Ai có dịp đặt chân đến Bình Liêu một lần chắc hẳn khó quên nét văn hóa rất đặc trưng của người Tày ở nơi này. Đó nét văn hóa tâm linh trong các bếp lửa. Cũng như trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc khác, đối với người Tày Bình Liêu, bếp lửa có vai trò, vị trí quan trọng, vừa là chỗ đun nấu, bảo quản lương thực, vừa là là nơi thờ “Thần Bếp lửa” nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, đầm ấm, no đủ, làm ăn thuận lợi. Vì vậy, họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay giữa không gian núi rừng. Trong những đêm trường gió hú, ngọn lửa hiện hữu xua tan tăm tối và góp thêm vào những tầng giá trị văn hóa của cư dân sinh sống nơi núi rừng vùng cao.
Bếp lửa của người Tày ở Bình Liêu. Ảnh: Internet.
Nói đến bếp lửa của người vùng cao không phải chỉ nói đến bếp lửa với thanh củi và hòn than rực lửa mà còn nói đến cả không gian bếp lửa trong những căn nhà truyền thống với những cuộc trò chuyện quây quần. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả hơi thở cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao, cho nên bếp lửa còn gắn với những vui, buồn và kỷ niệm. Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, ngọn lửa trong căn bếp không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn thể hiện sự chống chọi mãnh liệt của con người với thiên nhiên khắc nghiệt.
Ai có dịp đến Bình Liêu, chiều tối đứng trên đỉnh núi nhìn xuống mới thấy khắp các bản làng những ánh lửa lóe lên từ các nóc nhà như những con đom đóm khổng lồ chạy từ thung lũng này đến thung lũng khác khiến ta cảm nhận được một sức sống mãnh liệt, bền bỉ đang cháy âm ỉ nơi miền biên viễn.
Trong mỗi căn nhà của người Tày, kiến trúc và cách bố trí các vật dụng có thể khác nhau nhưng đều có một điểm chung là bếp lửa được đặt ở gần sát tường sao cho ánh nắng không chiếu thẳng vào giữa bếp, xung quanh bếp phải có một khoảng rộng để đi lại và ngồi quây quần. Bếp lửa không chỉ là nơi dành cho phụ nữ nấu chín đồ ăn, thức uống mà còn là nơi để các thành viên quây quần nói chuyện nhất là vào những ngày Đông giá rét. Trước đây, khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc, nếu không có bếp lửa thì làm sao qua được mùa Đông ở vùng núi này, ăn cơm cũng ngồi quanh bếp…. Bên bếp lửa, những người già vẫn kể cho con cháu nghe về chuyện cổ tích, về dòng họ, về phong tục tập quán dân tộc mình cũng như răn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Bếp lửa trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Bếp lửa xưa của người Tày được làm bằng gạch đất, xung quanh chát bằng đất mịn, không lẫn sỏi và thường có một tầng nên than lúc nào cũng đỏ rực và hơi ấm giữ được lâu hơn. Bếp thường có bếp chính và bếp phụ. Bếp chính thường được chát kín lên đến nồi hoặc chảo rất to để đun cám lợn hoặc nấu rượu. Bếp phụ để nấu cháo, nấu chín thức ăn, đun nước. Bếp phụ thường nhỏ hơn nhưng cũng làm bằng gạch đất hoặc thay bằng kiềng ba chân. Ngoài ra, cũng có một số bếp được làm cách tân có hai tầng, tầng trên để đun củi, tầng dưới để không khí vào và là nơi đựng tro bếp. Loại bếp này thường không giữ nhiệt được lâu so với bếp một tầng.
Ở ngay cạnh bếp chính bao giờ cũng đặt một ống tre để thờ Thần Bếp lửa. Đây là nơi trú ngụ của vị Thần Bếp lửa trong nhà. Người Tày luôn tin tưởng, vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình. Do đó, vào ngày mùng một, ngày rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp, họ thường thắp hương cúng Thần Bếp lửa. Đêm 30 và sáng mùng Một Tết, các gia đình thường cúng Thần Bếp thịt, bánh, rượu, có gia đình cúng thêm cá để cầu mong vị Thần Bếp lửa sẽ giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc.
Ngay trên chỗ đun nấu của người Tày bao giờ cũng có gác bếp. Gác bếp của người Tày thường là các thanh cây hoặc tấm gỗ bắc với nhau, kích thước to nhỏ tùy theo, nhưng thường có chiều dài chừng 2m. Gác bếp được treo ngay phía bên trên bếp lửa, trên tầm người đứng. Gác bếp là nơi bảo quản hạt giống, bó tỏi khô, ngô giống, phân kí, sang, các công cụ nông nghiệp hay bó măng khô cũng được cất giữ trên đó. Do bếp lúc nào cũng đượm hơi lửa, hơi khói nên đồ vật để ở đây không sợ bị hư hỏng, mối mọt, ẩm mốc.
Người Tày có nhiều tục lệ, trong đó sự sùng bái thần linh và tổ tiên luôn ngự trị trong đầu, tạo nên mối quan hệ đặc biệt giữa con người với thần linh được thể hiện bằng những nghi thức ứng xử với thần linh, trong đó bếp lửa là trung tâm. Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước Thần Lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Người Tày cũng có quy định riêng trong việc bố trí vị trí của bếp lửa. Theo đó, bếp lửa của người Tày không cùng hướng bàn thờ tổ tiên, thường đặt ngang gian bếp. Người Tày coi bếp lửa là vị thần, chính vì vậy bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ. Khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên kiềng, lên bếp hoặc xê dịch ống tre cắm que hương vì theo quan niệm của người Tày, đây là nơi trú ngụ của Thần Lửa. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh, không được bổ củi trong bếp. Không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với Thần Bếp; đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của bếp vì chỉ gia đình có người chết mới đặt chiều ngang….
Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh. Gia chủ phải chọn được ngày lành tháng tốt để tiến hành làm bếp. Thông thường, các ngày lẻ tháng chẵn và ngày chẵn tháng lẻ âm lịch đều là các ngày có thể đắp bếp hoặc tu sửa. Tuy nhiên, ngày đẹp nhất chính là ngày 30 Tết khi Thần Bếp về trời báo cáo với Ngọc Hoàng.
Ngày nay, dù cuộc sống của người Tày có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập của nhiều nét văn hoá các dân tộc khác; nhiều hộ gia đình chuyển sang dùng bếp gas, nhưng nhiều bản làng người Tày ở Bình Liêu vẫn còn giữ được bếp xưa và tục thờ Thần Bếp lửa, tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp tới thăm bản làng của người Tày./.