web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Công tác PCCC làng nghề La Phù

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề, những ngày này, làng nghề xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội – nơi vốn được mệnh danh là “Kinh đô bánh kẹo miền Bắc” trở lên vô cùng nhộn nhịp với những xưởng sản xuất luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất, nhưng đi đôi với đó, vấn đề an toàn về PCCC lại là điều bất cập tại nơi đây.

 

 

Những ngày giáp Tết, con đường trải nhựa dẫn vào làng La Phù luôn trong tình trạng ách tắc bởi những đoàn xe tải nối dài chờ bốc hàng, những chiếc xe ba gác, xe máy chất đầy thùng carton xếp cao quá đầu người chen chúc giữa dòng xe đông nghịt. Trong các ngõ xóm, các dây chuyền máy móc, sản xuất bánh kẹo chạy ầm ầm, công nhân thoăn thoắt với từng công đoạn từ sản xuất, đóng gói sản phẩm… tất cả đều khẩn trương để kịp những mẻ hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Từ thủa sơ khai, xã La Phù có nghề nấu mạch nha để cung cấp cho các cơ sở bánh kẹo Hà Nội. Từ đó, nghề nấu mạch nha được người dân địa phương vận dụng khéo léo với việc sản xuất bánh kẹo và được phát triển nhanh chóng trên toàn xã. Đến nay, ngoài nghề dệt kim, nghề sản xuất bánh kẹo ở La Phù đã phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành mũi nhọn của huyện Hoài Đức góp phần giải quyết nhiều công ăn việc làm không chỉ cho lao động địa phương mà còn thu hút lao động ở các địa phương khác. Hiện nay, làng nghề La Phù có gần 700 cơ sở sản xuất bánh kẹo, 165 doanh nghiệp tư nhân và nhiều tổ hợp sản xuất, cụm công nghiệp. Trung bình mỗi năm, La Phù cung ứng cho thị trường khoảng 80 nghìn tấn bánh kẹo các loại. Đặc biệt, vào dịp Tết, lượng tiêu thụ bánh kẹo của làng nghề tăng cao. Ngoài việc cung cấp cho thị trường các vùng lân cận, bánh kẹo La Phù còn theo chân các tiểu thương đến nhiều địa phương trong cả nước. Với mẫu mã, chủng loại phong phú, chất lượng sản phẩm của La Phù cũng không ngừng được nâng cao. Thay vì sản xuất thủ công, nhỏ lẻ như trước đây, thì bây giờ nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm dây chuyền sản xuất bánh kẹo hiện đại, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, làng nghề La Phù đã phát triển quy mô, rộng lớn với diện tích lên tới gần 12ha.

Những năm gần đây, người dân La Phù còn mở rộng kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo và nhiều sản phẩm khác theo hướng làm đại lý phân phối sản phẩm cho các thương hiệu sản xuất bánh kẹo lớn. Vì thế, vào vụ Tết, hoạt động sản xuất, buôn bán ở La Phù càng trở lên sôi động hơn, các nguyên liệu phục vụ sản xuất được tập kết số lượng lớn trong các khu xưởng sản xuất, vì vậy mà máy móc hoạt động quá tải, kho hàng chật chội. Do đó, nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi. Điển hình như vụ cháy bất ngờ xảy ra lúc 20 giờ ngày 06/12/2016 tại khu công nghiệp La Phù, Hoài Đức, Hà Nội làm thiêu rụi khu nhà xưởng rộng hơn 1.000m2. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội đã lập tức điều 13 xe chữa cháy đến hiện trường. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Vụ cháy ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu công nghiệp làng nghề La Phù, đa số các nhà xưởng, kho bãi đều được làm bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh. Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa, ni lông… tuy nhiên, phần lớn đều không có hệ thống báo cháy. Đáng nói, các nhà kho, nhà xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp và chỉ có một lối thoát duy nhất. Điều này cho thấy, nhiều nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ tại các nhà xưởng, đặc biệt là các nhà xưởng nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc, trong đó có nhiều khu dân cư ngõ nhỏ hẹp, xe chữa cháy không vào được. Qua tìm hiểu thực tế về công tác PCCC tại làng nghề truyền thống La Phù thì được biết, người dân làng nghề chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC, thậm chí là còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng ngừa. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy, nổ xảy ra một phần cũng là do nhận thức về PCCC của người đứng đầu các cơ sở sản xuất còn chưa đầy đủ, chủ quan trong công tác phòng ngừa. Mặc dù chính phủ đã ban hành và bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường và thắt chặt công tác an toàn phòng chống cháy, nổ và cứu hộ cứu nạn nhưng dường như chưa thay đổi được nhiều. Theo đó, nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về công tác PCCC như chưa trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ, không niêm yết nội quy, tiêu lệnh PCCC, nhiều cơ sở còn chưa tham gia tập huấn PCCC.

Chính vì vậy, để giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, người đứng đầu các cơ sở cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc giữ an toàn cháy, nổ trong lao động, sản xuất, phải nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCC cho người lao động, trong đó, chú ý quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, sử dụng an toàn hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện, các thiết bị trong dây chuyền công nghệ sản xuất, đầu tư trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp với đặc điểm cơ sở, tăng cường công tác tự kiểm tra, khắc phục kịp thời sơ hở, thiếu sót dẫn đến cháy, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện để xử lý, dập tắt kịp thời khi có cháy xảy ra. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Hoài Đức, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ cơ sở, người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trong làng nghề, chủ động tính toán việc quy hoạch và có phương án di chuyển khẩn trương những đơn vị cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư, đồng thời, chú trọng phát triển lực lượng chữa cháy cơ sở, để phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Theo Trung tá Nguyễn Minh Hiếu – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Hoài Đức cho biết: “Ngay sau khi thành phố kiểm soát được dịch COVID-19, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tập trung vào nhiệm vụ rà soát các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp để thực hiện đảm bảo an toàn PCCC theo chỉ đạo của thành phố và UBND huyện Hoài Đức. Tập trung phối hợp hướng dẫn các cơ sở kiểm tra công tác an toàn PCCC, phương tiện để chỉ ra tồn tại, khuyến cáo hướng khắc phục trên tinh thần chủ cơ sở tự nâng cao ý thức với nhiệm vụ an toàn PCCC, bảo vệ tài sản của chính mình. Để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn PCCC cần phải được nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống tại chỗ cho lực lượng PCCC cơ sở. Nhận thức vai trò quan trọng này, thời gian qua, các xã của huyện Hoài Đức cũng đã được trang bị máy bơm áp lực mạnh, đồng thời lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã hướng dẫn cách sử dụng và thực hành, kiểm tra phản ứng xử lý của lực lượng chữa cháy cơ sở. Việc trang bị các máy bơm và thiết bị kèm theo rất cơ động trong công tác chữa cháy tại những địa bàn nhỏ hẹp, dân cư đông đúc, có giếng và ao hồ lân cận. Với phương tiện này giúp cho lực lượng chữa cháy cơ sở có thể triển khai dễ dàng, thao tác đơn giản và có hiệu quả tại thời điểm ban đầu, trong khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa kịp có mặt”.

Có thể thấy, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Hoài Đức đã khiến cho công tác PCCC tại địa bàn nói chung và tại làng nghề La Phù nói riêng đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác PCCC là của toàn dân, để công tác PCCC thật sự đạt hiệu quả tại làng nghề La Phù cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa người dân địa phương và cơ quan chức năng. Vì vậy, mỗi người dân làng nghề cần nâng cao ý thức trong công tác PCCC để bảo đảm tài sản, tính mạng của chính mình, góp phần phát triển làng nghề, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.

Phương Anh (CTV)