web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Tục “truyền lửa” trên đất La Xuyên

Chuyện kể rằng, vùng đất làng La Xuyên xưa là khu rừng gỗ lim hoang vu, nằm bên sông Sắt, chi lưu từ sông Châu Giang. Một lần vua Lê Đại Hành (980-1005) cùng đoàn cận vệ đi khảo sát dân sinh, đã dừng chân nơi đây, thắp hương cho hai ngôi đền thờ con cháu Vua Hùng. Như thần linh mách bảo, vua chợt nghĩ ra phải khai phá, cải tạo nơi đây thành miền châu thổ sầm uất bên sông. Bởi vua Lê Đại Hành rất quan tâm tới việc khuyến nông. Nghĩ vậy, vua nhắm đến ông Ninh Hữu Hưng (936 – 1020), một quan chức đáng tin cậy từ thời vua Đinh Tiên Hoàng và là người có thể thực hiện được những ý tưởng của mình. Sau đó, vua cắt toàn bộ đất vùng Cái Nành (tên nôm của làng La Xuyên) cho gia đình cùng dòng họ của Ninh Hữu Hưng. Họ về đây, khai hoang lập ấp, phát triển làng nghề và biến nơi đây thành khu thương mại bên sông Sắt.

 

 

Quan ông Ninh Hữu Hưng là một thợ mộc tài hoa giỏi nhất vùng Gia Viễn được vua trọng dụng, ông từng là “Tổng công trình sư” phụ trách xây dựng nội cung của 6 phủ trong triều nhà Đinh. Bàn tay ông đã tạc nên những đầu rồng, cánh phượng và chỉ huy công trường dựng hàng trăm ngôi nhà, cung điện của vua quan. Sau đến đời nhà Lê, ông càng được trọng dụng và thường xuyên xa giá bên vua, trong các chuyến đi khảo sát dân sinh. Khi về khai hoang vùng đất mới, ông đã tổ chức và kêu gọi nhiều người từ khắp nơi tụ về làm ăn, trồng lúa và học nghề chạm khắc cung đình. Ông đã cùng con cháu trong nhà truyền nghề cho dân chúng. Nhiều người tứ xứ đến đây đã đổi lấy họ Ninh để tỏ lòng biết ơn ông. Có người nhận định, tục rước lửa của làng La Xuyên ngày nay, có thể bắt đầu từ khi ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng mất. Từng thời kỳ thay đổi, có thể tục thờ rước lửa ấy thưa thớt, nhưng mấy chục năm nay được khôi phục, tổ chức thường xuyên.

