web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12 năm 2021 toàn quốc có 460 đội PCCC chuyên ngành, trong đó có 132 đội hoạt động theo chế độ chuyên trách (chiếm 28,7%); 328 đội hoạt động theo chế độ không chuyên trách (chiếm 71,3%); được phân bố tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với 194 đội (chiếm 42,2%); tại các cảng hàng không có 19 đội (chiếm 4,1%); tại các cơ sở khác theo quy định như: kho xăng dầu, công ty chế biến khí, dầu mỏ, công ty nhiệt điện… với 247 đội (chiếm 53,7%).  

Tổng số đội viên của các đội PCCC chuyên ngành là 8.540 người, trong đó số đội viên có trình độ đào tạo chuyên ngành PCCC là 826 người (chiếm 9,67%), số đội viên còn lại mới chỉ được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức PCCC và CNCH qua các đợt tuyên truyền, huấn luyện định kỳ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. 238 đội PCCC chuyên ngành được trang bị 373 xe chữa cháy, 10 tàu chữa cháy và 01 xe cứu nạn, cứu hộ (trong đó có 132 đội hoạt động theo chế độ chuyên trách và 106 đội hoạt động theo chế độ không chuyên trách).

 

Đội PCCC chuyên ngành nhà máy Đạm Phú Mỹ luyện tập nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

 

Thời gian qua, lực lượng PCCC chuyên ngành đã có nhiều đóng góp trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý và khắc phục các vi phạm về lĩnh vực PCCC, sự cố, tai nạn; tích cực tham gia hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có đội PCCC chuyên ngành bước đầu đã có sự quan tâm, đầu tư kinh phí để duy trì hoạt động của lực lượng này. Tuy nhiên, việc thành lập và tổ chức hoạt động của các đội PCCC chuyên ngành vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong cơ chế vận hành, tuyển chọn đào tạo, huấn luyện, trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH … dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực sự đóng vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác phòng ngừa và tổ chức chữa cháy, CNCH ban đầu tại các cơ sở, cụ thể như sau:

– Số lượng đội PCCC chuyên ngành chưa bảo đảm theo quy định (tính đến thời điểm hiện tại trên toàn quốc cần phải thành lập thêm 174 đội PCCC chuyên ngành); người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thực hiện trách nhiệm trong việc thành lập và duy trì đội PCCC chuyên ngành theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH (căn cứ Điều 21 Luật PCCC, Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, Điều 27 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ và Điều 13 Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an). Nhiều đội PCCC chuyên ngành đã được thành lập nhưng việc duy trì hoạt động chưa hiệu quả, mang tính hình thức, công tác PCCC và CNCH tại cơ sở còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc tham gia phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để tổ chức chữa cháy và CNCH đạt hiệu quả chưa cao.

– Trong 238 đội PCCC chuyên ngành đã được trang bị xe chữa cháy, có 101 đội chưa trang bị xe chữa cháy đủ định mức theo quy định tại mục 9 TCVN 3890:2009; 96 đội PCCC chuyên ngành chưa được trang bị xe chữa cháy. Một số đội có trang bị xe chữa cháy không đúng chủng loại, chất lượng không đảm bảo, cơ số phương tiện chữa cháy, CNCH trên xe còn thiếu theo quy định; nhiều xe thời gian hoạt động đã lâu, không được bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến tình trạng xuống cấp, phát sinh hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tham gia chữa cháy, CNCH của đội PCCC chuyên ngành.

– Thời gian huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH hàng năm chưa bảo đảm thời gian và duy trì thường xuyên theo quy định; nội dung huấn luyện của đội PCCC chuyên ngành chưa đầy đủ, về cơ bản giống như của lực lượng PCCC cơ sở; chưa chú trọng tới việc huấn luyện công tác chỉ huy, huấn luyện chuyên sâu xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn đặc thù sát với tình hình thực tế của cơ sở và địa bàn hoạt động, từ đó dẫn đến khi tổ chức chữa cháy, CNCH tại cơ sở và tham gia chi viện chữa cháy, CNCH theo yêu cầu đã bộc lộ những yếu kém, bất cập.

– Việc phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH trong việc thực tập các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn giả định trong phương án còn ít, chưa sát với tình hình thực tế của cơ sở (nhất là đối với các đội PCCC chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách); công tác tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động của nhiều lực lượng tham gia xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn lớn, phức tạp còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập là do: (1) Trong quá trình triển khai đầu tư các dự án, công trình, do nhận thức của chủ đầu tư và khó khăn về kinh phí dẫn đến không thành lập đội PCCC chuyên ngành; mặt khác sự quan tâm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có đội PCCC chuyên ngành chưa cao, chưa ý thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc bảo đảm, duy trì hoạt động của đội PCCC chuyên ngành, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức triển khai các hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành theo quy định; không thật sự quan tâm, đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoặc không bố trí kinh phí dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH dẫn đến tình trạng các phương tiện, thiết bị đưa vào thường trực chưa đạt hiệu quả cao nhất. (2) Việc tuyển chọn đội viên đội PCCC chuyên ngành mới chú ý về mặt số lượng, chưa chú ý đến các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH (nhất là tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng đội viên đội PCCC chuyên ngành). Ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội viên chưa cao, nhất là số đội viên không chuyên trách. Chế độ, chính sách khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như khi trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa bảo đảm đã phần nào làm ảnh hưởng đến tinh thần, trách nhiệm của đội viên đội PCCC chuyên ngành. (3) Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khi thực hiện chức năng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC chuyên ngành còn có những hạn chế nhất định, một phần là do lực lượng cán bộ mỏng, bên cạnh đó là sự thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý các cơ quan, tổ chức chưa thành lập và tổ chức hoạt động đội PCCC chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, dự báo tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp do kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại hình cơ sở mới, phức tạp nguy cơ cháy nổ cao tiếp tục được hình thành sẽ tác động tiêu cực đến tình hình cháy, nổ, đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho công tác PCCC và CNCH. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội PCCC chuyên ngành, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình mới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu cơ sở thuộc diện phải thành lập đội PCCC chuyên ngành trong việc thành lập, duy trì hoạt động, bảo đảm kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; thường xuyên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội viên đội PCCC chuyên ngành; bảo đảm chế độ chính sách cho đội viên đội PCCC chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH theo quy định.

Hai là: Đối với các đội PCCC chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách phải có quy định cụ thể việc tổ chức thường trực, ứng trực xử lý khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, huấn luyện, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và CNCH bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại cơ sở và tham gia phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khi có yêu cầu.

Ba là: Nghiên cứu, đổi mới chương trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC chuyên ngành theo hướng kết hợp huấn luyện cơ bản với huấn luyện nâng cao, chuyên sâu; tập trung vào thực hành huấn luyện chiến, kỹ thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các tình huống đặc trưng, điển hình và phải sát với tình hình thực tế tại cơ sở.

Bốn là: Duy trì công tác thường trực bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông qua việc tăng cường giám sát hoạt động tự tổ chức thực tập phương án và tham gia phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn lớn, phức tạp tại địa phương.

Năm là: Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH các cấp phải thường xuyên rà soát thống kê lập danh sách các cơ sở phải thành lập đội và các đội mới thành lập để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đội PCCC chuyên ngành thành lập theo quy định; tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; duy trì các hoạt động tự kiểm tra, xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện, kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ định kỳ, thường xuyên; xây dựng, bổ sung, chỉnh lý các phương án chữa cháy, CNCH bảo đảm phát huy tối đa lực lượng, phương tiện hiện có để ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại cơ sở và tham gia chi viện khi có yêu cầu.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH