Trong “tam họa” mà người xưa tổng kết, giặc lửa đứng thứ 2 (nhất thủy, nhị hỏa, tam đạo tặc). Một mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm, nơi mà người ta chạy ra để tránh ngọn lửa hung tàn thì họ lại vượt qua tuổi cao, sức khỏe hạn chế để chạy đến. Thậm chí, còn là một trong những người đầu tiên đến hiện trường vụ cháy và dùng những công cụ chữa cháy thô sơ nhất để đối đầu với “giặc lửa”. Đó là những thành viên của Đội Dân phòng tỉnh Nam Định.
Trong kháng chiến, họ là những “Bộ đội cụ Hồ” quả cảm, mưu trí, chiến đấu có lý tưởng, khát vọng, hoài bão, sẵn sàng hy sinh thân mình để chống giặc. Đất nước hòa bình, rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, họ lại cùng người thân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, đặc biệt là đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp giữ gìn an ninh, an toàn địa bàn, trong đó có an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Tham gia vì đam mê, vì an toàn của những người thân quen
Đó là chia sẻ của bác Hoàng Bùi Lợi (65 tuổi), Đội trưởng Đội Dân phòng phường Vỵ Hoàng, TP Nam Định. Năm 1992, bác Hoàng Bùi Lợi xuất ngũ về địa phương và tham gia vào Ban Bảo vệ dân phố. Khi Đội Dân phòng của phường được thành lập, bác nhiệt tình tham gia và được tín nhiệm làm Đội trưởng Đội Dân phòng phường Vỵ Hoàng. 29 năm gắn bó với công tác của Ban Bảo vệ dân phố và làm công tác dân phòng, bác Lợi đã cùng các đội viên dân phòng tham gia chữa cháy tất cả các vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn phường. Mỗi khi xảy ra cháy, nổ, ngoài các đồng chí Công an phường thì các đội viên Đội Dân phòng cũng là lực lượng đầu tiên đến hiện trường, hô hào người dân sử dụng các vật dụng sẵn có để chữa cháy trong lúc chờ lực lượng PCCC của Công an tỉnh tới làm nhiệm vụ. Nhớ lần tham gia dập lửa vụ cháy nhà dân tại đường Hàn Thuyên do chập điện cục nóng điều hòa vào chiều ngày 18/8/2019. Biết tin có cháy, bác Lợi và các đội viên Đội Dân phòng liền có mặt tại hiện trường và cùng người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện các biện pháp xử lý đám cháy ban đầu, hạn chế cháy lan và cứu người bị nạn. Cụ ông 80 tuổi, bị tai biến nằm liệt một chỗ đã được phát hiện và đưa ra ngoài an toàn.
Vậy nhưng, những người lính chữa cháy không chuyên ấy lại không đòi hỏi bất cứ một hình thức khen thưởng nào. Động lực nào đã thôi thúc họ vượt tuổi cao để mạnh dạn lao vào trận lửa? Trả lời thắc mắc này, bác Lợi và các đội viên Đội Dân phòng phường Vỵ Hoàng quả quyết: “Đứng trước khói lửa, chúng tôi sợ chứ. Nhưng lúc ấy chỉ có một tâm niệm duy nhất là cứu được người bị mắc kẹt, dập tắt đám cháy. Hơn nữa, chúng tôi tham gia bảo vệ dân phố rồi dân phòng vì sự an toàn của bản thân, của gia đình và những người xung quanh. Đó là cái lợi lớn nhất rồi!”. Dù không có tiền trợ cấp, chưa được trang bị bảo hộ trong khi thực hiện nhiệm vụ, song họ đều nhiệt huyết với công việc “vác tù và hàng tổng” của mình dẫu có tốn thời gian, có hao tổn tâm trí, sức lực. 25 đội viên Đội Dân phòng phường Vỵ Hoàng, có nhiều người còn khó khăn về kinh tế trong cuộc sống thường ngày nhưng vẫn tình nguyện tham gia phong trào và được gia đình ủng hộ. Với họ, cái được luôn nhiều hơn cái mất khi tham gia vào Đội Dân phòng. Mỗi năm, họ đều được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tập huấn các văn bản pháp quy về PCCC, những kiến thức cơ bản về cháy, nổ, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cũng như nguyên tắc dập tại gốc lửa, tại nơi phát sinh nguồn lửa, không để ngọn lửa cháy lan. Tại các buổi tập huấn, họ còn được trực tiếp sử dụng bình bột dập lửa trong 2 trường hợp giả định, cháy do khí gas và cháy do xăng. Họ chia sẻ, cảm giác lần đầu tiên được cầm, được sử dụng bình bột chữa cháy vui lắm, xúc động lắm và vẫn khắc sâu trong tâm trí đến tận bây giờ. Hơn nữa, những kiến thức an toàn cháy, nổ được tập huấn còn áp dụng được với chính cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình trong sử dụng các đồ điện, trong nấu ăn và cả trong những lần xảy ra sự cố chập, cháy.
Đam mê, nhiệt huyết tham gia vào công tác PCCC nên tại các kỳ hội thao PCCC Đội Dân phòng giỏi trên địa bàn thành phố, hội thi tuyên truyền kiến thức PCCC tại khu dân cư do Công an thành phố và Công an tỉnh tổ chức, Đội Dân phòng phường Vỵ Hoàng đều đạt thứ hạng cao.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Bác Lợi và các đội viên chia sẻ: Phường Vỵ Hoàng là trung tâm chính trị, văn hóa của Thành phố Nam Định. Bởi trên địa bàn phường có nhiều cơ quan chính trị, văn hóa của tỉnh; cũng có nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: đồ gỗ, quần áo, chăn, ga, gối, đệm… Do đó mà công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là phòng, chống cháy, nổ ở bất kỳ thời điểm nào cũng luôn được chú trọng. Đội Dân phòng thường xuyên đi tới các doanh nghiệp, nhà dân trên địa bàn phường để tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ. Trong những cuộc viếng thăm người thân hay thông qua những giao tiếp hàng ngày, họ lại khéo léo lồng ghép nội dung về an toàn cháy, nổ. Qua đó, dần tác động để mọi người hiểu những hậu quả khủng khiếp mà “giặc lửa” gây ra để nâng cao cảnh giác, đề phòng. Bởi, phòng cháy là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân Vỵ Hoàng dần đồng tình với quan điểm của các đội viên Đội Dân phòng, đã có ý thức hơn trong ngăn ngừa hỏa hoạn. Bằng chứng là, ngày càng nhiều hộ gia đình chủ động trang bị bình bột chữa cháy, có hộ gia đình còn tự trang bị tới 4 bình bột chữa cháy và trang bị mặt nạ phòng độc cá nhân cho các thành viên trong gia đình, phá bỏ chuồng cọp tạo lối thoát nạn thứ hai.
Đội Dân phòng – “cánh tay nối dài” của lực lượng PCCC chuyên nghiệp
Thượng tá Vũ Quyết Chiến – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Nam Định đánh giá rất cao vai trò của lực lượng Dân phòng trong công tác PCCC tại khu dân cư. Theo Thượng tá Chiến, 10 phút đầu tiên là thời gian vàng để dập tắt một đám cháy. Khi đó đám cháy mới phát sinh, diện tích còn nhỏ dễ dập tắt, nhưng nếu để cháy lớn rồi thì việc chữa cháy là vô cùng khó. Lực lượng Dân phòng ở tại địa bàn, đáp ứng yêu cầu “tại chỗ”, nhanh nhạy; đã được tập huấn kỹ năng sử dụng bình bột chữa cháy và các phương tiện chữa cháy thô sơ nên có thể khống chế ngọn lửa ngay trong vòng 10 phút quý giá. Trong thực tế công tác chiến đấu của đơn vị, đã có nhiều lần đơn vị nhận tin báo cháy, nhưng khi lực lượng và phương tiện được điều động đến hiện trường lại không phải triển khai, bởi sự cố đã được lực lượng Dân phòng xử lý nhanh gọn, an toàn. Vậy nên không quá khi nhận định, lực lượng Dân phòng chính là “cánh tay nối dài” của lực lượng PCCC chuyên nghiệp trong công tác PCCC tại khu dân cư; phát huy tối đa vai trò và sức mạnh của lực lượng Dân phòng là yếu tố quyết định thắng lợi.
Nam Định hiện có 3.623 Đội Dân phòng với 36.098 đội viên. Lực lượng Dân phòng hiện tại đang là lực lượng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, tuổi cao lại chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, tham gia với tinh thần tự nguyện. Chế độ cho lực lượng Dân phòng đã được quy định, tuy nhiên phụ thuộc vào ngân sách địa phương, với đặc điểm của tỉnh Nam Định, nguồn kinh phí đầu tư cho lực lượng Dân phòng rất hạn chế. Trang bị phương tiện PCCC của lực lượng Dân phòng Nam Định còn nhiều khó khăn, bước đầu mới được trang bị các phương tiện như: thang, xô, câu liêm, bình chữa cháy xách tay…
Nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phối hợp UBND các huyện, thành phố huấn luyện, bồi dưỡng, đầu tư kinh phí và trang bị phương tiện PCCC, đưa lực lượng Dân phòng trở thành “phòng tuyến” bước đầu trong việc dập tắt các vụ cháy tại khu dân cư. Hàng năm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh. Thông qua những clip minh họa sinh động, những ví dụ về các vụ cháy, nổ để quán triệt tình hình cháy, nổ; nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác PCCC&CNCH; kiến thức cơ bản về PCCC&CNCH. Lực lượng Dân phòng cũng được hướng dẫn cụ thể và thực hành về quy trình, thao tác sử dụng, cách bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH. Sau tập huấn, đội viên Dân phòng sẽ về tuyên truyền cho người dân, chủ nhà xưởng, hộ kinh doanh trên địa bàn cùng cộng tác, phối hợp thực hiện công tác phòng ngừa cháy, nổ.
Đội Dân phòng phường Vỵ Hoàng cùng Công an phường kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân phá bỏ chuồng cọp, tạo lối thoát nạn thứ 2.
Mục đích của những đợt tập huấn, chính là trang bị cho các đội viên Dân phòng những kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC, hướng tới mục tiêu xa hơn là mỗi người dân, mỗi thành viên các Đội Dân phòng trở thành “cánh tay nối dài”, một tuyên truyền viên, một chiến sĩ chữa cháy ngay tại cơ sở; ai cũng có thể tự sử dụng các thiết bị chữa cháy dân dụng, biết xử lý sự cố cháy nổ ngay từ ban đầu. Có như thế, công tác PCCC&CNCH mới đạt đến hiệu quả mong muốn, đó là hạn chế tối đa thiệt hại về người và của, thậm chí hạn chế tới mức thấp nhất các trận hỏa hoạn cả về số lượng, cấp độ cũng như phạm vi ảnh hưởng.
Phòng cháy là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản, tính mạng của mọi người./.
Bích Mận
Công an tỉnh Nam Định