Năm 2021 đánh dấu 130 năm hình thành và phát triển tỉnh Hà Giang – tấm lá chắn bảo vệ bờ cõi ở điểm cực Bắc của Tổ quốc. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, diện mạo Hà Giang hôm nay đã hoàn toàn đổi khác, kinh tế, xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng được quan tâm, chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng nâng cao. Góp phần vào sự thay da đổi thịt ấy có những những chiến công thầm lặng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang. Kịp thời có mặt ở hiện trường các vụ hỏa hoạn, sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; chủ động đảm bảo an toàn PCCC&CNCH từ thành phố đến tận các bản làng xa xôi, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chung tay xây dựng mái ấm nghĩa tình cho những hoàn cảnh khó khăn…, những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH trên mảnh đất cao nguyên đá tai mèo thực sự đã trở thành “lá chắn” bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống nhân dân.
“Những ngày cuối năm công việc của đơn vị còn bận rộn hơn ngày thường vì chúng tôi phải tập trung triển khai lực lượng xuống các địa bàn cơ sở, vùng sâu, vùng xa để tăng cường tuyên truyền đến nhân dân, các khu dân cư, tổ dân phố, hộ kinh doanh nâng cao cảnh giác trước các nguy cơ cháy, nổ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán” – đó là những chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Trường – “người anh cả” của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang. Bên chén trà còn vương khói, anh cho biết: Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng Công an nhân dân – Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19, thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội”, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn PCCC&CNCH ngay từ cơ sở, quyết tâm không để xảy ra những sự cố đột xuất, bất ngờ. Đơn vị đã đề xuất Công an các huyện, thành phố tham mưu với UBND cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia PCCC&CNCH; đồng thời bố trí lực lượng tỏa đi khắp các địa bàn, phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy từ việc đốt hương thờ cúng, đốt vàng mã ở các đền, đình chùa, nhất là những nơi tổ chức lễ hội, tại vùng nông thôn, ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC; góp phần đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, an toàn.
Cơn mưa tầm tã kèm theo cái lạnh cắt da của vùng núi phía Bắc Tổ quốc khiến cho con đường đi đến xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang càng trở nên lầy lội, nguy hiểm. Từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang đến huyện Xín Mần chừng hơn 150km nhưng để có thể vào tận trong xã Khuôn Lùng, Đại úy Đoàn Trọng Nghĩa – cán bộ Đội Công tác Phòng cháy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang và đồng đội còn phải di chuyển thêm hàng chục kilomet đường “ao bùn” trong nhiều giờ đồng hồ để tuyên truyền an toàn PCCC, đặc biệt là PCCC nhà sàn cho bà con. Vất vả là thế nhưng theo Đại úy Đoàn Trọng Nghĩa: “Chính quyền và bà con dân bản địa phương ủng hộ các cán bộ PCCC về tuyên truyền là chúng tôi thấy mừng lắm rồi”. Từ xưa, nhà sàn đã là một nét văn hóa độc đáo của khu vực nông thôn miền núi Hà Giang được lưu giữ từ nhiều đời. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đời sống của bà con dân bản ngày càng khấm khá nên trong nhà sàn cũng trang bị rất nhiều các thiết bị điện, đường dây điện trong nhà bố trí khá chằng chịt, nhà sàn lại làm bằng nguyên vật liệu dễ cháy như: gỗ, tre, lá cọ, có những hộ ở xa trung tâm còn dự trữ xăng, dầu phục vụ phương tiện đi lại, máy nông nghiệp nên tại đây luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhưng người dân lại ít quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là lại ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, ước tính tổng thiệt hại trên 5,5 tỷ đồng, trong đó 80% là các vụ cháy nhà ở khu vực nông thôn. Nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của người dân, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp trong đó có việc tổ chức cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ xuống tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, bám cơ sở, ở gần dân, tuyên truyền hướng dẫn bà con thực hiện an toàn PCCC. Theo đó, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền trong thôn, xã vận động bà con đến nghe tuyên truyền cũng như đến từng hộ gia đình hướng dẫn nhân dân sử dụng các dụng cụ chữa cháy tối thiểu… “Nhiều đồng bào không thạo tiếng phổ thông, không biết chữ, nhất là các cụ cao niên, chúng tôi phải đến tận từng nhà, hướng dẫn cụ thể bà con các kỹ năng quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt trong nhà, đề phòng việc đốt nương, làm rẫy, cháy rừng, trẻ nghịch lửa gần nhà, đốt sửa ấm cho gia súc vào mùa Đông; hướng dẫn bố trí bếp đun cách xa vật liệu dễ cháy; lắp đặt hệ thống điện sao cho đảm bảo đúng yêu cầu an toàn PCCC…” – Đại úy Nghĩa chia sẻ. “Mưa dầm thấm lâu”, nhờ sự bám sát cơ sở, vào cuộc của từng cán bộ, chiến sỹ, trong những năm gần đây, đồng bào dân tộc đã có ý thức hơn trong công tác PCCC; khi thiết kế, xây dựng nhà sàn, xây dựng khu nhà bếp riêng, lắp đặt hệ thống điện trong nhà đảm bảo kỹ thuật, không tích trữ xăng, dầu trong nhà để tránh hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra… góp phần bảo vệ đời sống bình yên nơi bản làng. Thượng tá Nguyễn Văn Trường khẳng định: “Muốn để người dân hiểu về công tác PCCC thì trước hết phải hiểu được đời sống của người dân. Trước đây, đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới chúng tôi chỉ mong ngày được ăn no cái bụng, những việc khác chẳng mấy quan tâm, đừng nói gì đến đảm bảo an toàn PCCC, nghe xa xôi quá. Nhưng sau khi cán bộ về tuyên truyền, hiểu được cháy, nổ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống ra sao, có an toàn thì mới an cư, lạc nghiệp, bà con đều ủng hộ”.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Trường, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Giang cũng luôn phát huy tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, hiểu dân, gần dân, sát dân với những việc làm thiết thực… Có lẽ chính vì thế, từ việc tổ chức tuyên truyền cho đến việc chủ động tham gia cung cấp nước sinh hoạt cho các cơ quan, đơn vị trường học và nhân dân dù phải đi hàng trăm cây số trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt, cán bộ, chiến sỹ đơn vị cũng không nề hà. Nhớ lại thời điểm đầu năm 2021, huyện Mèo Vạc và nhiều huyện vùng cao của tỉnh chìm trong giá rét, tuyết băng xuất hiện tại nhiều xã khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước khó khăn đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh đã chủ động tham gia phối hợp với huyện Mèo Vạc trong việc lấy nước phục vụ nhân dân. Để lấy được nước sinh hoạt đảm bảo, anh em đơn vị đã phải lên tận thôn Tò Đú, cách trung tâm thị trấn 8km để chở về cung cấp cho các đơn vị ở trung tâm huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện và nhiều trường học ở các xã lân cận thị trấn Mèo Vạc. Từ vị trí xe chữa cháy đỗ đến điểm lấy nước phải vượt sườn núi đá lên khoảng 80m, các chiến sỹ phải hàng ngày thu rải dây để dẫn nước xuống phía dưới, để nước chảy vào một tấm bạt lót phía dưới lề đường và hút lên xe téc chữa cháy. Cứ như vậy đều đặn mỗi ngày, trong cái rét có lúc xuống dưới 50C, các chiến sỹ kiên trì khai thác, cấp trên 600m3 nước cho các đơn vị đang bị thiếu nước sinh hoạt. Dù xa nhà, nhiệm vụ kéo dài hơn kế hoạch ban đầu nhưng thấy tình hình thiếu nước sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là các trường học có học sinh học bán trú, Bệnh viện Đa khoa huyện nơi thực hiện công tác cứu chữa bệnh nhân trên địa bàn, anh em đều bảo nhau cố gắng khai thác, lấy được tối đa lượng nước trong ngày phục vụ bà con, cán bộ và học sinh. Giữa giá rét của miền viễn biên, những chuyến xe chở nước của những người lính PCCC như xua đi cái lạnh thấu xương, động viên cán bộ, chiến sỹ, ấm lòng bà con nhân dân nơi mảnh đất biên cương đá tai mèo vượt lên gian khó.
Xác định rõ phương châm: “Trong PCCC thì phòng ngừa là chính, tuyên truyền là gốc”, những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC mang lại hiệu quả cao như: phối hợp với Báo Hà Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đăng phát trên 3.000 tin, bài, phóng sự tuyên truyền đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là đối với nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, khu dân cư, cụm nhà sàn liền kề; tổ chức tuyên truyền lưu động 886 lượt, treo 2.250 pano, 3.281 băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức trên 1.400 lớp tập huấn an toàn PCCC với 58.730 lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC tới từng cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, khu dân cư. Tham mưu, hướng dẫn, củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của Đội PCCC cơ sở và Đội PCCC Dân phòng. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.625 Đội PCCC cơ sở với 11.084 thành viên và 1.764 Đội PCCC Dân phòng với 17.360 thành viên. Phong trào Toàn dân tham gia PCCC phát triển ngày càng sâu rộng. Lực lượng Dân phòng và PCCC sở sở đã phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra hàng năm, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra giảm theo hàng năm. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, giảm 13 vụ so với cùng kỳ 2020.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai như: lũ lụt, sạt lở, đất đá, cháy rừng, tai nạn giao thông, tai nạn rủi ro… diễn biến phức tạp, lại trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 bùng phát, với tinh thần không lơ là, không chủ quan, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa bảo đảm an toàn PCCC&CNCH cho nhân dân, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Giang đã làm tốt công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình, quản lý chặt chẽ về công tác PCCC tại các địa bàn. Đặc biệt là dự báo tình hình sau khi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từng bước khống chế, mọi hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ… sẽ được đẩy mạnh dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Chính vì vậy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả, không để phát sinh cháy lớn gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Với phương châm “bám cơ sở, ở gần dân”, phát huy tinh thần, phẩm chất của người chiến sỹ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh hy vọng việc hướng về cơ sở, vững từ cơ sở, xây dựng từng gia đình, từng thôn bản an toàn về PCCC sẽ là hướng đi đúng đắn, góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu, đẹp, bình yên.■
Châu Anh