web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Lai lịch một cái bằng khen

Mỗi lần nhìn lên bức vách nhà tôi, nơi đó có một tấm bằng khen về thành tích dũng cảm chữa cháy, tôi lại thầm tự hãnh diện vì nó gắn liền với một chiến công của đơn vị, trong đó có sự đóng góp của cá nhân tôi. Chiến công đầu tiên trong đời về trận chiến đấu đầu tiên với giặc lửa của người lính chữa cháy. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên.

Quê tôi ở miệt Vĩnh Thuận, vùng ven rừng U Minh. Lúc tôi vừa chào đời, lại đúng vào thời kỳ chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt phải đối đầu trực tiếp với quân Mỹ. Ba má tôi làm ruộng, bắt cá, cắm câu nhưng vì chiến tranh ác liệt phải chạy giặc liên miên nên nghèo vẫn hoàn nghèo, mấy anh em tôi đều thất học. Ở quê tôi thời đó chuyện nhà cháy, người chết vì bom đạn giặc xảy ra thường xuyên. Nhà ở ven rừng bị giặc cho là gia đình Việt Cộng hoặc thân Cộng nên chúng o ép đủ điều. Mỗi khi có cuộc càn thì mọi sắc lính đều có quyền hạch sách, cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp. Khổ nhất là trong nhà có thanh niên trai tráng hoặc có con gái xinh đẹp, hễ giặc mà tràn vào là thể nào chúng cũng kiếm chuyện làm khó dễ. Tên đẹp, người đẹp cũng là một nguyên nhân giặc hay chú ý. Tên đẹp lại hay bị xui xẻo nữa. Vì vậy, không biết tự bao giờ dân ở vùng này rất sợ đặt tên đẹp cho con mà toàn tìm những danh từ xấu làm tên cho con cái. Con trai tụi tôi thì không nói làm gì, thương nhất là mấy cô con gái. Có những chị, những em lớn lên đẹp như bông sen, bông súng mà lại cõng những cái tên như: Đĩ, Đầm, Cọp, Beo,… nghe mà phát ớn.

Tôi sinh ra có cái đầu to nên ba tôi đặt cho tên Lóc chứ thực ra trong giấy tờ tôi tên là Nguyễn Văn Hai. Mười tám tuổi, thanh niên xóm tôi đa phần đều nhập ngũ qua Miên đánh giặc Pôn Pốt. Riêng tôi đang phân vân có nên nhập ngũ vào bộ đội hay không thì bữa đó có ông Sáu Sang – Cán bộ Công an Tỉnh xuống thâu quân. Vậy là tôi năn nỉ ông Sáu cho đi theo chớ kì thực lúc đó trình độ của tôi mới lớp 3 trường làng, làm con tính cộng 3 số còn chưa rành nói gì đến văn phong, thơ phú. Nói tóm lại tôi chỉ biết có chữ ký còn lý lịch thì nhờ ông Sáu viết giùm. Mà chữ ký của tôi loằng ngoằng sao giống đầu con chó, vậy là ông Sáu cải tên tôi thành “Bẹc-na”.

  • Mày vô Công an thì làm được cái gì?
  • Thì lượm rau, bổ củi, cắm câu, đặt lờ,… phục vụ cho mấy anh mấy chú….
  • Trời đất ơi! Tao tưởng mày nói đi Công an để điều tra tội phạm hay cầm súng, cầm viết gì đó chứ đi Công an để cắm câu, đặt lờ thì đi làm gì. Thôi ở nhà cho khỏe!…Mày…

Tôi theo năn nỉ hết mấy ngày rồi cuối cùng ông Sáu cũng đồng ý cho tôi đi. Vào Công an, chưa có lớp huấn luyện nào, trình độ lại thấp nên tôi được đưa về đầu quân cho Đội Cảnh sát chữa cháy đóng ở đầu cầu Đúc. Khoác ba lô về bữa trước, bữa sau tôi đã phải ra thao trường dưới sự huấn luyện nghiêm khắc của anh Út – Đội trưởng. Anh Đội trưởng của chúng tôi hơi lùn một chút, ảnh nhiệt tình, gương mẫu và cứng rắn nên ai cũng mến và cũng có phần sợ. Duy chỉ có giọng nói miền Trung của anh vừa nặng, vừa nhanh nên có nhiều lúc giảng bài xong ảnh hỏi: “ Các đồng chí đã rọ chưa?”. Toàn đội đều đồng thanh “Rõ” nhưng đa phần anh em chẳng biết rõ cái gì vì có hiểu ất, giáp gì đâu mà rõ.

Một lần đang sửa xe, anh bảo tôi:

– Cậu chạy vô lấy cái bình ắc-quy ra đây.

– Rõ!

Tôi chạy vô nhưng có biết bình ắc quy là cái gì đâu. Tôi khệ nệ bưng ra thùng phụ tùng máy móc.

– Tớ bảo khiêng cái bình ắc-quy cơ mà! Trời ơi! Cái này mà là cái ắc-quy à? Anh chỉ cho tôi cái bình ắc-quy trên xe.

– À! Bình đề thì anh nói cái bình đề. Anh biểu là bình ắc-quy thì cố nội tôi cũng làm sao biết được đó là cái ắc-quy.

(Ở trong này khởi động máy thì gọi là đề máy nên bình ắc-quy gọi là cái bình đề)

Đội trưởng của chúng tôi tuy rất nghiêm khắc nhưng anh sống tình cảm. Anh hiểu anh em, anh chia sẻ với anh em những buồn, vui, sướng, khổ của đời lính. Vì vậy, chúng tôi rất thương anh và anh cũng rất thương chúng tôi.

Do thiếu vệ sinh nên chỗ ở của chúng tôi đầy rệp. Đêm nào nó cũng bò lên cắn ran cả người. Còn lác (hắc lào) thì không anh nào không có. Riêng tôi thì lác đầy người, đặc biệt lác còn ăn vào những nơi thầm kín nhất, vì vậy có hôm đứng nói chuyện với mấy cô sinh viên trường y mà ngứa quá không dám gãi thành ra người cứ nảy lên như điện giật. Gần như đêm nào anh Út cũng phải đi hái lá kiến cò giã với muối xát lên chống ngứa thì chúng tôi mới ngủ được. Cuối cùng chỉ có món thuốc nổ TNT trong trái đạn 105 ly trộn nhớt cũ của anh Út mới đem lại làn da sạch sẽ trong anh em chúng tôi.

Cuộc sống của đám lính chữa cháy chúng tôi cứ bình lặng trôi trong những công việc thường nhật. Hàng ngày, chúng tôi ra thao trường tập luyện, tập xong tắm rửa chờ cơm và cả chờ có cháy. Rồi những buổi tối sinh hoạt tập thể vui thì có vui nhưng gò bó quá. Đâu được tự do như hồi còn ở nhà. Một hôm có anh QS đi lính cùng đợt với tôi, ảnh khoe cái súng sáu và một mớ lệnh truy nã tội phạm (anh ta được về bộ phận Hình sự mà). Tôi thầm ao ước mình được cầm súng như anh QS, để trực tiếp truy bắt tội phạm giống như trong mấy bộ phim Phòng Chính trị vừa mới chiếu. Chẳng lẽ đời lính của mình chôn chân với những công việc tẻ nhạt này. Nhưng nhớ lại lời hứa: “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì” trước ông Sáu, khi năn nỉ ông vào ngành nên tôi lại thôi, không dám than thở với ai. Tôi đem suy nghĩ của mình tâm sự với anh Út. Anh trầm ngâm hồi lâu rồi cất tiếng:

– Hồi trước tớ cũng giống y như cậu. Nhập ngũ, rồi vào Công an, rồi phận trời đưa đẩy sao đó tớ phải về lực lượng Phòng cháy chữa cháy. Lúc đầu buồn lắm, nhưng dần dần quen thôi. Cách mạng giao gì mình làm nấy, đâu có quyền lựa chọn. Nếu mình để tâm vào công việc thì sẽ thấy thích thôi. Mà làm lính chữa cháy cũng có cái hay, có những lúc nguy hiểm, có khi phải hy sinh tính mạng để cứu người, cứu tài sản. Những lúc đó, tớ cần lá gan to của cậu.

Tin và nể lời anh nên tôi tạm yên lòng chứ thực tình tôi cũng chưa yêu gì cái nghề gắn bó với mấy chiếc xe màu đỏ này.

Về đơn vị đã hơn một tháng, bắt đầu làm quen với các phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên nhiều phương tiện tôi vẫn chưa kêu được đúng tên của nó vì mang toàn tiếng Tây thành ra tôi bị các chỉ huy la rầy suốt. Tôi vẫn chưa đụng trận cháy nào nên vẫn chưa hình dung được chữa cháy ra làm sao cả.

Hôm đó, vừa xong buổi tập về chưa kịp tắm rửa đã nghe kẻng báo động. Nhảy lên xe mà tim đập liên thanh từng hồi. Tin từ bộ phận thông tin cho hay, cháy tại bãi đạn phế thải của Hậu cần tỉnh đội. Ngồi trên xe, nghe Tiểu đội trưởng phân công nhiệm vụ từng người mà tôi cũng chỉ nhớ loáng thoáng tôi là số 1 chứ đầu óc thì quá căng thẳng, nên cũng chẳng nhớ gì nhiệm vụ các số kia.

“…Còi vang giục giã, xe vun vút lao qua phố phường….”. Đúng như lời bài hát chúng tôi hát thường ngày. Phố phường, nhà cửa, xe cộ, rồi cổng Tam Quan lần lượt lui về đằng sau. Ngó lên hàng ghế phía trên tôi thấy Đội trưởng ngồi im, dáng vẻ lầm lì, bình thản. Sống gần anh với từng đó thời gian nhưng tôi cũng đã kịp hiểu tánh nết anh. Mỗi lần gặp chuyện gì bất trắc, anh thường bình tĩnh trong xử lý vụ việc. Thấy da mặt anh có vẻ thẫm hơn, chắc trong đầu anh đang suy nghĩ về các phương án chiến đấu. Anh quay lại dặn anh em bình tĩnh và nhắc lái xe chạy cẩn thận. Có lẽ nhờ thái độ người chỉ huy này mà anh em chiến sĩ, nhất là những người lính mới như tôi bớt phần căng thẳng, hồi hộp.

Xe rẽ vào cổng tỉnh đội, đã bắt đầu nghe vài tiếng nổ lắc rắc của đạn nhỏ và một vài cuộn khói đen bay lên. Khu vực hậu cần Tỉnh đội rất lớn, có kho quân trang, lương thực, xăng dầu, vũ khí… Đặc biệt có 6 ụ đất to mà sau này tôi mới biết trong đó chứa toàn đạn pháo lớn. Chúng tôi thận trọng tiến vào khu vực cháy. Khu vực cháy là một cái đìa cạn khô đáy. Phía dưới trồi lên từng đống đạn cũ, đạn lép phế thải đủ loại. Tuy nhiên, lửa chỉ cháy trên cái bờ cỏ khô xung quanh, và thỉnh thoảng vài viên đạn nhỏ trong cỏ lại nổ đì đành làm tung lên những đám bụi mù. Lửa có gió đang bốc lên ào ạt, phát triển về phía mấy ụ đất to.

Đội trưởng cho 2 xe dừng lại cách đám cháy chừng 100m và ra lệnh triển khai 2 mũi nhanh chóng tiến vào. Sau khi quan sát tình hình đám cháy, anh quyết định cả hai mũi đều cùng chặn dưới gió, tuy đường vòi dẫn nước có xa hơn, nhưng chặn lửa sẽ hiệu quả hơn.

Khi các xe đã triển khai xong đội hình chiến đấu, anh ra hiệu lệnh phun nước rồi đến sát bên tôi, anh ấn tôi xuống sau một mô đất, quan sát nhanh rồi anh bảo:

– Nước ra tới, cậu quét qua mũi lửa này rồi khi lửa hạ ngọn thì quay qua làm mát cho đống đạn dưới kia. Rõ chưa?

– Rõ!

– Không có lệnh không được di chuyển, nghe chưa?

– Dạ, rõ!

Tôi gật đầu, song lúc này tôi bắt đầu thấy sợ, tim tôi cứ đập bực bực. Lửa khói tràn ngập xung quanh. Phải chi có một anh lính cũ bên cạnh tôi sẽ vững dạ hơn. Nhưng biết làm sao, chỉ huy của tôi đã quyết định mũi lăng này giao tôi giữ, còn mũi lăng bên kia giao cho anh O “gà”. Dù sao anh O “gà” cũng là lính cũ đã đi chữa năm bảy vụ cháy rồi. Nước bắt đầu dẫn tới đầu lăng, phun ra ào ạt. Phải nói tia nước lúc này sao nó mạnh quá, mạnh hơn lúc tập luyện, tôi phải gồng cứng tay mới giữ được cho nó phun. Có nước phun ra ở đầu lăng làm tôi cũng bớt run hơn. Do vùng cháy quá nguy hiểm nên anh em bộ đội chỉ đứng đằng xa quan sát không dám vào gần tiếp ứng cho anh em tụi tôi. Còn lính chữa cháy chúng tôi, Đội trưởng cũng chỉ cho hai người cầm lăng ở phía mặt lửa với anh, số còn lại sau khi triển khai xong anh cho lùi ra phía sau hết. Hai tia nước mạnh như 2 lưỡi kiếm, chỉ giây lát đã chặn đứng được cái lưỡi lửa đỏ lòm đang lùa tới với sự góp sức của cơn gió chướng buổi trưa đầu mùa khô. Đang mừng thầm thì bất ngờ một trái đạn cối hay lựu đạn gì đó nổ ầm lên một tiếng làm tung lên một đám bụi khói. Đất đá văng tứ tung, một hòn đá văng trúng lưng tôi đau điếng.

