web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Một số vụ thiên tai, hỏa hoạn lớn ở Việt Nam trước năm 1945 và quyết sách của các triều đại

Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có kết quả khảo cổ đầy đủ về thời gian con người bắt đầu sử dụng lửa, nhưng qua khai quật tại các di chỉ núi Đọ, Đông Sơn… phát hiện thấy các mẫu than gỗ, than xương động vật có niên đại cách đây vào khoảng 40 vạn năm, thuộc người Việt cổ. Họ dùng ngọn lửa để nấu chín thức ăn, để săn bắt thú rừng, để khai hoang mở rộng diện tích đất trồng cây nông nghiệp… phục vụ cuộc sống. Sau khi từ bỏ cuộc sống quần cư trong hang động, người Việt cổ đã lợi dụng vật liệu sẵn có trong tự nhiên như: tre, gỗ, nứa, lá… dựng nhà để ở. Những hiểm họa tự nhiên, sự bất cẩn của con người hay thiên tai, địch họa là những nguy cơ tiềm ẩn gây hỏa hoạn.

Sử sách còn ghi lại, thời tàn của triều Lý, trong khoảng vài chục năm đầu thế kỷ 13 , nội chiến xảy ra liên miên giữa các tập đoàn phong kiến rồi xung đột nổ ra tại đế đô làm cho cung điện trong khu Hoàng Thành bị thiêu hủy gần hết. Đến nỗi, năm 1214, cung thất nhiều nơi bị đốt, vua và Hoàng gia phải trú ở nhà tranh gần cầu Thái Hòa. Đến năm 1216, “thảo điện” (làm bằng tranh , tre, nứa , lá) phải dựng ở Tây Phù Liệt (nay là làng Sét ở quận Hoàng Mai).

Từ đầu năm 1225, nhà Trần lên ngôi đã bắt tay vào sửa sang xây dựng khu vực Hoàng Thành. Năm 1230 xây dựng nơi thiết triều gồm một số cung điện, lầu gác. Còn khu vực kinh thành của dân cư thì dưới triều Trần không có gì khác so với thời Lý. Cuối  đời Trần, kinh đô Thăng Long lại tiếp tục bị giặc giã cướp phá, thiêu đốt, đổ nát tan hoang.

Trong “Du hành và khám phá (Voyages and Discoveries), tác giả  Dampier, một thương nhân người Anh đến Thăng Long năm 1688 và sống ở đây nhiều năm đã chỉ ra một nguyên nhân khác mà ông gọi là tội ác, đó là đám Đạo giáo nổi loạn muốn gây thanh thế, bắt dân chúng tin rằng họ có thể nói chuyện với trời, vì thế bọn họ bắn những mũi tên có lửa vào khu dân cư gây hỏa hoạn.

Ngày mồng Tám tháng Chạp năm Bính Ngọ (đầu năm 1787), Lê Chiêu Thống sai người phóng hỏa đốt hết Phủ Chúa, đám cháy kéo dài trên 10 ngày chưa tắt. Cung điện xây dựng trong mấy trăm năm bỗng chốc hóa thành bãi đất cháy đen (theo “Hoàng Lê nhất thống chí”).

Thời kỳ đó, nhà cửa của người Việt có đặc điểm, bên ngoài cửa hàng, bên trong là  xưởng sản xuất thủ công, lại có xưởng nằm ngay trong khu dân cư. “Tạp chí Đông Dương” số 74 (năm 1941) đăng bài “Bà Yến nói với chúng ta về Hà Nội xưa”  của tác giả G.P, về nhà ở thời vua Tự Đức, G.P ghi lại như sau: “Mỗi ngôi nhà được dựng theo ý của chủ nhà. Không có mẫu hình đặt ra, không có kẻ chỉ thẳng hàng, nhiều nhà trong số đó chồi ra đường. Mỗi ngôi nhà đều có một tấm liếp đan bằng tre dùng làm mái hiên đến nỗi không gian dành cho lối đi rất chật hẹp. Nếu có một đám cháy bùng lên ở phía trước thì muốn thoát thân, người ta chỉ còn cách chạy vòng ra phía sau hay nhảy xuống ao”.

 

Tranh vẽ Thăng Long Kẻ Chợ.

 

Thời kỳ lịch sử trước năm 1945 nước ta chưa có nhiều nhà cửa, phố xá được xây dựng bằng gạch, ngói như bây giờ. Kinh thành Thăng Long tuy cung điện và dinh thự đã khang trang, bề thế nhưng phần lớn nhà dân vẫn chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá. Nhà vừa là nơi để ở, vừa là nơi sản xuất, kinh doanh, nhiều nơi nhà cửa san sát nhau nên khi xảy ra hỏa hoạn hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các vụ hỏa hoạn lớn xảy ra trong lịch sử nước ta thời kỳ này đều được ghi lại trong sử sách là minh chứng các triều đại bấy giờ đã rất quan tâm tới công tác phòng hỏa, cứu hỏa.

Sách “Đại Việt sử  ký toàn thư” ghi lại các vụ cháy lớn trong lịch sử nước ta như sau:

Năm 1156, mùa Đông, tháng 12, ngày Đinh Mùi, ban đêm kho Ngự cháy.

Năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ I (1434), tháng 5, ngày 11, Kinh thành bị cháy, lửa lan ra thiêu mất vài trăm nhà, nhiều người chết cháy.

Tháng 3, năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), gác cửa Tây bị cháy.

Năm Kỷ Hợi, đời vua Hồng Đức thứ 10 (1479), mùa Đông, tháng 10, giờ Dậu có hoả tai, lửa cháy lan đến kho thuốc súng của Vệ Thiên uy ở cửa Đoan Môn. Cháy sạch cả khu nhà túc trực của các vệ Thần tý, Tráng sĩ, Điện tiền ở phía Tây.

Tháng Chạp  năm Canh Thân (1500), phủ Phụng Thiên bị cháy.

Năm Tân Dậu, đời vua Cảnh Thống thứ 4 (1501), tháng 12, phủ Phụng Thiên bị cháy.

Năm Quý Hợi, đời vua Cảnh Thống thứ 6 (1503), tháng 9, ngày mùng 10, cháy lớn ở chợ Đông, phố xá bị thiêu trụi.

Năm Bính Tuất, đời vua Quang Hưng thứ 9 (1586) tháng 8 ngày 17, dinh Yên Trường cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín mặt trời, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ đến giờ Thân lửa mới tắt. Bà Phi của Thái vương là Nguyễn Thị Ngọc Bảo bị chết cháy, Tiết chế Trịnh Tùng ở lánh chỗ khác để tang.

Năm Kỷ Mùi, đời vua Hoằng Định thứ 20 (1619), mùa Xuân tháng Giêng, ngày 16, giờ Mùi, cháy lớn bắt đầu từ cửa Vương phủ, sau lan ra phố phường hai bên, cháy vào đến lầu cửa Đoan Môn của Triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu đều cháy hết sạch.

Năm Tân Mùi, đời vua Đức Long năm thứ 3 (1631), tháng 6, Vương thân ngự ở Đông Lâu, sai đào sông cho thuyền đánh nhau và tập bắn. Bấy giờ có lửa cháy từ đầu sông, cháy lan đến cửa tả Vương phủ, phố phường hai bên và các nhà Triều Nguyên, Triều Đường trong thành nội. Vua tránh ra nhà Hoa Dương Hầu, 4 ngày sau mới về cung.

Trong sách Việt sử lược cũng ghi rõ các vụ cháy lớn xảy ra ở nước ta thời đó. Cụ thể là:

Năm Giáp Tuất 1154, năm Đại Định thứ 15, mùa Đông, tháng Chạp, cái kho của nhà vua bị cháy.

Năm Canh Dần 1170, năm Chánh Long Bảo Ứng thứ 8, cuối mùa Hạ tháng 6, cung Nghinh Thiềm bị cháy.

Năm Nhâm Tý 1192, năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 7, mùa Đông tháng Chạp, cung Nghinh Thiềm phát hoả.

Năm Kỷ Mùi 1199, năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 14, hậu cung bị bốc cháy.

Năm Bính Dần 1206, năm Trị Bình Long Ứng thứ 2, mùa Xuân tháng 3, cung Phụng Thiên bị cháy.

Năm Đinh Sửu 1217, năm Kiến Gia thứ 7, điện Vĩnh Thọ cháy.

Trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, các vụ cháy lớn trong lịch sử nước ta cũng được ghi chép khá chi tiết:

Năm Bính Tý 1156, tháng 12 mùa Đông, kho tàng của vua bị cháy.

Năm Quý Sửu 1313, theo phép cũ, phàm cung điện, miếu đường hoặc lăng vũ bị cháy, có lễ cầu đảo và lễ tạ. Lúc ấy, sét đánh vào Viện Tam ty bị cháy, người Viện lại là Lương Lang bị chết, nhà vua sai quan sửa lễ cúng tế để khu trừ tai nạn.

