Theo thống kê, năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, 2.796 vụ sự cố cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng. Trong đó, cháy lớn xảy ra 46 vụ (chiếm 0,91% tổng số vụ cháy và sự cố cháy), song gây thiệt hại về tài sản 280 tỷ đồng, tương đương 74,7% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản là do nguồn nước chữa cháy không bảo đảm, không đáp ứng kịp thời trong quá trình chữa cháy. Để tổ chức chữa cháy một vụ cháy, lực lượng chữa cháy có thể sử dụng nhiều phương tiện, hóa chất khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sử dụng chất chữa cháy bằng nước vẫn là giải pháp phổ biến và hiệu quả đối với đa số các vụ cháy. Vì vậy, xây dựng hệ thống cấp nước bảo đảm phục vụ công tác PCCC là một trong những vấn đề cần phải được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
Hình ảnh sử dụng nước để chữa cháy.
Tính đến nay, cả nước đã có 797/1.088 quận, huyện, khu công nghiệp (chiếm 73,3%) được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy với tổng số 50.565 trụ, ngoài ra có 22.468 bể nước chữa cháy, 15.309 ao, hồ, kênh, mương, 940 bến lấy nước và 297 hố thu nước. Mặc dù các địa phương đã quan tâm, có nhiệu biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước chữa cháy nhưng nguồn nước phục vụ công tác PCCC chỉ mới đáp ứng được khoảng 31% nhu cầu hiện nay. Nguồn nước phục vụ công tác PCCC hiện nay chủ yếu được xây dựng tập trung ở các khu vực nội thành, quận, thị xã, thành phố, còn ở các địa bàn khác chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, tại các huyện ngoại thành, khu vực nông thôn, nguồn nước chữa cháy được sử dụng phụ thuộc vào lượng nước trong bể, ao, hồ, kênh, mương, hố thu nước. Tuy nhiên, việc lấy nước gặp nhiều khó khăn do bến lấy nước xây dựng rất ít (cả nước có 940 bến lấy nước), nhiều nơi thậm chí không có bến lấy nước.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước PCCC ở nhiều địa phương chưa phát triển đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các làng nghề. Theo quy định, trong khoảng cách 150m đường giao thông đô thị phải lắp đặt 01 trụ thì cả nước cần khoảng 160.000 trụ, nhưng hiện tại mới có 50.565 trụ (đạt 31,4%), còn thiếu 109.435 trụ (thiếu 68,6%). Các dự án cấp nước chữa cháy triển khai còn chậm, nhiều nơi không thiết kế, lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy hoặc thực hiện một cách chiếu lệ, hình thức. Nhiều nơi mặc dù có hệ thống cấp nước chữa cháy, song việc thiết kế, xây dựng bổ sung hệ thống này gặp nhiều khó khăn vì không đi liền với quy hoạch chung.
Việc thiết kế, thi công trụ nước chữa cháy chưa đảm bảo số lượng và khoảng cách giữa các trụ do khoảng cách giữa các cụm dân cư trong một khu quá xa nhau, cần nguồn kinh phí lớn mới lắp đủ số trụ. Việc thi công lắp đặt trụ nước chữa cháy đô thị ở nhiều vị trí rất khó khăn về mặt bằng thi công do không có vỉa hè, vỉa hè hẹp, vướng các công trình hạ tầng cây xanh, cột điện, thông tin, viễn thông, thoát nước, trạm biến áp,… Tình trạng trên một phần do quy hoạch, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình; một phần do cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của công tác này nên không yêu cầu thiết kế, lắp đặt hoặc kiểm tra, xử lý thiếu kiên quyết.
Công tác quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống cấp nước PCCC ở một số địa phương còn nhiều hạn chế. Hệ thống cấp nước PCCC nhiều nơi đã xuống cấp, nhiều trụ không có nước hoặc có nhưng áp lực, lưu lượng nước không đảm bảo, nhiều trụ bị hư hỏng do mất nắp, hỏng van khóa, đầu nối… nhưng không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Trong 50.565 trụ nước chữa cháy trên cả nước thì có 5.418 trụ (chiếm 10,7%) hư hỏng, chưa được khắc phục; 6.339 trụ (chiếm 12,5%) xe chữa cháy không thể lấy được nước. Hạn chế này do sự phối hợp chưa tích cực của cơ quan cấp nước và cơ quan quản lý, sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống cấp nước chữa cháy; việc phân công trách nhiệm, dự trù kinh phí thực hiện, quản lý, điều hành và duy tu thiết bị chưa rõ ràng, khi xảy ra sự cố, hỏng hóc, mất thiết bị không có đơn vị nào đứng ra xử lý kịp thời.
Hình ảnh trụ nước chữa cháy bị hư hỏng.
Việc quản lý, chuyển nhượng, lấn chiếm, sử dụng đất đai một cách tùy tiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước chữa cháy. Do tập trung phát triển, mở rộng không ngừng các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông nên nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch, mương bị san lấy mặt bằng. Tại nhiều nơi, do nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ sinh hoạt nên người dân tùy tiện san lấp, lấn chiếm ao hồ, kênh, mương. Mặt khác, hệ thống ao, hồ, sông, ngòi không được nạo vét thường xuyên; ao, hồ trong các khu dân cư không được thông với nguồn nước sông, ngòi, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, nước thải nên lượng nước dự trữ rất ít. Đặc biệt, trong mùa hanh khô, lượng mưa ít dẫn đến xe chữa cháy khó khăn trong việc lấy nước chữa cháy. Tình trạng người dân họp chợ, bày bán hàng hóa, để vật liệu, trông giữ xe lấn chiếm khu vực trụ nước, bến, bãi lấy nước… cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn nước.
Hình ảnh người dân bán hàng lấn chiếm khu vực trụ nước chữa cháy
Để giải quyết những khó khăn, bất cập và thực hiện có hiệu quả việc cấp nước PCCC, góp phần kiềm chế gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham mưu UBND các địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo giải quyết cấp nước PCCC trên địa bàn. Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng về PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hai là, UBND cấp tỉnh nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn ngân sách cho hệ thống cấp nước PCCC. Tổ chức điều tra, khảo sát, nắm chắc thực trạng cấp nước PCCC từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp giải quyết nguồn nước PCCC phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện và cập nhật thường xuyên bản đồ giao thông, nguồn nước, trên đó thể hiện các tuyến đường, vị trí các trụ nước, bến lấy nước và nguồn nước tự nhiên; nghiên cứu áp dụng ứng dụng công nghệ tìm kiếm nguồn nước chữa cháy qua Google maps trên địa bàn để phục vụ hiệu quả công tác tổ chức chữa cháy. Định kỳ kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn về cấp nước PCCC.
Ba là, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo, phân công cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị như Công an cấp tỉnh, Sở Xây dựng, Sở kế hoạch và đầu tư, đơn vị cấp thoát nước, UBND các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các đơn vị có liên quan trong việc quy hoạch, lắp đặt, quản lý, sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng nguồn nước chữa cháy nhằm đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt nhất. Đặc biệt chú ý đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, thiếu nước chữa cháy; các khu vực không có nguồn nước tự nhiên và hệ thống cấp nước đô thị
Bốn là, mở đợt cao điểm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giải thích cho người dân nhận thấy được sự cần thiết và quan trọng của việc cấp nước phục vụ chữa cháy nhằm nâng cao ý thức, kiến thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác giải quyết cấp nước PCCC.
Năm là, UBND các cấp cần có phương án khai thác, sử dụng tối đa nguồn nước tự nhiên; đầu tư xây dựng các bến bãi lấy nước, hố thu nước, bể chứa nước trong các khu dân cư, ngõ sâu, những nơi xe chữa cháy không tiếp cận được. Ngoài ra, cần có phương án sử dụng khai thác triệt để các nguồn nước dự trữ của các doanh nghiệp, cơ sởn đóng trên địa bàn để phục vụ chữa cháy.
Theo Nguyễn Hải (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)