Trong một xã hội số của Cách mạng công nghệ 4.0, tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực đều phải tìm cho mình các giải pháp tổng thể và hướng đi đúng để giải quyết các vấn đề của mình tốt nhất, phù hợp với xu hướng công nghệ chung, trong đó việc chuyển đổi số là một hướng đi tất yếu. Công tác huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng không nằm ngoài việc chuyển đổi số nói chung.
Công nghệ thực tế ảo (trong tiếng Anh là Virtual Reality – VR) là một thuật ngữ để miêu tả một môi trường ngoài đời thật được ảo hóa – giả lập thành một môi trường 3D trên máy tính. Các môi trường giả lập này chính là hình ảnh do con người chủ động thiết kế, dựng lên thông qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng như 3Ds Max, blender, revit, Rhino, sketchup… sau đó được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua cái loại kính thực tế ảo – VR handset.
Mục đích chính của việc áp dụng công nghệ thực tế ảo là mang lại cho người tham gia học tập những trải nghiệm thực tế nhất như đang ở chính trong không gian đó, nhờ được sự hỗ trợ của công nghệ có thể tác động trực tiếp tới thị giác, thính giác và các giác quan khác. Hay nói cách khác, công nghệ này giúp người dùng có thể trải nghiệm các sự việc diễn ra trong thế giới thực thông qua mô phỏng không gian ảo. Vì vậy, thực tế ảo hiện nay đã được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như: lĩnh vực Y tế; Quân sự; Xây dựng; Đào tạo, huấn luyện, dạy nghề; … và mang lại hiệu quả rất cao.
Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CC và CNCH) cũng không là ngoại lệ, công cuộc chuyển đổi số cho ngành PCCC là cấp thiết. Hiện nay, một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Úc …đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào trong công tác đào tạo, huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo thống kê của Cục Cứu hỏa Hoa Kỳ, từ năm 2008-2020 đã có nhiều lính cứu hỏa bị thiệt mạng vì chấn thương trong quá trình tập huấn, huấn luyện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nhằm hạn chế những hy sinh vô nghĩa trong quá trình tập luyện, Chính phủ Hoa kỳ đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo để đào tạo cho lính chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Bước đầu, giải pháp trên đã giảm thiểu được tối đa các tai nạn, chấn thương và nâng cao hiệu quả trong quá trình đào tạo, huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Hiện nay công tác đào tạo, huấn luyện theo phương pháp truyền thống vẫn đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, đào tạo huấn luyện theo phương pháp truyền thống còn tồn tại một số nhược điểm như: Người học sẽ tiếp thu kiến thức theo cách thụ động, thiên về các kiến thức lý thuyết; ít có điều kiện được thực hành, chủ động tìm hiểu, khó áp dụng trong thực tế; tài liệu, video, hình ảnh minh họa không thể mô tả được hết nội dung bài giảng muốn truyền tải. Mặt khác, việc tạo dựng các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn thực hiện trong môi trường thực tế không phải chuyện dễ dàng, nó phụ thuộc vào thời tiết, thời gian, địa điểm, chi phí và đặc biệt là khó có thể tự độc lập được thực hành một lần mà chưa nói đến muốn làm nhiều lần cho thuần thục thành một kỹ năng. Để có kỹ năng thành thạo chúng ta phải thực hành, để tiếp cận dễ dàng thì phải mô phỏng các tính huống vì không thể thực hành khi có cháy thật được.
Việc ứng dụng công nghệ VR trong đào tạo, huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thể là bước đột phá mới cho công tác huấn luyện. Thay vì các động tác, bài giảng đó từ trước đến nay đang thực hiện và được truyền đạt bằng các phương pháp truyền thống, thủ công cồng kềnh sẽ thay bằng kết hợp cách dạy truyền thống và ứng dụng công nghệ VR trong đào tạo huấn luyện.
Người học được thực hành trên môi trường thực tế ảo, giống như môi trường thực tế, nhưng nội dung phong phú hơn, tình huống đa dạng hơn và có thể thực hành được nhiều lần, dễ dàng tiếp cận. Như vậy chi phí thực hiện sẽ giảm xuống, đỡ nguy hiểm, hiệu quả cao đó là cách làm mới, hướng đi mới phù hợp với sự phát triển công nghệ và nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Môi trường tập luyện an toàn với góc nhìn 360 độ của hiện trường mô phỏng 3D.
Lợi ích của việc ứng dụng thực tế ảo để đào tạo CC và CNCH
– Tiết kiệm các thiết bị bảo hộ cá nhân và các trang thiết bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn ít hao mòn, tốn kém;
– Tiết kiệm tối ưu chi phí đào tạo, huấn luyện như: chi phí xây dựng và bảo trì, bảo dưỡng các mô hình; các chi phí liên quan đến cơ sở vật chất, tài liệu…;
– Dễ dàng tạo dựng lên không gian ảo 3D từ ảnh và video của các tòa nhà thực tế trong khu vực sự cố, tai nạn;
– Các tình huống cháy, sự cố, tai nạn mà người học được trải nghiệm thực tế nhất và có thể tiếp cận gần nhất, có thể để học những việc cần làm trong các tình huống thực tế có rủi ro cao. Các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có thể được lặp đi lặp lại để đánh giá, phân tích hành động của lực lượng chữa cháy từ đó tạo thành kỹ năng cho người học;
– Việc huấn luyện, đào tạo này có thể diễn ra mọi lúc và mọi nơi lúc nhờ công nghệ mới nên đáp ứng được tính cơ động cao;
– Công nghệ VR giúp cho người dùng có được cảm giác như ngoài đời thật, do đó việc đưa ra các hành động, kỹ năng sẽ gắn với thực tiễn và có thể áp dụng trong thực tiễn;
– Công nghệ VR giúp cho người học không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ, khói, khí độc và chất độc giúp cho người học không gặp nguy hiểm hạn chế tối đa tai nạn từ các vấn đề này trong quá trình huấn luyện;
– Mặc dù sử dụng công nghệ VR nhưng người học vẫn chịu tác động từ các động tác về thể lực, sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân hay đeo mặt nạ phòng độc cách ly, nó giúp cho người học được tiếp xúc với tình huống thật nhất, có nhận định, đánh giá các vấn đề và đưa ra quyết định hợp lý nhất để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra và thực hiện nó một cách an toàn.
Hiện nay trên Thế giới, một số nước như Hoa Kỳ, Úc, Singapore… đã tổ chức đào tạo lính chữa cháy bằng công nghệ VR. Thiết nghĩ, tại Việt Nam việc cân nhắc đưa công nghệ thực tế ảo này vào công tác tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ CC và CNCH cho lực lượng PCCC và CNCH hoặc đơn giản chỉ là trải nghiệm công tác CC và CNCH trong các tình huống cụ thể sẽ mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí đầu tư cho công tác này.
Một số hình ảnh đào tạo thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bằng mô phỏng VR 3D:
Theo Đăng Khoa (Cục cảnh sát PCCC&CNCH)