Năm Kỷ Mùi 1619, lửa bốc lên từ trong thành, nhà cửa bị cháy thành tro, cháy lan đến lầu Đoan Môn.

Trong “Quốc sử biên niên” ghi lại vụ cháy xảy ra vào ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (1828): “Cháy to, bắt đầu cháy từ phố Hàng Mũ, sau đến Kho Gạo, cháy lan vài trăm nhà, người và súc vật phần nhiều bị thương, người bị chết đều được cấp cho tiền tuất và vải trắng”. Gây thiệt hại rất lớn là vụ cháy nhà xảy ra năm Đinh Dậu (1837), lửa lan khắp 27 phường ở Thăng Long, đốt cháy 1430 căn nhà gây rất nhiều thiệt hại gây chấn động cả nước, quan lại Bắc Thành khi đó phải dâng sớ xin chịu tội…

Thời Trần, lịch sử còn ghi lại khá nhiều vụ hỏa hoạn hay lũ lụt hoành hành, tàn phá Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, trong Đền Bạch Mã (Hàng Buồm, Hà Nội) còn ghi lại bài thơ của Trần Quang Khải mô tả:

Lửa cháy ba lần không phạm tới
Gió cuồng một trận chẳng hề nghiêng
Xin cậy uy linh trừ giặc Bắc
Khiến cho thiên hạ được thái bình.

Bài thơ này của Trần Quang Khải nhắc lại việc khu Chợ Đông 3 lần bị hỏa hoạn ghé thăm, cả dãy nhà phố bị lửa thiêu trụi, nhưng chưa lần nào lửa cháy phạm tới ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này.

Giáo sỹ người Ý – Giuliano Baldinotti khi đến Thăng Long để xin triều đình cho truyền đạo, trong tác phẩm “Bản tường trình Đàng Ngoài năm 1626”, ông nhắc đến tình trạng hỏa hoạn như sau: “Trong kinh thành có nhiều ao, vũng nước lớn, cho phép người ta có thể dập tắt ngay đám lửa khi nó cháy bén vào các nhà. Có nhiều đám cháy thiêu hủy 5, 6 nghìn nóc nhà”.

Hầu hết các vụ cháy lớn đều được sử sách ghi chép lại tỉ mỉ, chi tiết, ngay cả việc xử lý các tình huống, hình phạt và ban thưởng đối với công tác chữa cháy của các vị vua anh minh lúc bấy giờ cũng rất được coi trọng.

“Đại việt sử ký toàn thư” ghi lại: Năm 1278, hồi đó, nhà dân ở Kinh thành thường bị cháy vào ban đêm. Vua  Trần Thánh Tông đang ngủ say, nghe tin, tức tốc vùng dậy cùng với nội thị chạy ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội Thư gia Đoàn Khung đi theo. Đám cháy được dập tắt, vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước. Khung ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rõ người nào đến trước, người nào đến sau. Những người đến sớm và hăng hái nhất để chữa cháy đã được vua ban thưởng.

Năm 1837, một vụ cháy khủng khiếp thiêu rụi 1.430 căn nhà, làm rất nhiều người dân thiệt mạng và bị thương. Quan Tổng đốc Bắc Thành cũng suýt chết cháy, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp. Quan lại Bắc Thành khi đó phải dâng sớ xin chịu tội. Vua Minh Mạng đã lệnh cho Bộ Hộ chẩn cấp cho mỗi nhà 3 quan tiền, 2 hộc thóc, người chết mỗi người 1 lạng bạc, 1 tấm vải, 2 quan tiền, người bị thương mỗi người 2 quan tiền, cấp thêm cho nhà đông người mỗi nhà 3 hộc thóc, nhà hạng trung 2 hộc, nhà hạng nhỏ 1 hộc thóc, đồng thời cũng cho truy xét kẻ gây hỏa hoạn để trị tội…

Thời nhà Nguyễn, khi kinh thành được chuyển về Phú Xuân (Huế), Thăng Long vẫn là đô thành quan trọng. Hoạt động ở đây đều được chính sử ghi chép. Khoảng thời gian này, một số vụ cháy lớn xảy ra ở Thăng Long, để lại hậu quả nghiêm trọng. Vua Minh Mạng phải ra lệnh cho mở kho lương thực cứu dân.