Nhìn sang mũi bên kia tôi thấy anh O “gà” vất cái lăng phun nước xuống đất chạy thụt về phía sau. Chiếc lăng phun nước không người điều khiển quằn quại như con rắn dập đầu, miệng lăng vẫn phun nước ra phì phì. Hoảng quá, tôi cũng nhỏm người lên tính chạy. Lửa khói lại tiếp tục tràn tới, tiếng đạn nổ trong lửa nghe có vẻ nhiều hơn.

– Đừng chạy, chạy nó nổ chết!

Sau tiếng hô, tôi thoáng thấy bóng anh Đội trưởng ào qua, anh cầm lấy cái lăng đứng xổng lưng quét ào ạt vào chỗ vừa có trái đạn lớn nổ. Bóng anh chập chờn trong đám lửa khói, thấy vậy tôi nhổm dậy tính phun qua chi viện cho anh nhưng anh quát lên chỉ vào đống đạn dưới đáy ao. Không dám trái lệnh, song trong lòng tôi không khỏi lo lắng cho anh. Một mình anh đang kéo đoạn vòi nặng đầy nước cùng với chiếc lăng phun tiến sát vào trong lửa. Thấy vậy, từ phía sau anh Tèo và anh Phương chạy lên tiếp sức kéo vòi, nhưng kéo lên được một đoạn anh lại xua 2 chiến sĩ trở về vị trí cũ vì không cần thiết có nhiều người ở nơi nguy hiểm. Sau một lúc cuồn cuộn uy hiếp khu vực có kho đạn, ngọn lửa dần dần hạ xuống nhờ 2 mũi lăng quyết liệt ngăn chặn của hai anh em tôi.

Mấy phút sau, nghe chừng đã hết lửa, chỉ còn vài ngọn khói loe hoe, đạn cũng thôi không thấy nổ nữa, không gian trở nên yên ắng. Tôi liền đứng vụt dậy cầm lăng theo đúng tư thế đã được học nhưng luồng nước của tôi không còn tác dụng gì nữa vì đám cháy đã được dập tắt.

Bạn đọc thân mến! Giờ này tôi đã là một ông già tròm trèm 60 tuổi với một đám cháu nội, cháu ngoại gần chục đứa. Trí nhớ ra đi dần theo tuổi già, tuy nhiên kỷ niệm về chiến công đầu tiên luôn nằm trong tâm khảm mấy chục năm qua. Bởi vì đời lính chữa cháy của tôi đâu có dài. Do hoàn cảnh gia đình, nên tôi phải xin xuất ngũ trở về quê hương bản quán, với dàn lưới, bó câu để phụng dưỡng cha mẹ già. Rồi cưới vợ, sanh con. Rồi lên chức ông bà. Tôi nhớ lại, sau vụ cháy đó có anh nhà báo ở Cục Chính trị Quân khu 9 đến phỏng vấn tôi. Tôi đã kể về chiến công này cho anh. Trong bài viết của anh, tôi trở thành một người lính gan dạ vô cùng. Rồi trong một buổi tối nào đó,bên dòng kinh Tẻ lốm đốm ánh trăng khuya, nhờ có câu chuyện này mà anh nông dân dốt đặc, “hai lúa” như tôi đã chiếm được cảm tình cô thôn nữ tên Luyến. Bây giờ là bà xã cũng là bà huyện, bà tỉnh nhà tôi.

Và gần đây, khi các cháu nội ngoại của tôi hỏi về tấm bằng khen, Tôi vui vẻ kể cho các cháu nghe và còn thêm mắm, thêm muối vào cho nó có phần hấp dẫn. Duy có một điều mấy chục năm giấu kín mà giờ tôi mới dám nói thật ra vì “thật thà là cha xỏ lá” nhưng mà nói ra nghe mắc cỡ lắm. Đó là khi anh Đội trưởng ấn tôi xuống mô đất là tôi chỉ biết nằm im và ghì chặt cái lăng mặc cho ngọn lăng của tôi phun ngược lên trời. May thay màn mưa của nó lại có tác dụng làm mát đống đạn rất tốt. Nếu ngọn lăng với tia nước mạnh của tôi mà chúc xuống đìa thì biết đâu nó lại làm thòi ra trái đạn Napan và hậu quả! Biết đâu? Anh em tôi có còn sống đến giờ này để còn nói dóc .Đạn Napan cũ của Mỹ khi bị bục vỏ, nếu tiếp xúc với không khí là tự phát nổ, phát cháy. Vì vậy, nếu nó nằm yên dưới đất, có khi lại an toàn .

Và các bạn có biết không? Suốt từ đầu tới cuối, đằng sau mô đất, hồn tôi bận chạy đi tìm ông Thiên Lôi đâu tuốt trên chín tầng mây nên tôi đã nhắm mắt… phun bừa…/.

Nguyễn Đình Hậu

Nguyên Trưởng Phòng Tuyên truyền – Công an tỉnh Kiên Giang