Theo số liệu thống kê, hiện nay trên cả nước có trên 759.000 doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh và đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tập thể, doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác. Trong đó, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu vào sản xuất, chế biến, gia công các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, hàng xuất khẩu và tổ chức kinh doanh, dịch vụ lưu thông vật tư hàng hóa trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp đều có những nhà xưởng để sản xuất hoặc lưu trũ hàng hoá và kết cấu chủ yếu của nhà xưởng và kho hàng là khung thép, mái tôn. Hiện nay, nhà có kết cấu khung thép, mái tôn được sử dụng rộng rãi do tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng ngắn, trọng lượng nhẹ, an toàn, sử dụng lâu dài và dễ dàng bảo dưỡng …Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều vụ cháy cơ sở có nhà kết cấu khung thép, mái tôn gây thiệt hại nghiêm trọng, điển hình như vụ cháy vào ngày 20/8/2015 tại Công ty Công ty Cổ phần thuốc lá Ngân Sơn thuộc KCN Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã thiêu hủy gần 8.200m2 diện tích nhà xưởng cùng hàng hóa, tài sản, ước tính thành tiền khoảng 317 tỷ đồng; vụ cháy vào ngày 13/3/2016 tại Công ty TNHH Dorco Vina ở KCN Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã thiêu hủy hoàn toàn 5.900m2 diện tích nhà kho cùng nguyên liệu, hàng hóa, ước tính thành tiền khoảng 227 tỷ đồng; vụ cháy vào ngày 28/8/2019 tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã thiêu hủy hoàn toàn 6.000m2 kho xưởng, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng. Tuy không gây thiệt hại trực tiếp về người nhưng đã gây nhiễm độc diện rộng trên địa bàn và ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh khu vực này.
Với những tính năng ưu việt của vật liệu thép như trọng lượng nhẹ, độ dẻo cao, dễ định hình, dễ thi công, thời gian thi công nhanh, tạo không gian có khẩu độ lớn, kết cấu thép đã được sử dụng nhiều trong các nhà công nghiệp, nhà xưởng, nhà kho trong các cơ sở sản xuất. Đặc biệt với các công trình có quy mô lớn, có nhịp lớn (trên 100m) thì kết cấu thép là lựa chọn duy nhất được áp dụng. Tùy từng loại công trình công nghiệp mà khung nhà bao gồm cột và kết cấu mái được làm là toàn bộ bằng thép hoặc có thể là hỗn hợp cột bê tông cốt thép, dàn hay dầm thép. Thông thường trong nhà sản xuất, nhà kho thép được sử dụng làm các bộ phận như: khung chịu lực (cột, kết cấu mang lực mái, dầm), sàn và kết cấu bao che: tường, mái.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của kết cấu thép nêu trên, thì kết cấu thép cũng có nhược điểm liên quan đến công tác PCCC đó là khả năng chịu lửa kém. Dưới tác động của nhiệt độ, một số chỉ số cơ bản đặc trưng của thép có sự thay đổi: Giới hạn độ bền, một trong những chỉ số quan trọng có liên quan đến khả năng chịu lực của kết cấu thép. Theo môt số nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ đạt từ 6000C – 7000C thì giới hạn độ bền của thép giảm rõ rệt, thép chuyển sang dẻo, mất khả năng chịu lực, kết cấu thép bị sụp đổ dễ dàng. Do vậy, dưới nhiệt độ của đám cháy lên hàng nghìn độ C thì kết cấu thép không được bảo vệ chống cháy sẽ nhanh chóng bị phá hủy và sụp đổ, gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn.
Mặt khác, nhà công nghiệp, nhà sản xuất, nhà kho luôn tồn tại một lượng chất cháy lớn, vô cùng đa dạng, có thể bao gồm bất kỳ nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm và những vật liệu, hàng hóa dễ cháy. Quá trình công nghệ sản xuất thường yêu cầu diện tích lớn không có tường ngăn che dễ tạo điều kiện cháy lan. Bên cạnh đó các nguồn nhiệt gây cháy, nổ đối với cơ sở này rất đa dạng như: ngọn lửa trần, tia lửa điện, nguồn nhiệt hình thành do năng lượng cơ học, nguồn nhiệt hình thành do các phản ứng hoá học …, chúng xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau ngay trong lúc hoạt động bình thường hoặc khi có sự cố kỹ thuật xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào.
Qua rút kinh nghiệm các vụ cháy lớn xảy ra tại các cơ sở có nhà kho, nhà công nghiệp, nhà sản xuất sử dụng kết cấu khung thép mái tôn, thì có một số nguyên nhân dẫn đến cháy lớn như sau:
– Hầu hết các nhà sản xuất, nhà kho sử dụng kết cấu khung thép mái tôn, đều có diện tích lớn và chứa nhiều chất cháy nhưng không có giải pháp bọc chống cháy cho kết cấu thép. Do đó, các vụ cháy nhà khung thép mái tôn chỉ sau 15 – 20 phút dưới tác động của nhiệt độ cao, khung thép mái tôn nhanh chóng bị biến dạng và mất khả năng chịu lực dẫn đến sụp đổ, gây khó khăn cho việc tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
– Các cơ sở nhà sản xuất, nhà kho có sử dụng, bảo quản vật tư hàng hoá là chất dễ cháy tập trung với khối lượng lớn, trên diện tích rộng, nhưng không có giải pháp ngăn cháy hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, cụ thể như: Không có giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực sản xuất và kho thành phẩm, giữa các khu vực văn phòng với khu vực sản xuất, kho.
– Khoảng cách giữa các nhà không đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc để vật tư hàng hóa, xe cộ trong diện tích sân giữa hai nhà dẫn tới cháy lan.
– Trong các nhà sản xuất và kho tàng còn sử dụng nhiều vật liệu dễ cháy để làm trần, vách ngăn, ốp tường, cách nhiệt … làm tăng tải trọng chất cháy, dễ bắt cháy dẫn đến cháy lan và cháy lớn.
– Công trình nhà sản xuất, nhà kho không trang bị hệ thống PCCC hoặc trang bị nhưng không đầy đủ, chất lượng không đảm bảo vì vậy khi có cháy hệ thống PCCC không hoạt động được hoặc hoạt động không hiệu quả.
Trong cơ sở sản xuất, khả năng xuất hiện cháy có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, từ khu vực sản xuất, khu vực kho. Đặc điểm của các đám cháy tại các cơ sở sản suất phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất, loại nguyên liệu, nhiên liệu và hàng hóa, dây chuyền, thiết bị công nghệ đặt trong công trình.
Xem xét về đặc điểm và diễn biến của đám cháy đối với loại hình nhà kết cấu khung thép, mái tôn. Thứ nhất đó là khả năng xuất hiện và sự phát triển của đám cháy: Trong thực tế, đám cháy cơ sở có nhà kết cấu khung thép, mái tôn thường xuất hiện ở hệ thống dây truyền công nghệ, hệ thống điện và khu vực kho hàng hóa. Khi xảy ra cháy, ngọn lửa lan truyền theo các chất cháy được bố trí sắp xếp gần nhau. Sự phát triển của đám cháy phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của dây truyền sản xuất và sự bố trí sắp xếp nguyên liệu, sản phẩm. Cơ sở có nhà kết cấu khung thép, mái tôn thường có diện tích lớn, trong cơ sở bố trí hệ thống dây truyền, nguyên liệu, kho hàng tập trung và không tính đến các giải pháp ngăn cháy lan nên tạo điều kiện thuận lợi để đám cháy phát triển nhanh hơn.
Bên cạnh đó, cơ sở có nhà kết cấu khung thép, mái tôn có không gian kín nên thúc đẩy hiện tượng đối lưu và bức xạ nhiệt của ngọn lửa, dẫn đến các chất cháy dù cách xa nhau nhưng vẫn bị nung nóng nhanh chóng, khi đến nhiệt độ tự bốc cháy (khoảng 320 – 360oC) thì sẽ bốc cháy mà không cần đến sự xuất hiện của ngọn lửa. Vì vậy, trong thời gian ngắn, đám cháy sẽ lan truyền ra toàn bộ cơ sở, gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trong một số cơ sở sản xuất, ngọn lửa không chỉ lan truyền trên diện tích bề mặt có chất cháy, mà còn diễn ra cháy âm ỉ trong các kiện hàng hóa xếp thành đống. Tình huống cháy này thường khó phát hiện dẫn đến thời gian thời gian phát hiện kéo dài. Thậm chí có trường hợp cháy lại khi đám cháy đã được dập tắt.
Ngoài ra đám cháy còn phát triển theo nhiều cách khác như tàn lửa bay vào chất cháy, thiết bị làm việc với áp xuất cao khi gặp nhiệt độ trong đám cháy sẽ gây nổ. Trong khi nhà có kết cấu khung thép, mái tôn sau một thời gian cháy chúng bị sụp đổ, gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy.