Sách Quốc sử di biên” chép: “Năm 1828, Bắc Thành cháy to, bắt đầu cháy từ phố Hàng Mũ, sau đến kho gạo, cháy lan vài trăm nhà, người và súc vật phần nhiều bị thương, người bị chết đều được cấp cho tiền tuất và vải trắng”. Không lâu sau đó, một vụ cháy lớn thứ hai xuất hiện vào năm Đinh Dậu (1837), lửa lan rộng tới 27 phường ở Thăng Long, đốt cháy 1.430 căn nhà, gây chấn động cả nước. Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, từ thực tế quan sát, bậc danh y nổi tiếng này đã tổng kết nguyên nhân gây cháy, cách thức phòng chống bằng một bài thơ ngắn, trong đó có câu nhắc nhở như sau:

Phòng hỏa quan trọng vô cùng

Giữ gìn cuộc sống, đề phòng hỏa thương.

Nhận thức rất rõ hậu quả khủng khiếp do hỏa hoạn gây ra nên từ xa xưa cha ông ta đã có những quy định cụ thể để xử phạt những ai gây ra hỏa hoạn khiến lương dân thống khổ. Từ thời nhà Lê, luật pháp quy định xử phạt các hành vi gây hỏa hoạn rất nghiêm khắc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1467, thuận lời tâu của Thượng thư Bộ Hộ, vua Lê Thánh Tông ban lệnh “cấm không được dùng diêm tiêu làm trò chơi đốt pháo bông”.

Sau khi Bộ Luật Hồng Đức ra đời, tội gây hỏa hoạn được quy định chi tiết. Điều 87 quy định ai gây hỏa hoạn trong sơn lăng, mồ mả vua thì bị lưu đày. Làm cháy đến cây cối thì bị xử nghiêm một bậc, phải bồi thường các tổn hại ấy. Điều 610 quy định: “Thấy lửa bốc cháy nên báo mà không báo, chạy đến cứu mà không làm thì xử tội nhẹ hơn kẻ gây hỏa hoạn hai bậc. Quan quân canh giữ cung điện, kho lẫm, coi tù đều không được rời vị trí đi cứu hỏa, trái luật thì đánh 80 trượng”. Điều 617 quy định: “Ở kinh thành để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì bị phạt 80 trượng, nếu để cháy lan sang nhà người khác thì phạt 80 trượng và đem bêu riếu trước công chúng 3 ngày, phạt 10 quan tiền sung công; để cháy ở hương thôn thì giảm một bậc tội. Trong cấm thành nếu làm cháy lan đến nhà tông miếu, cung điện và các kho tàng thì xử tội lưu… Thưởng cho người bắt kẻ gây hỏa hoạn như việc thưởng cho kẻ bắt được trộm cướp”.

Một văn bản pháp luật khác là “Lê triều hội điển” ở phần Hình thuộc có lệ phạt trượng đối với việc gây hỏa hoạn như sau: “Phàm các nơi phố xá, quân phòng trong kinh thành bị hỏa hoạn, tự làm cháy nhà mình, phạt 80 trượng. Làm cháy lây sang nhà người khác, phạt 80 trượng, chịu tội 3 ngày, phạt 10 quan tiền quý. Nếu bị kẻ gian phóng hỏa thì được xá tội”

Đến thời Nguyễn, nhiều văn bản pháp luật được ban hành, quan trọng nhất là bộ “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là Luật Gia Long) cũng có điều luật quy định có xử phạt tội gây hỏa hoạn. Mặt khác một số quy định có liên quan tiếp tục được ban hành, thí dụ vào tháng Giêng năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng định lệ cấm trong việc phòng hỏa ở kinh thành, “người gây hỏa hoạn chỉ cháy nhà mình bị đánh 100 trượng, nếu cháy sang nhà khác thì bị phạt tù, đóng gông…”. Trong sử sách ghi chép, phố phường Hà Nội dân cư đông đúc, đường xá chật hẹp, nhà cửa làm toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá… dễ gây hỏa hoạn. Mỗi lần như thế, Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa lại cưỡi voi, đốc thúc binh lính và nhân dân đi dập lửa. Chữa cháy xong, ông còn cứu trợ ngay cho gia đình bị nạn, để họ sớm ổn định cuộc sống.

Thậm chí có một số trường hợp đích thân vua xử lý kẻ gây hỏa hoạn, thí dụ như câu chuyện về vua Khải Định. Sách “Khải Định chính yếu sơ tập” cho biết, tháng 6 năm Đinh Tị (1917) có viên quan giữ chức Thủ hộ Phó sứ tên là Hồng Ích để xảy ra hỏa hoạn, lửa cháy lan cả vào khu cấm nội, khi báo cáo lại cố ý gian dối giảm bớt thiệt hại. Sau khi tra xét lại, vua Khải Định đã ban lệnh giáng chức của Hồng Ích xuống 4 cấp, các viên quan chức có liên quan người thì bị giáng chức theo bậc khác nhau, người thì bị phạt bổng lộc, lại bị ghi lỗi vào lý lịch.

Không chỉ xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn, kinh thành Thăng Long thời đó còn thường xuyên đối mặt với thiên tai, lũ lụt hoành hành. Năm 1243, thành Đại La, đồng thời là tuyến đê chặn dòng sông Hồng, bị vỡ, nhấn chìm Hoàng thành Thăng Long trong bể nước. Theo sử liệu, năm 1248, Trần Thái Tông cho đắp hệ thống đê Đỉnh Nhĩ với ước mong chế áp được đỉnh lũ của dòng Nhĩ Hà (sông Hồng) kéo dài từ đầu nguồn cho tới tận cửa biển. Nhà vua lại cho đặt thêm chức quan Hà đê chánh – phó sứ chuyên việc trông coi đê điều. Tuy vậy, đến năm 1270, lịch sử thêm một lần ghi nhận trận lụt gây ngập phố phường, đội ngũ vương hầu, quan lại phải dùng đến thuyền để vào chầu vua. Tháng 6 năm Canh Ngọ (1630) kinh thành lụt lớn., nước sông Hồng dâng cao, tràn vào trong thành. Ngoài cửa Nam nước chảy như thác, ở trong phố phường mà phải đi thuyền, có nhiều người chết đuối, đê Thanh Trì vỡ, lúa mất, dân đói.

Trong những năm tồn tại, nhà nước Lê – Trịnh cũng đã thi hành nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp như trực tiếp huy động dân chúng đi lao dịch và khám đạc đê điều, trích tiền thuế điệu để thuê mướn nhân công. Tuy nhiên, khi công việc đắp đê được giao về cho địa phương, chức dịch cường hào các làng xã thường hay trục lợi bớt xén tiền thuê, làm ăn dối trá nên hệ thống đê đắp không được đảm bảo.

Do lũ lụt xảy ra liên miên khiến người dân hay bị thất bát mùa màng nên các vua Trần đã dụng tâm cho đắp, gia cố nhiều tuyến đê xung yếu, nhưng lũ lụt vẫn không buông tha. Trong những năm 1936, 1938, nước tràn ngập cả Hoàng thành khiến triều thần phải đi thuyền vào chầu vua. Cùng với 3 lần bị giặc Nguyên Mông tràn vào đốt phá, giặc nước, giặc lửa đã khiến Thăng Long thời Trần bị tàn phá nghiêm trọng. Do vậy, đây cũng là thời kỳ triều đình phải tiêu tốn nguồn lực không nhỏ cho việc duy tu, tôn tạo và kiến thiết Hoàng thành. Có thể thấy, bên cạnh công tác phòng hỏa, cứu hỏa, công tác ứng phó với thiên tai, cứu nạn, cứu hộ đã được các triều đại phong kiến trú trọng ngay từ thời kỳ đó.

Khi người Pháp chiếm Hà Nội, cháy vẫn xảy ra, ngày 20/01/1886, cháy lớn ở phố Hàng Mắm thiêu rụi hoàn toàn 70 ngôi nhà. Ngày 25/01/1891, cháy lớn ở Cầu Gỗ, Lò Sũ, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Mắm… thiệt hại 208 ngôi nhà và 4 ngôi chùa, làm chết nhiều  người, trong đó có 1 người Pháp.

Lấy cớ nhà tranh dễ cháy vào mùa hanh khô, ngày 17/02/1891, Thống sứ Bắc Kỳ  ra nghị định cấm làm nhà lá ở Hà Nội, ai vi phạm sẽ bị xử theo Luật Hình sự của nước Pháp. Tuy nhiên, do mức đền bù không thỏa đáng nên dân chúng không chịu di dời và chính quyền thực dân đã gây ra cháy bằng cách thuê lưu manh phóng hỏa vào ban đêm, hậu quả là nhiều phố quanh hồ Gươm bị thiêu rụi hoàn toàn. Sau vụ hỏa hoạn đó, dân chúng đành phải di dời.

Có thể thấy rằng, ngay từ thời Việt cổ, từ những hiểm họa trong tự nhiên như núi lửa, cháy rừng hay bất cẩn trong cuộc sống hàng ngày hay thiên tai, địch họa để xảy ra hỏa hoạn, cha ông ta đã tìm ra các biện pháp đề phòng và khống chế. Và cũng từ đó, ý thức về phòng hỏa, cứu hỏa của người Việt Cổ đã được hình thành./.

Trần Hoàng Quân