web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Phỏng vấn Nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền – người đạt giải Nhất cuộc thi ảnh PCCC&CNCH

Vượt qua 1.379 tác phẩm ảnh (gồm 1.332 ảnh đơn và 47 ảnh bộ), bộ ảnh “Tiếp cận vụ cháy cầu cảng chữ T – Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang” của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền – Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP Đà Nẵng đã đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh và tác phẩm báo chí chủ đề “Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” do Cục Cảnh sát PCCC&CNCH – Bộ Công an phối hợp với Báo Điện tử Dân trí tổ chức nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (04/10/1961 – 04/10/2021) và 20 năm Ngày Toàn dân PCCC (04/10/2001 – 04/10/2021). Bộ ảnh với các tác phẩm từ toàn cảnh đến cận cảnh ghi lại sự tàn phá khốc liệt của “giặc lửa” và hành động quả cảm, quyết liệt của các cán bộ, chiến sỹ PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng để dập tắt đám cháy, cứu ngư dân, giảm thiệt hại về tài sản trong vụ cháy tàu tại cảng cá Thọ Quang vào Mồng 3 Tết Tân Sửu (14/02/2021) đã chạm tới trái tim người xem cũng như Ban Giám khảo. Nhìn vào những “đứa con tinh thần” của anh, có thể thấy được sự nghiêm túc, đầu tư, chỉn chu trong mỗi khung hình của người nghệ sỹ. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần – 2022, Tạp chí Phòng cháy và chữa cháy đã có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền – tác giả bộ ảnh.

 

 

Phóng viên (PV): Xin chào Nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền, năm mới chúc anh và gia đình nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Huỳnh Văn Truyền: Xin cảm ơn Tạp chí PC&CC đã dành cho tôi buổi trò chuyện ngày hôm nay. Đầu Xuân năm mới, xin gửi lời chào, lời chúc sức khỏe và bình an đến Ban Biên tập cũng như tất cả các độc giả của Tạp chí PC&CC.

PV: Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân cũng như những dấu mốc đáng nhớ trên hành trình hoạt động nhiếp ảnh của mình cho đến thời điểm hiện nay?

NSNA Huỳnh Văn Truyền: Huỳnh Văn Truyền sinh ngày 16/4/1983, là người con của TP Đà Nẵng. Hiện nay, tôi là chủ nhiệm Câu Lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP Đà Nẵng, Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh từ khi còn là học sinh phổ thông. Được sự ủng hộ của gia đình, tôi mày mò tự học nhiếp ảnh, rồi tham gia các Câu Lạc bộ Nhiếp ảnh ở địa phương. Năm 2013, tôi trở thành thành viên Câu Lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng, sau đó là hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP Đà Nẵng. Năm 2015 có thể nói là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp khi lần đầu tiên tham dự Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tác phẩm “Chào đời” của tôi đã giành được Huy Chương Bạc. Cùng năm đó, tôi cũng được một giải Khuyến khích trong Festival Nhiếp ảnh trẻ do Bộ Văn hóa thể thao du lịch tổ chức. Những giải thưởng đầu tay trong nghề nhiếp ảnh là một sự khích lệ lớn để tôi dứt bỏ mọi công việc “toàn tâm toàn ý” cho sự đam mê của mình. Đến năm 2017, tôi vinh dự được chọn là nhiếp ảnh gia Việt Nam chụp ảnh hội nghị và chân dung lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Năm 2020, năm 2021 là giai đoạn khó quên đối với tôi khi được vinh danh tại nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế như: Giải Nhì cuộc thi ảnh “Đà Nẵng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19”, và sau đó tiếp tục giành Huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Nam Trung Bộ – Tây Nguyên lần thứ 26 – năm 2021 với tác phẩm “Phút giải lao”; Giải Nhì Cuộc Thi ảnh nghệ thuật 2020 “Quảng Ninh – Hội tụ và lan tỏa” – tác phẩm “Sân Golf FLC Hạ Long”; Huy chương Vàng Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 25 năm 2020 với tác phẩm “Cảng biển về đêm”; Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” với tác phẩm “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống COVID-19”; cúp Vàng Vapa Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam 2021; giải Nhất Cuộc Thi ảnh và tác phẩm báo chí về PCCC&CNCH năm 2021 với bộ ảnh “Tiếp cận vụ cháy cầu cảng chữ T – Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang”… Đặc biệt, tôi đoạt trên 10 huy chương Vàng trong các cuộc thi ảnh quốc tế 3RD International exhibition of photography 2020; Malaysia Internationnal salon of photography 2020; Southern Light Photo Circuit (SLPC) 2020 với tác phẩm “Sunset” (Hừng đông)… Chỉ tính riêng trong năm 2021, tôi đã có gần 100 giải thưởng của các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Những giải thưởng trên là nguồn động viên, là niềm vinh dự rất lớn để tôi tiếp tục cố gắng theo đuổi đam mê với nghề.

PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với Cuộc thi ảnh và tác phẩm báo chí chủ đề “Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”? Cảm xúc của anh như thế nào khi biết mình đạt được giải Nhất cuộc thi?

NSNA Huỳnh Văn Truyền: Giải Nhất Cuộc thi ảnh và tác phẩm báo chí chủ đề “Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” là niềm vui bất ngờ đối với tôi. Niềm vui ấy không chỉ là ở giải thưởng cao quý mà tôi được nhận, mà đó còn là dấu ấn không quên khi tôi được đồng hành cùng những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH trong cuộc chiến với “giặc lửa” để hoàn thành bộ ảnh, ghi lại sự vất vả, khó khăn của những chiến sỹ, để sau này, khi nhìn lại những hình ảnh đó, chúng ta càng trân trọng hơn những giá trị và cống hiến của họ. Qua đây, tôi cũng xin cảm ơn Ban Tổ chức, cảm ơn Ban Giám khảo đã chấm chọn tác phẩm của mình. Cảm ơn anh chị em, bạn bè đã nhiệt tình hỗ trợ! Cảm ơn các chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH đã hết mình cứu người, cứu tài sản của nhân dân. Cho dù đối diện giữa sự sống và cái chết, với trách nhiệm và sự quyết tâm của mình, những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn không ngại dấn thân, sẵn sàng bất chấp nguy hiểm cho nhiệm vụ cao cả.

PV: Anh có thể chia sẻ đôi điều về quá trình tác nghiệp và cho ra đời bộ ảnh “Tiếp cận vụ cháy cầu cảng chữ T – Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang”? Anh có gặp khó khăn gì trong quá trình sáng tác không?

NSNA Huỳnh Văn Truyền: Để có những bức ảnh phản ánh một cách chi tiết về cuộc chiến khốc liệt của những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH với “giặc lửa”, chính tôi cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, đồng hành, bám sát cùng những người lính chữa cháy để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Tôi nhớ hôm đó là Mùng 3 Tết Tân Sửu 2021, ngay khi nhận được thông tin đang có một vụ cháy tàu cá tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, tôi cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng mang theo đồ nghề tác nghiệp lên đường. Lúc này, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng đã xuất 01 xuồng chữa cháy, 02 ca nô CNCH cùng 20 cán bộ, chiến sỹ tới hiện trường. Do đám cháy lớn, tại thời điểm cháy, các tàu đều có chứa dầu diezen nên đám cháy phát triển rất nhanh, Trung tâm Chỉ huy 114 đã điện đàm các lực lượng tham gia chi viện gồm Hải Đội 2 – Biên phòng TP Đà Nẵng 02 tàu chữa cháy, 01 xuồng; Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Quận Sơn Trà 03 xe chữa cháy; các Đội Chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH 05 xe chữa cháy; Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Quận Hải Châu 01 máy bơm chữa cháy công suất lớn cùng các lực lượng Dân phòng, Công an phường Thọ Quang, Công an Quận Sơn Trà đến hỗ trợ dập tắt đám cháy. Các lực lượng đã tập trung lai dắt thành công 3 tàu cá bị cháy vào khu vực cầu cảng chữ T nhằm cách ly hoàn toàn tàu cháy, không để ảnh hưởng tới các tàu không bị cháy. Tại đây, lực lượng PCCC đã tiến hành tổng lực tấn công, phun các lăng phun bọt công suất lớn vào các tàu bị cháy và triển khai các lăng trực tiếp tiếp cận lên các tàu bị cháy để dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Đây là lần đầu tiên tôi tác nghiệp gần với cái “nóng” khủng khiếp như thế, đặc biệt lại là đám cháy có chứa xăng dầu. Có những lúc để có một khuôn hình đẹp, cận cảnh, tôi phải bám sát các chiến sỹ chữa cháy, trực tiếp áp sát với mặt lửa, lúc đó, tôi có cảm giác bỏng rát mặt, đầu óc choáng váng vì mùi khói, mùi xăng. Có tác nghiệp, đồng hành cùng những chiến sỹ chữa cháy, tôi mới hiểu được sự nguy hiểm, vất vả của nghề “cứu cái còn trong cái mất”, nghề “luôn mong thất nghiệp” của các anh. Tôi cố gắng bấm máy thật nhanh, qua ống kính, ghi lại mọi khoảnh khắc các anh khẩn trương không ngại nguy hiểm, đối diện với mặt lửa với tinh thần dũng cảm quên mình bảo vệ tài sản của nhân dân. Mọi góc độ, xử lý đường nét, ánh sáng tôi đều cố gắng chỉnh chu, tập trung cao độ có thể lột tả được hết vẻ đẹp trong chiến đấu của người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH, đồng thời không làm ảnh hưởng đến lực lượng chữa cháy đang làm nhiệm vụ, nhằm mang những thông điệp tích cực đến với người xem.

PV: Ngoài tác phẩm trên, anh đã từng sáng tác những tác phẩm nào liên quan đến lực lượng PCCC&CNCH chưa? Cảm nhận của anh về lực lượng PCCC&CNCH như thế nào?

NSNA Huỳnh Văn Truyền: Tôi đã thực hiện nhiều bộ ảnh về đề tài người lính như: hình ảnh bộ đội tìm kiếm người mất tích trong lần đi tác nghiệp tại Trà Leng, gần đây có bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống Covid-19” chụp tại biên giới Quảng Nam, đồn biên phòng Axan, giải Nhất cuộc thi “Tự hào một dải biên cương” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Những tác phẩm về ảnh người lính luôn đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Và bộ ảnh “Tiếp cận vụ cháy cầu cảng chữ T – Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang” dù là tác phẩm đầu tiên tôi thực hiện về người lính Cảnh sát PCCC&CNCH nhưng cũng là một trong những bộ ảnh như thế. Điều tôi tâm đắc từ bộ ảnh này không chỉ ở việc được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng tác phẩm ảnh mà còn ở giá trị lan tỏa của những khoảnh khắc đẹp về người lính PCCC. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ dập lửa nhanh nhất, chống cháy lan, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH còn có một “mệnh lệnh” cao cả, quan trọng đó là cứu người, cứu tài sản của nhân dân. Cho dù đối diện giữa sự sống và cái chết, với trách nhiệm và sự quyết tâm của mình những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH này vẫn không ngại dấn thân, sẵn sàng bất chấp nguy hiểm.

Thông qua bộ ảnh này, tôi mong muốn mọi người thấy được sự vất vả, hy sinh của những người lính chữa cháy cũng như sự tàn phá khốc liệt của giặc lửa. Qua đó, tôi hi vọng tạo hiệu ứng xã hội tích cực góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tuân thủ các quy định về PCCC&CNCH.

PV: Là nghệ sĩ có rất nhiều tác phẩm ảnh được giải thưởng trong nước và quốc tế, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của anh để cho ra đời những bức ảnh đẹp, chất lượng?

NSNA Huỳnh Văn Truyền: Nói về ảnh đẹp thì cũng có nhiều tiêu chí nhưng về ảnh đẹp nói chung thì ngoài màu sắc, bố cục thì phải có nội dung, câu chuyện, phải có thông điệp truyền tải trong đó. Đôi lúc, một bức hình không đẹp về màu sắc nhưng nội dung phản ánh tốt thì nó vẫn có nhiều giá trị. Khi mới tham gia nhiếp ảnh thì tôi nhớ NSNA Võ Triều Hải nói với mình “Chỉ cần có đam mê là được hết”. Tôi đã bắt đầu từ câu đó và cũng hi vọng những bạn mới đến với nhiếp ảnh cũng chịu khó là học được. Còn việc tham gia các cuộc thi thì cần nắm rõ thông tin, chủ đề về cuộc thi ảnh thì mới có được thành tựu. Cách chụp của mình phải khác, phải chọn các góc khác, các nội dung phản ảnh góc độ khác thì dễ đoạt giải hơn.

PV: Anh có ấp ủ những dự định mới gì trong năm 2022?

NSNA Huỳnh Văn Truyền: Theo tôi, nhiếp ảnh có thể phản ánh chân thực nhất những gì xảy ra trong cuộc sống, lao động. Những câu chuyện, những khoảnh khắc của cuộc sống luôn là niềm cảm hứng bất tận. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi vẫn sẽ theo đuổi hướng sáng tác các đề tài gần gũi của đời sống, kể những câu chuyện bằng hình ảnh. Tôi đang có dự định sẽ cho ra đời một cuốn sách ảnh hoặc một triển lãm cá nhân mang chủ đề “Đà Nẵng trong tôi”, quy tụ hàng trăm tác phẩm đã chụp về quê hương mình.

PV: Trân trọng cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với Tạp chí PC&CC!

Bảo Anh