Cửa hàng xăng dầu là nơi có hoạt động bán lẻ xăng dầu qua cột bơm cho các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy; có thể kết hợp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đóng trong chai, các loại dầu mỡ nhờn, cung cấp dịch vụ tiện ích cho người và phương tiện tham gia giao thông. Sau đây là một số yêu cầu cơ bản về thiết kế PCCC cửa hàng xăng dầu được xây dựng cố định trên mặt đất hoặc một phần trên mặt đất.
- Yêu cầu chung
- a) Khoảng cách tối thiểu giữa các hạng mục xây dựng trong cửa hàng xăng dầu được quy định như sau:
Bảng 1: Khoảng cách tối thiểu giữa các hạng mục xây dựng trong cửa hàng xăng dầu
- b) Kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng và các hạng mục xây dựng khác phải có bậc chịu lửa I, II theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; phải bảo đảm khả năng chịu lực ổn định trước tác động của trọng tải, ăn mòn của môi trường xung quanh trong suốt thời hạn sử dụng công trình.
- c) Đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– Chiều rộng một làn xe đi trong cửa hàng không nhỏ hơn 3,5 m. Đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m.
– Bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.
- d) Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2 m (so với cốt nền sân bên trong cửa hàng), bằng vật liệu không cháy. Đối với các hạng mục công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác ngoài cửa hàng (không bao gồm nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa và công trình công cộng) có bậc chịu lửa I, II, trường hợp mặt tường về phía cửa hàng xăng dầu là tường ngăn cháy thì không yêu cầu khoảng cách an toàn từ hạng mục đó đến tường rào cửa hàng xăng dầu nhưng phải tuân thủ các quy định về xây dựng hiện hành.
đ) Khu vực đặt cột bơm xăng dầu nếu có mái che bán hàng, chiều cao của mái che không nhỏ hơn 4,75 m.
- e) Bố trí vị trí, khoảng cách từ cửa hàng xăng dầu đến các công trình xây dựng khác thực hiện theo Điều 2.6.11 QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
- Yêu cầu đối với bể chứa xăng dầu
- a) Vật liệu làm bể chứa xăng dầu là vật liệu chịu xăng dầu và không cháy.
- b) Thiết kế bể chứa xăng dầu tại cửa hàng phải tuân thủ các quy định sau đây:
– Không được bố trí bể chứa xăng dầu nổi trên mặt đất.
– Không được bố trí bể chứa xăng dầu và hố thao tác trong hoặc dưới các gian bán hàng.
– Khi bố trí bể chứa xăng dầu phải tính đến khả năng bị đẩy nổi và phải có biện pháp chống nổi bể.
– Bể chứa bố trí dưới mặt đường xe chạy phải áp dụng các biện pháp bảo vệ kết cấu bể.
– Đối với bể chứa bằng vật liệu không dẫn điện phải có biện pháp triệt tiêu tĩnh điện khi xuất, nhập xăng dầu.
- c) Tất cả các bể chứa xăng dầu đều phải bố trí van thở (cho phép bố trí chung một van thở đối với các bể chứa cùng nhóm nhiên liệu).
- d) Khoảng cách an toàn từ bể chứa xăng dầu (tính từ mép hố thao tác (cổ bể)) đến các công trình bên ngoài cửa hàng được quy định như sau:
Bảng 2: Khoảng cách an toàn từ bể chứa đến công trình bên ngoài cửa hàng xăng dầu
- Yêu cầu đối với cột bơm xăng dầu
- a) Vị trí thiết kế cột bơm xăng dầu phải bảo đảm cột bơm được đặt tại các vị trí thông thoáng. Trường hợp cột bơm đặt trong nhà thì phải đặt trong gian riêng biệt, có biện pháp thông gió và có cánh cửa mở quay ra ngoài.
- b) Cột bơm phải được đặt trên đảo bơm. Đảo bơm phải được thiết kế phù hợp với các yêu cầu sau:
– Cao độ phải cao hơn mặt bằng bãi đỗ xe ít nhất 0,15 m.
– Chiều rộng không được nhỏ hơn 1,0 m.
– Đầu đảo bơm phải cách mép cột đỡ mái che bán hàng hoặc cột bơm ít nhất 0,5 m.
- c) Khoảng cách an toàn từ cột bơm (tính từ tâm cột bơm) đến các công trình bên ngoài cửa hàng cũng được quy định theo các thông số tại Bảng 2 nêu trên.
- Yêu cầu đối với đường ống công nghệ
- a) Đường ống công nghệ trong cửa hàng xăng dầu phải được chế tạo từ vật liệu chịu xăng dầu và không cháy. Đường kính trong của ống ít nhất phải bằng 32mm. Đối với đường ống thép phải có biện pháp bảo vệ chống ăn mòn. Đối với đường ống bằng vật liệu không dẫn điện phải tính đến biện pháp triệt tiêu tĩnh điện trong quá trình xuất, nhập xăng dầu.
