Khi bạn gặp một tai nạn đuối nước bất ngờ nào đó, mặc dù bạn đã biết bơi nhưng chưa được trang bị kỹ năng cứu đuối rất có thể cả bạn cũng trở thành nạn nhân của những tai nạn cứu đuối này. Nên nhớ rằng, giải pháp nhảy xuống nước cứu nạn nhân là giải pháp cuối cùng được lựa chọn. Vì trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người cứu nạn do chưa hiểu biết về các phương pháp cứu đuối, nên bị nạn nhân ôm cứng và nhấn chìm nên cả hai cùng thiệt mạng.
Cứu người theo bản năng là tốt, nhưng cứu người khi có kiến thức vững chắc thì còn tốt hơn, bạn hoàn toàn có thể bảo toàn tính mạng cho người được cứu và chính mình .
“Một mạng đổi một mạng” là điều không một ai mong muốn.
Nếu bạn là người thích du lịch thì bạn cần có kỹ năng này trong hành trình cuộc đời của bạn !
Sau đây là những phương pháp tiếp cận và đưa nạn nhân đuối nước vào bờ một cách an toàn:
+Phương pháp 1: Nạn nhân nằm ngửa , người cứu hộ bơi ở phía sau nạn nhân, một tay dùng để bơi, một tay vắt lên ngang ngực xốc chéo qua nách bên kia. Bơi kiểu nhái (ếch) đưa nạn nhân vào bờ.
Kiểu này khiến người cứu hộ khá mệt, nhưng làm cho nạn nhân được an toàn tuyệt đối .
+Phương pháp 2: Nâng cằm nạn nhân cho ngửa hẳn mặt lên , như thế mũi và miệng của nạn nhân sẽ được thoát ra khỏi mặt nước, thông thoáng các bộ phận hô hấp.Sau đó dùng tay còn lại và chân để bơi vào bờ.
Phương pháp này dùng cho những nạn nhân có thân hình mập mạp .
+Phương pháp 3: Từ phía sau , người cứu hộ dùng tay nắm ngay chùm tóc phía trên trán giựt ngửa đầu nạn nhân ra sau. Sau đó dùng tay và chân còn lại bơi ngửa đạp chân ếch vào bờ.
Phương pháp này dùng để cứu các bạn nữ rất tiện lợi.
+Phương pháp 4: nắm lấy cổ áo nạn nhân, nếu nạn nhân còn mặc đầy đủ quần áo mà ta lại chưa kịp cởi ra khi ở dưới nước.
+Phương pháp 5: Nếu nạn nhân đã bất tỉnh nhân sự, ta có thể dùng hai tay nâng đầu nạn nhân nổi trên mặt nước. Bơi ngửa bằng hai chân và kéo nạn nhân vào bờ .
+Phương pháp 6: nếu nạn nhân có trọng lượng nhẹ hơn ta và đã thật sự bất tỉnh . Ta có thể bơi ngửa ,dùng ngựa để đỡ đầu nạn nhân; hai tay xốc dưới nách sao cho nạn nhân nằm sải ngửa với tư thế thoải mái . Hai chân đạp kiểu ếch (nhái) đưa nạn nhân vào bờ .
Ranh giới của việc giúp đỡ người bị nạn và bảo toàn mạng sống của mình rất mong manh. Hãy tỉnh táo để có thể an toàn cho bản thân nữa các bạn nhé !Khi tiếp cận được nạn nhân , ta không nên để nạn nhân túm lấy cổ mình. Vì có thể trong lúc hoảng loạn nạn nhân có thể nhấn chìm ta bất cứ lúc nào .
Khi tiếp cận được nạn nhân, điều đầu tiên chúng ta nên làm là dùng lời nói trấn an tâm lý của người bị nạn rằng chắc chắn họ sẽ được cứu sống.
Khi ổn định được tâm lý thì họ sẽ bớt giãy giụa; khi đó việc cứu vớt sẽ dễ dàng hơn./.
Theo Thành Đạt (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hồ Chí Minh)