Đối tượng thông báo rằng lực lượng Cảnh sát PCCC sắp mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, rồi yêu cầu chủ cơ sở, doanh nghiệp đăng ký tham gia và mua tài liệu với giá 900.000 đồng.
Gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thường xuất hiện các đối tượng lợi dụng lòng tin của cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh, cơ quan… để gọi điện thoại xưng là cán bộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) để lừa bán tài liệu với giá “cắt cổ”.
Khi gọi điện, các đối tượng thông báo rằng lực lượng Cảnh sát PCCC sắp mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; yêu cầu chủ cơ sở, doanh nghiệp đăng ký tham gia và mua tài liệu với giá 900.000 đồng rồi gửi qua chuyển phát nhanh (người giao hàng đóng vai trò trung gian thu tiền của khách hàng và chuyển về cho chủ bán).
Công an tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: lực lượng cảnh sát PCCC khi mở các lớp tập huấn nghiệp vụ sẽ thông báo đến các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia lớp tập huấn và có giấy mời về cơ sở. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tuyệt đối không cử cán bộ chiến sỹ xuống cơ sở bán tài liệu, thu lệ phí.
Ảnh minh họa.
Do đó, để không bị lừa đảo, cơ quan công an yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn không mua bán và làm việc với các đối tượng với nội dung nêu trên. Nếu nhận được điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp của các đối tượng, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp xử lý.
Ngoài ra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay có nhiều phức tạp, nổi lên là chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng cho vay trên mạng xã hội, trên các trang web, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Những ứng dụng này thường có thông điệp gây sự chú ý, đánh đúng vào tâm lý của người đi vay như: “Không đi xa, vay tại nhà”, “Vay tiền nhanh trong ngày online”, “Có tiền mặt 30 phút”. Thủ tục rất đơn giản, người vay chỉ cần tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân gồm: Hình ảnh, hình chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Đặc biệt mức lãi suất thấp hơn ngân hàng, miễn phí tư vấn và dịch vụ. Số tiền vay rất lớn tùy theo nhu cầu của người vay.
Công an Vĩnh Phúc cho rằng đây là hình thức vay “Tín dụng đen” biến tướng. Do đó đề nghị cán bộ, công nhân viên, người dân không thực hiện vay tiền qua các App online; khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền cần đến các ngân hàng hoặc đến trực tiếp các Công ty tài chính có uy tín để được hỗ trợ làm thủ tục vay đúng quy định, tránh bị kẻ xấu lừa đảo.
Theo Thế Kha (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)