Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) luôn dành được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều lời khuyên của Người đến tận hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, trở thành mục tiêu, phương hướng, kim chỉ nam trong các biện pháp quản lý nghiệp vụ và tổ chức tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ.
“Vị cứu tinh”
Trong Thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ Đội PCCC thuộc Công an Hà Nội ngày 03/8/1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội) bị trúng bom giặc, Bác đã căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều: “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.
Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân.
Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.
Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.
“Nhất thủy nhì hỏa”. Cháy, nổ là sự cố nguy hiểm nhất, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất. Rất nhiều lần, chúng tôi chứng kiến cảnh chủ nhà mặc kệ tro tàn chưa nguội hẳn, vội vã đào bới tìm chút tài sản ít ỏi may mắn chưa bị thiêu rụi. Có những người đứng ngẩn ngơ trước nơi từng là nhà mình, không tin rằng họ đã mất hết tài sản trong chớp mắt. Có không ít người đã vĩnh viễn ra đi trong đau đớn, giữa biển lửa.
Từ thực tế ấy, từ lời dạy của Bác, từ nhiệm vụ được xã hội giao phó, cán bộ, chiến sĩ PCCC đặt ra nhiều câu hỏi trước khi thi hành nhiệm vụ: làm sao để đến được hiện trường nhanh nhất có thể? Làm cách gì để dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất? Làm cách nào bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân đến mức tối đa? Rõ ràng, khi đám cháy xảy ra, người dân vô cùng hoảng loạn, không biết phải bắt đầu xử lý từ đâu. Khi các chiến sĩ PCCC xuất hiện, họ rất mừng, như nhìn thấy “vị cứu tinh”, đặt mọi hy vọng vào lực lượng, trông ngóng “phép màu” dập tắt ngọn lửa càng sớm càng tốt.
Trung tá Võ Châu Sơn – Đội trưởng Đội Hậu cần, quản lý phương tiện PCCC&CNCH – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang không thể nào quên vụ chữa cháy sà lan chở dầu của một doanh nghiệp tư nhân vào tháng 8/1991. Ngọn lửa bùng lên lúc đêm khuya trên chiếc sà lan. Nhiều người nghĩ phương án tối ưu nhất là đẩy sà lan ra giữa sông Hậu, chấp nhận thiệt hại toàn bộ hàng hóa, bù lại sẽ đảm bảo an toàn cho địa bàn dân cư. Chủ doanh nghiệp đau đớn nhìn khối tài sản cực lớn của mình từ từ bị “bà hỏa” cướp mất, không còn bất kỳ hy vọng gì nữa.
“Lúc chúng tôi đến, sà lan đã được đẩy ra gần giữa sông, ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao. “Còn nước còn tát”, sau khi hội ý chớp nhoáng, anh em chúng tôi bơi ra, kéo sà lan trở vào gần bờ, dùng phương tiện chuyên dụng dập tắt lửa. Sau 20 phút, ngọn lửa tắt hẳn, chỉ thiệt hại một số ít, còn phần lớn dầu được bảo vệ nguyên vẹn. Nhìn thấy nụ cười xen lẫn nước mắt của chủ doanh nghiệp, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lây, tự hào vì đã chọn đúng phương pháp chữa cháy, cứu được khối tài sản. Sau mỗi vụ cháy, khi trở về đơn vị, hầu như chúng tôi đều lấm lem tro bụi, ướt sũng, mệt nhoài. Nhưng nếu chữa cháy thành công, bao mệt mỏi, bao vất vả ấy sẽ hóa thành niềm vui, thành động lực tinh thần để mỗi người lính PCCC vượt qua tất cả, sẵn sàng cho nhiệm vụ kế tiếp” – Trung tá Võ Châu Sơn chia sẻ.
Lời chúc “thất nghiệp”
Ngoài 4 điều Bác căn dặn năm 1966, lực lượng PCCC còn khắc ghi một lời chúc đầy ý nghĩa của Bác dành tặng. Ngày 01/01/1955, Đội Chữa cháy Hà Nội được cử một Tiểu đội 7 người tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít- tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trường kỳ trở về Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh rẽ qua thăm đơn vị chữa cháy đang làm nhiệm vụ, ân cần bắt tay từng người và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”.
Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, lời chúc vui vẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lời động viên, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ thiêng liêng mà Người tin tưởng giao cho lực lượng công an trong công tác PCCC: làm sao để không có cháy nổ, để công an không phải chữa cháy, để tài sản của nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân được an toàn.
Tìm dẫn chứng minh họa cho lời chúc ấy, chúng tôi đến Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Châu Thành trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh An Giang, đơn vị “sinh sau đẻ muộn” so với các đội nghiệp vụ khu vực khác trong tỉnh. Được thành lập từ tháng 9/2019, với hơn 20 cán bộ, chiến sĩ, gần 2 năm nay, đơn vị không cần phải tham gia chữa cháy vụ nào. Trong khi đó, đơn vị phụ trách địa bàn khá rộng, gồm huyện Châu Thành (nơi có Khu công nghiệp Bình Hòa), chi viện cho các khu vực lân cận như: huyện Châu Phú, TP Long Xuyên.
Tận dụng khoảng thời gian “thất nghiệp chữa cháy”, cán bộ, chiến sĩ của đội chuyên tâm với các nhiệm vụ quan trọng khác, không hề nhàn rỗi. “Chi ủy, Ban Chỉ huy đội thường xuyên đảm bảo công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu; xây dựng chương trình, kế hoạch huấn luyện và tổ chức kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy và CNCH; huấn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ.
Đặc biệt, chúng tôi dành thời gian khảo sát, nắm tình hình địa bàn, giao thông, nhất là tại các cơ sở kinh doanh trọng điểm, xây dựng phương án PCCC cụ thể cho từng nơi, đề phòng sự cố xảy ra sẽ không bị động, lúng túng. Tại đơn vị, luôn đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin về các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH” – Thiếu tá Trần Sơn Nam – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Châu Thành, cho biết.
Ngoài giờ làm việc, cán bộ, chiến sĩ của đội dành thời gian tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Phía sau trụ sở là chuồng heo nho nhỏ, khoảng 15 con, cạnh đó là ao cá 1.000m². Tất cả đều do mọi người tự đóng góp kinh phí, cùng mua cây, con giống, cùng chăm sóc và chia sẻ thành quả, đầu tư bữa ăn để tái phục vụ công việc. Chiều chiều, họ thay phiên nhau chăm sóc heo, cá, đến lò rượu mua hèm về làm thức ăn cho heo… Họ xem đồng đội như người thân trong gia đình, cùng ăn, cùng ở, cùng rèn luyện cho chắc nghề, thạo việc, để luôn luôn sẵn sàng làm việc trong cảnh “thất nghiệp”.
Nhắc lại lời chúc của Bác, Thiếu tá Trần Sơn Nam chia sẻ thêm, gần 20 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều vụ cháy lớn nhỏ, ở nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa…, anh nhận thấy tai nạn do cháy, nổ gây ra để lại hậu quả cực kỳ nặng nề về tài sản, tính mạng người trong cuộc. Có trường hợp gia sản bị thiêu rụi hoàn toàn, chủ hộ chẳng còn gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người. Chính điều đó càng làm cán bộ, chiến sĩ PCCC thấm thía hơn tầm quan trọng của “phòng cháy”. Muốn nghề chữa cháy thất nghiệp, nhất định phải thường xuyên, liên tục chuẩn bị cho công tác phòng cháy, không để bất cứ tài sản nào dù nhỏ của tổ chức, cá nhân bị hư hại vì bất cẩn, chủ quan. Phòng cháy cần phải làm từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày, hướng dẫn cộng đồng làm theo, tạo thành phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”.
Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC”, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 27/9/1961. Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã đổi cụm từ “Phòng hỏa, cứu hỏa” thành cụm từ “Phòng cháy, chữa cháy” khi Pháp lệnh này được trình lên Người. Sau 35 năm, ngày 02/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 369/TTg lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày PCCC toàn dân”, cũng là Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC./.
(còn tiếp)
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH