Gãy xương cột sống thường do chấn thương nặng, có thể gây thương tổn ở xương khác hoặc các phủ tạng và gây choáng.
Trong quá trình gọi hỏi, kiểm tra tổng thể tuyệt đối không tác động mạnh lên người bị nạn, không cho người bị nạn ngồi dậy.
* Các bước xử lý ban đầu
– Nhanh chóng và nhẹ nhàng đưa người bị nạn ra khỏi hiện trường, tai nạn khi cần thiết.
– Khi di chuyển cần bất động tốt cổ bằng nẹp hoặc bằng tay hay khi đi chuyển trên cáng cứng. Trường hợp di chuyển người bị nạn không đúng kỹ thuật sẽ làm các đốt sống tổn thương, có thể dịch chuyển làm tổn thương phần mềm, mạch máu và dây thần kinh, đặc biệt khi gãy đốt sống cổ (đoạn cao), nếu sơ cứu không tốt sẽ gây tử vong ngay vì ảnh hưởng tới hành não.
– Khi sơ cứu người bị nạn gãy xương cổ – cột sống cần nhiều người cùng thống nhất thực hiện. Trong quá trình sơ cứu, người chỉ huy luôn là người đứng ở phía trên đầu người bị nạn để giữ thẳng đầu cổ khi cần dịch chuyển;
– Nếu có nẹp cổ thì bất động cột sống cổ ngay cho người bị nạn, trấn an, yêu cầu người bị nạn không được cử động.
* Tiến hành cố định người bị nạn vào cáng như sau:
– Cần từ 3 – 5 chiến sĩ để thực hiện cố định người bị nạn vào cáng; có thể nhấc người bị nạn lên để lùa cáng theo chiều dọc hoặc lật nghiêng người bị nạn để đưa cáng vào theo chiều ngang.
– Nếu có 5 chiến sĩ ta thực hiện như sau:
+ Người chỉ huy đặt 2 bàn tay vào bên tai để giữ cho đầu cố định ở giữa, không để đầu nghiêng sang 2 bên hoặc gập cổ. Giữ đầu, cổ, thân mình luôn thẳng trục trong quá trình thực hiện.
+ Người thứ hai một tay dưới vai, một tay dưới thắt hông.
+ Người thứ ba đưa tay vào vị trí đan xen với tay của người thứ hai, một tay dưới eo, một tay dưới đùi.
+ Người thứ tư đưa tay vào vị trí đan xen người thứ ba, một tay dưới mông, một tay dưới cẳng chân.
+ Người thứ năm chuẩn bị sẵn cáng để đưa vào dưới lưng người bị nạn.
+ Người chỉ huy hô khẩu lệnh 1, 2, 3 để cả 4 người cùng nhấc người bị nạn lên, đồng thời, người thứ 5 cầm cáng luồn từ dưới lên phía dưới lưng người bị nạn.
Đưa người bị nạn vào cáng bằng cách luồn cáng phía dưới lưng
+ Sau khi đã đặt cáng vào vị trí, chỉ huy thống nhất khẩu lệnh với các chiến sĩ để tất cả 4 người cùng đặt người bị nạn xuông cáng đồng thời.
– Chèn vải, bông băng phía đầu, 2 bên cổ người bị nạn, 2 bên hông người bị nạn.
– Dùng 8 cuộn băng to bản để cố định người bị nạn vào cáng ở vị trí: ngang trán, ngang ngực, ngang hông, ngang đùi, trên 2 khớp gối, qua 2 cẳng chân, qua 2 cổ chân.
– Lưu ý:
+ Khi thực hiện phải phối hợp động tác thật tốt, phải giữ cho người và cột sống luôn thật thẳng, không được nâng cao hai vai và chân người bị nạn.
+ Di chuyển phải rất thận trọng, không được chuyển người bị nạn từ cáng nọ sang cáng kia, ưu tiên di chuyển theo phương dọc.
+ Nếu chỉ chấn thương đốt sống cổ thì dùng nẹp cổ để cố định.
* Trường hợp không có cáng cứng
– Đặt người bị nạn nằm sấp trên cáng võng, dưới bụng để một chiếc gối mỏng hoặc quần áo cho cột sống đỡ bị võng xuống.
– Nếu có điều kiện làm một bộ nẹp bằng gỗ hoặc bằng tre cứng to bản để cố định người bị nạn vào đó.
– Ngoài ra có thể sử dụng các tấm phẳng như cửa, giát giường … để cố định người bị nạn vào thay cho cáng.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH