Lưng chừng núi, phía trên con dốc. Có tiếng kêu rất nhẹ. Một vật gì đó be bé hình tròn đang lăn chầm chậm xuống con dốc.
Ai tinh mắt đến mức nhìn thấy hòn bi đang lăn trên đường núi thế này? Là gã chứ ai. Thấy không? Cái gã kia kìa.
Hình ảnh người con trai trong trí tưởng tượng chợt biến mất. Tôi vuốt vội mấy sợi tóc mai trên trán, giương to mắt lên nhìn vào con dốc. Trông nó không còn chút vết tích nào của tai nạn kinh hoàng trong quá khứ. Đường núi thoai thoải, lại khá rộng rãi, đủ cho hai chiếc xe ô tô to tránh nhau dễ dàng. Vậy tại sao nơi đây trở thành điểm linh thiêng bậc nhất trong mắt bà con gần đây?
Chắc ai cũng sẽ hỏi như thế nếu nhìn vào mấy nén hương được thắp ngay ngắn trong một chiếc bát nho nhỏ. Bên cạnh, có mấy bông hoa căng mình ra chống chọi với ánh nắng gay gắt giữa hè. Năm nào tôi cũng đến đây vào lúc này, một thứ gì trong đầu thôi thúc tôi phải làm như vậy.
– Cô là người thân cậu ấy à?
Một anh Cảnh sát Giao thông nhễ nhại mồ hôi trong sắc áo vàng quen thuộc tiến lại hỏi. Tôi lắc đầu. Chắc là có anh ạ.
– Cậu trả lời kỳ cục thật. Có thì có mà không thì không chứ. Bao năm tớ phụ trách đoạn đường này rồi. Có mỗi vụ của cậu ấy là thương tâm nhất. Lại còn tai nạn không do va chạm nữa. À, anh trông em quen lắm. Anh biết em đúng không?
– Đúng rồi ạ. Còn em thì biết anh rất rõ.
– Ừ đúng rồi. Em là phóng viên hôm đó. Anh vẫn không thể quên được cái ngày ấy.
Tôi nhìn anh Cảnh sát. Anh đã bỏ khẩu trang ra. Khuôn mặt anh sạm đen vì suốt ngày phơi nắng, phơi gió. Như mọi chiến sĩ Công an bình thường. Anh nở nụ cười thân thiện, đưa chai nước mời tôi uống. Thật không ngờ, tôi cứ nghĩ đi đến con dốc hoang vu này sẽ không một bóng người.
– Cậu Kính hy sinh, thương tâm lắm. Hồi đó anh chỉ giận mình. Nếu anh cẩn thận hơn, kiểm tra chiếc xe tải đó kỹ lưỡng hơn thì đã không xảy ra việc đó. Nhiều khi, Kính hiện về trong giấc mơ. Nó nhìn anh như trách móc.
– Nhưng đó cũng đâu phài lỗi của anh. Đừng dằn vật quá anh ạ.
Phong lắc đầu. Có phải anh đấy không Phong? Người Cảnh sát từng lên báo, được tuyên dương vì thành tích xuất sắc? Đúng anh rồi. Tôi vẫn nhớ câu ví von của anh về độ an toàn của các xe ô tô khi đi qua đường núi. Các bạn cứ tưởng tượng một hòn bi ve lăn xuống dốc, nó sẽ nát bét nếu bị một chiếc xe nào đó cán qua. Đơn giản mà dễ hiểu đúng không. Đấy, bao giờ cũng cần lấy ví dụ trực quan cho nó sinh động, người dân cũng dễ hiểu hơn.
Anh Kính cũng như vậy. Tôi đi theo anh cũng phải cả chục lần để tác nghiệp. Anh có phong cách rất đặc biệt, khi thì cương quyết, lúc lại nhún nhường. Chẳng thế mà đi giảng ở đâu, người ta cũng chăm chú lắng nghe. Lúc đó, chẳng ai nghĩ là ông Cảnh sát chữa cháy này cũng phải xông pha vào biển lửa như ai. Anh chỉ cười hiền rồi chỉ vào tôi. Ăn thua là ở đồng chí phóng viên đây này. Đấy mới gọi là cầu nối để người dân hiểu mà tự giác làm theo.
***
Ký ức trong tôi dàn trải ra như một bộ đồ chơi xếp hình, trong đó Kính là mảnh ghép cuối cùng. Tôi không coi anh là bạn, đơn giản vì chúng tôi vốn là người xa lạ, lại không có liên quan nhiều trong công việc. Tuyến bài viết về anh cũng là nhận lại của phóng viên khác. Thế mà lâu dần thành quen, tôi không ngại thể hiện cho anh hết con người thật của mình.
– Không ngờ. Hay thật đấy. Phóng viên khét tiếng, thanh niên nghiêm túc mà lại nhí nhố thế này.
– Kệ em. Miễn là xong việc.
– Thì anh có nói gì em đâu mà chưa chi đã tức. Cơm gà không?
– Ăn. Ngu mới không ăn.
Tôi nhảy lên sau xe máy của anh. Vô tư cứ như ngày mới bắt đầu làm công việc “bám càng” các chiến sĩ Công an đi làm nhiệm vụ. Nhiều khi, tôi không hiểu nổi chính mình với sở thích chẳng giống ai này. Ngày nào cũng tối mịt mới về. Đón tôi ở nhà là khuôn mặt xầm xì của mẹ. “Đi đâu mà về muộn thế? Đừng nói là chơi bời đú đởn đấy.” Người lớn, họ có cái lý của họ, nhưng nghe lời hay không là việc của tôi.
Nhà tôi gần núi. Phóng xe một đoạn là tới. Thành phố mờ sương, tôi đã xách xe lên đường. Dân cư nơi đây không nhiều nhưng vẫn có cháy, nổ xảy ra. Hôm anh đi tuyên truyền cho một doanh nghiệp lớn, anh trầm ngâm lắm. “Em ạ, vài ngàn công nhân như thế, đến lúc chỉ mất một hai mạng người thôi cũng khó có thể chấp nhận rồi, dù chỉ là 0,1% số người. Mấy vụ cháy, nổ xe chở ga kinh khủng lắm, nếu không thấy tận mắt thì khó cảm nhận được thảm cảnh”
– Em chưa thấy ai tính tỷ lệ số người thiệt mạng do hỏa hoạn như anh cả.
– Đúng là vậy, kể cả báo chí. Đó là tự anh nghĩ ra.
– Vì sao thế?
– Thôi. Em biết làm gì. Kính tìm cách kết thúc cuộc trò chuyện để về cơ quan.
– Không, phải cho em biết nếu không em giận anh luôn đấy!
– Lúc nào đó em sẽ biết.
Khó lay chuyển được con người ấy. Nguyên nhân làm anh buồn chắc chắn chỉ đến từ các vụ tai nạn do cháy, nổ. Tôi phải tìm hiểu vụ này. Công ty đó là một doanh nghiệp đa ngành nghề nhưng chủ yếu doanh thu đến từ vận tải. Họ có nhiều xe khách và xe chở hàng chạy khắp cả nước. Buổi thuyết trình hôm ấy, anh căng thẳng lạ thường, trông thật khác với sự bình tĩnh thường thấy của anh. Hội trường chật kín người. Ai cũng muốn có mặt vì lãnh đạo công ty đã ra lệnh điểm danh đầy đủ. Tôi đứng trong góc, đánh mắt quan sát mấy hàng ghế cuối. Những chiếc điện thoại thông minh bị bàn che khuất, thi nhau xem mạng xã hội, nhắn tin và chơi game.
– Anh áo xanh ngồi dãy cuối. Anh nói tôi nghe mỗi ô tô tải cần ít nhất mấy bình chữa cháy?
Buồn cười lắm. Anh này luống cuống đứng lên, tay vẫn cầm điện thoại để vội xuống bán, miệng lắp bắp “thì cởi áo dập lửa…”. Anh phải giải thích lại cho người ta là quy định phải có ít nhất một bình chữa cháy trên xe, nếu xe tải cỡ lớn thì cần có ít nhất hai bình. Nếu tình huống cháy xảy ra thì phải cầm bình vừa chạy vừa lắc rồi xịt vào nơi phát hiện cháy. Nếu trên xe có thêm người thì hỗ trợ dùng chăn và nước dập tắt đám cháy. Rồi anh hỏi tiếp người khác là bình chữa cháy để ở đâu trên xe thì anh này lại trả lời là để trong cốp xe. Anh phải chỉnh lại ngay cho mọi người hiểu. Cứ chỗ dễ lấy mà để như gầm ghế, hốc cửa trước.
Lúc đó, tôi vẫn còn non tay nghề, không thấy được sự nguy hiểm và nét mặt căng thẳng của anh biểu hiện cho điều gì. Cái lắc đầu chán nản của anh, bây giờ mới cảm nhận được.
“Như một hòn bi xanh,
trái đất này quay tròn,
Căn nhà ta nằm nhỏ
trong lòng một quê hương”
…
Như một hòn bi xanh,
trái đất này quay tròn
Đất già cho đời trẻ
nên đời được yêu luôn
Anh đã hát bài vui tươi này cho tôi để làm nguôi cơn hờn dỗi của cô bé chớm bước vào tuổi trưởng thành. Chính ra anh cũng khá ga lăng và biết chiều phụ nữ. Chỉ mỗi tội anh lại làm cái nghề bận rộn và nguy hiểm này. Tôi chợt mỉm cười khi nghĩ đến suy nghĩ hờn dỗi khi ấy. Nước mắt chảy ra từ lúc nào.
***
– Này em! Em còn hỏi gì nữa không?
– Dạ không ạ. Cảm ơn anh.
– Anh nhớ hồi đó, em là người được cử đến đưa tin rồi về trước?
– Vâng.
– Thảo nào. Mà này, anh nói thật nhé. Anh không thích nỗi đau bị gợi lên nữa. Đã là quá khứ buồn thì nên quên đi. Trừ khi em là người thân của Kính và không đưa chuyện này lên báo.
– Không ạ. Em đến đây không phải với tư cách phóng viên.
Thế thì được. Để anh gọi điện xin phép và nhờ đồng đội giúp mình trực nốt ca. Chẳng giấu gì em, anh nợ ơn cậu Kính. Nó giúp cứu em họ của anh khỏi vụ cháy. Anh biết ơn Kính chứ không quá thân, nhưng cũng hiểu Kính có trách nhiệm thế nào. Bọn anh cũng có nhiều điểm chung. Anh thì đứng ở đường làm nhiệm vụ, nguy cơ gặp tai nạn cũng có. Nhưng ăn thua gì với bên Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.
Khoảng thời gian gần lúc Kính mất, nó mấy lần nói với anh về nguy cơ cháy, nổ xe ô tô. Phong ngừng lại, trầm ngâm một lúc lâu. Tôi không dám hỏi tiếp vì biết anh cũng buồn. Mãi vài phút sau Phong mới kế tiếp. “Đến anh là Cảnh sát Giao thông còn ít khi để ý mấy vụ cháy, nổ xe vì tần suất xảy ra rất hiếm, nhất là cung đường núi vắng vẻ thế này. Hôm ấy, Kính đến tìm anh để hỏi mấy kinh nghiệm về xe cộ. Anh ngạc nhiên lắm. “Cậu làm bên PCCC mà quan tâm đến xe cộ làm gì?”. Đến bây giờ, anh vẫn còn xấu hổ về câu hỏi đó. Kính hỏi han kỹ về cơ chế của các xe ô tô. Cậu ấy lo ngại về rò rỉ dầu và chập điện xe vì đọc được một tài liệu nói về nguy cơ này đang tăng lên. Rồi hai anh em ngồi nói chuyện vui lắm. Kính còn nói về nguy cơ cháy, nổ trong ô tô từ điện thoại di động hay từ viên pin dự phòng rởm. Lúc đó, anh cũng chỉ nghĩ đùa vui thế thôi, không ngờ trở thành sự thật.
– Em mong mình có mặt lúc đó.
– Thôi, đời làm gì có “nếu như”.
– Em biết điều đó. Nhưng em vẫn ước như thế mỗi ngày. Em chỉ cần cố cản anh ấy thôi.
– Chắc là không thể đâu.
Tôi chầm chậm rời khỏi con dốc. Quá khứ đã đi qua, như hòn bi lăn xuống dốc rồi sẽ nằm yên ở chân dốc. Và những người Cảnh sát PCCC, có lẽ họ là chốt chặn cuối cùng, không cho hòn bi rơi thẳng xuống vực thẳm. Cho dù họ có phải hy sinh./.
Đinh Thành Trung