- b) Các đường ống công nghệ đi song song với nhau phải đặt cách nhau ít nhất bằng một lần đường kính ống lớn hơn. Đối với ống có kiên kết bằng mặt bích đặt song song, khoảng cách giữa các ống ít nhất bằng đường kính mặt bích cộng thêm 3 cm. Đối với ống có liên kết bằng mặt bích đặt so le, khoảng cách giữa mép ngoài của mặt bích đến mép ngoài của ống gần nhất tối thiểu 3 cm.
- c) Khoảng cách từ điểm thấp nhất của đường ống xuất xăng dầu trong bể chứa để xuất xăng dầu cho cột bơm phải cách đáy bể ít nhất 15 cm.
- d) Đường ống công nghệ trong cửa hàng phải đặt ngầm trực tiếp trong đất hoặc đặt trong rãnh có nắp, xung quanh ống phải chèn chặt bằng cát. Chiều dày lớp chèn ít nhất bằng 15 cm (ít nhất bằng 5 cm nếu đường ống nằm trong hào). Cho phép đặt nổi đường ống công nghệ tại các vị trí không bị tác động bởi người và phương tiện qua lại.
đ) Đường ống công nghệ trong các khu vực ô tô qua lại, phải đặt trong ống lồng đặt ngầm hoặc trong rãnh chèn cát có nắp. Hai đầu ống lồng phải được xảm kín. Độ sâu chôn ống phải bảo đảm không ảnh hưởng tới độ bền của toàn bộ hệ thống đường ống.
- e) Đối với bể chôn ngầm, đường ống công nghệ phải dốc về phía bể chứa, độ dốc phải bảo đảm khả năng hút của máy bơm.
- Yêu cầu đối với hệ thống điện
- a) Trường hợp sử dụng máy phát điện trong khu vực cửa hàng xăng dầu thì vị trí đặt máy nằm ngoài vùng nguy hiểm cháy nổ. Ống khói của máy phát điện phải có bộ dập lửa và bọc cách nhiệt.
- b) Thiết bị lắp đặt tại các vị trí nguy hiểm cháy nổ cấp Z0 (vùng mà môi trường khí nổ xuất hiện tích tụ một cách thường xuyên, liên tục và/hoặc trong một thời gian dài) và Z1 (vùng mà môi trường khí nổ có thể xuất hiện nhưng không thường xuyên trong các điều kiện hoạt động bình thường) phải là loại phòng nổ.
- c) Phải có hệ thống chống sét đánh thẳng cho các hạng mục xây dựng trong cửa hàng.
- d) Để chống sét cảm ứng và chống tĩnh điện, yêu cầu các bể chứa bằng thép phải hàn nối ít nhất mỗi bể hai dây kim loại với hệ thống nối đất chống sét cảm ứng và chống tĩnh điện.
đ) Tại các vị trí nhập xăng dầu phải có thiết bị nối đất chống tĩnh điện dùng để tiếp địa cho phương tiện khi nhập xăng dầu vào bể chứa.
- Yêu cầu đối với hệ thống cấp nước
- a) Nước sinh hoạt, nước chữa cháy tại cửa hàng xăng dầu được lấy từ nguồn nước công cộng, nước ngầm hoặc nước mặt.
- b) Có thể kết hợp đường ống cung cấp nước sinh hoạt và nước chữa cháy cho cửa hàng.
- Yêu cầu về bố trí phương tiện, thiết bị PCCC ban đầu
- a) Cửa hàng xăng dầu phải được bố trí đủ số lượng phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp để chữa cháy theo quy định tại TCVN 3890:2009 và theo quy định tại Bảng 3.
Bảng 3: Số lượng phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu đối với cửa hàng xăng dầu
- b) Các bình chữa cháy được treo trên tường, cột hoặc đặt trên nền, sàn nhà… Trường hợp các bình chữa cháy được treo trên tường, cột thì khoảng cách từ mặt nền, sàn đến tay cầm của bình không lớn hơn 1,25 m. Trường hợp đặt trên nền và sàn nhà, các bình chữa cháy phải được để nơi khô ráo, nếu có giá đỡ, chiều cao của giá đỡ không lớn hơn 2/3 chiều cao của bình. Trường hợp đề bình chữa cháy gần cửa ra vào thì bình phải được treo hoặc đặt cách mép cửa 1 m.
- c) Trong phạm vi cửa hàng được phép bố trí phương tiện, dụng cụ chữa cháy rải rác theo từng vị trí hoặc nếu có thể bố trí theo từng cụm tùy thuộc mức độ nguy hiểm cháy, nổ và diện tích mặt bằng cần bảo vệ, nếu bố trí theo từng cụm thì phải bố trí ít nhất 2 cụm.
Ngoài các yêu cầu cơ bản về thiết kế PCCC nêu trên, các cửa hàng xăng dầu có kinh doanh LPG đóng chai trong khu vực cửa hàng phải tuân thủ các quy định về yêu cầu an toàn PCCC tại Điều 5 và Điều 7 TCVN 6223:2017 Cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) – Yêu cầu chung về an toàn./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH