web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Những vấn đề đặt ra trong công tác chữa cháy và CNCH đám cháy tàu thuỷ trên biển

Theo thống kê trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,1 triệu người đi biển thì có khoảng 1,3 nghìn người thiệt mạng hoặc mất tích do các vụ cháy, nổ tàu thủy. Những năm gần đây, số vụ cháy tàu thủy có xu hướng gia tăng (đặc biệt là tàu chở hàng container) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cũng như ô nhiễm môi trường biển.  

 

Những ngày vừa qua dư luận thế giới quan tâm đến vụ cháy Tàu Felicity Ace ở Bắc Đại Tây Dương vào ngày 16/02/2022 (cách đảo Terceira, Bồ Đào Nha khoảng 320km về phía Tây Nam) khi chở hơn 4.000 chiếc xe hơi siêu sang (gồm Porsche, Volkswagen, Lamborghini, Bentley và Audi) từ Emden (Đức) đến Davisville (Rhode Island, Mỹ). May mắn khi toàn bộ 22 thuyền viên đã kịp thoát nạn nhưng vụ cháy đã gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 155 triệu USD. Đến ngày 01/3/2022, con tàu đã chìm trên biển.

 

Trước đó, vào ngày 20/5/2021 đã xảy ra vụ cháy Tàu MV X-Press Pearl (Singapore) khi cách cảng biển TP Colombo của Sri Lanka khoảng 18km về phía Tây Bắc. Thời điểm xảy ra cháy tàu chở tổng cộng 1.486 container (gồm 25 tấn axit nitrit cùng nhiều hóa chất khác). Vụ cháy này đã gây ra thảm họa môi trường biển tồi tệ nhất ở Sri Lanka khi khoảng 297 tấn dầu nhiên liệu nặng (heavy fuel oil) và 51 tấn dầu khác của con tàu bị rò rỉ vào Ấn Độ Dương.

 

Tại Việt Nam thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy tàu thủy trên biển gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như: Vụ cháy tàu Aulac Fortune xảy cháy trên vùng biển Hồng Kông vào ngày 08/01/2019 khiến 03 thuyền viên tử vong; vụ cháy Tàu du lịch Phương Nam vào ngày 07/8/2020 trong hành trình từ Hà Tiên đi đảo Hải Tặc (TP Hà Tiên, Kiên Giang) chở 25 người, rất may không có thương vong về người nhưng con tàu này đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

 

Vận tải biển đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong hoạt động giao thương hàng hóa quốc tế bởi nhiều lợi thế như tiết kiệm chi phí, khả năng vận chuyển được nhiều loại hàng hóa và số lượng hàng hóa lớn đến tất cả các lục địa trên thể giới, cũng như chi phí bảo dưỡng thấp. Thống kê cho thấy trên 90% lượng hàng hóa được vận chuyển giữa các châu lục bằng tàu thủy trên biển.

 

Tàu thuỷ gồm 02 nhóm là tàu chở hàng và tàu chở khách. Tàu chở hàng bao gồm: Tàu chở hàng rời (có thể vận chuyển hàng hoá ở dạng thô, khô như than đá, quặng sắt, ngũ cốc, lưu huỳnh, phế liệu không đóng thùng hay bao kiện và được chứa trực tiếp trong khoang hàng chống thấm nước của tàu); tàu container (được dùng để chuyên chở các loại hàng hoá được đóng kín trong container có cấu trúc); tàu chở chất lỏng (chở hàng hoá ở dạng chất lỏng như dầu thô, hoá chất, khí đốt hoá lỏng, khí tự nhiên hoá lỏng, các loại hóa chất dạng lỏng). Tàu chở khách được dùng để chuyên chở hành khách, đối với tàu chở khách có lưu trú qua đêm thường được bố trí thành các tầng, phần thượng tầng thường được phân thành các buồng ở cho hành khách, bố trí hai bên và có hành lang chung ở giữa; các khu dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí; buồng lái, buồng chỉ huy, buồng kỹ thuật. Đối với các tàu chở khách không lưu trú qua đêm thì khoang hành khách được bố trí chung trên một sàn, ghế ngồi được xếp thành các dãy.

 

Về kết cấu của tàu thuỷ bao gồm thân tàu và phần thượng tầng. Phần thân tàu dạng vỏ thon dài, bên ngoài là vỏ thép mặt cong kín nước, bên trong là các khung thép dọc, ngang. Trong thân tàu có buồng máy, thường đặt ở vị trí đuôi tàu và bên cạnh được bố trí buồng bơm chữa cháy và buồng đặt thiết bị, máy móc, khoang chứa nhiên liệu, khoang chứa nước ngọt hoặc nước dằn tàu; khoang hàng hóa và các bộ phận hỗ trợ khác. Phần thượng tầng tính từ trên boong trở lên, có buồng lái, buồng chỉ huy, các buồng thủy thủ, buồng làm việc, phòng khách, buồng ngủ, kho chứa hàng hóa nhẹ … Đây cũng là nơi đặt các trung tâm kiểm soát an toàn trong đó có trung tâm báo cháy, chữa cháy.

 

Theo thống kê cho thấy đa số các vụ cháy xảy ra khi tàu thủy đang ở biển (khi đang di chuyển trên biển hoặc khi gần khu vực cảng biển). Kết quả từ số liệu thống kê từ Dự án Nhóm Ứng phó Sự cố Hàng hải Biển Baltic vào 2015 cho biết có 56,3% vụ cháy tàu thủy trên biển và 43,7% vụ cháy tàu thủy tại cảng. Nếu như một đám cháy xảy ra trên đất liền tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường thì đám cháy trên một con tàu thủy còn đáng lo ngại hơn gấp nhiều lần vì đặc điểm của tàu thủy là công trình độc lập ở trên biển với nhiều điều kiện thuận lợi khiến ngọn lửa dễ dàng phát triển trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó hầu hết trên các con tàu có đồ đạc cùng lượng hàng hoá nhiều, cấu trúc kín với không gian hẹp (hạn chế) nên khi đám cháy tàu thuỷ xảy ra ở các khu vực như buồng, hầm chứa hàng hoá sẽ sinh ra nhiều khói và không có khả năng thoát ra bên ngoài. Đồng thời, quá trình cháy tạo ra nhiều sản phẩm cháy không hoàn toàn là các chất độc hại như khí CO, HCN, H2S cùng với khói gây nguy hiểm cho người trong khu vực đám cháy, khiến tầm nhìn bị hạn chế gây khó khăn cho việc thoát nạn, cứu nạn và chữa cháy.

 

Khi cháy xảy ra ở các khu vực như hầm máy, buồng đặt hệ thống bơm trên tàu sẽ gây hư hỏng nặng động cơ, khiến tàu không hoạt động được. Quá trình cháy toả nhiều khói, nhiệt độ trong vùng cháy tăng nhanh, sau khoảng từ 3 – 5 phút nhiệt độ có thể đạt tới 400 oC, sau 10 phút nhiệt độ trung bình có thể lên tới 700 – 800 oC, ở gốc lửa nhiệt độ có thể đạt tới 1000 – 1200 oC. Đám cháy có thể lan truyền đến các khu vực khác thông qua hệ thống thông gió, hệ thống dây dẫn điện, đường ống kỹ thuật và các lối lên, xuống hầm.

 

Đối với tàu chở xăng dầu bị cháy, trong khoảng từ 2 – 3 phút, nhiệt độ có thể đạt tới 350oC – 400oC, sau 10 phút có thể bốc cháy các nguyên vật liệu và phá huỷ vách ngăn của các buồng, hầm lân cận. Sau từ 15 phút đám cháy có thể lan ra toàn bộ thân tàu; có thể dẫn đến nổ các buồng chứa và gây phá huỷ lớn, làm đắm tàu. Khi đó, xăng dầu lan rộng trên mặt nước tạo thành đám cháy có diện tích lớn, gây khó khăn cho việc cứu chữa. Những đám cháy xảy ra ở tàu chở xăng dầu thường phát triển nhanh, đám cháy với cường độ lớn. Thực tế nghiên cứu cho thấy, sau khi cháy xảy ra từ 2 – 5 phút, nhiệt độ của các cấu kiện kim loại ở phần trên của thành tàu đạt tới 800 0C.

 

Đối với tàu khách, tàu chở hàng rời do trên tàu chủ yếu được bố trí ghế ngồi và hàng hoá nên khi đám cháy xảy ra, khả năng lan truyền của đám cháy diễn ra nhanh gây cháy lớn, tập trung tại phần thượng tầng của tàu do điều kiện đối lưu không khí thuận lợi. Đám cháy toả ra nhiều khói, khí độc khiến cho hành khách có tâm lý hoảng loạn dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy để thoát ra phía boong tàu, mũi tàu và đuôi tàu, thậm chí có thể nhảy xuống biển khiến công tác tổ chức cứu người, cứu tài sản và dập tắt đám cháy càng trở nên khó khăn hơn.

 

Đối với tàu chở hoá chất, khí đốt hoá lỏng khi xảy ra cháy có thể dẫn đến nổ phá vỡ khoang chứa, sập đổ các cấu kiện của tàu; rò rỉ hệ thống đường ống dẫn khí gặp nguồn nhiệt tạo thành các đuốc lửa đồng thời gây cháy lan dẫn đến đám cháy lớn trên tàu và các phương tiện thuỷ lân cận. Đáng lo ngại, đám cháy có nguy cơ phát tán hoá chất độc gây nguy hại ra môi trường xung quanh.

 

Với những đặc điểm của đám cháy tàu thủy nêu trên, khi tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp và nguy hiểm như:

 Thứ nhất, khả năng tiếp cận vị trí đám cháy và triển khai các hoạt động chữa cháy, CNCH gặp nhiều khó khăn nhất do đặc thù của phương tiện nằm trên mặt biển nên các phương tiện chữa cháy cơ giới trên bộ không thể tiếp cận; buộc phải sử dụng các phương tiện thủy và trên không.

 

– Thứ hai, việc tổ chức CNCH gặp khó khăn khi người bị nạn không thể thoát ra khỏi phương tiện bị cháy do bị cô lập bởi mặt nước xung quanh, trong khi các phương tiện CNCH cần nhiều thời gian để tiếp cận với vị trí người bị nạn và di chuyển người bị nạn ra khỏi đám cháy. Không những thế, công tác chữa cháy và CNCH khi xảy ra cháy tàu thủy thường gặp nhiều khó khăn, phức tạp khi gặp phải điều kiện sóng to, gió lớn cũng như phải tính toán đến việc bảo vệ sự ổn định của thân tàu, tránh việc tàu nghiêng, bị lật hoặc chìm, đắm.

 

– Thứ ba, do lực lượng, phương tiện chữa cháy và CNCH không thể linh hoạt và dễ tiếp cận vị trí đám cháy như trên mặt đất nên thời gian chữa cháy kéo dài, lượng chất chữa cháy cần dùng lớn, nếu không kịp thời bổ sung sẽ làm giảm hiệu quả của công tác chữa cháy, khiến đám cháy lan rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng hơn, đặc biệt với đám cháy tàu chở chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

– Thứ tư, tại Việt Nam việc trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH trên biển cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nên không có khả năng đi xa bờ, khó tiếp cận đám cháy tàu thủy lớn dẫn đến khả năng tổ chức cứu chữa các đám cháy này còn rất hạn chế.

 

Với đặc điểm nguy hiểm khi xảy ra đám cháy tàu thủy nêu trên cho thấy việc bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH đối với tàu thủy là yêu cầu bắt buộc, có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó việc trang bị các thiết bị, hệ thống, phương tiện báo cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được quan tâm hàng đầu, bảo đảm đúng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hiện hành. Bên cạnh đó việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về PCCC và CNCH, kỹ năng xử lý khi xảy ra các sự cố cháy, nổ trên tàu cho chính đội ngũ thủy thủ thuyền viên cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc vì trong thực tế cho thấy chính đội ngũ này là lực lượng nòng cốt và duy nhất để kịp thời ứng phó sự cố ngay từ giai đoạn đầu (điều này vốn rất quan trọng nhằm kiểm soát không để đám cháy lan rộng).

 

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác tổ chức chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đối với đám cháy tàu thủy trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

(1) Đầu tư, trang bị danh mục các thiết bị, phương tiện chuyên dùng trong chữa cháy và CNCH đường thuỷ như: Tàu chữa cháy có công suất lớn (máy bơm lưu lượng lớn); tàu vận chuyển chất chữa cháy; tàu vận chuyển hóa chất độc hại; tàu lai dắt; chất chữa cháy đa năng; thiết bị súng bắn phao CNCH.

 

(2) Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy và CNCH đường thuỷ, trong đó tăng cường huấn luyện chuyên sâu nhằm nâng cao sự hiểu biết, năng lực ứng phó, xử lý và lựa chọn kỹ, chiến thuật xử lý đối với các tình huống một cách phù hợp. Bên cạnh tài liệu huấn luyện cần xây dựng các mô hình huấn luyện chữa cháy và CNCH tàu thủy bảo đảm bám sát các tình huống sự cố thực tế để CBCS được trực tiếp tham gia các bài huấn luyện thực hành, qua đó nâng cao kỹ năng xử lý bằng các phương pháp, biện pháp phù hợp với các tình huống cháy đặc thù cũng như tâm lý, bản lĩnh chiến đấu và thể lực, giúp CBCS có thể thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài, điều kiện phức tạp.

 

(3) Thường xuyên tổ chức thực tập các phương án chữa cháy và CNCH xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng cơ sở (đội ngũ thủy thủ thuyền viên) và các đơn vị liên quan (lực lượng Hải Quân, Biên Phòng, Hải quan, cảng vụ hàng hải) nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp giữa các đơn vị khi xử lý tình huống xảy ra trong thực tế./.

Văn Ngọc (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)