Tục lễ rước lửa ngày một thiêng liêng hơn, được dân làng La Xuyên coi trọng đối với tổ nghề Ninh Hữu Hưng. Lửa đã đem lại mọi sự may mắn đến với những gia đình và người thợ chạm khăc gỗ nơi đây. Họ lấy lửa làm ngọn đuốc, soi tỏ con đường mình đang đi, xua tan những rủi ro trong cuộc đời. Để chuẩn bị cho tục “Truyền lửa làng nghề”, ngay từ tháng 11 Âm lịch, người dân 3 xóm của thôn La Xuyên là La Tiến, Quyết Phong và Hùng Thắng cùng với Ban Quản lý di tích đình La Xuyên đã họp bàn chọn chủ Tế – người mở cửa đình xin lửa thần, lửa thánh của ông tổ nghề mộc và cũng là Thành hoàng làng trong thời khắc giao thừa. Người được dân làng chọn làm Tế chủ và dâng nhang tại đình trong 3 ngày Tết phải là người đứng trong hàng lão, tâm tính khoan hòa, gia đình trong năm làm ăn thịnh đạt, không vướng việc tang chế và đặc biệt là phải giỏi nghề chạm khắc gỗ. Đến sau Tết ông Táo (23 tháng Chạp) Tế chủ phải có mặt tại đình để học các nghi lễ từ các bô lão trong làng. Chiều ba mươi Tết, Tế chủ cùng các đội tế nam quan, tế nữ quan và dân làng có mặt tại đình để làm lễ tế, kính cáo với Thành hoàng làng để xin lửa thánh vào thời khắc giao thừa; tổ chức dâng lễ cho mọi gia đình có lòng thành ra cửa thánh, và lo việc chuẩn bị tổ chức cho dân làng đêm giao thừa tụ họp ở đình. Sau lễ Tất niên, tại nhà Tế chủ đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm mâm xôi, thủ lợn, rượu, hoa quả bày biện chu đáo, kiểu cách trên cỗ kiệu bát cống. Các đội trống cà rùng, đội bát âm, đội tế nam quan, đội tế nữ quan và đông đủ dân làng cờ rong, trống mở tiến hành rước lễ vật ra đình tế lễ. Tại đình, đông đủ dân làng đã có mặt, mỗi gia đình cử một suất đinh mang theo bó đuốc làm bằng nứa dài 4-5m, đường kính 7-10cm, được chuẩn bị trước cả tháng trời, háo hức chờ đến thời khắc Giao thừa. Tại sân đình, dân làng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ôn lại truyền thống lịch sử của làng nghề để người già nhớ lại, người trẻ noi theo cùng tự hào và tiếp nối tinh hoa làng nghề, trao đổi với nhau về công việc năm qua và năm tới, để hòa giải với nhau những khúc mắc trong cuộc sống sau một năm cũ qua đi… Đúng thời khắc Giao thừa, Tế chủ mở cửa hậu cung làm lễ tâu với Thành hoàng làng xin phép cho dân làng được lấy lửa đón chào năm mới. Khi lửa được rước ra từ hậu cung cũng là lúc tiếng chiêng, trống nổi lên cùng muôn tiếng hò reo vang dội, làm cho cả sân đình sôi động. Ai cũng mong được đến gần lửa thiêng để nhanh chóng lấy được lửa nhanh nhất, cả sân đình rực sáng. Trong thời khắc giao hòa giữa trời và đất, con người với thần thánh, ánh lửa làng nghề thiêng liêng bừng soi những nét mặt hồ hởi, rạng ngời, mọi người nhanh chóng châm những bó đuốc mang theo lấy lửa tượng trưng cho những điều may mắn đem về. Tới nhà, họ long trọng thắp hương từ nguồn lửa vừa xin được để cáo yết với thổ công, gia tiên, sau đó khua vào tất cả các khu vực trong nhà, ngoài sân và ủ vào bếp giữ lửa trong suốt những ngày Tết. Tiếp đến mọi người mang những bó đuốc rực cháy đi chúc Tết anh em họ hàng, làng xóm. Từ ngọn lửa ở sân đình tỏa về các ngõ xóm trong thôn với hàng trăm ngọn lửa tụ, phát, nhấp nhô, rừng rực cháy sáng, tạo thành những “con rồng lửa” trong màn đêm, thắp lên cho làng nghề một nguồn sáng rạng rỡ, thiêng liêng của thời khắc khởi đầu năm mới.

Lễ tục “Truyền lửa làng nghề” mang ý nghĩa giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển nghề chạm khắc gỗ, giúp cho người dân La Xuyên xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp. Nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ với truyền thống gần nghìn năm tuổi đã trở thành máu thịt và làm nên thương hiệu cho làng La Xuyên. Theo quy luật của cái đẹp, cùng với kế thừa truyền thống của cha ông để lại, người thợ La Xuyên còn tiếp thu các tinh hoa của các làng nghề chạm khắc gỗ khác để tiếp tục hoàn thiện mình, từ đó định hướng thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng. Làng chạm khắc La Xuyên từng là một trong ba làng nghề tiêu biểu nhất cả nước, được chọn rước lễ tổ nghề và thắp hương tại Điện Kinh Thiên (Hà Nội), năm 2016. Đây là sự đánh giá cao nhất của nhà nước về độ tinh xảo, tài hoa của thợ chạm khắc La Xuyên, so với hàng trăm làng nghề gỗ khác. Bởi lâu nay, khách hàng chỉ nhìn trong hàng chục món đồ chạm khắc khác nhau, người tiêu dùng có thể nhận biết ra ngay đâu là hàng của La Xuyên, với những đường nét khác biệt, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, đẹp như một bài thơ vậy. Nghĩa là bản khắc ẩn chứa mỹ cảm và tâm hồn người thợ. Hàng của làng La Xuyên hết sức phong phú về đề tài, như tranh rẻ quạt, với chủ đề thi họa hay hình ảnh người con gái áo dài dịu dàng tha thướt bên hồ. Riêng các bộ tranh tứ quý càng phong phú nét tạo hình, với nhiều tích cổ… Nhất là cuốn thư, câu đối của La Xuyên khác lạ ở chỗ, chữ được khảm trai ốc trên gỗ gụ đánh bóng bằng véc ni chứ không làm bằng gỗ mít, sơn đen như mọi nơi… Chính vì sự tinh tế, sang trọng đó mà trong bộ sưu tập Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của Hiệp hội Làng nghề xuất bản, có tới hơn 100 mẫu bàn ghế, chạm khắc của thợ La Xuyên tạo ra.

Dọc đường làng La Xuyên, từ các xóm ngõ đến các trục chính, các cơ sở sản xuất và bán hàng đủ các chủng loại. Nhiều công ty mọc lên, với xưởng chế tác rộng rãi đem lại nguồn lợi lớn cho những người thợ làng La Xuyên. Ấy là chưa kể đến mặt đường số 10, nối giữa hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định cũng dày đặc công xưởng chế biến gỗ và những mặt hàng như đồ thờ, bàn ghế, giường tủ, tranh gương… Đường làng đã thành phố hàng mỹ nghệ. Đường quốc lộ đi qua cũng thành phố nghề của làng La Xuyên. Thế của mảnh đất La Xuyên lạ lắm. Giữa làng có trục đường quốc lộ ngang qua. Ven làng phía Đông Nam chạy dài được con sông Sắt ôm đỡ, bao bọc như cánh võng trôi xuôi, bắt nguồn từ dòng nước Châu Giang hiền hòa. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, thế làm giàu của làng La Xuyên đang kỳ hưng thịnh. Ngọn lửa của làng vẫn âm ỉ cháy suốt ngày đêm trong phủ đình La Xuyên. Mỗi người thợ có một ngọn đuốc tiếp lửa của riêng mình để tạo dựng sự nghiệp.

Với bản tính yêu thích sự hòa đồng, hội nhập, người thợ La Xuyên không bảo thủ giữ nghề cho riêng mình mà luôn có ý thức nhân rộng nghề, truyền nghề cho mọi người. Tôi bỗng nhớ thuở khai hoang lập địa cũng vậy, hàng trăm người xin nguyện là người họ Ninh để tôn thờ ông tổ Ninh Hữu Hưng; thì nay trung bình mỗi năm, làng nghề đón từ 200 đến 250 lao động khắp các tỉnh trong cả nước đến học nghề. Tiếp nối bao đời nay, đất lành chim đậu, có lẽ đó là cái linh thiêng của thế đất, đạt được cái huyền diệu của phong thủy đất trời ban cho.

Với truyền thống gần nghìn năm tuổi, làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc gỗ nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, kinh thành Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ trong cả nước. Với khối óc và bàn tay tài hoa, các thế hệ nghệ nhân của làng nghề đã các thế hệ người dân La Xuyên đã kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của nghề chạm khắc gỗ truyền thống qua phương thức “cha truyền, con nối” và việc duy trì lễ tục “Truyền lửa làng nghề” để giáo dục trách nhiệm giữ nghề, thể hiện nét đẹp văn hoá “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Quang Lâm