Trong vài năm trở lại đây, các hãng sản xuất ô tô chào bán sản phẩm “lai” (hybrid) giữa động cơ sử dụng nhiên liệu truyền thống với động cơ điện và xe thuần điện. Hệ thống pin được đặt phía bên dưới của sàn xe, được thiết kế chống va đập và đảm bảo cân bằng cho xe quá trình hoạt động bình thường hay trong các trường hợp sự cố tai nạn. Khối lượng của hệ thống pin có thể lên tới 1.500 pound (khoảng 680kg).
Cấu trúc của hệ thống pin được đặt trong là một hộp kín chống nước, chống cháy. Có thể được làm bằng thép, nhôm hoặc vật liệu composite. Bên trong hộp là các mô-đun pin nhỏ hơn, chứa nhiều ô pin riêng lẻ và các thành phần mang điện áp cao, hệ thống dây điện và làm mát. Hộp pin được thiết kế chống cháy theo cả 2 chiều (từ bên trong và ngoài) vì lý do bảo vệ người ngồi trên xe trong trường hợp pin bị thoát nhiệt ra bên ngoài và bảo vệ chống pin bị thoát nhiệt do cháy từ bên ngoài.
Chữa cháy xe ô tô điện
Trường hợp đám cháy không xuất phát từ hộp pin (cháy bên ngoài hộp pin) thì sử dụng chất chữa cháy thông thường như nước là có thể dập tắt đám cháy.
Trường hợp phức tạp hơn là khi đám cháy xuất phát từ hộp pin.
Pin trong ô tô điện.
Đã có nhiều hoạt động chữa cháy được ghi nhận diễn ra có liên quan đến xe điện tại Mỹ. Khi một ô pin bị thoát nhiệt sẽ giải phóng khoảng 6 lít khí ở 649ºC trong 10% giây. Thoát nhiệt của pin là phản ứng hóa học tỏa nhiệt mà không cần oxy từ khí quyển. Năng lượng giải phóng từ tế bào riêng lẻ đó được chuyển sang các tế bào lân cận, tạo thoát nhiệt dây chuyền. Phản ứng này tiếp tục cho đến khi không còn ô pin nữa hoặc có thể làm mát các ô xung quanh đủ để chúng không bị thoát nhiệt theo. Việc làm mát các ô pin lân cận gặp nhiều khó khăn vì chúng được đặt trong hộp bảo vệ chống cháy và cách nhiệt.
Nhà sản xuất khuyến cáo không được cắt phá hộp bảo vệ Pin. Do vậy, hoạt động chống cháy chuyển hướng thành chống cháy lan và giảm thiểu tác động của khói độc đối với con người và môi trường xung quanh. Thời gian cháy hết của Pin khoảng 6-8 tiếng, tuỳ từng trường hợp cụ thể.
Cứu nạn, cứu hộ xe ô tô điện bị tai nạn
Khi xe điện bị sự cố tai nạn (không xảy ra cháy nổ), hoạt động cứu nạn, cứu hộ cần lưu ý các đặc điểm riêng biệt của xe chạy bằng điện.
Cố định thân xe cần lưu ý đến tải trọng phân bổ tải trọng xe điện khác với xe truyền thống. Trong mọi trường hợp phải cắt, kích, mở lối tiếp cận nạn nhân cần phải kiểm tra, đánh giá khả năng rò rỉ điện để đảm bảo an toàn cho nạn nhân và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
Ưu tiên sử dụng túi nâng sử dụng khí nén để nâng xe trong các trường hợp để đảm bảo an toàn điện trong quá trình cứu nạn, cứu hộ.
Một ổ cắm trên xe điện lên đến 350 ampe.
Trong quá trình cứu nạn, cứu hộ cần bố trí tổ chữa cháy chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, phương tiện để kịp thời chữa cháy vì luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy bất kỳ lúc nào. Trong mọi trường hợp, cần tránh tác động đến hộp pin của xe. Khi nhận thấy các dấu hiệu như khói, kích ứng mắt, mũi, họng cần sử dụng mặt nạ phòng độc cách ly để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Có thể dùng quạt thổi khói để phân tán, làm loãng nồng độ khí độc trong phạm vi triển khai cứu nạn, cứu hộ.
Thông thường, dây điện cao áp thường màu cam sáng và định tuyến ở giữa xe. Trước khi tiến hành cắt, lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải đánh giá, xác định chính xác đối tượng cắt không có nguy hiểm điện, tuyệt đối không cắt tại các vị trí có dây điện cao áp để đảm bảo an toàn.
Lưu ý
Sau khi kết thúc cứu nạn cứu hộ, cần thông báo cho đơn vị có năng lực để xử lý với xe điện bị sự cố. Các hoạt động cẩu, kéo hay vận chuyển phả đảm bảo tuyệt đối an toàn điện theo khuyến cáo của nhà sản xuất./.
Theo Đào Duy Thương (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)