Với phương châm chủ động trước mọi tình huống, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động đề phòng nguy cơ cháy nổ từ sớm, từ xa đảm bảo an toàn tuyệt đối SEA Games 31.Với phương châm chủ động trước mọi tình huống, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động đề phòng nguy cơ cháy nổ từ sớm, từ xa đảm bảo an toàn tuyệt đối SEA Games 31.
Không để bị động trong mọi tình huống
Đoàn công tác kiểm tra chốt bảo vệ tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 diễn ra vào đúng thời điểm nắng nóng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) luôn được Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, đảm bảo an toàn cho các vận động viên, nhân dân, bạn bè quốc tế đến tham dự SEA Games.
Thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Công an Thành phố Hà Nội, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phương án PCCC&CNCH từ sớm, từ xa, sát với tình hình thực tế.
Điển hình, tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi diễn ra các hoạt động khai mạc, bế mạc và tổ chức một số môn thi đấu, ngay từ những ngày đầu, nhiều hạng mục quan trọng đã được ưu tiên sửa chữa và nâng cấp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống cháy nổ.
Đồng chí Bùi Mạnh Tuấn, Tổ trưởng Tổ PCCC&CNCH, Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình cho biết, Tổ PCCC&CNCH cơ sở được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng để phục vụ SEA Games. Mỗi đồng chí trong tổ công tác đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường trực chiến đấu nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác PCCC trước, trong và sau Đại hội thể thao.
“Các đồng chí trong Tổ PCCC&CNCH đều xác định công tác phòng, chống cháy nổ là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Trong suốt quá trình triển khai, Tổ đã phối hợp cùng cơ quan chức năng lên kế hoạch, diễn tập, và thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, cũng như bạn bè quốc tế tham dự SEA Games”, đồng chí Bùi Mạnh Tuấn, Tổ trưởng Tổ PCCC&CNCH, Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình chia sẻ.
Góp phần vào thành công của SEA Games 31, nhiều cách làm sáng tạo cũng đã được vận dụng để nâng cao hiệu quả công tác PCCC. Đơn cử, ngoài chú trọng tổ chức diễn tập, Đội Cảnh sát PCCC huyện Đan Phượng (Hà Nội) còn thiết lập nhóm Zalo nhằm tăng hiệu quả tương tác tới các đội cơ sở, giúp cán bộ, người dân định vị và biết rõ khu vực xảy ra cháy, tạo thuận lợi tiếp cận đám cháy, nhất là khi huyện Đan Phượng là địa điểm được lựa chọn tổ chức một số môn thi đấu.
Sự kiện SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam không chỉ thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các nước trong khu vực mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch trong nước nói riêng. Song, làm tốt công tác PCCC là một yêu cầu quan trọng góp phần thực hiện hóa những thuận lợi trên.
Hỏa hoạn là “kẻ thù” luôn rình rập vào thời tiết nắng nóng, thậm chí ngay cả những cơ sở đáp ứng đủ điều kiện an toàn PCCC theo quy định vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ. Xác định SEA Games 31 là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của cả nước, thời gian qua, lực lượng chức năng đã chủ động đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC từ sớm, từ xa, phù hợp với từng quy mô, tính chất và địa điểm phục SEA Games.
Trong đó, xác định khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, danh lam thắng cảnh là những địa điểm các đoàn vận động viên, bạn bè quốc tế đến lưu trú, tham quan, du lịch, nên lực lượng Công an Thành phố Hà Nội đã chú trọng kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cụ thể công tác PCCC tại các địa điểm này.
Việc tổ chức diễn tập nâng cao kỹ năng PCCC&CNCH là yêu cầu cấp thiết. Các đơn vị tích cực xây dựng tình huống hỏa hoạn giả định trong quá trình diễn tập để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả. Đây là hoạt động để cán bộ, người lao động, doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống cháy nổ, bồi dưỡng khả năng xử lý tình huống, kỹ năng dập tắt đám cháy, thoát nạn…
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: “Nơi nào thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC, thì nơi đó sẽ đảm bảo an toàn. Việc tổ chức diễn tập là cơ hội để người dân chúng tôi có thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản để xử lý các tình huống cháy, nổ ở gia đình cũng như tham gia hỗ trợ chữa cháy tại các địa điểm có quy mô lớn, đặc biệt là trong thời gian SEA Games 31 diễn ra…”.
Ngoài ra, cần phân công các đơn vị phụ trách bố trí nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị thường trực tại các điểm tổ chức SEA Games 31. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn tuyệt đối, bố trí khu vực khám, cấp cứu theo đúng quy định của Bộ Y tế; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng cấp cứu, điều trị trường hợp bị bệnh hoặc tai nạn trong thi đấu.
Có thể thấy, để làm tốt công tác tổ chức, đồng thời quảng bá hình ảnh về một Hà Nội sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn trong “nhãn quan” bạn bè quốc tế, bên cạnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, các quận, huyện cần tích cực, chủ động xây dựng kịch bản chi tiết, quán triệt tinh thần trách nhiệm đến từng cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH tại khách sạn, nhà hàng, sân vận động, nhà thi đấu… trước, trong và sau SEA Games. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhận thức cho người dân, bạn bè quốc tế tham dự SEA Games về việc phòng ngừa nguy cơ cháy nổ. Làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là bảo vệ an toàn cho nhân dân, du khách, góp phần vào thành công chung của SEA Games 31./.
Theo Mai Ngọc (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)