web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

An Giang: Kỳ 2: “Huân chương” không mang trên ngực áo

Bởi vì những tấm huân chương ấy đã khắc sâu trên cơ thể chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), trở thành dấu ấn mãi mãi không thể phai mờ! Vết thương đã lành theo năm tháng, chưa bao giờ trở thành chướng ngại tâm lý đối với những người lính ấy. Họ vẫn bám trụ với nghề, bằng trái tim đầy nhiệt huyết, bằng sự quả cảm của người từng trải.

 

Thương binh “hai giỏi”

… Trong căn nhà cấp 4 đơn giản nhưng tươm tất, bà Lê Thị Trang sinh năm 1968, ngụ phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang ghim điện nồi cơm rồi lần dò từng bước đến chiếc võng, ngồi đợi chồng đi làm về. Với xã hội, ông là một chiến sĩ Cảnh sát PCCC, một thương binh. Với người phụ nữ khiếm thị ấy, ông là đôi mắt, là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của bà. Họ đã cùng nhau trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mà cảm xúc vẫn đong đầy như mới hôm qua…

 

Chồng bà là Trung tá Võ Châu Sơn sinh năm 1967, Đội trưởng Đội Hậu cần, quản lý phương tiện PCCC&CNCH – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang. Ông vào ngành từ tháng 11/1984. Thời điểm ấy, ấn tượng của mọi người về Cảnh sát PCCC rất mơ hồ, không được chú ý bằng các lĩnh vực khác. Nhưng ông tự xác định rằng, “nghề chữa cháy” cực kỳ quan trọng đối với xã hội, là lực lượng không thể nào thiếu. Nhìn thấy sự năng nổ, tố chất của chiến sĩ trẻ Võ Châu Sơn, đơn vị đã cử ông đi học để chuẩn hóa cán bộ, gửi gắm nhiều kỳ vọng.

 

Khi việc học chưa xong, tháng 12/1987, một vụ cháy lớn xảy ra tại kho đay xuất khẩu ở Thốt Nốt (nay là Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ). Khoảng 14 giờ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang nhận được yêu cầu chi viện, vì hành trình di chuyển của lực lượng gần nơi xảy ra cháy hơn lực lượng chữa cháy TP Cần Thơ. 2 tiếng sau, ông Sơn (lúc ấy là trung sĩ) cùng đồng đội có mặt tại hiện trường. Đám cháy lớn, bao phủ cả khu vực. Ông xông vào kho để tiến hành chữa cháy, nhưng không may cửa kho đổ sập, đập mạnh làm gãy đùi trái. Ông ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu.

 

Vết thương nặng, buộc ông phải điều trị suốt 1 năm trời. Trong khoảng thời gian ấy, bà Trang thường xuyên tới lui thăm hỏi với vai trò “bạn học cùng lớp”. Dần dần, tình bạn đã chuyển thành tình yêu, họ đến với nhau bằng một đám cưới hạnh phúc. Năm 1989, ông được công nhận là thương binh 4/4. Chiếc chân gãy tạm lành, ông có thể quay lại đơn vị công tác.

 

“Di chứng nặng nề nhất mà vết thương để lại là việc học hành của tôi bị gián đoạn, nhiều năm sau mới tiếp tục được. Tôi cũng không thể tham gia trực tiếp chữa cháy nữa, nên lãnh đạo đơn vị phân công tôi đảm nhiệm công tác hậu cần, tham mưu. Không chỉ vậy, đến bây giờ vết thương vẫn thi thoảng nhói đau, ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe” – Trung tá Sơn bày tỏ.

 

Nhưng, ông chưa một phút giây nào tiếc nuối vì đã chọn con đường này. Dù ở vị trí công tác nào, dù không còn là người chiến sĩ trực tiếp xông pha “trận lửa”, ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng đội thương mến, cấp trên tin tưởng. Dáng đi tập tễnh của ông trở nên thân thuộc đối với anh em toàn đơn vị, nhắc mọi người nhớ đến người lính quả cảm, hy sinh thân mình trong khi làm nhiệm vụ.

 

Vậy mà, sóng gió lại tiếp tục ập đến với ông Sơn. Sau khi sinh bé gái đầu lòng, bà Trang bị bệnh lao màng não, biến chứng teo thần kinh thị giác. Kể từ đó, bà trở thành người khiếm thị, mọi việc trong ngoài đều trông cậy vào chồng. Đứa con thứ 2 ra đời, càng khiến ông vất vả hơn. Hôm chúng tôi đến, Trung tá Võ Châu Sơn vừa tranh thủ hái mớ rau muống trước cửa nhà để nấu bữa trưa, vừa tâm sự về cuộc sống, công việc của mình.

Mặc cảm bệnh tật, bà Trang hạn chế ra khỏi nhà, không thích gặp người lạ hoặc bị chụp ảnh. Vì vậy, ông vừa phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa một mình chăm sóc vợ bệnh, con thơ, cận kề sớm hôm bên họ. Ngoài giờ đi làm, ông tranh thủ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…, đúng theo hình mẫu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Sự lo toan, trách nhiệm hết mực của ông thật khó đong đếm được, sau bao nhiêu tháng ngày đằng đẵng.

 

“Chỉ có tôi lo kinh tế cho cả gia đình, nên mọi chi tiêu đều phải tiện tặn, dè sẻn. Nhiều hôm, cám cảnh việc nhà, tôi an ủi vợ: “Thôi, số mệnh đã vậy rồi, mình cùng cố gắng vì gia đình, vì con. Vợ chồng mình không bao giờ bỏ nhau”. Rồi mọi thứ dần qua, mấy mươi năm sóng gió giờ trở thành chuyện cũ.

Tôi hài lòng với những gì mình đang có, trân trọng cuộc sống này, yêu thích công việc mình gắn bó gần 40 năm. Tôi thật sự biết ơn đồng đội đã giúp đỡ tôi rất nhiều, chia sẻ lúc tôi gặp khó khăn nhất, từ những lời động viên, bố trí công việc, hỗ trợ cất nhà Tình nghĩa… Đầu năm 2022 tôi sẽ nghỉ chờ hưu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, với nhân dân, tôi sẽ lui về toàn tâm toàn ý chăm sóc mái ấm riêng. Nếu được, tôi sẽ tiếp tục gắn bó, tham gia phong trào “Toàn dân PCCC” ở địa phương” – ông tâm sự. Ngồi bên cạnh lắng nghe, bà Trang nở nụ cười ấm áp, sáng bừng căn nhà nhỏ.

Thượng tá Võ Phúc Thọ – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang, chia sẻ: “Tôi công tác cùng đồng chí Võ Châu Sơn từ năm 1989 đến nay, chứng kiến đồng chí trải qua nhiều vị trí khác nhau ở đơn vị, những khó khăn trong cuộc sống đời thường. Khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, đồng chí rất mưu trí, dũng cảm, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chống “giặc lửa”, không ngại hy sinh, gian khổ. Sau khi bị thương, đồng chí vẫn tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện hết mình, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC&CNCH. Trong đơn vị, chúng tôi xem đồng chí là tấm gương sáng, xứng đáng là hình mẫu thương binh tận tụy vượt khó trong công việc và cuộc sống gia đình”.

 

Sự tôi luyện của người chiến sĩ PCCC

Cũng giống như Trung tá Sơn, Thượng úy Phan Văn Hiền sinh năm 1988, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Châu Thành bị thương trong một lần đi chữa cháy. Nhưng khác ở chỗ, vết thương của anh nằm vắt ngang gương mặt, từ gò má kéo sang tai phải. Anh nhớ lại: “Năm 2016, một vụ cháy xảy ra ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên. Đúng 8 giờ 30 phút, chúng tôi lên xe, nhanh chóng chạy đến hiện trường. Tuy nhiên, đoạn đường rất hẹp, quanh co, xung quanh là nhà dân san sát, mái che bằng tole cản trở lối đi. Tôi nhoài người đỡ đường dây điện thoại lên để xe chữa cháy đi qua, thì bị một mảnh tole cắt ngang mặt. Lúc ấy, xe cách đám cháy khoảng 50m. Tôi chưa biết mình bị thương nông sâu thế nào, chỉ cố gắng dùng áo chặm máu rồi tiếp tục công việc. Một lúc sau, mọi người phát hiện, vội đưa tôi vào bệnh viện. Lúc ấy, cơn đau vừa ập đến, tôi mới nhận ra mảnh tole đã cắt đứt nửa mặt và tai phải, một phần cổ tay phải. Rất may, không ảnh hưởng đến thị lực”.

