Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung, TP Thủ Đức nói riêng. Trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ có nhiều diễn biến phức tạp và diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là vào mùa hanh khô nắng nóng,đáng chú ý là đã xảy ra một số vụ cháy lớn tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Điển hình như vụ cháy kho chứa hàng Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đất Mới thuộc khu nhà xưởng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (lô F1, đường K1, KCN Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức).
Trước đó, khoảng 17 giờ 30 chiều 5/3/2020, một ngọn lửa bất ngờ bùng lên và cháy dữ dội tại khu nhà xưởng của Công ty TNHH SX và TM Thanh Danh. Do bên trong xưởng chứa nhiều gỗ, ván ép, vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Chỉ trong ít phút, ngọn lửa bao trùm lên toàn bộ nhà xưởng đã gây thiệt hại tiền tỷ cho doanh nghiệp này.
Cháy kho chứa hàng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh.
Hay một vụ cháy khác với quy mô khá lớn xảy ra vào khoảng 13 giờ 15 ngày 21/10/2020. Một vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại công ty chứa gỗ nằm trong KCN Bình Chiểu (P Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)cũng gây thiệt hại nặng nề. Do đặc điểm hàng hóa trong kho của công ty là nguyên vật liệu dễ bén lửa nên đám cháy ngày càng lan nhanh và đe dọa các công ty lân cận. Nhận định đây là đám cháy lớn, Công an TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện thuộc Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ KV1, 2, 3 – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH; Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ – Công an quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp đến hiện trường triển khai chữa cháy phối hợp để dập lửa từ nhiều hướng, ngăn không để cháy lan. Đám cháy đã làm khu xưởng rộng hàng trăm mét vuông cùng nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm gỗ bị cháy và hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây là tiếng chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất và các kho hàng hóa, nguyên liệu phục vụ cho gia công, may mặc tại các khu công nghiệp và khu chết xuất, chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác là nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả thiệt hại về người và tài sản là không thể lường trước được.
Các khu công nghiệp và khu chế xuất ở TP Thủ Đức thường có khối lượng lớn nguyên vật liệu, hàng hóa, thiết bị máy móc hoạt động phục vụ sản xuất và là nơi tập trung các cơ sở sản xuất kinh doanh với các mặt hàng dễ cháy, nổ như gia công điện tử, giấy, cơ sở dệt may, cơ sở sản xuất bao bì, nhựa, cơ sở hóa chất…. Mặt khác, trong quá trình sản xuất phải sử dụng nhiều máy móc thiết bị, trong đó có sử dụng nhiều công nghệ gia nhiệt hoặt làm xuất hiện nhiều loại nguồn nhiệt có thể gây cháy. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đầu tư phần lớn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, cũ kĩ, chất lượng kém, thậm chí có loại đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn tân trang sữa chữa lại để sử dụng nên không đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động gây ra tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ xảy ra.
Sau những vụ cháy liên tiếp vừa qua tại TP Thủ Đức, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đột xuất một số công ty, nhà máy sản xuất có vật liệu dễ cháy nổ tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Qua công tác kiểm tra an toàn PCCC định kỳ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các chủ đầu tư tại các khu công nghiệp và khu chế xuất đã thực hiện tốt công tác PCCC theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thiếu sót. Nhiều chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà ít để ý tới an toàn phòng cháy cháy chữa tại xưởng làm việc của người lao động. Việc huấn luyện ý thức nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy cho người lao động đôi khi họ cũng chỉ làm hình thức, đối phó với cơ quan kiểm tra. Đặc biệt, nhiều công ty, xí nghiệp chỉ treo vài ba bảng hiệu, nội quy, nhắc nhở qua loa về an toàn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về hệ thống PCCC, hạ tầng giao thông, cấp nước chữa cháy; không có bảng nội quy về quy định phòng cháy, không đảm bảo hành lang an toàn thoát hiểm, sử dụng khu vực sản xuất nấu ăn, nhân viên hút thuốc lá trực tiếp trong khu sản xuất;việc thành lập lực lượng chữa cháy cơ sở và Đội PCCC chuyên ngành chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định cũng như chưa được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ chữa cháy; một số trụ nước chữa cháy tại các khu công nghiệp bị hỏng, không bảo đảm cho việc cung cấp nước chữa cháy… Ngoài ra, nhiều khu vực trong doanh nghiệp bị lấn chiếm làm lối đi hoặc phục vụ những mục đích cá nhân không đúng với phương án thẩm định ban đầu gây ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi có sự cố xảy ra.
Phòng cháy chữa cháy là vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bất cứ ngoại cảnh nào, không riêng gì khu vực sản xuất, nhà máy, chưa kể gần đây nhiều vụ cháy lớn tại khu công nghiệp xảy ra, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân phải có ý thức chủ động hơn nữa trong việc phòng cháy chữa cháy. Thực tế mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có những rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ khác nhau. Các doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến công tác này vì an toàn chính là bước khởi đầu cho sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi công ty, doanh nghiệp.
Để ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ và công tác phòng cháy chữa cháy hiệu quả, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nhiệp trong công tác PCCC. Đối với các doanh nghiệp vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp các biện pháp ngăn chặn phù hợp như chỉ đạo việc di chuyển các khu công nghiệp không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC, các doanh nghiệp khu chế xuất sử dụng dây chuyền công nghệ đã cũ, lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: sản xuất, chế biến gỗ, sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất… ra khỏi khu dân cư. Bên cạnh đó phải có chế tài cụ thể buộc các doanh nghiệp phải thành lập và hoàn thiện mô hình và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho các Đội Chữa cháy chuyên ngành tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đúng quy định. Cưỡng chế thực hiện phần xây dựng không đúng thiết kế được duyệt hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; công khai danh sách các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC cho cán bộ, công nhân viên; tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên, định kỳ hàng ngày, nhất là vào các thời điểm sau khi tan ca sản xuất để phát hiện kịp thời nhận thấy những sơ hở, thiếu sót và các nguồn nhiệt do sơ suất có thể dẫn đến cháy. Đồng thời phải rà soát, phân loại hàng hóa, vật tư nguyên liệu theo tính chất nguy hiểm cháy nổ, trên cơ sở đó bố trí sắp xếp, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy lan bên trong nhà xưởng trong khu vực cơ sở hoặc cháy lan từ ngoài vào trong và ngược lại, tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức thực tập phương án để chủ động kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra.
Đạt Trí (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh)