Để được “thất nghiệp” như lời chúc của Bác, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải luôn học tập, trau dồi kiến thức, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa từ thẩm duyệt, kiểm tra,…
Để được “thất nghiệp” như lời chúc của Bác, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải luôn học tập, trau dồi kiến thức, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa từ thẩm duyệt, kiểm tra,…
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân PCCC, 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.
– Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết một số nét cơ bản về truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH?
– Tôi cho rằng nghề nào cũng có vinh quang, có những đóng góp cho xã hội. Với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, vinh quang và truyền thống vẻ vang được vun đắp từ sự phấn đấu không mệt mỏi, không quản ngại gian khổ, hi sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có lịch sử hình thành từ những năm đầu của nhà nước cách mạng. Tuy nhiên, dấu mốc chính thức xác nhận ngày thành lập của lực lượng là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác PCCC (4/10/1961). 60 năm đồng hành cùng đất nước, vì bình yên cuộc sống của người dân, vinh quang và tài sản lớn lao nhất mà lực lượng chúng tôi có được là sự ghi nhận, tin yêu của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Tham gia chống chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc, mặc dù còn non trẻ nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã vững vàng cùng các lực lượng vũ trang và các lực lượng PCCC kiên cường bám trận địa, bám địa bàn ở những nơi bị địch bắn phá ác liệt nhất. Lực lượng PCCC và CNCH còn hướng dẫn nhân dân ngụy trang, sơ tán tài sản, dập tắt hàng ngàn đám cháy lớn nhỏ; bảo vệ nhân dân, bảo vệ hàng ngàn nóc nhà, hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, đạn dược, xăng dầu…
Ngoài ra, lực lượng PCCC và CNCH còn lập nhiều chiến công xuất sắc như chữa cháy trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Ninh Bình, chữa cháy kho xăng Đức Giang (Hà Nội), chữa cháy các điểm lửa ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), chữa cháy tại tuyến lửa Quảng Bình…
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, theo điều động của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã theo sát quân giải phóng nhanh chóng triển khai lực lượng ở các tỉnh miền Nam, Nam Trung bộ, kịp thời phục vụ công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh. Những chiến công tiêu biểu trong thời gian này như chữa cháy mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh), dùng khói bom Napan chữa cháy mỏ than Ngọc Kinh (Đà Nẵng) và đã cứu được hàng trăm triệu tấn than, nhanh chóng đưa mỏ hoạt động trở lại…
Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Bên cạnh những thuận lợi, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà cao tầng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có tính chất cháy, nổ phức tạp được đưa vào hoạt động…
Trong khi đó, nhiều văn bản ban hành từ thời kỳ trước đã không còn phù hợp thực tiễn. Trước đòi hỏi khách quan của tình hình mới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác PCCC.
– Thiếu tướng có thể kể ra những vụ việc điển hình mà lực lượng PCCC và CNCH đã chữa cháy, cứu hộ cứu nạn thành công?
– Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng đã tổ chức chữa cháy, CNCH thành công nhiều vụ cháy, sự cố, tai nạn lớn, phức tạp, hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu hàng ngàn người và tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Tiêu biểu như chữa cháy rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau); chữa cháy tàu chở xăng Hải An 16 (Hải Phòng); chữa cháy amoniac (TPHCM); CNCH thiên tai bão lũ ở miền Trung, miền núi phía Bắc, CNCH các tai nạn, sự cố xảy ra trong đời sống thường nhật của người dân; tham gia tích cực vào công tác công an, góp phần giữ vững an sinh và trật tự an toàn xã hội…
Trong hành trình 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, hàng chục cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã anh dũng hi sinh, hàng trăm người bị thương, nhiều tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” được nhân dân tôn vinh; 15 đơn vị được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; toàn lực lượng được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, một Huân chương Độc lập Hạng Nhất, một Huân chương Quân công Hạng Nhất; một Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
– Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hiện nay, lực lượng PCCC đã gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa Thiếu tướng?
– Phải nói rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có rất nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Bộ Công an; sự phối, giúp đỡ hiệu quả của các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở và nhân dân. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phòng ngừa và cứu chữa các vụ cháy, sự cố, tai nạn.
Trong đó có những khó khăn cơ bản như: Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tại một số đơn vị, địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC còn chưa quyết liệt, triệt để, chưa phát huy được sức mạnh tại chỗ nên đã để xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, người lao động và người dân còn hạn chế. Tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn PCCC còn phổ biến.
Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất… được đưa vào sử dụng từ trước khi có Luật PCCC năm 2001 nên các điều kiện an toàn về PCCC không bảo đảm; không ít cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở trong nước đang sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm, nên trong quá trình hoạt động dễ phát sinh nguy cơ cháy, nổ. Tình trạng “già hóa” các dây chuyền công nghệ, máy móc sản xuất, hệ thống điện, thiết bị kỹ thuật PCCC và CNCH trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu dân cư… đã tác động tiêu cực, làm cháy gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn nhiều khó khăn về biên chế, phương tiện, thiết bị bảo hộ chuyên dùng trong các đám cháy nhà cao tầng, tầng hầm, công trình ngầm, cơ sở sản xuất, chế biến và bảo quản hóa chất, chữa cháy trên sông, biển và chữa cháy rừng. Việc nghiên cứu, khai thác, ứng dụng khoa học, công nghệ về PCCC còn nhiều khó khăn do chưa có cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về khoa học PCCC. Lực lượng tại chỗ ở nhiều đơn vị, cơ sở, khu dân cư hoạt động không hiệu quả, do thiếu sự quan tâm của người đứng đầu và chế độ chính sách cho lực lượng này chưa thỏa đáng…
Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến sự gia tăng tình hình cháy nổ, trong khi công tác dự báo chưa thể dự báo hết những nguy cơ mới phát sinh, những vấn đề chưa cụ thể, chưa rõ ràng làm giảm hiệu quả công tác PCCC.
Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội thì các sự cố cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Lực lượng PCCC đã có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?
– Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ triển khai các giải pháp, biện pháp sau:
Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục tham mưu Bộ Công an hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy, chữa cháy và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC và CNCH. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, ngành, địa phương để xảy ra cháy lớn hoặc có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH; đồng thời, đưa Tiêu chí an toàn PCCC trở thành một nội dung để xem xét, đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương trên cả nước.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, góp phần làm chuyển biến về nhận thức của người đứng đầu, người lao động và người dân. Trong đó, tập trung phối hợp với các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản và tổ chức thực hành cho người dân; bám sát địa bàn, cơ sở tổ chức xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào Toàn dân PCCC lồng ghép với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, đưa ra các biện pháp khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC và CNCH; hướng dẫn người dân, các cơ quan, tổ chức thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC phù hợp để có thể phát hiện và dập tắt kịp thời nếu có cháy xảy ra.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trao đổi với phóng viên Dân trí.
Thứ ba, triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH trong nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương, nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ của thế giới để có thể chủ động trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng PCCC; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác PCCC và CNCH, góp phần tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước.
Thứ tư, đề xuất Bộ Công an và Chính phủ phê duyệt các đề án, dự án phục vụ chiến lược xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại;…
– Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời chúc đặc biệt sâu sắc dành cho lực lượng PCCC, đó là: “Chúc các chú thất nghiệp”. Phương châm ứng phó với “hỏa tặc” hiệu quả nhất chính là “phòng cháy hơn chữa cháy”. Phải chăng đó chính là mục đích, ý nghĩa của Ngày toàn dân PCCC?
Đúng như vậy, lời chúc của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và phong trào Toàn dân PCCC. Để được “thất nghiệp” như lời chúc của Bác, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải luôn học tập, trau dồi kiến thức, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa từ thẩm duyệt, kiểm tra, thanh tra đến công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ.
Phương châm ứng phó hiệu quả nhất với tai nạn cháy nổ chính là phòng ngừa. Đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Luật PCCC. Đó là một phần ý nghĩa quan trọng của Ngày toàn dân PCCC. Nói một cách dễ hiểu, thì người dân chính là người thực hiện các quy định an toàn PCCC tại nơi ở, nơi làm việc và cũng là người đầu tiên phát hiện và tổ chức chữa cháy, báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Nếu phong trào toàn dân PCCC phát triển lớn mạnh, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải chứng kiến những mất mát thương tâm về tính mạng con người và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Ngoài ra, Ngày toàn dân PCCC cũng là dịp để tôn vinh, cổ vũ, động viên, đúc rút kinh nghiệm để xây dựng phong trào phát triển lớn mạnh, hoạt động hiệu quả; phát động, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt trong phong trào toàn dân PCCC.
– Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH