Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (Luật số 67/2020/QH14).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được bố cục thành 03 điều, trong đó Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14; Điều 3. Hiệu lực thi hành; với những nội dung mới như sau:
- Những quy định chung
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm tái phạm (khoản 5 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính); nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần (điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính); thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính); thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
- Về xử phạt vi phạm hành chính
2.1. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
Hiện nay, một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến gây hậu quả lớn đến xã hội, làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính.
Do vậy, khoản 10 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng:
– Tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như: Giao thông đường bộ (từ 40.000.000 đồng lên 75.000.000 đồng); phòng, chống tệ nạn xã hội (từ 40.000.000 đồng lên 75.000.000 đồng)…
– Bổ sung mức phạt tiền tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như: Tín ngưỡng (30.000.000 đồng); cứu nạn, cứu hộ (50.000.000 đồng)…
– Chỉnh sửa tên gọi một số lĩnh vực cho phù hợp với các luật được ban hành sau Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như: Dạy nghề (thành giáo dục nghề nghiệp); quản lý rừng, lâm sản (thành lâm nghiệp)…
2.2. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
– Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung tên gọi, bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy như: Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn trên sông; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các quận, huyện thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy…
– Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như: Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
– Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung 08 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện như: Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh…
2.3. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, khả thi khi áp dụng trong thực tiễn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như: Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính (phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống ma túy; phòng, chống tác hại của rượu, bia)…
2.4. Quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với các nhân như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; bổ sung Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 bổ sung quy định về giảm, miễn tiền phạt cho tổ chức…
3.. Về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên
Luật số 67/2020/QH14 bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Theo đó, giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục. Căn cứ vào quy định này, Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.
Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung các quy định về đối tượng, điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; về việc quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính…
Thu Hằng – Thế Toàn (Khoa Luật)
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (moj.yahba.com)