web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Độc đáo làng đúc tượng Táo quân

Tục thờ ông Công, ông Táo là một phần trong tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về người dân làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế lại tất bật làm ra những bức tượng Táo quân bằng đất nung độc đáo để phục vụ dịp cúng lễ 23 tháng Chạp hằng năm.

 

 

Nhiều người khi đến Huế chắc hẳn không quên phố cổ Bao Vinh nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, khu phố nhỏ một thời phồn thịnh nay tuy đã suy tàn, nhưng vẫn còn nét đài các xa xưa giống như Hội An. Phía Tây phố cổ là làng Địa Linh thuộc xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, đất đai phì nhiêu, đặc biệt đất sét rất tốt để làm gạch, ngói và một món hàng không thể thiếu trong ngày Tết là ông Táo đất. Thời các vua Nguyễn cho đặt tại đây một công xưởng để lấy đất làm gạch, tên gọi là “Nê ngoã tượng cục”. Do đó, hầu hết các công trình, di tích của Huế đều làm từ đất nơi đây. Theo sách “Ô châu cận lục”, cái tên làng “Địa Linh” là do vua thấy đất tốt mà ban cho. Cách khoảng một cây số nữa đến làng Địa Linh nhưng thoang thoảng trong gió, ta đã ngửi thấy mùi trấu và củi cháy khen khét, mùi đất nung và những sân phơi tầng tầng, lớp lớp ông Táo đất. Theo phong tục tập quán lâu đời, người Huế rất coi trọng giá trị phong thủy của nhà bếp, không kém gì bàn thờ tổ tiên và cửa ngõ, cả ba yếu tố này được coi là đem lại sự hưng thịnh, may mắn, hạnh phúc cho mọi người trong gia đình. Bởi vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình Việt đều làm lễ cúng ông Táo. Trong lễ cúng, các gia đình sẽ làm một mâm cơm đạm bạc và lau dọn bàn thờ ông Công, ông Táo sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy. Trải qua hàng trăm năm, tục lệ ấy vẫn được người Việt gìn giữ đến ngày nay. Trước nhu cầu tín ngưỡng của các gia đình, mà nghề đúc tượng ông Táo theo đó hình thành. Sản phẩm ông Táo làng Địa Linh theo truyền thống có hai hình thức. Thứ nhất là ba ông Táo rời, kích cỡ lớn và tầm trung bình; bộ cao lớn có thể dùng thay kiềng bắc xoong, nồi nấu nướng hàng ngày. Thứ hai là bộ ba ông Táo liền nhau, nhỏ cỡ bàn tay, dùng để thờ cúng.

Để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Từ tháng Tư, tháng Năm Âm lịch, dân làng Địa Linh phải chọn mua đất sét và vỏ trấu để chuẩn bị nguyên liệu làm tượng. Công việc làm tượng thường bắt đầu từ tháng Tám Âm lịch. Đất sét dùng để đúc tượng ông Táo là loại đất sét vàng có ít tạp chất được chọn từ cánh đồng màu mỡ phía sau làng. Sau đó, đất sét được lọc lại một lần nữa và nhào mịn cho thật dẻo quánh rồi mới đổ vào khuôn gỗ. Khuôn gỗ để tạo hình tượng là một phần không thể thiếu. Để có những bức tượng đúng chuẩn, người làng Địa Linh dùng gỗ lim để làm khuôn. Khuôn gỗ được làm rất chi tiết, cầu kì, nổi rõ hình dáng của 3 vị Táo quân với kích thước nhỏ bằng ngón tay cái của người lớn. Khuôn được đục lõm chạm hình tượng hai ông và một bà Táo đứng cạnh nhau. Cứ hai năm, khuôn lại được thay mới một lần. Công đoạn đúc tượng đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, khéo léo. Để tượng không bị méo, người thợ cho đất vào khuôn đúc ép thật chặt, tượng mới đúc, đất thường dẻo và chưa cố định về hình dạng nên được gia công cẩn thận bằng tay, sau đó, đặt nhẹ xuống đất hoặc thanh gỗ để tạo bề mặt phẳng giúp cho tượng đứng thẳng. Để tượng đẹp hơn, người thợ sẽ nặn và vuốt lại tượng một lần nữa. Sau mỗi lần đổ một tượng phải lau khuôn để đất sét không dính lại, làm mất chi tiết những tượng tiếp theo. Sau khi đúc xong, tượng được đem đi phơi nắng đến lúc ráo mới cho vào lò nung. Công đoạn xếp tượng vào lò nung rất cẩn thận, mỗi đợt nung có khoảng 1.000 tượng được sắp xếp thành từng hàng, nhiều lớp trên dưới xen kẽ, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa cháy đều, tránh việc nổ hoặc vỡ nát trong những ngày nung. Lò nung không chỉ đốt bằng than mà còn được ủ bằng vỏ trấu với mức nhiệt nhất định, đặc biệt, mức nhiệt trong lò được điều chỉnh hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm chứ không dùng máy móc vì vậy, mọi người trong nhà phải thay phiên nhau canh lò, để giữ nhiệt độ phù hợp và ổn định nhằm đảm bảo tượng ông Táo có màu sắc đẹp. Nếu nhiệt độ cao quá tượng sẽ nứt, vỡ trong quá trình nung, còn thấp quá tượng sẽ vỡ sau khi thành phẩm. Tượng ra lò để nguội rồi sơn màu đỏ, phơi khô, sau đó vẽ thêm chi tiết nhằm tăng độ thẩm mỹ và phải đến gần ngày 23 tháng chạp công đoạn này mới bắt đầu được thực hiện. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tượng được sơn các màu khác nhau, nhưng đa phần các ông Táo được sơn màu đỏ thẫm, tuy nhiên để cho bắt mắt, tượng ông Táo còn rắc thêm bột kim tuyến và vẽ bằng màu nước. Thời điểm cận Tết, các gia đình tại làng Địa Linh cho ra lò khoảng 70.000 tượng ông Táo. Những bức tượng này được thương lái mua về bỏ sỉ tại các chợ và vận chuyển đi các tỉnh, thành phố để phục vụ thị trường Tết. Nghề làm ông Táo ở Địa Linh đã có từ thời Chúa Nguyễn vào kinh đô Phú Xuân, nhưng hiện nay, do tục lệ thờ ông Táo trong bếp đã không còn được chú trọng, nên nghề truyền thống này đang có nguy cơ mai một. Một thời gian dài trước đây, trong làng Địa Linh chỉ còn ít hộ bám trụ với nghề. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã tích cực vận động các hộ dân cố gắng gìn giữ và quảng bá nghề đúc tượng ông Táo tới đông đảo nhân dân cả nước. Nhờ thế mà sản phẩm tượng ông Táo ở làng Địa Linh ngày càng được nhiều người biết đến, giúp cho sản phẩm của làng nghề có chỗ đứng trên thị trường vào dịp Tết.

Để lưu giữ lại nét văn hóa của làng nghề, những năm gần đây, người dân Địa Linh không chỉ quan tâm đến việc cải tiến chất lượng sản phẩm mà chính quyền địa phương và người dân Địa Linh cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến công tác đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là thời điểm giáp Tết, bởi quá trình nung tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy lớn. Đa số các hộ dân trong làng đều sử dụng củi, trấu để nung tượng và phát sinh một lượng nhiệt lớn hàng ngày. Đồng thời một lượng lớn chất cháy như: than, củi, rơm, trấu… được các hộ dân tích trữ để phục vụ việc nung tượng cũng là một trong những nguyên nhân tăng nguy cơ gây cháy, nổ xảy ra. Để bảo đảm an toàn PCCC tại các làng nghề không chỉ tại Địa Linh mà trên địa bàn toàn thành phố, Phòng cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Địa Linh tổ chức các lớp tập huấn công tác PCCC&CNCH cho lãnh đạo nhân dân trong thôn, tổ dân phố, cán bộ, đội viên. Qua các lớp tập huấn, người dân đã được truyền đạt những kiến thức cơ bản về công tác PCCC&CNCH, như: vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác PCCC; một số quy định pháp luật về PCCC; tổ chức, hoạt động của lực lượng Dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở; một số kiến thức cơ bản về PCCC; một số kỹ năng PCCC và thoát nạn. Ngoài ra còn được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng một số dụng cụ, phương tiện chữa cháy ban đầu và thực hành kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng, với những biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa đảm bảo an toàn PCCC, không chỉ làng Địa Linh mà tất cả các làng nghề trên địa bàn tỉnh sẽ nâng cao nhận thức trong công tác PCCC góp phần hạn chế thiệt hại do cháy gây ra. Nhờ những biện pháp tích cực trên, ý thức của người dân Địa Linh về công tác PCCC đã được nâng cao hơn, góp phần bảo tồn và gìn giữ phong tục truyền thống tốt đẹp này.

Thời điểm giáp Tết, làng Địa Linh trở lên nhộn nhịp hơn. Khắp các con đường, ngõ xóm, sân nhà, hàng loạt các khay tượng được bày ra thành từng khoảng rộng, tràn ngập lối đi, tiếng gõ đều đều phát ra từ những chiếc khuôn đúc, mùi khen khét từ đất sét nung tỏa ra khắp cả một vùng tạo nên một mùi hương vị riêng của đất này. Mong rằng, nghề này vẫn được bà con địa phương duy trì và ngày càng phát triển để làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của xứ Huế nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.

Quang Anh