 

Anh phải điều trị nửa tháng trong bệnh viện và nhiều ngày dưỡng thương mới có thể đi làm lại. Trong những ngày nằm viện, anh gặp chuyện dở khóc dở cười. Người bệnh, thân nhân nuôi bệnh gần đó chẳng hiểu vì sao anh bị thương, cộng thêm có nhiều cán bộ công an tới lui phòng bệnh. Thế là họ nhỏ to: “Chắc thằng này là tội phạm, bị dính líu vụ án đâm chém giang hồ hay gì, nên mới bị công an canh giữ”. Rồi họ… tránh xa khu vực anh nằm điều trị, để không vướng phiền phức, lâu lâu lén theo dõi động tĩnh của anh. Khi biết anh bị thương vì làm nhiệm vụ, họ mới bày tỏ thái độ thân thiện, gần gũi.

 

 

Tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh những vết thương, anh Hiền sẵn sàng hợp tác, chẳng ngại ngần. “Mấy năm trôi qua rồi, nhưng hễ vào mùa lạnh, vết đứt gân ở cổ tay cứ đau rút từng cơn. Mùa gió, phần sẹo trên mặt nửa nhức, nửa ngứa, khó chịu vô cùng. Cũng may tôi là nam, sẹo nhỏ, sẹo to thế nào vẫn không sợ mất thẩm mỹ. Đặc thù công việc khiến chúng tôi thường xuyên bị thương. Nhẹ nhất là bị vật dụng tại nơi cháy sập đè vào người, ngạt khói, mờ mắt, nôn mửa…, nặng hơn là bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí hy sinh. Đối với tôi, quyết định trở thành chiến sĩ chữa cháy, là đã chấp nhận vất vả, gian khổ, phải quên mình để cứu tài sản và tính mạng cho nhân dân. Khi thấy tôi bị thương, gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, họ luôn động viên tôi bám trụ với nghề, luôn cảm thấy tự hào về công việc của tôi. Qua các lần gặp sự cố, chúng tôi rút kinh nghiệm nhiều hơn, tự nhủ bản thân phải biết cách giữ an toàn, phải bảo vệ mình trước thì mới đủ khả năng để cứu giúp người khác. Kinh nghiệm của người đi trước được truyền lại cho người đi sau, để hạn chế đến mức tối đa thương vong trong lực lượng” – Hiền bày tỏ.

Lính PCCC có sợ lửa, sợ hiểm nguy không? Tôi nhận câu trả lời từ những nhân vật mình phỏng vấn: họ hoàn toàn không sợ lửa, vì đã được nắm rõ nguyên lý, cách thức sử dụng trang thiết bị chữa cháy, cơ chế phát sinh từng đám cháy. Kể cả những vụ cháy có bình gas gần đó, chỉ cần khóa van, dập lửa, anh em chiến sĩ vác bình gas chạy cời cời khỏi hiện trường, bảo đảm không có trường hợp bình gas phát nổ. Đối với công tác CNCH, để hỗ trợ cứu vớt người đuối nước, cán bộ, chiến sĩ phải sử dụng đủ các giác quan để mò mẫm dưới đáy sông, tính toán độ trũng, độ nghiêng, độ lệch của lòng sông, thời gian xảy ra sự cố, hướng nước chảy ra hay chảy vào… Từ đó, có cách nhận định chính xác tình hình, đề xuất giải pháp cứu hộ phù hợp nhất. Vượt qua mọi gian lao, lòng gan dạ của từng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH được tôi luyện qua quá trình học tập, rèn luyện, diễn tập và thực chiến ngày này sang ngày khác; là tư tưởng đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, trước hết.

Những vết thương, vết sẹo của ông Sơn, anh Hiền và hàng trăm ngàn người lính chữa cháy khác trên đất nước này, như huân chương chiến công sống động giữa cuộc đời. Chúng không xấu xí một chút nào, mà ngược lại, đẹp đến mức khắc sâu vào tâm khảm người dân. Sẽ chẳng ai thấu hiểu nỗi đớn đau, sự mất mát, thiệt thòi mà họ đã gánh chịu. Nhưng cả xã hội sẽ luôn yêu thương, chia sẻ, trân quý, tôn vinh lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – những người sẵn sàng chạy vào nơi nguy cấp, khi mọi người khác tháo chạy ra./.

                                                                (còn tiếp)

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH