Khí gas (khí dầu mỏ hóa lỏng hoặc LPG) được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống: Đun nấu; hàn, cắt kim loại; nấu và gia công thủy tinh; nung sản phẩm silicat; khử trùng đồ hộp; lò đốt rác; đốt mặt sợi vải… Tuy nhiên, đây là loại khí có tính chất nguy hiểm cháy, nổ rất cao. Đã có nhiều sự cố cháy, nổ xảy ra trong quá trình sử dụng gas.
Để đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng gas cần tuân thủ các quy định sau:
– Không được lắp đặt chai gas trong phòng kín, hầm kín.
– Chai gas phải được lắp đặt ở vị trí thẳng đứng.
– Trên tường nơi đặt chai gas phải có khe hở hoặc lỗ thông hơi. Vị trí đáy các khe hở và lỗ thông hơi này không được cao hơn sàn nhà 150 mm.
– Khu vực xếp đặt chai gas phải thông thoáng, đảm bảo bất kỳ rò rỉ khí dầu mỏ hóa lỏng nào cũng không có khả năng gây cháy.
– Tất cả các thiết bị điện trong nhà phải lắp đặt cách chai gas tối thiểu 1,5 m.
– Phải loại trừ ngay bất kỳ nguồn gây cháy nào gần khu vực chai gas.
– Không được lắp đặt, cất giữ chai gas ở khu vực cửa ra vào, ở nơi hay có người qua lại.
– Cấm mọi hình thức sang chiết nạp gas vào chai tại các gia đình.
– Chai gas khi bán cho khách hàng sử dụng phải đáp ứng quy định về điều kiện an toàn chai gas khi lưu thông trên thị trường tại Khoản 2 Điều 10 của Quy chuẩn QCVN 04: 2013/BCT.
– Khi lắp đặt cho khách hàng sử dụng, các chai gas phải được kiểm tra về sự rò rỉ, tình trạng hoạt động của các van an toàn, dây dẫn và đường ống dẫn.
– Khi cung cấp chai gas cho khách hàng sử dụng, cửa hàng hoặc đại lý gas phải cung cấp cho khách hàng 01 bản phiếu giao hàng và có 01 bản lưu tại cửa hàng, trong đó phải có các thông tin tối thiểu: số sêri chai, loại chai, thời gian kiểm định gần nhất ghi trên chai, tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ của cửa hàng, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày cung cấp chai cho khách hàng.
Quá trình sử dụng gas phải thường xuyên kiểm tra độ kín. Nếu phát hiện có rò rỉ gas cần phải thực hiện các thao tác sau:
– Tắt ngay bếp và các nguồn lửa khác xung quanh khu vực đặt chai. Chú ý không đóng hoặc ngắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa.
– Đóng ngay van chai gas.
– Thông gió để phân tán và làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng chai khí CO2, N2 để làm loãng.
– Tìm chỗ rò bằng cách quét nước xà phòng (cấm dùng ngọn lửa.
– Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại.
– Nếu không khắc phục được rò rỉ cần mang ngay chai ra nơi trống, thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và khu dân cư.
– Cảnh giới cấm lửa tại khu vực chai gas rò rỉ, thông báo cho các cửa hàng, đại lý hoặc cơ quan phòng cháy chữa cháy biết để có biện pháp xử lý./.
Phương Nhung (Tổng hợp)