Thứ hai là khả năng sụp đổ công trình, nguyên nhân trực tiếp gây sụp đổ công trình là các cấu kiện chịu lực bị làm mất hoặc giảm khả năng chịu lực. Trong đám cháy, các cấu kiện chịu lực này có thể bị phá huỷ bởi áp suất nổ, nhưng thường thấy nhất là do nhiệt của đám cháy nung nóng chúng, làm cho khả năng chịu lực của chúng bị giảm dần, nếu không được làm mát phù hợp và kịp thời thì sức nặng của công trình sẽ làm công trình bị sụp đổ. Phần lớn nhà xưởng sản xuất hiện nay thường là kiểu nhà có khung thép mái tôn loại kết cấu này sẽ mát khả năng chịu lực chỉ sau khoang 15 – 20 phút kể từ khi đám cháy phát triển. Các bức tường ngăn, tường bao che khi bị tác động của nhệt độ cao và áp lực tạo ra trong đám cháy cũng có thể bị sụp đổ gây nguy hiểm và khó khăn cho công tác chữa cháy.
Từ những vấn đề nêu trên, khi triển khai chữa cháy loại hình nhà kết cấu khung thép, mái tôn cần lưu sau:
Thứ nhất về yêu cầu trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
– Trường hợp đám cháy quy mô lớn, nước chữa cháy phải cung cấp đủ để cho lăng phun hoạt động được liên tục. Chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng yêu cầu lực lượng PCCC cơ sở kiểm tra, khởi động máy bơm chữa cháy nếu máy bơm không tự kích hoạt nhằm đảm bảo áp lực cho hệ thống chữa cháy nhà xưởng. Bên cạnh đó cần huy động các máy bơm chữa cháy lấy nước từ các nguồn nước tự nhiên trữ lượng lớn như ao, hồ để đáp ứng yêu cầu chữa cháy thời gian dài.
– Lăng chữa cháy sử dụng là loại đa tác dụng, phun dạng dạng phân tán để đảm bảo tính cơ động và an toàn. Khi triển khai đội hình hoàn chỉnh xong cần chuẩn bị vòi dự trữ cho hướng tấn công chính.
– Để tiếp cận vị trí xảy cháy đảm bảo an toàn nhất thiết phải triển khai tối thiểu 02 mũi lăng, trong đó 01 mũi lăng chính và 01 mũi lăng bảo vệ.
– Khi cần tạo điều kiện cần thiết nhất để cứu người, cứu tài sản, ngăn chặn cháy lan và phun chất chữa cháy, chỉ huy chữa cháy có thể quyết định cho phá dỡ 1 phần cấu kiện trong nhà xưởng. Quá trình tổ chức chữa cháy cần triển khai lăng phun nước làm mát bảo vệ các cấu kiện xây dựng và kết hợp tháo dỡ những cấu kiện có nguy cơ sụp đổ.
– Để đảm bảo an toàn và sự cơ động của lực lượng, phương tiện chữa cháy, cũng như quá trình tập kết của phương tiện cần đảm bảo tốt công tác bảo vệ khu vực cháy, không cho người và phương tiện không có nhiệm vụ qua lại khu vực chữa cháy.
– Tổ chức thông tin liên lạc tại đám cháy nhằm phục vụ công tác chỉ huy điều hành và phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy. Khi sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc cần tuân thủ các quy định trao đổi thông tin.
Thứ hai là đảm bảo an toàn cho lực lượng chữa cháy
– Với đặc điểm nguy hiểm đám cháy trong cơ sở sản xuất, cán bộ chiến sĩ phải thực hiện nhiệm vụ trong khu vực nhiều khói và nhiệt độ cao. Do vật lực lượng này phải được trang bị bảo hộ cá nhân gồm: quần áo chữa cháy chuyên dụng, mũ, ủng, găng tay, mặt nạ phòng độc cách ly.
– Tất cả các cán bộ, chiến sĩ sử dụng mặt nạ phòng độc cách ly phải báo cho bộ phận tham mưu và thường xuyên cập nhật thông tin để ghi chép lại, gồm: thời điểm vào đám cháy, lượng dưỡng khí còn lại trong bình.
– Khi vào khu vực đám cháy cần chú ý đến các cấu kiện xây dựng có nguy cơ sụp đổ để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
– Khi chữa cháy ban đêm cần trang bị thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông tin liên lạc (như bộ đàm), bình nước, các thiết bị phá dỡ cầm tay và các dụng cụ nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động chiến đấu.
Quang Toàn – Văn Anh (Khoa Chữa cháy)