sắp xếp lại, với 11 đội trực thuộc. Ngày 5/6/2020, Đại hội Đảng bộ cơ sở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhiệm kỳ 2020-2025.
Lực lượng PCCC&CNCH cũng không hề đứng ngoài “cuộc chiến” chống dịch bệnh COVID-19. Giữa tháng 6/2021, cùng với các lực lượng khác của tỉnh An Giang và các tỉnh bạn, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã ngày đêm bám trụ trên sông Tiền, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trái phép biên giới hai quốc gia Việt Nam – Campuchia, không để xảy ra trường hợp vi phạm, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn tuyến biên giới, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Giữa lênh đênh sóng nước, họ gác lại niềm riêng, dành sức lực cho chuyến công tác chưa biết ngày về…
Ngày qua ngày, biên niên càng được bổ sung, tô dày truyền thống lực lượng, là niềm tự hào lớn lao của từng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH khi nhìn lại thành quả mà mình đã vun đắp. Tự hào lắm chứ, khi đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Công an và Công an tỉnh, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ về PCCC&CNCH; chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên trong công tác PCCC&CNCH tại địa phương.
Nhiều vụ cháy được cứu chữa kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Qua đó, đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH